Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Hội chứng ký ức giả tạo của Trung quốc

Cả một dân tộc đã bị giáo dục sai lầm rằng người Trung quốc đã phát hiện và đặt tên cho các đảo của Biển Nam Trung Hoa.
Bill Hayton / 10 Tháng Bảy, 2014    Người dịch: Lệnh Lỗi Dương


“Chìa khóa đến tương lai hòa bình ở Châu Á nằm ở việc xem lại quá khứ một cách trung thực và có tính phê phán.”
Biển Nam Trung Hoa là nơi những tham vọng của Trung Quốc gặp phải lo ngại của toàn thể Châu Á và sức mạnh của Mỹ. Trên lãnh hải của mình Trung Quốc đã vứt bỏ trò vờ vĩnh về “sự vùng lên hòa bình” để theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm. Những con tàu tuần bờ biển của Trung Quốc được vũ trang đã đâm húc vào các đối thủ Việt Nam, phong tỏa các điểm tiền tiêu của Philippine, ngăn cảnh các cuộc khảo sát về dầu khí của Malaysia và đe dọa các tàu của Indonesia đang bảo vệ ngành đánh cá của nước này.  Để đáp lại, tất các nước này đang mua nhiều vũ khí hơn và cải thiện các quan hệ quân sự với các chính phủ khác đang lo ngại về sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc— trước hết là Mỹ và còn có cả Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.
Căn nguyên của khó khăn này là việc Bắc Kinh đưa ra “yêu sách lịch sử không thể tranh cãi” của mình tới 80 phần trăm của Biển Nam Trung Hoa: suốt từ cảng Hồng Kông đến tận gần bờ biển Borneo, cách xa tới 1500km. Vấn đề với cái yêu sách này là không có bằng chứng tin cậy nào ủng hộ cho nó.  Và cái hư cấu lịch sử này sẽ đe dọa hòa bình và an ninh Á Châu và sẽ trở thành sàn đấu cho cuộc tranh đấu giữa Trung Quốc và Mỹ với các hệ quả mang tính toàn cầu. Dường như khó mà tin được việc đối đầu tiềm tàng một cơn chấn động toàn cầu, về căn nguyên, lại là việc tranh giành những vệt đất hầu như hoàn toàn không có người ở.
Có hai tập hợp “các đảo” chính ở Biển Nam Trung Hoa. (Chỉ có rất ít đảo thực, đa số chỉ là các bãi san hô, dải cát hay đá). Ở phía bắc, quần đảo Paracel đang bị tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Về phía Nam, quần đảo Spratly rộng lớn hơn rất nhiều đang bị Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippine đòi hỏi chủ quyền. Hầu hết những địa điểm cách biệt này đều mang tên tiếng Anh,  thường được đặt bởi các tàu và thủy thủ đoàn đã vẽ chúng trên bản đồ. Richard Spratly là một thuyền trưởng săn cá voi đã xác định vị trí hòn đảo mang tên ông vào năm 1843, Chiến hạm hoàng gia Iroquois đã đặt tên cho bãi san hô Iroquois trong công tác khảo sát vào năm 1920, và vân vân.
Khi một ủy ban chính phủ của Trung Quốc lần đầu đặt tên tiếng Trung Quốc cho các hòn đảo này vào năm 1935 họ chỉ làm mỗi một việc là dịch hoặc phiên âm các tên Anh đã có. Ở quần đảo Paracels, ví dụ,  bãi san hô Antelope trở thành Linh Dương (từ tiếng Trung quốc của antelope) và ở quần đảo Spratlys, bãi san hộ North Danger trở thành Bắc Hiểm (tiếng Trung Quốc cho “mối nguy hiểm phương bắc”),  đảo Spratly trở thành Si-ba-la-tuo (phiên âm tiếng Trung Quốc của tên tiếng Anh).  Ủy ban Trung Quốc đã đơn giản sao chép các bản đồ của Anh, và kể cả các lỗi. Các tên đó sau này được sửa chữa hai lần. Bãi ngầm Scarborough, được mang tên một con tàu Anh vào năm 1748, ban đầu được phiên âm là Si ge ba luo vào năm 1935, được gọi là bãi san hô Dân Chủ bởi Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1947 và sau này được đặt một cái tên bớt nhạy cảm chính trị là Hoàng Nham (Đá vàng) bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1983.
“Chưa hề có bằng chứng khảo cổ nào được tìm thấy về việc có bất cứ con tàu Trung quốc nào đã đi qua vùng biển này trước thế kỷ 10”
Ngày nay, có vẻ như các nhà chức trách Trung Quốc hoàn toàn không biết gì về điều này. Lý lẽ bảo vệ chính thức được chuẩn hóa về chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung  Quốc trên Biển Nam Trung Hoa bắt đầu  với cụm từ, “người Trung Quốc là người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho quần đảo  Nam Sa.” Trong thực tế, “người Trung Quốc” đã sao chép các tên từ người Anh. Thậm chí từ “Nam Sa” (có nghĩa “cát phía nam”) đã di chuyển lòng vòng trong các bản đồ Trung Quốc. Vào năm 1935 tên này được dùng để mô tả vùng biển nước nông gọi bằng tiếng Anh là “Bờ Macclesfield” (vâng, cũng lại mang tên một con tàu Anh khác). Vào năm 1947 cái tên Nam Sa đã bị di chuyển về phía Nam trên các bản đồ Trung Quốc để chỉ quần đảo Spratly.

Việc khảo sát đầy đủ mỗi chứng cớ mà phía Trung Quốc đưa ra có thể cần rất nhiều trang giấy, nhưng đã đủ để nói rằng không hề có chứng cứ nào đã được tìm thấy về việc có bất cứ con tàu Trung Quốc nào đã đi qua vùng biển này trước thế kỷ 10. Cho đến lúc đó mọi việc giao thương và thám hiểm đều được thực hiện bởi các con tàu Malay, Ấn Độ và Ả Rập. Chúng có thể, thỉnh thoảng, đã mang theo hành khách Trung Quốc. Những chuyến đi được bàn đến rất nhiều về các “đô đốc thái giám” Trung Quốc bao gồm cả Trịnh Hòa, chỉ kéo dài tổng cộng khoảng 30 năm, cho đến những năm 1430. Sau đó, mặc dù các thương nhân và các ngư đoàn đã đi lại khá nhộn nhịp trên những vùng biển này, quốc gia Trung Hoa không bao giờ lai vãng đến vùng nước sâu này lần nữa cho đến khi chính phủ dân quốc được Mỹ và Anh tặng các tàu vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Lần đầu tiên có bất cứ quan chức chính phủ Trung Quốc nào đặt chân lên bất cứ đảo nào trong quần đảo Spratly là vào 12 Tháng Mười Hai năm 1946, vào lúc mà các đế quốc Anh và Pháp đã đưa ra các tuyên ngôn vể chủ quyền trên vùng biển này. Một phái đoàn cấp tỉnh của Trung Quốc đã đến được quần đảo Paracels vài thập kỷ trước đó, vào mùng 6 Tháng Sáu năm 1909, hình như thực hiện một chuyến dã ngoại trong một ngày, được dẫn đường bởi các thuyền trưởng người Đức mượn từ hãng buôn Carlowitz. Những đụng độ ở tầm quốc tế đang dựa trên các tuyên bố yếu ớt như vậy.
Bức tranh lịch sử này được hình thành từ các nghiên cứu độc lập tốt nhất. Nhưng nếu nói điều này với bất cứ người Trung Quốc nào, họ sẽ phản ứng với sự ngờ vực. Từ phòng học tới các pháp đình ngoại giao một ký ức chính thức về chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này đã trở thành một sự thực được xác lập. Làm thế nào một cảm xúc dân tộc về chủ quyền đối với Biển Nam Trung Hoa phát triển mạnh mẽ từ những nền tảng quặt quẹo thế này?
Câu chuyện có thể bắt đầu từ Chiến tranh Nha phiến lần đầu vào năm 1840 và cái mà người Trung Quốc bây giờ gọi là “thế kỷ nhục nhã của dân tộc”  tiếp theo đó. Trung Quốc rõ ràng đã phải rên xiết đau thương dưới bàn tay của các đế quốc phương Tây và Nhật: hàng ngàn người bị giết, các thành phố bị biến thành thuộc địa và chính phủ trở thành con nợ của các ngân hàng quốc tế.
Nhà địa lý William Callahan và những người khác đã vạch rõ bằng cách nào, như là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống áp bức của ngoại bang, những người quốc dân đảng và cộng sản đã vun đắp cho một cảm giác bị vi phạm lãnh thổ để vận động nhân dân. Từ những năm 1900 trở đi, các nhà địa lý Trung Quốc như Bạch Mi Sơ, một trong những người sáng lập ra Hội Địa lý Trung Quốc, đã bắt đầu vẽ những bản đồ để cho dân chúng thấy có bao nhiêu lãnh thổ bị xé khỏi Trung Quốc bởi bọn đế quốc.
“Những bản đồ quốc sỉ” này đã giả định rằng lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc bao gồm mọi chư hầu đã từng cống nạp cho hoàng đế Trung Hoa. Chúng bao gồm bán đảo Triều Tiên, phần lớn nước Nga, Trung Á, Himalayas và nhiều phần của Đông Nam Á. Các đường đã được vẽ ra trên các bản đồ này để làm tương phản các vùng rộng lớn của các đế chế trước đây với tình trạng bị thu hẹp của đất nước. Kết quả tất yếu là, sau khi ủy ban hữu quan của Trung Quốc đã đặt tên mới cho các quần đảo ở Biển Nam Trung Hoa vào năm 1935, một trong những đường này được vẽ ra vòng quanh vùng biển này. Đây chính là cái mà bây giờ được gọi là đường “ hình chữ U” hoặc “9-đoạn” thâu tóm  80 phần trăm của vùng biển này và tất cả các quần đảo trong đó. Một sự cố về công tác bản đồ, dựa trên việc đọc sai lịch sử Đông Nam Á, chính là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hiện nay của Trung Quốc.
Trung Quốc rõ ràng đã bị cưỡng đoạt dưới tay của người ngoại quốc áp bức nhưng trạng thái hiện tại xuất hiện từ đống đổ nát của nhà Thanh và các cuộc nội chiến sau đó đã tìm được sự an ủi ở các ký ức giả tạo có rất ít quan hệ với những gì đã xảy ra trong thực tế. Như bất cứ khách tham quan nào đến triển lãm “Con đường sống sót” mới đây ở Bảo tàng Dân Tộc Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn nào đều có thể nhận thấy, hội chứng ký ức giả này là một thành phần quan trọng trong huyền thoại của Đảng Cộng Sản để hợp pháp hóa vị thế:  chính Đảng đã cứu đất nước khỏi nỗi ô nhục.
Các học viện và ủy ban chính phủ quốc dân đảng trong nửa đầu thế kỷ 20 đã di chúc lại cho Đảng Cộng sản một “lịch sử chính thức” rõ ràng là bịa đặt. Chính điều này, chứ không phải nguy cơ của bọn côn đồ dân tộc chủ nghĩa trên đường phố đã làm cho các tranh chấp về Biển Nam Trung Hoa trở nên căng thẳng và nguy hiểm. Nhưng chấp nhận điều sai này có thể sẽ xóa bỏ một hòn đá tảng về vị thế của Đảng trong thượng tầng của xã hội Trung Quốc.
Không may, không có lựa chọn nào khác để tiếp tục tranh đoạt ở Biển Nam Trung Hoa. Chẳng có bên nào muốn khiêu khích để bùng nổ xung đột nhưng không ai muốn giảm sức ép bằng cách giảm đi các yêu sách về lãnh thổ. Một số quan chức Trung Quốc về phương diện cá nhân cũng nhận ra sự vô nghĩa về mặt pháp lý của việc duy trì yêu sách về “đường chữ U”. Nhưng cũng các quan chức đó nói rằng họ không thể điều chỉnh yêu sách này vì các nguyên nhân chính trị—do các phê phán trong nước sẽ vô cùng ghê gớm. Làm thế nào để sau đó có thể thuyết phục nhân dân Trung Quốc chấp nhận quan điểm khác về lịch sử của Biển Nam Trung Hoa?
Có lẽ một câu trả lời nằm ở phía Đài Loan. Cơ hội cho một cuộc tranh luận tự do hơn về lịch sử Trung Quốc là lớn hơn nhiều ở Đài Loan so với trong lục địa
Đã có một số học giả “lạc loài” đã suy nghĩ lại về các khía cạnh về lịch sử của thế kỷ 20. Đài Loan cũng là nơi có các lưu trữ của Trung Hoa Dân quốc, chính phủ đầu tiên đã vẽ là “đường chữ U”. Một cuộc khảo sát cởi mở và cần thận về quá trình lộn xộn mà cái đường này được vẽ ra có thể thuyết phục được những người tạo ra công luận sẽ xem xét lại một huyền thoại quốc dân đảng mà họ đã tuyên bố là chân lý kinh thánh.
Có lẽ lý lẽ mạnh nhất cho việc bắt đầu ở Đài Loan là các quan chức ở Bắc Kinh đang sợ rằng nếu họ có chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào đều sẽ bị phê phán ầm ĩ ở Đài Bắc. Nếu các quan chức này xuống thang với các xung đột lịch sử địa lý ở Biển Nam Trung Hoa, sẽ dễ dàng hơn cho chính quyền Bắc Kinh làm việc giống như vậy. Chìa khóa của tương lai hòa bình ở Á Châu nằm ở việc xem xét lại quá khứ một cách trung thực và có tính phê phán.

1 nhận xét:

  1. Không có gì nguy hiểm hơn cho hòa bình của châu Á bằng sự điên cuồng vì tham vọng của TQ. Vấn đề sẽ càng trầm trọng hơn khi TQ phải đương đầu với toàn thể châu Á và Mỹ.

    Trả lờiXóa