Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Các động lực phát triển của địa chính trị thế giới và tương lai cho Việt Nam (3)

Nguyễn Ái Việt
(tiếp theo)
3. Dòng chảy văn hóa   
      Các dòng chảy tài chính và thông tin làm thay đổi cấu trúc kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho việc hình thành những hệ thống giá trị mới trên phạm vi toàn cầu. Như một phản ứng tự nhiên, sẽ có những xung đột với các hệ thống giá trị đã bắt rễ từ lâu đời. Những xung đột như thế có thể xảy ra bằng hình thức vũ trang, bạo lực. Trong tương lai người ta sẽ nhắc tới việc thực dân hóa, hay sáp nhập lãnh thổ Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, Mãn Châu của Mao như một quá trình cưỡng bách chấp nhận một hệ thống giá trị văn hoá mới, nhiều hơn là những cuộc xâm lăng và bảo vệ chủ quyền dân tộc [19]. Thật khó định vị xung đột của các quốc gia Hồi giáo với phương Tây ngày nay với tư cách là những cuộc đấu tranh giai cấp hay giải phóng dân tộc theo học thuyết Marx-Lenin của đầu thế kỷ 20. Chính vì vậy Huntington đã đề xuất học thuyết về va chạm giữa các nền văn minh như là xung đột chủ yếu của lịch sử hiện đại. Theo Huntington, xung đột của Trung Quốc với phương Tây cũng chỉ là sự va chạm tất yếu của văn minh Khổng Giáo- Á Đông với văn minh Công Giáo-Phương Tây [3]. Văn hoá có tính tự vệ rất cao, giống như trong cơ thể sống, mọi vật thể dị tính đều bị cô lập, bao vây và công kích để đánh bật ra, trước khi bắt buộc phải chấp nhận.
       Từ rất sớm, người ta đã biết lợi dụng tính tự vệ của văn hoá để làm công cụ giữ trật tự hệ thống xã hội lâu dài ổn định và đỡ tốn kém hơn nhiều so với bạo lực và bàn tay sắt. Phong kiến Trung Hoa đã nhận thấy được ưu thế trong việc sử dụng các giá trị văn hóa của Khổng Giáo trong việc giữ ổn định chính trị xã hội. Các đời hoàng đế Trung Hoa từ sau Hán Vũ Đế đã thành công hơn nhiều trong việc giữ ổn định xã hội trên một đế chế rộng lớn kéo dài hàng trăm năm so với việc sử dụng các phương tiện vũ lực, luật pháp của Tần Thủy Hoàng [20]. Các nỗ lực nhằm phá vỡ sự cân bằng của hệ thống phong kiến được bảo vệ được văn hóa Khổng Giáo dù có đạt được thành công tạm thời với chuyển giao quyền lực, cuối cùng tập đoàn thắng thế từ thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, đế chế Mông Cổ, Mãn Thanh cũng phải chấp nhận hệ thống đã có mới tồn tại được. Nói một cách khác, chính hệ thống văn hóa Khổng Giáo đã thôn tính lại các đế quốc này và thâu nhập các quốc gia xâm lược vào văn hoá Trung Hoa. Như vậy, theo một nghĩa nào đó Việt Nam chúng ta đã may mắn khi chưa từng đủ tiềm lực quân sự để xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc như các bộ tộc phương Bắc. Một ví dụ khác về việc thắng lợi trong sức mạnh quân sự và chính trị chưa chắc đảm bảo nắm được quyền lực lâu dài là xã hội Ấn Độ. Ban đầu, tầng lớp vua chúa ở Ấn Độ, chủ yếu là các kỵ sĩ người Aria, đã xâm chiếm Ấn Độ bằng vũ lực, chiếm giữ địa vị cao nhất trong chính trị xã hội. Tuy nhiên, họ đã lười biếng giao phó việc thờ cúng, giáo dục thế hệ trẻ vào tay tầng lớp tăng lữ, vốn gồm các sắc dân bản địa bị chinh phục, để sau nhiều thế hệ, tầng lớp tăng lữ bằng quyền lực văn hóa đã trở thành tầng lớp cao nhất của xã hội Ấn Độ [21]. Văn hóa cho dù là các nghi thức tôn giáo, hoạt động khoa học nghệ thuật hay những thói quen, tập quán sinh hoạt, cho dù theo định nghĩa thế nào, cho dù phục vụ lợi ích của ai, cũng đều có thể được sử dụng như một công cụ giữ ổn định cho một hệ thống giá trị, lâu dài và hiệu quả nhất.
         Ngày nay, sự xâm nhập của các dòng tài chính và thông tin đã mạnh đến mức không cần bắt đầu bằng can thiệp vũ trang. Nhưng để tránh các cuộc xung đột vũ trang tốn kém lâu dài, việc giao lưu văn hóa là cần thiết. Trái với văn minh, văn hóa không có cấp độ so sánh [22]. Trái với cảm nhận sai lầm do ngôn ngữ đời thường gây râ,  không có văn hóa này kém hay hơn so với văn hóa kia. Nền văn minh đồ sắt có mức độ phát triển cao hơn hẳn nền văn minh đồ đá, nhưng không thể so sánh về cấp độ giữa các nền văn hoá Ai Cập, Maia, Hy Lạp, Lưỡng Hà hay Trung Hoa cổ đại. Người ta thường ví văn minh là cơ thể, còn văn hóa chính là linh hồn của một dân tộc [23]. Cách nói này chính xác nhưng chưa được rõ ràng, và có thể gây ra những ngộ nhận. Nếu xem lịch sử như một hành trình tới tương lai của một dân tộc, văn minh sẽ là những cột  mốc chỉ đường, trong khi văn hóa là những giá trị hữu hình và vô hình mà dân tộc đó tích lũy được trên đường đi của mình. Để đến được ngày nay, các dân tộc đã phải trải qua nhiều con đường khác nhau, tạo nên sự khác biệt của các nền văn hóa. 
     Nhiều khi tranh luận về văn hoá bị sa vào các bẫy của ngôn từ hoặc của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Những khi đó, tư biện sẽ không đem lại ích lợi thực tiễn nào thậm chí nguy hiểm như trường hợp của chủ nghĩa quốc xã của Đức hay việc bế quan toả cảng của các dân tộc nhược tiểu cuối thể kỷ 19. Nhầm lẫn giữa các giá trị văn hóa với toàn bộ nền văn hóa thường dẫn tới những ảo giác về các giá trị văn hóa bất di bất dịch. Một nền văn hóa không bao giờ có thể bị thay thế hoàn toàn bởi một nền văn hóa khác, không có nghĩa là không có giao lưu hay những giá trị của nó không thể thay thế. Trái lại, văn hóa đang thay đổi từng ngày, có những giá trị sẽ bị đào thải, không có ngoại lệ, kể cả những tín điều tưởng chừng như thiêng liêng không thể đụng tới. Cũng như trong một quá trình ngẫu nhiên của Markov [24], trạng thái của văn hoá hiện thời của một dân tộc chứa đựng trong nó mọi thăng trầm lịch sử mà dân tộc đó đã trải qua. Không có dân tộc nào có thể thay đổi được quá khứ của mình. Chính vì thế văn hóa Việt Nam hoặc bất cứ của một dân tộc nào khác mãi mãi sẽ là những nền văn hóa riêng biệt. Nỗi lo về việc “hòa tan” của văn hoá là một ảo giác giống như lo trời sập. 
       Khi các giá trị văn hóa cản trở sự phát triển phồn thịnh của dân tộc cần chủ động loại bỏ. Đồng thời, một số giá trị văn hóa, không nhất thiết phải là ưu điểm theo cách nhìn hiện tại, có thể được phát huy để trở thành lợi thế phát triển. Trong một chiến lược lớn, những quyết định như thế, sẽ hóa giải mọi định kiến của quá khứ, mở đường cho những liên minh thông minh, dẫn tới một tương lai tốt đẹp cho dân tộc. Bài học của Hungari thời vua István thật đáng suy nghĩ cho hoàn cảnh của Việt Nam ngày nay. Trước nguy cơ bị cô lập và đẩy bật ra khỏi cộng đồng Châu Âu với tư cách là một dân tộc mạn rợ với một thứ văn hóa du mục dị biệt, vua István đã chấp nhận cải cách văn hoá, thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống của Hungari một cách sâu rộng để hội nhập vào văn hoá chung của Châu Âu. Thậm chí, việc hội nhập đó phải trả giá bằng việc phải chặt đầu người chú là Kopány, vốn là biểu tượng anh hùng một thời của văn hóa du mục [25]. George Amado, một thời cũng kêu gọi phải giết con ngựa hoang trong tâm thức dân tộc của Brasil [26]. Nước Nga của Piotr Đại Đế cũng đã phải tiếp thu các giá trị văn hóa phương Tây, dù rằng với sự cưỡng bức bằng áp chế, để trở nên cường thịnh. Nước Nhật của Minh Trị Thiên Hoàng đã phải dẹp những tự ái của võ sĩ đạo để mở cửa đón nhận các giá trị văn hóa mới, để cải cách và phát triển. Và có thể lấy rất nhiều ví dụ tiêu biểu khác để chứng tỏ rằng nền văn hóa có thể thay đổi, thậm chí phải thay đổi trong nhiều trường hợp. Trong những trường hợp cải cách văn hoá thành công, điều quan trọng nhất vẫn là đặt được văn hoá dân tộc vào dòng chảy văn hoá toàn cầu của thời đại, mượn thế của dòng chảy này để tự thay đổi.
       Các nền văn hóa Hungari, Brasil, Nga, Nhật Bản không vì thay đổi một số giá trị mà biến thành nền văn hóa khác hay bị "hòa tan". Ngược lại sau khi đào thải các giá trị cũ lạc hậu, tiếp thụ các giá trị mới tiên tiến, các nền văn hóa này còn trở nên rực rỡ hơn. Một linh hồn lành mạnh, chỉ có thể tồn tại trong một cơ thể lành mạnh chính là như thế. Nếu một dân tộc cố chấp không chấp nhận thay đổi, không có bạn bè đồng minh lâu dài, sẽ khó lòng tồn tại yên ổn để phát triển.
       Hội nhập văn hoá là một quá trình bền bỉ lâu dài, có thể là một phong trào nhưng không ưa phương pháp cách mạng ầm ĩ như ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. Một cuộc cách mạng như thế sẽ để lại những vết thương lâu dài trong xã hội.

        Dòng chảy văn hoá ngày nay bình lặng hơn nhiều, nhưng được hậu thuẫn bởi các dòng chảy tài chính và thông tin nên sẽ tạo ra những xu thế xâm thực từ từ không thế đảo ngược. Thói sống, trang phục, ẩm thực, giải trí, tín ngưỡng,.. đều như đang có một hấp lực trên phạm vi toàn cầu, tuy có những đợt sóng ngầm, xoáy nước, nhưng đều cuốn trôi có hướng. Trong chiến lược lớn của quốc gia, văn hoá đóng một vai trò vô cùng quan trọng. 
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét