Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Đầu tư 35 nghìn tỷ thế nào?

     Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất dự án làm sách giáo khoa với chi phí 35 nghìn tỷ. Nhiều khả năng sẽ ném tiền qua cửa sổ với cách tổ chức hội đồng như hiện nay. Nếu quả thật có số tiền này có nhiều cách tiêu hiệu quả hơn nhiều. Tác dụng không chỉ giới hạn ở ngành giáo dục với hiệu quả vượt bậc mà còn tác động sang nhiều ngành khác, thúc đẩy công nghiệp, tăng GDP, giải quyết các vấn đề xã hội.

     Trước hết, cần ban hành một văn bản pháp lý quy định mọi ấn phẩm bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình được xây dựng bởi ngân sách sẽ phải có giấy phép mở (Creative Commons). Sản phẩm làm ra bởi ngân sách, từ tiền thuế của người dân, rõ ràng là sở hữu của xã hội, của nhân dân. Chúng ta cứ hiểu nhầm đây là sở hữu của nhà nước, nên các đơn vị sự nghiệp có quyền kiếm siêu lợi nhuận, như kiểu vắt sữa từ túi tiền kiệt quệ của người dân. Ở đây chúng ta đang nói về một thị trường hàng tỷ đô la Mỹ với siêu lợi nhuận. Nếu một thị trường như vậy mà không có siêu lợi nhuận, vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn. Quy định này hoàn toàn không tốn một xu nào, hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và hợp tình, đến mức không làm thế mới là vô lý.

     Có lẽ cần tóm lược ngắn gọn giấy phép mở là gì? Giấy phép mở (Creative Commons), là quyền được sử dụng toàn văn hay một phần ấn phẩm để phân phối, chế tạo các ấn phẩm khác, thậm chí cả các ấn phẩm không có giấy phép mở, miễn là ấn phẩm mới phải nêu công lao của tác giả bằng cách trích dẫn đầy đủ nguồn gốc các tư liệu đã sử dụng. Đối với các sách giáo khoa và các loại giáo trình, sách được biên soạn bởi ngân sách, việc cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng để tạo ra các sản phẩm khác không những hợp lý mà còn xóa bỏ rào cản để có thể có các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, như các sách tham khảo, hướng dẫn ôn tập, giáo cụ trực quan, phần mềm,... Việc sử dụng giấy phép mở đang càng ngày càng phổ biến trên thế giới. Nếu nhà nước thực sự quan tâm, có lẽ nên có một dự án cỡ khoảng 100 tỷ, một số tiền không đáng gì so với 35 nghìn tỷ, nhưng là một số tiền đủ lớn để khuyến khích phát triển học liệu mở đến tầm thế giới. Trên một nền tảng học liệu mở, việc chọn lọc các nội dung tốt nhất để làm sách giáo khoa sẽ có chất lượng tốt hơn, do huy động được toàn thể tri thực của xã hội vào công việc này, thay vì chỉ hạn chế với các hội đồng rất nghèo nàn về tính sáng tạo.

     Khi đã có giấy phép Creative Commons, sẽ có các cộng đồng những người nhiệt tình số hóa và đưa toàn bộ sách giáo khoa hiện nay và các sách giáo khoa cũ lên mạng. Việc này cũng sẽ không tốn kém, nhưng tác dụng sẽ vô cùng to lớn. Các doanh nghiệp, các nhà phát triển công nghệ sẽ có động lực để phát triển các phần mềm, sản phẩm nghe nhìn có tương tác và các sản phẩm phục vụ cho học tập sáng tạo. Thực ra, nếu trước mắt có trở lực không ra được một văn bản pháp lý về việc này, nếu có một đại gia chịu chơi, tài trợ cho việc số hóa và đưa sách giáo khoa lên mạng, hoàn toàn có thể đấu về pháp lý tại pháp đình để giành quyền này, căn cứ vào luật pháp và hệ thống chính sách hiện hành, nếu bị đưa ra kiện về "vi phạm bản quyền". 

      Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, vẫn sẽ được giao chủ trì việc tổ chức biên soạn sách và in sách giáo khoa do nhà nước tài trợ. Nếu chưa có ai làm sách thì ít ra cũng có một bộ đầu tiên. Trước hết, tôi xin dùng 20-50 tỷ để quy hoạch sách giáo khoa. Nghe có vẻ tiêu hoang tốn tiền, nhưng chắc chắn một quy hoạch như thế sẽ đỡ các tốn kém không cần thiết, nhất là những giấy bút thảo luận và tiền phong bì cho các hội đồng vô bổ. Quy hoạch này sẽ quy định các nguyên tắc, yêu cầu chính cho chương trình phổ thông, cũng như các nội dung chính của các môn học, được phân thành các mức độ khác nhau để sách giáo khoa có thể phát triển trong 10 năm tới. Sau đó là khoảng 20 tỷ để dịch và chỉnh lý 200 bộ sách giáo khoa về khoa học tự nhiên, địa lý, lịch sử thế giới tốt nhất ra tiếng Việt. Bản quyền hoàn toàn có thể không đáng kể, nếu chúng ta yêu cầu các quốc gia trên thế giới hỗ trợ qua con đường ngoại giao hoặc hợp tác văn hóa. Phần còn lại là chừng 50 bộ sách tiếng Việt, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam, giáo dục công dân, đạo đức,... có thể dùng 50 tỷ để biên soạn.  Hàng năm, các sách này có thể được chỉnh lý, bổ sung thêm các nội dung chọn lọc từ nguồn học liệu mở.

      Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ cần ban hành một thông tư cho phép các tổ chức các cá nhân được soạn sách giáo khoa, sách tham khảo bằng kinh phí của mình, có ưu tiên tượng trưng nào đó cho các sách có giấy phép mở và đăng ký thẩm định hợp chuẩn với Bộ theo một quy trình minh bạch và đơn giản. Thông tư này cũng cho phép các trường, các thầy lựa chọn sách giáo khoa và đăng ký công khai với Bộ trước khi bắt đầu năm học.

       Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tiêu hết nhiều tiền. Không biết tiêu tiền cũng thể hiện hạn chế về năng lực. Thì đây, tôi đề nghị một chương trình 20 triệu máy tính bảng. Mỗi máy tính bảng hiện nay có thể sản xuất với chi phí $50 tức là 1 triệu đồng. Với quy mô 20 triệu máy tính là đủ để một đại gia như Viettel hay VNPT xây dựng hẳn một nhà máy quy mô, hiện đại có khả năng dập vỏ, lắp ráp, kiểm soát chất lượng tự động, đóng hộp và một mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật. Nhà nước sẽ tài trợ miễn phí cho mỗi học sinh và nửa giá cho các đối tượng khác để mua một máy tính bảng loại rẻ tiền này. Cố nhiên số tiền này không phải tài trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất để họ không có động lực cạnh tranh về chất lượng, cũng không phải đưa cho người dùng để họ tiêu vào việc khác không kiểm soát được. Mỗi người sẽ được phát một phiếu mua máy tính bảng, có thể dùng để mua từ bất cứ nhà sản xuất nào, thậm chí có thể bù thêm tiền để mua các loại máy tốt hơn. Nhà sản xuất sẽ đem voucher đó thanh toán với nhà nước. Như vậy các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh để có sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Các nhà sản xuất như Viettel hay VNPT sẽ có động lực để làm ra các máy tính bảng kiêm điện thoại di động để phát triển thị trường cho mình. Chương trình này dự kiến sẽ cần đầu tư khoảng 25 nghìn tỷ.

      Trước hết, học sinh, thầy giáo sẽ dùng các máy tính bảng này để truy cập vào các kho sách giáo khoa, sách tham khảo, thư viện số, giáo trình điện tử của thầy.  Học sinh sẽ không phải gò lưng ra thồ cả chục cân sách đến trường. Các khoa chữa vẹo cột sống sẽ vắng người hơn, nhường giường bệnh cho các bệnh nan y khác. Máy tính bảng có thể dùng để truy cập các ứng dụng trên Internet do toàn thể xã hội chung sức làm ra phục vụ học tập, chăm sóc sức khỏe, giải trí lành mạnh. Cả một dân tộc sẽ được xóa mù tin học và tiếp cận với công nghệ hiện đại, hình thành văn hóa đọc, viết chủ động, sáng tạo. Các kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm, sử dụng ngoại ngữ sẽ phát triển tự nhiên và ngoạn mục, không cần sức ép bởi các chỉ tiêu chết và khô cứng. Học sinh sẽ làm bài tập, dự án nghiên cứu, trình bày các đề án, bài tập trên máy tính bảng. Việc học sinh được tiếp cận với các nguồn tài liệu phong phú sáng tạo đa dạng sẽ gây sức ép lên các thầy phải đổi mới cách dạy, vì cách nhồi sọ dựa trên việc thầy đọc trò chép sẽ trở nên vô duyên, không thể chấp nhận.

      Trẻ dùng máy tính bảng trong học tập, sẽ hướng dẫn cha mẹ dùng máy tính để vào Internet, dùng email và các ứng dụng khác. Ý thức xã hội sẽ được nâng lên một bậc. Người dân sẽ có ý thức và tự giác hơn đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia. Đặc biệt, thị trường CNTT cả phần cứng, phần mềm và hạ tầng mạng sẽ phát triển hết sức mạnh mẽ. Tại các bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng máy tính bảng để ghi y bạ điện tử kết hợp với các hệ thống chuyên gia để có được các liệu pháp tốt nhất. Các nhân viên ngành công an, tư pháp, thống kê sẽ dùng máy tính bảng để nhập liệu vào các cơ sở dữ liệu quốc gia. Các thiết bị máy tính bảng sẽ được đầu tư để ngày càng thông minh, có thể dùng như phương tiện liên lạc, truy cập Internet, thư viện, công cụ học tập, làm việc, công cụ giải trí, mua sắm, nghe nhạc xem phim, có thể kết nối với các thiết vị ngoại vi như in, trình chiếu, thu thập dữ liệu về sức khỏe, ý thích cá nhân để phục vụ con người cho tốt hơn, không phải chỉ ở trên giấy tờ, nghị quyết, mà trên một thực thể vật lý hiện hữu. Thiết bị này cũng sẽ kết nối con người lại gần nhau để tạo ra giá trị mới cho xã hội. 
          Chúng ta sẽ có một ngành công nghiệp sản xuất thiết bị truy cập hiện đại, nội dung số trong thời gian ngắn nhất. Chúng ta còn mong gì hơn thế. Tất cả mới chưa tới 26 nghìn tỷ.
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét