Mục Luận Tam Quốc tuần này nói về vấn đề đào tạo lãnh đạo trẻ. Về phương diện quốc gia dân tộc, lãnh đạo trẻ cần được sớm quy hoạch, đảm bảo tính liên tục trong chính sách. Thực ra, tới đích thường có rất nhiều đường đi. Nhưng hôm lắc sang phải hôm sang trái như trên một tuyến đường xóc đầy ổ voi ổ trâu, làm mệt mỏi sức dân vô ích. Mặt khác, bị đào luyện trong một môi trường "mẹo chọi gà, mưu cờ bạc", nhân tài trẻ có giỏi mấy cũng bị cùn đi, chí lớn hoài bão lớn bị thiêu tàn lục trong những cuộc tranh hơn vô ích. Rồi thì lòng hướng thiện, mong làm việc tốt rồi cũng sẽ bị biến dạng. Về mặt quyền lợi của nhóm cầm quyền, người thừa kế trẻ là đảm bảo cho việc hạ cánh an toàn, quyền lợi của tập đoàn được kéo dài.
Lưu Bị tìm đến Gia Cát Lượng tại Long Trung là muốn tìm người lãnh đạo trẻ cho tập đoàn của mình. Vào giai đoạn này, đối với tập đoàn Lưu Bị, đánh trận, cướp đất, tài quân sự có tầm quan trọng hàng đầu đến mức sống còn. Trái với mô tả của La Quán Trung, Gia Cát Lượng không phải là một tài năng quân sự, khả năng cầm quân đánh trận rất khiêm tốn. Ngay cả sau này ông có toàn quyền trong tay, là chủ soái của toàn thể quân đội, nhưng cầm quân bảy lần ra Kỳ Sơn không có một tấc công lao, làm suy yếu quốc lực. Ưu điểm của Gia Cát Lượng là trẻ và có tầm nhìn chiến lược, có tư duy phù hợp với thời kỳ sau. Chính vì vậy, các chiến dịch giữ Giang Lăng, cướp Kinh Châu, bình định Ích Châu, thôn tính Hán Trung, đều phải do những người khác chủ trì. Gia Cát Lượng, tiếp tục sự nghiệp của Tiên Chủ, cũng chú ý đào tạo lớp trẻ, sau khi đặt kỳ vọng sai lầm vào Mã Tốc lại đặt kỳ vọng vào Khương Duy. Khương Duy là một người giàu quyết tâm, biết biến báo, nhiều tài vặt, nhưng không có chủ thuyết, không có sáng kiến ở tầm chiến lược như Ngụy Diên. Sau khi thay thế Gia Cát Lượng cũng chỉ biết hùng hục tiến ra Kỳ Sơn, lo múa giáo đánh trận như một anh võ biền. Công tích lớn nhất là giết được Quách Hoài cũng là do La Quán Trung bịa ra. Kết cục kéo quân ra Kiếm Các, mắc mưu Đặng Ngải, không lo phòng bị để mất Thành Đô. Trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất trong quân đội, tội đáng chết không thể tha. Sau đó, lại bày đặt mưu trá hàng, mưu kế phiêu lưu, để đến thân bị giết cũng là đáng. Điều đáng nói, khi đó Thục hoàn toàn không có nhân tài trẻ. Khương Duy, cũng nâng đỡ được hai người là Tưởng Thư và Phó Thiêm, thì một tên hèn đớn, một tên hữu dũng vô mưu đâm đầu vào tên đạn để chết uổng, làm mất cửa ải.
Tôn Quyền, cũng tìm kiếm người tài, nhưng vất vả hơn nhiều. Khi đầu đặt kỳ vọng vào Lục Tốn, nhưng anh này chỉ có tài quân sự, chẹn đường cướp đất, nhưng kinh bang tế thế, quản lý đất nước không có một ý tưởng nào được ghi nhận. Cuối cùng ông phải đặt kỳ vọng vào thế hệ F2 là Gia Cát Khác. Tuy nhiên, Gia Cát Khác kiêu ngạo cậy tài cuối cùng thấy bại rơi vào thảm họa tru di cả ba họ, may còn một giọt máu còn sót gửi ở bên Thục để nối dòng Gia Cát Cẩn. Sau đó bên Ngô cũng chỉ còn có Trương Bố là còn một chút chí khí, nhưng kém cỏi, không chống đỡ nổi cho tập đoàn.
Tào Tháo là người có ý thức đào tạo nhân tài trẻ hơn cả. Trước tiên ông đặt kỳ vọng vào Quách Gia, nhưng chẳng may Quách Gia chết sớm. Ông lấy Dương Tu, một người trẻ tuổi thông minh, vào làm chức chủ bạ làm việc ngay bên cạnh mình để dạy bảo cẩn thận. Dương Tu cũng vì ngông nghênh cậy tài, vi phạm quân luật nên bị giết. Tào Hưu, Tào Chân cũng được coi là hai tướng trẻ "thiên lý mã" của họ Tào, cũng bị thất bại trên các mặt trận chống Thục và Ngô nên cũng không trở thành được thế lực mới. Cuối cùng binh quyền dần rơi vào tay Tư Mã Ý, người thay Dương Tu là chủ bạ, chứng tỏ được năng lực. Sau Tư Mã Ý, Tư Mã Viêm thực sự là nhân tài trẻ sáng nhất của phái Ngụy-Tấn, nhưng kèm theo cả một thế hệ tài năng như Chung Hội, Đặng Ngải, Vệ Quán, Giả Sung, Đỗ Dự, Vương Tuấn.
Chính vì vậy, có thể thấy cốt lõi của vấn đề trong đấu tranh chính trị là phải chuẩn bị một cuộc chạy tiếp sức. Nhân tài luôn luôn sinh ra, người trẻ luôn luôn có, nhưng quan trọng nhất là khơi nguồn cho nhân tài tiếp nối. Sau khi chinh phục được Thục, phía Ngụy Tấn mất ngay hai nhân tài sáng giá nhất là Chung Hội và Đặng Ngải, nên phải mất một thế hệ mới có thể diệt Ngô. Nhân tài trẻ nhưng nếu tự mãn có thể mất mạng như Gia Cát Khác, Dương Tu, Mã Tốc. Nhân tài trẻ không biết nghe, không có viễn kiến, hay chuộng học phiệt, thì cũng như Gia Cát Lượng tin dùng bọn học trò mặt trắng Dương Nghi, Tưởng Uyển, Phí Vỹ vô tích sự, hay một tên tài vặt chỉ chuyên cuốc đất bổ củi như Khương Duy. Trong khi đó một tài năng như Ngụy Diên thì đã sắp sẵn mưu kế trừ diệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét