Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Các động lực phát triển của địa chính trị thế giới và tương lai cho Việt Nam (2)

Nguyễn Ái Việt
3. Dòng chảy tài chính và dòng chảy thông tin
     Các chu kỳ không tự nhiên sinh ra. Đằng sau các chu kỳ bao giờ cũng có những động lực nhất định đẩy chúng vào vòng quay của chu kỳ. Đằng sau ngày, tháng, mùa màng là lực hấp dẫn của Mặt Trời đối với Trái Đất. Đằng sau các chu kỳ tuần hoàn của các nguyên tố hóa học là tương tác lượng tử của các hạt nhân và các điện tử quay quanh chúng. Đằng sau các chu kỳ kinh tế là các động lực đổi mới công nghệ, thay đổi thế hệ và các kỳ nợ. Tương tự như thế, ắt phải có những động lực thúc đẩy các quốc gia vào việc liên minh và đấu tranh với nhau.
       Trong vô số các tương quan, có thể thấy hai động lực có ảnh hưởng lớn nhất và đặc trưng cho thời đại ngày nay là dòng chảy tài chính và dòng chảy thông tin. Hai dòng chảy này được khơi thông bởi sự phát triển bùng phát của công nghệ thông tin theo định luật Moore [11]. Tuy nhiên, sẽ là đơn giản hóa vấn đề nếu nói rằng động lực của các chu kỳ lớn là công nghệ thông tin. Có thể nói công nghệ thông tin chỉ là màn dạo đầu của một kịch bản toàn cầu hóa hùng vĩ.
        Trước tiên phải nói về dòng chảy tài chính. Điểm nổi bật của thời đại ngày nay là việc huy động và rút những khối tài sản khổng lồ không phụ thuộc vào việc vận tải nguyên vật liệu thô và hàng hóa trong kinh tế chính trị truyền thống thời Carl Marx viết Tư bản luận [12]. Dòng chảy vốn đầu tư có thể làm phồn thịnh một quốc gia, một ngành công nghiệp và cũng có thể đưa quốc gia và ngành công nghiệp đó vào khủng hoảng. Điều đáng nói, là tốc độ giao dịch tài chính, đầu tư và rút vốn có thể diễn ra trong một thời gian ngắn tính bằng phút đồng hồ. Chính vì thế, tác động của các dòng tài chính hết sức mạnh mẽ, khó lường và không thể có biện pháp đối phó theo cách truyền thống, nếu không có một hệ thống chính sách phù hợp để ngăn ngừa, giảm xóc.
      Ở đây, một số người có thể nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của học thuyết âm mưu (conspiracy theory) [13], về việc có những kịch bản toàn cầu hóa về tài chính được đạo diễn có tổ chức. Cách nhìn nhận đó có thể phức tạp hóa vấn đề và không dẫn tới hành động có ích lợi thực tế nào. Trong thực tế luôn luôn đã và sẽ có những kế hoạch và hoạt động do những nhóm quyền lợi thực hiện để lợi dụng sức mạnh của dòng lưu chuyển tài chính. Tuy nhiên, ngày nay đang có quá nhiều những hoạt động như vậy. Ở trong một trạng thái hỗn loạn, mọi hành động đều có thể đem lại những tác động lớn đến độ khó có thể nói bất cứ nhóm quyền lợi nào có thể kiểm soát được hoàn toàn các quá trình đang diễn ra. Chỉ có một quy luật bất biến: vốn không bao giờ chịu đứng yên và sẽ luôn luôn chảy tới nơi nào đem lại lợi nhuận cao nhất. Thị trường chứng khoán sau khi đạt được các điểm kỷ lục bao giờ có những làn sóng thu hồi vốn để đầu tư vào các thị trường khác còn tiềm năng sinh lợi nhuận lớn hơn như thị trường bất động sản và thị trường đầu tư tài chính thứ cấp. Có lẽ nên nhìn nhận các dòng tài chính này theo khía cạnh tích cực. Dù sao, chính chúng đã cho phép biến các tri thức mới thành tư liệu sản xuất vô cùng hùng hậu. Một hướng chảy khác của dòng tài chính là hướng đến các thị trường mới xuất hiện (emerging market) tại các quốc gia có tiềm năng. Hướng chảy này trong quá khứ đã tạo ra các nền kinh tế phát triển thần kỳ tại Brasil, Hàn Quốc và một số nước ở Đông Nam Á. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận năng lực của các nhà lãnh đạo tại các quốc gia này. Chính các dòng tài chính với mục tiêu ban đầu là lợi nhuận đã được các nhà lãnh đạo thông minh biến thành cơ hội để làm phồn thịnh đất nước của họ. Mặt khác, cũng có thể nói rằng các nhà đầu tư tài chính sẽ chỉ chọn điểm đầu tư ở các quốc gia có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và quyết đoán.
     Sau khi thu được lợi nhuận, nhà đầu tư tài chính sẽ luôn có nhu cầu thu hồi lợi nhuận để đầu tư vào các thị trường khác có sức hút mạnh hơn. Người ta thường trách móc George Soros về việc ông rút vốn đầu tư tại Thái Lan, gây ra sự sụp đổ có tính domino dẫn đến khủng hoảng tài chính Á Châu [14, 15]. Trong khi đó, thực ra, Soros chỉ là người đầu tiên nhận thức ra thời điểm thích hợp để rút vốn và hành động của ông đã chỉ ra cho các nhà đầu tư khác thấy thời điểm đó đã chín muồi. Số vốn của Soros so với quy mô của nền tài chính châu Á là một con số nhỏ, nếu không phù hợp với quy luật sẽ không đủ sức lay chuyển một cỗ máy hùng mạnh như vậy. 
      Khi có khủng hoảng luôn luôn phải có một số người tìm được lợi ích. Thị trường tài chính Mỹ là nơi được hưởng lợi đầu tiên. Làn sóng rút vốn ra khỏi Á Châu kéo theo cả vốn của các nhà đầu tư Á Châu, những người đã giàu lên nhờ sự phồn thịnh của kinh tế Châu Á. Nguồn vốn này được rót vào thị trường tài chính của Mỹ, thúc đẩy nó tiếp tục đi lên. Đóng góp chính của nó, là các công nghệ mới và các lĩnh vực kinh tế mới có thêm động lực phát triển. Để rồi sau đó, dòng vốn đó sẽ tìm đường quay lại Á Châu thông qua các quỹ đầu tư, mua lại các cơ sở sản xuất đang bị đình đốn với giá rẻ mạt vào một thời điểm thích hợp nhất. Sau một chu kỳ như vậy, sẽ có những người thua thiệt và những thế lực phất lên.
       Nền kinh tế Trung Quốc cũng hưởng lợi nhờ sự đi xuống của các thế lực kinh tế châu Á, tranh thủ ồ ạt bành trướng chiếm thị trường. Một cơ hội tương tự như thế cũng đã tới với Hàn Quốc ở vài thập kỷ trước khi Brasil quyết định tiết giảm nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Nếu như Hàn Quốc dựa vào đà phát triển để phát triển công nghệ cao và tìm cách len lỏi vào ngành tài chính, để trở thành đại gia của thế giới, Trung Quốc chọn một cách đi mới tham vọng hơn nhiều và đỡ tốn thời gian công sức hơn, làm ngập lụt thị trường thế giới bởi hàng tiêu dùng giá rẻ. Cũng còn quá sớm để nói chiến lược này là đúng hay sai. Bên cạnh việc Trung Quốc tích lũy được một lượng vốn khổng lồ, khái niệm "hàng Trung Quốc" cũng đã gắn liền với hình ảnh chất lượng kém. Chưa từng có quốc gia nào trở thành thế lực kinh tế lâu dài bằng cách như thế. Trước mắt có thể nói Trung Quốc đã trải qua một chu kỳ phát triển thành công, dù đang phải đối mặt với một giai đoạn khủng hoảng trước mắt [16]. Trong tương lai gần, mọi vấn đề xã hội và kinh tế của Trung Quốc sẽ cùng bộc lộ cản trở sự phát triển tiếp tục, thậm chí đe dọa sự ổn định. Đối phó được với khủng hoảng này thành công hay không, còn phụ thuộc vào sự quyết đoán và khả năng xử lý vấn đề của tập đoàn lãnh đạo hiện thời. Chu kỳ tạm coi là thành công vừa qua có được chính là nhờ Trung Quốc trở thành được điểm đến có sức hút mạnh đối với dòng tài chính toàn cầu.
      Như vậy, dòng tài chính đang thay đổi diện mạo của thế giới, các tương quan lực lượng, có thể tạo ra các nền kinh tế phồn thịnh và cũng có thể đưa các nền kinh tế khác vào khủng hoảng kéo dài. Một số quốc gia có một chiến lược lớn lành mạnh, đều có thể thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng, hồi phục và đi lên. Nếu như dòng tài chính có tác động nhanh, mạnh mẽ, tạo những chuyển biến bất ngờ, dòng thông tin, tuy tác động chậm hơn, nhưng có tác động mạnh mẽ, sâu rộng, nhiều khi không thể đảo ngược.
       Dòng thông tin thường đi song song với dòng tài chính. Chưa bao giờ dòng thông tin dữ liệu trên thế giới lại có một sự bùng nổ tăng trưởng về quy mô như vậy. Tin tức ngày nay đến được tới mọi người qua đường Internet, quảng cáo, truyền thông đa phương tiện, trên mỗi mặt hàng tiêu dùng với tốc độ và khối lượng chưa từng có. Tuy nhiên, đó mới là phần bề nổi chiếm một phần rất nhỏ trong lưu lượng thông tin toàn cầu. Các thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội cũng đang từng ngày từng giờ góp phần thay đổi xã hội. Cần phải nhận thức được sức mạnh ghê gớm của thông tin và phải có một chính sách đối phó như đang có một cuộc chiến tranh thực sự xảy ra ở đây.
         Trước hết, cần nhớ rằng hầu như mọi hệ thống phức hợp đều đi vào khủng hoảng và sụp đổ là vì không có khả năng xử lý kịp thông tin. Từ đế chế La Mã đến Liên Xô và khối Đông Âu, từ cơ thể con người đến các nền kinh tế đều già nua, suy thoái và tiến tới sụp đổ vì không có khả năng xử lý thông tin đáp ứng được yêu cầu tự điều chỉnh để phát triển.
      Trong các hệ thống này đều có một mẫu hình chung là việc không xử lý kịp thông tin sẽ tạo thành sự thối rữa của hệ thống. Quá trình thối rữa này diễn ra như sau: khi hệ thống không thể xử lý thông tin theo thiết kế tổng thể của hệ thống, việc xử lý thông tin sẽ mang tính đối phó, cục bộ và dẫn đến sự hình thành của các thế lực cát cứ theo chuẩn mực riêng, phá vỡ trật tự và nguyên tắc tổng thể của hệ thống. Đó chính là các mầm hoại tử, nếu không sớm kiểm soát được sẽ lan rộng gây ra sụp đổ liên hoàn. Đế chế La Mã sụp đổ không phải do sự tấn công của thế lực bên ngoài, cũng không phải do thiếu lương thực hay thiên tai, bệnh dịch. Đế chế đã phình ra quá lớn so với năng lực quản lý của nhà nước La Mã. Cho dù đế chế đã từ bỏ nền cộng hòa tập trung quyền lực vào tay hoàng đế, hay có những nỗ lực cải cách như dưới hoàng đế Diocletian, quyền lực dần dần rơi vào tay các thế lực địa phương [17]. Các địa phương này dần dần tách rời trung ương, có các chính sách riêng, đế chế dần dần không thu được thuế, không thể duy trì được quân đội lớn, trở nên suy yếu.
     Tình hình này cũng đã xảy ra với các triều đại ở Á Đông, khi bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, vượt quá khả năng xử lý thông tin của chính quyền trung ương, sẽ hình thành các thế lực địa phương, chẳng hạn như cuối đời Đông Hán. Sự cố xảy ra ở Đông Âu và Liên Xô cũ có tính quy luật không thể cứu vãn, khi bộ máy trở nên quan liêu và các cải cách của Andropov tỏ ra quá muộn màng. Trong khi đó, đã có một luồng thông tin cực lớn đến từ phương Tây không được xử lý kịp thời do năng lực công nghệ và cả do nhận thức của bộ máy lãnh đạo không còn đáp ứng được yêu cầu thực tế, để có thể định hình được cách ứng xử phù hợp. Chiến tranh lạnh kết thúc không phải bằng quân sự, kinh tế mà chủ yếu bằng vũ khí thông tin. Điều này tương tự như một trận đấu võ mà đối thủ trên cơ đã tung ra hàng loạt động tác giả, tạo ra một luồng thông tin lớn áp chế làm đối thủ yếu hơn tê liệt không thể có hành động đối phó.
      Cơ chế già cỗi của cơ thể sống cũng bắt đầu bằng việc rối loạn thông tin di truyền vì cơ thể tích tụ ngày càng nhiều các phần tử gốc tự do ô xy hóa. Các phần tử này làm rối loạn thông tin di truyền trong quá trình  sinh ra và sắp xếp các tế bào mới. Các tế bào này do nhận thông tin sai lạc không tuân thủ theo mã di truyền, dần sinh ra bệnh tật. Các khối ung thư, hoại tử thực chất là sự "sáng tạo ra chính sách địa phương" phá vỡ thiết kế tổng thể của tạo hóa. Sự sụp đổ của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và ở trên thế giới cũng đều có nguyên nhân chung là sự quan liêu hóa quy trình xử lý thông tin ra quyết định, bất kể là do sự thoái hóa của một vài cá nhân hay của cả hệ thống, dẫn tới việc không nhận thức được thay đổi của thế giới xung quanh, các hiểm họa và cơ hội mới. 
