Hôm nay là ngày giữa tuần, đang làm việc. Lý ra thì không có thời gian nhàn phiếm. Nhưng thấy quan chức và báo chí "nói nhịu" mỗi lúc một nhiều, phải bỏ thời gian ăn sáng có chút ý kiến.
Bài báo Đọc ở đây đưa tin về việc bổ nhiệm một số quan chức mới của Nhà Xuất bản Giáo Dục. Phần kết có đoạn viết: "Chủ trương của Chính phủ cũng hướng tới xã hội hóa công tác biên soạn SGK; Điều đó có nghĩa là trong xã hội sẽ có nhiều nhóm biên soạn SGK; Trong đó NXBGDVN sẽ đóng vai trò hạt nhân của hoạt động này. Do vậy, NXBGDVN sẽ có thêm vai trò giúp Bộ quản lý, thẩm định các bộ sách SGK."
Thật là mừng về chủ trương mới này của Chính phủ. Đáng lẽ điều này phải làm từ cách đây mấy chục năm. Không phải vì Chính phủ chưa biết việc này. Bao nhiêu người đã góp ý việc này từ rất lâu. Trên thế giới người ta cũng đã làm việc này từ lâu. Vì vậy, mừng không phải là "được mừng" vì Chính phủ ta sáng suốt. Mừng là mừng cho dân, cuối cùng kêu ca mấy chục năm cũng có chút ít kết quả. Tại sao một vấn đề giản đơn thế này mà công luận báo chí bàn rất ít, Chính phủ thì không muốn nghe?
Nhà Xuất bản Giáo dục độc quyền về sách giáo khoa, cố nhiên là kiếm tiền rất dễ dàng, không phải cố gắng cải tiến chất lượng, cạnh tranh. Làm sách đã có dự án khổng lồ của Bộ trả tiền, họ chỉ in, tái bản, thị trường hàng năm lớn như vậy. Họ muốn tiếp tục độc quyền, cũng dễ hiểu. Nếu độc quyền có thể đảm bảo chất lượng tốt, giảm giá sách mà người dân đang phải è cổ ra chịu, luôn luôn có cải tiến, thì nó cũng đi một nhẽ. Nếu không làm được điều đó, và cũng đã cho ông cơ hội thử mấy chục năm rồi, xin để cho xã hội cùng làm.
Có một số người nói xã hội ta là xã hội chủ nghĩa, phải quản chặt những dịch vụ công cộng như y tế, văn hóa, giáo dục không thể chạy theo kinh tế thị trường. Xin thưa, nguyên lý, chí ít là trong sách vở kinh điển, xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là "quản chặt" hay không phát triển theo định hướng "kinh tế". Xã hội chủ nghĩa chỉ có ý nghĩa, và thực tế đã được xây dựng bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ, vì nó hướng tới một xã hội công bằng và phục vụ quyền lợi của người dân tốt hơn.
Ở Mỹ, nơi xã hội được xây dựng theo nguyên lý của chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường, trẻ em không phải mua sách giáo khoa. Mỗi khi vào năm học, các em đều được mượn sách từ thư viện của nhà trường. Sách in đẹp, bền, có thể dùng hàng chục năm, chất lượng rất tốt, ổn định. Gia đình sẽ phải đền, nếu sách bị làm mất hoặc hư hại đáng kể.
Có thể có người nói "Mỹ giàu hơn ta, nên họ làm được". Đúng là Mỹ giàu hơn ta, nhưng chúng ta không làm tốt hơn có phải thực là vì nghèo hay không hay vì không quan tâm làm. Ở đây, trước hết hãy nói đến sự quan tâm tới quyền lợi của học sinh. Dù nghèo, việc quan tâm tới quyền lợi của người dân vẫn phải luôn luôn được chú trọng trong xã hội ta. Tôi muốn thấy ít nhất có một vài nỗ lực thực tế và thường xuyên thể hiện sự quan tâm đó.
Trở lại vấn đề xã hội ta có thực chưa làm được như Mỹ vì nghèo hay không. Nếu chúng ta tính ở mức hiện nay, mỗi người đi học phải trả một năm từ $25-50 cho sách giáo khoa. Với 20 triệu người đi học, mỗi năm sẽ có một thị trường khoảng 500 triệu tới 1 tỷ đô la. Trong 10 năm, sẽ có 5-10 tỷ đô la biến thành rác thải hàng năm. Với 5 tỷ đô la chúng ta có thể là dư dả cho những gì nước Mỹ đang làm.
Lý do làm được sách giáo khoa tốt, rẻ, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, ý thức hệ, mà phụ thuộc vào cách làm, và đáng buồn hơn là phụ thuộc vào ý muốn làm việc tốt cho học sinh, người dân, xã hội của một số người.
Nếu sách giáo khoa được xã hội hóa, điều đó có nghĩa là mọi tri thức tinh hoa nhất của xã hội đều được huy động, sẽ không bị bó hẹp vào những hội đồng không có cách nào thay đổi cách làm cách nghĩ như hiện nay vì đã bị đóng khuôn vào những chức danh, danh hiệu, bằng cấp. Sẽ không có một dự án soạn sách giáo khoa 35 nghìn tỷ nào cả. Các trí thức có năng lực, có tầm nhìn, nhiệt huyết sẽ hết lòng đóng góp vào việc đó.
Nếu việc in, xuất bản, phân phối quản lý sách giáo khoa được xã hội hóa sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân. Các chi phí đó có thể được đầu tư vào các sách tham khảo và các sách vở khác, tạo một thói quen học và dạy mới khác cách nhồi sọ như hiện nay. Hơn nữa, ngày nay, công nghệ thông tin đã phát triển sẽ tiếp tục làm cho sách giáo khoa sống động hơn nữa, có nhiều tương tác đa phương tiện, giá thành, giá quản lý, phân phối, cập nhật rẻ xuống rất nhiều. Hàng ngày, các em học sinh sẽ không phải gù lưng vẹo cột sống thồ sách đến trường. Trong cặp các em luôn sẽ có cả một thư viện sách để tham khảo, trong một thiết bị máy tính bảng, để học với thói quen sáng tạo vừa tiếp cận với công nghệ cao.
Liệu có khó khăn gì về việc kiểm tra chất lượng sách giáo khoa khi xã hội hóa? Nếu làm theo đoạn trích ở trên "NXBGDVN sẽ giúp Bộ quản lý, thẩm định chất lượng các bộ SGK", quả thật sẽ không có bước tiến nào đáng kể. Đó vẫn là tư duy cũ, thay đổi chỉ là miễn cưỡng đối phó với sức ép của xã hội chứ chưa thực lòng muốn thay đổi, chưa bỏ thời gian nghĩ đến kế hoạch thay đổi thế nào.
Thứ nhất, có một nguyên tắc mà loài người phát hiện ra từ thời còn ở trong rừng nguyên thủy:Nếu có một miếng ăn phải chia, thì người chia không phải là người được chọn. Nguyên tắc này được phổ biến khắp nơi trong các nền kinh tế văn minh. Nếu NXBGDVN muốn giúp Bộ quản lý, thẩm định chất lượng SGK, xin hãy trở thành một Vụ hoặc Cục chuyên môn, không làm công tác xuất bản sách giáo khoa nữa, để tránh xung đột lợi ích.
Xin bình luận thêm về một kết luận có trong bài báo NXBGDVN vẫn sẽ là "đàn anh" của các nhà xuất bản trong nước. Nghe khẩu khí có vẻ chưa muốn từ bỏ vai trò độc quyền, làm "đàn anh" có siêu lợi nhuận. Nếu vậy, thì cái gọi là đám mây, dịch vụ SDK điện tử cũng chỉ là tiêu tiền dự án ngân sách khổng lồ và công cốc mà thôi.
Cuối cùng, phản bác đã nhiều, nếu không có phương án nào thay thế cụ thể, thức giả có thể lại nghĩ rằng người viết cũng là một loại sĩ phu Bắc Hà, vào cuộc họp thì ngậm miệng thin thít, ra ngoài thì đàm tiếu chê bai phản biện mà không có một đề xuất thiết thực nào. Thực ra, cũng không phải sáng tạo gì cho lắm, lạc hậu như tôi đây cũng có thể nghĩ được dăm ba kế quèn, ít ra cũng hơn cách làm hiện tại. Kế sách hiển nhiên nhất chẳng phải đâu xa, cứ xem trên thế giới có những cách làm thế nào.
Trước hết, trên thế giới hiện nay, có một xu thế gọi là học liệu mở, với giấy phép Creative Common. Giấy phép này cho phép sách vở được tự do sử dụng lại để làm ra các sách vở khác với điều kiện trích nguồn. Các sách giáo khoa do NXBGDVN làm ra đều là dùng thuế của dân, và là tài sản của xã hội. Đề nghị có ngay một đạo luật tuyên bố, mọi sách giáo khoa hiện tại và quá khứ của NXBGDVN đều có giấy phép Creative Common, mọi cá nhân tổ chức doanh nghiệp đều có quyền sử dụng để làm ra các sách giáo khoa mới. Vẫn tiếp tục cấp tiền cho NXBGDVN để làm SGK mở với giấy phép Creative Common. Bộ GDĐT có chức năng thường xuyên thẩm định và công bố danh sách các sách giáo khoa được công nhận đạt chuẩn bằng một quy trình minh bạch. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền làm sách giáo khoa. Các thầy có quyền lựa chọn sách giáo khoa và sách tham khảo, cho mỗi năm học sau khi đăng ký với nhà trường, Bộ (?) và công bố minh bạch. Các doanh nghiệp được khuyến khích đưa sách giáo khoa lên mạng, xây dựng các hình thức sách tương tác, đa phương tiện.
Đơn giản, không khó, không cần chuẩn bị các dự án tiêu tiền ngân sách khổng lồ. Kết quả sẽ vô cùng mạnh mẽ. Đáng nói là như vậy, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia phát triển bình thường, suy nghĩ một cách bình thường như mọi quốc gia trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét