Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Dịch chữ "vu" trong "Bảy mươi hai kế"

Hôm nay chợt xem mấy bản dịch về "Thất thập nhị kế" của Quỷ Cốc Tử Vương Hủ. Thấy các bản dịch tiếng Việt đều thêm thắt, tán hoa hoè hoa sói, vớ vẩn. Tự nhiên nghi ngờ nên phải xem lại cho kỹ. Ngay câu đầu:
静中有动, 动中有静, "变生于事, 事生谋, 谋生计, 计生议, 议生说, 说生进, 进生退, 退生制, 因以于制事" .(Tĩnh trung hữu động, động trung hữu tĩnh, "Biến sinh vu sự, sự sinh mưu, mưu sinh kế, kế sinh nghị, nghị sinh thuyết, thuyết sinh tiến, tiến sinh thối, thối sinh chế, nhân dĩ vu chế sự" )
Các bản tiếng Việt đều dịch là:
Trong tĩnh có động ,trong động có tĩnh . “Biến sinh ra sự ; Sự sinh mưu ; Mưu sinh kế ; Kế sinh nghị ; Nghị sinh thuyết ; Thuyết sinh tiến ; Tiến sinh thoái ; Thoái sinh chế, chế ngự sự việc.
Mình băn khoăn nhất là ý "biến sinh vu sự". Nếu dịch cho ngay ngắn thì phải là "biến động sinh ra ở sự việc". Trong trường hợp này sinh không phải là "sinh thành" (chủ động) mà là "được sinh ra" (bị động). Ý khác hẳn.
Có lẽ các người dịch trước đều dựa vào logic theo chuỗi "sự sinh mưu, mưu sinh kế, kế sinh nghị,..." Suy luận như thế thì sự đã sinh mưu nên không thể sinh biến được. Tuy nhiên, chữ nghĩa là chữ nghĩa không thể suy luận theo chủ quan được. Nếu vậy tại sao Quỷ Cốc Tiên Sinh lại dùng chữ "vu" ở đây.
Sau một hồi suy luận, thấy rằng còn một cách hiểu khác, hay và thâm thuý hơn nhiều nếu trung thành với bản dịch. Theo cách đọc đó, cần dịch như sau:
"Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Biến động sinh ra ở sự việc, (bởi vì) sự việc sinh ra mưu chước, mưu chước sinh ra kế sách, kế sách sinh ra luận bàn, luận bàn sinh học thuyết, học thuyết tạo thế tấn công, tấn công mở đường rút về, rút về tạo điều kiện chế ngự, người ta bèn theo đó mà chế ngự sự việc".
   Ý nói khi có một sự việc (như sự kiện Trung Quốc kéo dàn khoan vào hải phận Việt Nam) sẽ gây ra biến động, rối loạn. Vấn đề phải trong cái biến động, đừng hoảng, đừng rối, đừng bị biến động làm loạn ý, phải từng bước để chế ngự sự việc. Vì thế phải dựa trên đó có mưu chước (húc nhau), kế sách (tranh thủ liên kết Nhật Mỹ), có kế sách rồi sẽ luận bàn (về việc có nên kiện hay không), luận bàn rồi phải sinh ra học thuyết (Thoát Hoa luận), có học thuyết rồi phải tấn công (kiện, liên minh, phát triển tiềm lực thực sự), tấn công rồi phải biết phòng ngự (dẹp yên phe phái bên trong, nối lại quan hệ ngoại giao), như vậy sẽ là để chế ngự sự việc (để trong tương lai đừng có nhiều giàn khoan).
    Có lẽ cũng phải cảm ơn cái dàn khoan làm mình hiểu được chữ "vu" của Quỷ Cốc Tiên Sinh.

1 nhận xét:

  1. Hiểu chữ nghĩa nằm ở chữ "tri", từ đó mà có "tri thức", nếu ko đủ "tri thức" tất thiếu chữ "minh" để "luận", chuyện thêm thắt vớ vẩn là để bù cho cái thiếu vậy.

    Trả lờiXóa