       Chiến tranh thông tin ngày nay là sự cạnh tranh về năng lực xử lý thông tin và tạo một luồng thông tin lớn có áp lực vượt quá năng lực xử lý của đối phương. Ở một tầng thấp hơn, các tin tặc cũng sử dụng ý tưởng tương tự trong các đợt tấn công từ chối dịch vụ để đánh sập các hệ thống thông tin [18]. Chính vì vậy, nâng cao năng lực xử lý thông tin là vấn đề thiết yếu đối với an ninh quốc gia.
       Một trong những cách hành xử sai lầm thường dẫn tới diệt vong là việc cô lập hệ thống ra khỏi nguồn thông tin. Điều đó cũng tương tự như việc bế quan tỏa cảng, tự cách ly mình với văn minh phương Tây dẫn tới mất nước của các quốc gia phong kiến Á Đông. Thay vào đó cần phải dũng cảm đối diện để giải quyết vấn đề này. Dù nguyên nhân từ đâu, theo kịch bản nào, có ai đứng đằng sau, với âm mưu gì, dòng chảy thông tin cũng đang là quy luật của thời đại. Thông tin ngày nay len lỏi bằng mọi cách, đang tràn vào mọi quốc gia, mọi gia đình và mọi cá thể. Vấn đề là phải xử lý để biến thông tin thành tri thức, thế mạnh để phục vụ cho việc canh tân đưa quốc gia tới phồn thịnh.
       Chính hai dòng chảy tài chính và thông tin đang là động lực chính chi phối mọi tương quan địa chính trị trên thế giới và đẩy thế giới vào các chu kỳ lớn, thông qua các chu kỳ nhỏ ngày một gia tăng về cường độ. Có thể xem đây là một cuộc chiến tranh thực sự đối với an ninh quốc gia. Quốc gia suy vong hay cường thịnh là ở việc xây dựng thành công năng lực đối phó với hai dòng chảy này. Tuy nhiên, nên nhìn nhận vấn đề với một thái độ thực tế hơn. Nếu hai dòng thông tin là quy luật không thể loại bỏ, cần phải tìm cách để biến chúng thành các cơ hội phát triển. Đó chính là nội dung của hầu như tất cả các Chiến lược lớn trên thế giới ngày nay.
       Trước khi xem xét các kịch bản có ảnh hưởng đến tương lai của Việt Nam, chúng ta cần phân tích một yếu tố quan trọng nữa là văn hóa. Các đặc trưng văn hóa mới tuy được hình thành và thay đổi dưới ảnh hưởng của các dòng chảy tài chính và thông tin, nhưng sẽ tác động lâu dài trở lại các tương quan nói trên. Nói một cách khác, tác động của các dòng chảy tài chính và thông tin là tức thời và được lắng đọng tích tụ trong các giá trị văn hóa, để có những tác động lâu dài đối với diễn biến tương lai của thế giới. Bức tranh thế giới ngày nay chính là tổng hòa của ba khối màu chủ đạo này. (Còn nữa)

[11] Định luật Moore (Moore's law) dựa trên quan sát trong một thời gian dài sự tăng trưởng về năng lực xử lý thông tin của các thiết bị phần cứng sẽ tăng gấp đôi với giá thành còn một nửa sau 18 tháng. Tham khảo N. Myhrvold  "Moore's Law Corollary: Pixel Power"New York Times (7 June 2006).
[12] Karl Marx, Capital:Critique of Political Economy (1867); (bản dịch tiếng Việt) Tư bản luận, Nhà xuất bản Tiến bộ (1964).
[13] C.Hodapp and A.V.Kannon, Conspiracy Theories & Secret Societies For Dummies, John Wiley & Sons (2008)
[14] P.Krugman, Balance Sheets, the Transfer Problem, and Financial Crises, International Tax and Public Finance, 6, 459–472 (1999)
[15]M. Goldstein, The Asian Financial Crisis: Causes, Cures, and Systemic Implications, Institute for International Economics (1998)
[16] F.L.Lavin, Four Issues Facing China, Lecture 1225, The Heritage Foundation (2013)
[17]The Cambridge Ancient History, Volume XII: The Crisis of Empire
[18] E.Zuckerman, H.Roberts, R.McGrady, J. York and J. Palfrey, "Distributed Denial of Service Attacks Against Independent Media and Human Rights Sites", The Berkman Center for Internet & Society at Harvard University (2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét