Tôi là người rất say mê với những gì đẹp, tốt và cũng đang tụ tập một số tác phẩm về giáo dục, các ý tưởng về cải cách giáo dục. Đang rủ người dịch mấy bộ sách về giáo dục của Bacon, vì thấy những tư tưởng về giáo dục của phương Tây, mà học giả của mình vẫn chưa hiểu sâu sắc được, nên cứ cãi nhau năm này qua tháng khác. Tranh luận là việc tốt, nhưng vì ở ta tựu chung chỉ có hai trường phái "kiến bò miệng chén" và "cóc bỏ đĩa" tranh luận với nhau, nên đều là việc "không đàm ngộ quốc" chẳng bổ ích gì cho hành động.
Nay được giới thiệu là tác phẩm hay, nên lập tức tìm đọc. Sau một hồi tìm kiếm bằng chữ Hán, thấy rằng tác phẩm này trên Baidu và nhiều trang về sách vở của Trung Quốc cũng có toàn văn chữ Hán, có giới thiệu và phân tích ít nhiều. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc họ nghiên cứu sách vở của mình khá kỹ (cái gì chống vẫn cứ chống, cái gì hay vẫn phải học, không học thì không thể nào chống).
Sau khi loay hoay tìm kiếm một hồi nữa, có được bản tiếng Việt của Đặng Thai Mai, đỡ công dịch. Đọc lướt qua, thấy không phải là công trình đồ sộ như mình tưởng, mà thực ra có tính hiệu triệu, chỉ hướng nhiều hơn. Các tư tưởng chỉ yếu diễn dịch các tư tưởng phương Tây đã được các nhà cải cách của Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi du nhập và diễn dịch theo cách suy nghĩ của Á Đông. Cái làm, tôi hiểu lầm chính là chữ "Sách", không có nghĩa là "sách vở" mà là một "kế sách". Tôi tưởng tượng nó phải tầm cỡ như các tác phẩm của Đào Duy Anh hay Ngô Tùng Phong, lại chuyên về giáo dục.
Dù sao nó cũng là một tác phẩ rất có giá trị và đáng đọc, xin giới thiệu với bạn hữu xa gần.
Lời giới thiệu của Chương Thâu
Đầu thế kỷ XX, ở nước ta xuất hiện một tác phẩm chữ Hán của tác giả vô danh nhan đề “Văn Minh Tân Học Sách” (文明新學策). Cuốn này ra đời trước khi xuất hiện phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục (trước năm 1905), sau này dùng làm tài liệu giáo khoa của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, năm 1907. Văn Minh Tân Học Sách là một áng văn nghị luận, bàn về văn minh ta, văn minh Tây, nêu lên những nguyên nhân làm cho nước ta chậm tiến, ngưng trệ kéo dài, đồng thời đưa ra những biện pháp văn hóa và kinh tế nhằm đưa nước ta tiến kịp phương Tây. Văn Minh Tân Học Sách nhấn mạnh: “Văn minh là chủ nghĩa mở mang trí khôn cho dân” và “chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, mở rộng dân quyền, cải thiện dân sinh”. Những mặt văn minh Tây khác Ta cần phải học tập bao gồm:
- Nhân dân châu Âu được tư do tư tưởng, tự do viết sách bày tỏ ý kiến của mình, nên mọi phát kiến đều “ngày một mới, tháng một lạ”. Ở ta thì sợ phạm húy, sợ vượt bề trên… toàn đăng huyền thoại, truyền thuyết, chích quái, lòe loẹt… mà chẳng mở mang dân trí. “Ôi, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chứ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi, khiến cho không nghe, không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thiệt nên lấy làm đau đớn!”.- Chế độ giáo dục châu Âu nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết thực… còn ở ta toàn học sách Tàu, nói lại lời cổ nhân, thơ phú, văn biền ngẫu… không chịu giảng đến cái học phú cường cơ xảo của nước ngoài.- Chế độ chính trị châu Âu là lập hiến, cộng hòa, bàn việc gì cũng khai hội, ai nấy đều góp ý, sớm sửa đi, chiều sửa lại, cốt làm sao cho đúng chân lý, hợp tình hình. Còn ở ta, hành chính thì cứng nhắc, nhân sự thì im lìm, cứ làm theo lệ cũ, không chịu xem xét kiến thức, luật ban hành ra dân không hề được tham khảo, đọc trước, bàn luận trước sau.- Người Âu coi nước và dân có quan hệ mật thiết, còn ở ta chỉ có trên áp chế dưới, dân phải phục tùng. Người Âu thích mạo hiểm, xem thường nguy nan, còn người nước ta thì chỉ thích yên một chỗ, không hề biết đến nước nào khác.Sau này Văn Minh Tân Học sách được học giả Đặng Thai Mai dịch sang chữ quốc ngữ, in trong cuốn :”Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20″. Cuốn sách vẫn như một hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội Việt nam vẫn còn bị những tư tưởng, tập quán cổ hủ ấy chi phối, trói buộc.
Văn Minh Tân Học Sách
Nguyên văn viết 1904 bằng tiếng Hán
Tác giả: Khuyết Danh – Bản dịch của Đặng Thai Mai
Tác giả: Khuyết Danh – Bản dịch của Đặng Thai Mai
Thiết nghĩ: văn minh là một danh từ đẹp đẽ không phải do một sự hào nháng, màu mỡ mà làm nên; các môn học văn minh là những phúc tốt lành, không phải chuyện một sớm, một chiều có thể lấy được. Muốn làm nên và lấy được là nhờ có một chủ nghĩa lớn. Chủ nghĩa gì thế? Ấy là chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân.
Kể các nước trên mặt địa cầu này, nước này còn là dã man, nước kia đã bán khai, nước nọ thì văn minh. Ấy là tùy theo chỗ dân trí từng nước thông hay tắc, nhiều hay ít, chóng hay chậm mà khác nhau.
Câu nói của nhà học giả phương Tây: “văn minh không phải là có thể mua bằng giá trị mà thôi, mà còn phải mua bằng đau khổ nữa”. Giá trị là gì? Tức tư tưởng. Đau khổ là gì? Là cạnh tranh. Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng. Rồi do đây, hết thảy các khoa thanh học, quang học, trọng học, điện học, thủy học, khí học, hóa học, địa dư, thiên văn, toán pháp và cơ khí, không môn học nào là không phừng phực nảy ra. Lý do để đi tới chỗ cực điểm của văn minh là bởi thế đó.
Văn minh với dân trí, hai đàng cùng làm nhân quả lẫn nhau. Nhưng muốn mở dân trí, trước hết phải thấy bế tắc ở chỗ nào và sự phát đạt bắt đầu từ đâu, bấy giờ mới có thể bắt tay vào việc được. Bằng không chỉ có thể nhìn thấy biển cả mênh mông rồi than thở mà thôi.
Từng xét, thánh nhân đời thượng cổ đã chế được đủ đồ vật để dùng, lập thành khí cụ cho thiên hạ tiện lợi. Khoa học cách trí đã thấy tản mác ở bộ Chu quan,[1] các sách Quân tử[2], Mặc tử[3]. Á châu là ngọn nguồn văn minh đấy. Nước Đại Nam ta vốn là một nước lớn văn minh. Nói về vị trí thì vào khoảng ở giữa ôn đới và nhiệt đới. Đất tốt, khí hậu điều hòa, thóc lắm, tằm nhiều, các nguồn lợi miền núi, miền biển hơn cả thiên hạ. Dân trong nước làm ăn dễ dàng. Trải qua các triều đại, vua thánh, tôi hiền cùng làm cho thịnh vượng lên, rực rỡ thêm, to tát ra. Trong bài tựa của Lao Sùng Quang đề đầu tập Phong nhã thông biên[4] có nói ta được các nước trong, ngoài đều khen là nước thanh danh văn vật. Cái đó đã đành rồi.
Nhưng nay thì sao? Của báu núi rừng, nguồn lợi đó ta không được hưởng. Trăm thứ hàng hóa, quyền lợi đó ta không được nắm. Cho đến các hàng vóc nhiễu, nhung, len, vải, lụa, giày, dép, khăn tay, mục kỉnh, dù che, dầu hỏa, đồ sứ, đồ pha lê, đồng hồ, phong vũ biểu, hàn thử châm, ống nói, kính hiển vi, kính ảnh, bút giấy, son tàu, mực tàu, kim, chỉ, khuy, cúc, phẩm nhuộm, xà phòng, nước hoa, diêm, bánh sữa, kẹo mứt, dược phẩm, thuốc lá, chè, rượu… không mua của Tàu thì cũng nhập của Tây cả. Thử lấy một cái bảng kê số xuất khẩu/nhập khẩu trong một năm mà tính, thì sẽ thấy rằng một khi đã gánh vàng đi đổ… ra ngoài rồi, thì không sao mong châu về Hợp phố nữa. Của nước như thế thật đáng tiếc.
Nông học có hội: người ta đương cạnh tranh về nghề nông đây, còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi ta có cày máy để giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, các phương pháp để cứu hạn hán, trị sâu keo không?
Thương chính có sở: người ta đương cạnh tranh về nghề buôn đây, còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi có hạm đội để hộ thương, thị trường để thông thương, các công ty lớn do chính phủ và nhân dân góp cổ phần để lập nên không?
Công nghiệp có xưởng: người ta đương cạnh tranh về công nghệ đây! Còn ta thì vẫn như cũ. Hỏi trong công nghệ có ai trổ khéo, phô tài ngày một mới, tháng một lạ như Oát (James Watt), như Sơn (Edison) không?
Tài của nhân dân như thế. Thật đáng hãi hùng.
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, độ thơ, đánh chữ, số, tướng, địa lý, phù thủy, ngày ngày dốc cả trí không vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng thì chả kể làm gì. Nhưng hạng cao hơn, đỗ đạt một tí, được cái tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thê đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém thua nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bậc, cất nhắc mấy người, chứ không biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đó đã nói với các bạn hậu tiến: các thầy muốn ra làm quan thì phải cẩn thận, chớ cớ đọc sách mới, chớ có xem báo mới. Ôi nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chứ biết đến mà lại bưng bít che lấp đi, làm như không nghe, không thấy điều gì, để tự mình lại củng cố trong mình một căn tính nô lệ, nhân cách như thế, thật nên lấy làm đau đớn!
Nghĩ lại văn minh nước ta là có cái đặc tính là luôn luôn tĩnh như vậy; văn minh châu Âu thì có tính luôn luôn động như kia. Cái đó ai cũng biết. Nhưng vì sao lại như thế! Ấy là bởi có ảnh hưởng tương phản và nguyên nhân khởi điểm đấy. Nay xin lần lượt kể ra.
Thế nào là ảnh hưởng tương phản? Xét ra các nước châu Âu: trên có nghị viện duy trì quốc thị[5],dưới có báo quán đề đạo đạt hạ tình[6]. Đại trước tác thì có Dân ước luận của Lư thoa[7], Tiến hóa luận của Tư tân tắc[8], Dân quyền thiên của Mạnh đức tư cưu[9]. Suy rộng ra, nào diễn thuyết, nào thi ca, đều cốt phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống. Nước ta có thế không? Làm văn sách thì chỉ sợ phạm húy, dâng thư cho người trên thì chỉ e phạm tội vượt phận nói leo, chỉ chừng đó đã khác hẳn với các nước không cấm nhân dân bàn bạc. Huống chi nào chuyện trích quái, nào chuyện truyền kỳ, thơ bao nhiêu quyển, văn bao nhiêu tập, văn hoa lòe loẹt thì có, còn nói về mở mang trí khôn cho dân thì hoàn toàn không có gì. Đó là điều ta trái với người về giới tư tưởng.
Người châu Âu đặt giáo dục chia làm ba bậc: tiểu học, trung học và đại học, cứ bốn năm là mộtkỳ[10]. Khi vào học, lấy những môn văn tự nước nhà ngày nay, cổ văn La mã, văn tự và tiếng nói ngoại quốc, toán học, địa dư làm những môn đầu tiên. Khi học đã mãn khóa, lần bậc tiến lên, thì cứ tùy theo năng khiếu của học sinh, hợp với môn học nào thì dạy cho môn học ấy: chia ra luật học, thiên văn học, võ bị học, y học, cách trí học v.v… Học thành tài sau mới dùng, dùng làm có được việc thì sau mới thành chức. Nước ta có thế không? Những món ta học và nhớ ấy chỉ là sách Tàu; những bài ta chú thích ấy chỉ là lời của cổ nhân; những thứ ta thi ấy chỉ là kinh nghĩa, thơ ngụ ngôn, biến ngẫu tứ lục! Đó là điều ta trái với người về giáo dục.
Người châu Âu, họ tổ chức chính quyền trong nước có chính thể lập hiến, có chính thể quân dân cộng hòa. Cứ số bao nhiêu người đây thì cử một người làm nghị viên. Hễ bàn đến một việc gì, thì trước phải khai hội: kẻ bàn, người nói, sớm sửa đi, chiều sửa lại, cốt làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình. Nước ta có thế không? Hành chính thì cấm thay đổi; dùng người thì quí im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ cũng không nhất định; luật cũng ban bố đấy nhưng dân gian không được đọc luật. Đó là điều trái nhau về giới kinh tế[11].
Người Âu cho rằng nước và dân quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên có chính thể cộng hòa, mà quốc thể tức là gia thể[12], có tục thượng võ mà quốc hồn tức là gia hồn, có lệ hỗ trái[13] mà quốc mạch tức là gia mạch; có lỗi kiêm biện[14] mà quốc sự tức là gia sự; có phái tự do mà quốc quyền tức là gia quyền. Nước ta có thế không? Ngoài văn chương không có gì là quí; ngoài áp chế không có gì là tôn chỉ; ngoài phục tùng không có gì là nghĩ xa! Đó là sự trái nhau về giới tính tình.
Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, Ma-tây[15] dời đi Già nam[16] có 40 năm; Kha luôn bố[17] bàng hoàng ở Đại tây dương cũng có đến vài mươi năm; Lợi mã đậu[18] lặn lội ở Tàu cũng đến 19 năm. Ngoài ra như đi thám hiểm Băng dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy. Nước ta có thế không? Môn học thực dân ta chưa hề nghĩ đến, thị trường hàng hóa ta chưa hề đi tìm. Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng. Lữ thứ vài năm đã than thở quan hà đầu bạc! Nói gì đến Tiêm la, Diến điện, Nam chưởng, Cao man là đất nước hẻo lánh quê kệch, không ai chịu đặt chân tới; nhưng ngay đến Trung hoa, đối với ta, vốn là chỗ cùng tộc loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo, văn học, cho đến phương diện giao tế cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu nhan nhản khắp nơi kinh kỳ đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa từng một ai đến thành Ngũ dương[19] cả! Đó là sự trái nhau về giới phong tục.
Thế nào gọi là nguyên nhân khởi điểm?
Một là khởi ở cái điểm nội hạ ngoại di[20], không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý đạo vương khinh đạo bá[21], không thèm giảng đến học phú cường, cơ xảo của nước ngoài. Ba là khởi ở cái điểm cho xưa là phải, cho nay là quấy, không chịu xem xét kiến thức và những sự suy nghĩ bàn luận của người sau. Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan khinh dân, nên không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn.
Bốn điểm này chính là khởi đầu của năm giới[22], và năm giới ấy cũng là kết quả của bốn điểm. Thành thử mấy ngàn năm nay, văn minh tiến hóa của ta mới có cái tính tĩnh mãi mà không có cái tínhđộng mãi. Thật là đáng ngậm ngùi buồn bã vậy.
Vậy thì sống ở đời nay mà muốn cầu cho văn minh, không thể không lo mở mang dân trí. Này dân có trí thì cái công lệ thiên diễn. Người da vàng chúng ta thì kém gì người da trắng đâu. Có điều là tai mắt chưa thấy qua, thì chưa thể phát triển; hình thức có cái còn thiếu thì không biết bắt chước vào đâu; vốn liếng chưa dồi dào thì không thể nên làm được. Vậy không nhờ người đại biểu để mở mang cho thì quyết là không thể được.
Nay đã từng ngửng đầu trông lên, cúi đầu nhìn xuống, trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn, thì chỉ thấy có sáu đường:
Một là dùng văn tự nước nhà. Văn tự trong thiên hạ bắt đầu từ ba nhà Khư Lư, Thư Tụng và Thương Hiệt[23]. Những văn tự mà các nước đồng văn với ta vẫn dùng là lối viết từ trên xuống dưới. Văn tự đặt ra là cốt để ghi tiếng nói. Cho nên trong Ân bàn[24], Chu cảo[25], đều là văn bạch thoại; mười lăm thiên Quốc phong đều là những tiếng địa phương người Trung quốc đã nói rồi. Các nước trên địa cầu, nước nào chẳng vậy. Như nước Xiêm, nước Lào, họ có thứ văn tự của họ là lối “Hài thanh, hữu hành”[26]. Nước Nhật gần đây cũng đặt ra thứ chữ riêng của họ. Còn nước ta thì vẫn chưa có. Ấy là một điều rất kỳ. Thiết nghĩ hẳn nước ta đời xưa chắc cũng phải có văn tự, chẳng qua lâu ngày thất truyền mà thôi.
Gần đây mục sư người Bồ đào nha, chế ra chữ quốc ngữ, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm, 11 vận, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị nhanh chóng. Tưởng nên một loạt học theo. Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để trong vài tháng đàn bà trẻ con đều biết chữ; và người ta có thể dùng quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay, và thư từ có thể chuốt lời đạt ý. Đó thực là bước đầu tiên trong mở mang trí khôn vậy.
Hai là hiệu đính sách vở. Nước ta từ xưa đến giờ, các nhà viết văn kể cũng khá nhiều. Như Khâm định Việt sử cương mục, như Thực lục, Liệt truyện, Nhất thống chí, Lịch triều chí, Vân đài loại ngữ, Công hạ kiền văn, Địa dư chí, Gia định chí, Nghệ an phong thổ thoại, Đồ bàn thành ký, Hưng hóa thập lục châu kỷ, Phủ man tạp lục v.v… đều đủ để cung cấp tư liệu về sơn xuyên, phong tục, văn vật, điển chương, và để cho người sau mượn đó làm gương nữa. Vậy mà người mình mà một khi đi học là đọc ngay sách Tàu, bỏ sách nước ta không nhìn đến! “Tịch đàm[27], vong tổ”, thật đáng thương thay.
Nghĩ lại, sách Tàu chép chuyện Tàu đã không quan hệ gì với ta cho lắm, rồi đến các thứ tiên nho đời Tống, đời Minh vẫn gọi là vây cánh cho kinh điển thánh hiền, đại loại như các tập Thiền thuyết, Tồn nghi, Đính nghi, Sảng tâm, Mông dẫn, Kinh án, cho đến Thí thiếp và Sách lược, đầy dẫy những lời bàn luận của các nhà đại gia, thì cũng chẳng khác gì bọn múa giáo trong buồng, lục đục bác bẻ lẫn nhau, bịa ra câu hỏi rồi bịa ra lời giải đáp, chỉ làm rối tai mắt người ta và nhọc nhằn cho kẻ học phải ghi nhớ mà thôi.
Xin thử nghĩ: “Xuân vương chính nguyệt” chỉ là một lời chép trong kinh Xuân thu, thế mà người thì bảo là theo tháng giêng lịch nhà Hạ, kẻ thì cho là theo tháng giêng lịch nhà Chu, chẫu mõ vào cãi vã, rút cục hàng trăm hàng ngàn năm nay bàn luận vẫn không ngã ngũ ra sao cả! Cột đồng Mã Viện chỉ là một vết tích của người xưa, thế mà hoặc cho là ở Châu Khâm, hoặc cho là ở Châu Liêm, hoặc cho là ở phía nam nước Lâm ấp, phung phí đến mấy vạn chữ mà chung quy vẫn không tìm ra manh mối gì, rồi phải đặt ra lời đoán phỏng chừng: có lẽ lâu năm đã sụp đổ xuống bể! Ôi giá thử có thể gọi thánh hiền từ âm phủ về chỉ rõ cho ta, cũng chẳng bổ ích gì, huống hồ chỉ uổng công tìm tòi mà chẳng được nào. Kinh, sử còn thế đủ biết sách khác thì thế nào!
Người đời mấy khi sống được trăm năm, thế mà dốc hết tinh thần hữu dụng giam vào đống sách đầy xe, ngất nóc! Đời người còn có nghĩa vụ phải làm vậy mà nửa phần cái tài trí vô cùng lại bị hao mòn vào chồng giấy loại mọt đục, mối ăn. Vậy thì sách vở há lẽ không nên đem ra hiệu đính lại sao? Tưởng nên đặt ra một tòa soạn sách: pho nào nên đọc, pho nào không nên, đặt thành cái chương trình học để học theo từng cấp mà học cho hết. Tựu trung như Hiếu kinh, Trung kinh, Tiểu học toán chú, Tạc phi am và những lời hay nết tốt của các hiền triết đông, tây xưa, phàm những điều có bổ ích cho nhân tâm thế đạo, đều nên trích lấy đại yếu, viết thành một tập, rồi lại dịch ra quốc ngữ để làm độc bản cho lớp sơ học. Kinh truyện thì chỉ chọn lấy chính văn[28]. Sử thì chỉ chép lấy thế thứ hưng vong, những lý do các việc lớn thành hay bại và khuôn phép chế tác sáng lập. Đại khái lấy Nam sử làm phần chính, rồi dịch nghĩa ra. Lại thêm vào đấy những bản đồ vẽ làng nước, đường sá, đình điền để bổ sung vào. Sử Tàu thì chỉ đọc qua cho biết đại lược. Sử Tây thì có các tập Ngũ đại châu địa đồ, Vạn quốc cương giám, Cận chính sử yếu, Tây học khảo v.v… cần phải bỏ bớt những chỗ rườm rà, để cho người đọc dễ hiểu là được rồi.
Ba là sửa đổi phép thi. Nghĩa lý kinh điển rất là tinh thâm, thế mà muốn mượn văn chương nông cạn để dò xem thực học thì có đúng lý không? Bách gia rộng rãi mênh mông không biết đâu là cùng, thế mà muốn đo sự ghi nhớ của một người để xét nghiệm chân tài, phỏng có hợp tình không? Vậy nên sách vở dẫu có hiệu đính rồi, mà phép thi vẫn chưa sửa đổi thì cũng chưa phải là tận thiện đâu.
Này nhé, nào là kinh nghĩa, là phú, là thơ, là chiếu, là chiểu, là luận, là văn sách, đều là phép thi của ta cả đấy. Nhưng không biết những lỗi phá, thừa, khởi, thúc, thanh, luật, biến ngẫu có ích gì cho thực dụng không? Lại không biết trong bọn các cụ đồ già, các thầy thạo văn cử nghiệp, có ai là người được biết đến năm châu là những châu gì, thế kỷ ngày nay là thế kỷ thứ mấy? Thế rồi trong lỗi văn thi, cấm liên thượng phạm hạ, cấm lạc vận, thất niêm, cấm viết sai, viết sót chữ trong đầu đề, cấm thiệp tích ở trên dưới hay bốn bề xung quanh dấu giáp phùng[29]hoặc dấu nhật trung đã đóng, cấm những chỗ đồ[30], di[31], câu[32], cải[33], không được sai suyễn. Mực thước đến thế kể cũng đã hết chỗ nói. Nhưng chẳng qua chỉ làm cho người ta bó buộc cái tính tự do, suy sút tinh thần hăng hái, để chăm vào cái học vấn vốn rất vô dụng mà thôi! Chúng tôi đọc tờ thế giới nhất cược[34] có bài “Khoa cử quái” nói “Khoa cử nọc độc, khoa cử thối nát” tưởng không phải là lời quá khích.
Than ôi? Cái trường “Thất tự” cái “vi mại tính”, nếu có vĩ nhân từ đó mà ra nữa thì cũng kể là một cái may thôi. Giờ đây, nếu chưa thể theo lối Thái tây mà đặt ra khoa chuyên môn thì trong khi căn cứ vào văn chương để kén người, có thể tạm dùng luận và văn sách cũng còn có lý đôi chút. Ngay như nước Tàu, từ năm Canh tí đến nay cũng bỏ lối bát cổ mà thi sách, luận rồi. Có lẽ ta cũng nên chỉ dùng hai lối văn ấy để mà khảo sát học sinh. Lấy Kinh, Truyện và ba sử (sử Nam, sử Tàu, sử Thái tây) đặt để mà hỏi, cho phép học trò tha hồ bàn bạc, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó, mấy bài về toán pháp, về chữ quốc ngữ, để cho cái mà học sinh học và thi không trái ngược với công việc thực tế mà họ phải làm, như thế thì cũng đã là tạm đúng vậy.
Bốn là cổ võ nhân tài.– Trong bài tựa Cường học hội[35] có nói: “Dục khai dân trí, tiền khai thân trí”, nghĩa là muốn khai trí dân, trước hết phải mở trí phái thân sĩ. Đó là một lời nói rất phải, khám phá được tận gốc. Vì rằng dân chúng thì bắt chước bọn nhà nho, hậu sinh thì trông gương bậc tiền bối, tai mắt vẫn có quan hệ với nhau. Bây giờ sách vở đã hiệu đính, phép thi đã sửa đổi, thì chỉ có thể chờ đợi ở số vài trăm, nghìn, vạn người, tức là các viên thừa biện, hành tẩu, hậu bổ, huấn đạo, giáo thụ, các ông tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài và các cậu tôn sinh, âm sinh, học sinh. Nếu các người đó còn chưa phát huy được những điều mới nghe, mở rộng được tri thức mới, để cho cả một loạt đều mới, thì chẳng hóa ra cựu giới và tân giới hai đằng sẽ xung đột cùng nhau sao? Nhà Giám tiếng là cái chỗ bồi dưỡng nhân tài, nhưng những điều dạy dỗ và học tập đều là văn chương của thời đại, có quan hệ gì với thực tế đâu. Trường quốc học lập nên đã 8,9 năm nay, không phải không đào tạo ra được những tay giao thiệp giỏi, nhưng cũng chưa hề thấy có ai hỏi han đến họ. Có học mà không dùng được thì ai theo đuổi làm gì? Vậy tưởng nên sức cho các viên học quan xét xem người nào đã tốt nghiệp rồi thì bổ vào làm việc trong bộ, trong viện, hễ có tờ thông tư thì bảo họ dịch ra, hễ có cuộc thương nghị thì đem họ đi theo, để người đi học không lo rằng một người Tề dạy bảo mà bao nhiêu người Sở lại la ó[36] và người đã thành tài không ngại tài nước Sở dùng sang nước Tần. Còn những ai không học được chữ Tây thì lập một sĩ học viện để thâu nạp lấy họ, rồi đem các sách Công pháp, Tây sử, Luật lệ, Hội điền, Địa đồ, Toán học, v.v… chứa đầy vào trong viện ấy, đặt rõ chương trình, kỳ hạn, bắt họ phải giảng giải, bồi bổ lẫn cho nhau. Hằng năm sát hạch, ai trúng thì được bổ dụng vào chỗ khuyết. Như vậy thì chẳng đến vài năm, người trong cựu giới sẽ quay sang tân giới cả.
Năm là chấn hưng công nghệ – Thường đọc Lễ nghi chí[37]về triều Lê, thấy có một mục chép rằng: “Phàm những đồ sứ Tàu, chỉ hạng ấn quan[38] trở lên mới được dùng”, mà không thể không than thở cho những kẻ mưu tính việc nước bấy giờ sao mà hủ lậu thế. Ngày xưa (bên Trung quốc), chỉ một mình Tạ An mặc chiếc áo lụa mịn (hoàn y) mà các quan trong triều mọi người đều thích, thế là của dùng trong nước được dồi dào. Phong hóa lướt mau là thế. Bên Thái Tây hễ có một thứ đồ mới thì kẻ này sáng chế, người kia làm theo, dẫu phải nhọc nhằn tốn kém bao nhiêu trong khi học hỏi cũng không hề tiếc! Học thấy ích lợi là thế. Nghĩ lại ta ở địa vị người trên, lại tự chọn lấy tốt mà dùng, mà làm sao mệnh lệnh cho người dưới được. Biết rằng có kẻ hơn mình mà không gắng sức cho hơn họ thì làm thế nào mà ích lợi cho nước nhà được? Thế thì dè dặt sự tiêu phí, chi bằng mở rộng nguồn lợi cho nó lưu thông?
Công nghệ nước ta, ngoài một thứ là khảm xà cừ có tiếng với thiên hạ ra, còn như nón lông, nón dứa, ghế mây, chiếu hoa, đồ sơn, đồ vàng, đồ gỗ, đồ đá, đồ gốm, đồ sứ, đoạn nhiễu, vải, lụa v.v…. phàm thứ gì người Tàu làm được thì ta cũng làm được; nhưng hàng ta sánh với hàng Tàu: đằng tinh, đằng thô, khác nhau rõ rệt. Ấy là bởi không biết chấn hưng công nghệ vậy. Nghe nói Bắc kỳ[39] gần đây đã biết được cách trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới. Việc ấy đăng cả trên mặt báo. Ở kinh đô vừa rồi có đặt ra sở Canh nông, trường Bách công. Phương pháp đó rất hay, ý thì rất tốt. Phàm người nước ta đều nên cổ lệ thế nào, bắt chước thế nào để mau có công hiệu. Nhưng triều đình đã lảng đi mà không hỏi đến, sĩ phu cũng khinh rẻ mà không chịu làm. Thành thử những người vào học trường Công nghệ chỉ là hạng cu ly; mà học sinh nông trường cũng chỉ là người trồng cây mà thôi. Thế là không biết gì về cách chấn hưng công nghệ.
Công nghệ rất quan hệ với quốc gia. Ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta. Tiền của phung phí ra ngoài nước không còn gì hại hơn thế nữa! Tưởng nên đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người khéo tay, nhanh trí khôn để cho vào học, rồi triều đình thường thường săn sóc mà dạy dỗ họ. Lại hạ lệnh khắp nước, hễ ai học được kiểu mới, chế được đồ mới thì theo lối Âu châu, cấp cho bằng khen làm lưu chiểu, thưởng cho phẩm hàm để ngợi khen họ, cấp cho lương bổng để khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo để bảo vệ quyền lợi của họ. Những ai giỏi về khoa cách trí, khí học, hóa học, thì làm cho họ được vẻ vang sang trọng hơn cả những người đỗ đại khoa. Như thế mà không có người chịu trổ tài, đua khéo, để cho hơn người thì có lẽ nào!
Sáu là mở tòa báo – Các nước đặt ra báo chí có những danh mục như nhật báo, tuần báo, nguyệt báo, bán nguyệt báo. Thể tài thì chia ra: chính trị, tin tức, thời sự, quảng cáo v.v… Phàm việc trong ngoài, sáng chế mới, tình hình thương mại, cho đến nhà pháp luật, nhà y học, thợ thuyền, thương gia, chẳng giới nào là không có báo. Pháp có hơn 1230 báo quán, Đức có hơn 2350 báo quán, Anh có hơn 2180 báo quán, Nga có hơn 430 báo quán, Mỹ có hơn 14150 báo quán, Nhật bản không quận nào là không có báo. Trung quốc gần đây cũng mở báo rất nhiều. Dân trí được mở mang là chính nhờ đó. Còn nước ta chỉ có Sài gòn và Hải phòng là có báo chữ Tây, người đọc không được mấy! Báo viết bằng chữ Hán thì chỉ có một tờ Đông văn[40] thôi.
Xét thấy viên chủ bút báo Them-xơ là một vị tể tướng về hưu, nên những lời bình luận của báo ấy rất công bằng và xác đáng. Thiết tưởng ở kinh đô ta cũng nên đặt một tòa báo, lựa lấy một vị đại thần làm chủ, lựa một số thân sĩ sung vào; nửa viết bằng chữ nước ta (quốc ngữ), nửa viết bằng chữ Hán. Bao nhiêu phép tốt, ý hay, nghề lạ, ngón khéo ở Âu, Mỹ cùng là những việc xưa nay ở nước ta, hoặc những lời và việc tìm được ở trong sách mà đáng nêu ra làm kiểu mẫu, hoặc những bài thiết thực về thời sự góp nhặt được trong sách luận bài thi, hoặc những người đặc biệt trong đám nhân tài, hoặc có kỹ thuật mới có ích lợi cho nước nhà do giới công nghệ mới tìm ra, thì đều cho đăng lên báo để cho mọi người cùng biết. Giá báo thì tính rẻ và cứ theo ngày đã định, gửi cho các quan lại lớn nhỏ, trong ngoài và các thôn, các xã mỗi nơi một tờ. Trong dân gian nếu ai bỏ tiền ra mua riêng thì có thưởng. Những kẻ thừa hành phát báo nếu chậm không đúng kỳ, đúng lệ thì phạt. Cái lợi thu được đã đủ chi tiêu về việc nhà báo, và nhờ báo chương rồi sẽ phá tan được cái giới câu nệ, tối tăm.
Một đằng thì mất mấy năm trời để học một thứ chữ khác hẳn tiếng mình mà vẫn không có công hiệu; một đằng thì mất không đến sáu tháng để học ngay được văn tự của riêng mình. Vậy thì không thể không theo chữ nước ta, điều ấy rõ ràng hết sức rồi. Một đằng thì theo đuổi lối học đầu ngọn, ghi nhớ từ chương, chung qui chỉ được cái hư văn. Một đằng thì để tâm vào những điều giản dị, rõ ràng và thiết yếu, mà lại thâu được thực học. Thế thì sách vở không thể không hiệu chỉnh, phép thi không thể không sửa đổi, nhân tài không thể không cổ võ cũng là một việc hết sức dễ hiểu vậy.
Cái thuyết khinh rẻ công nghệ đã nổi lên, thì vàng, bạc, gỗ, đá chỉ là nguyên liệu cho người nước ngoài dùng; cái đạo công nghệ được thịnh hành thì nước, lửa, gió, điện đều giúp ích cho sự cần dùng hằng ngày của dân ta cả. Vậy thì không thể không chấn hưng công nghệ, là điều tất nhiên.
Khư khư ngồi giữ lấy xóm cùng làng hẻm, sao bằng thả lỏng cho tinh thần bay nhảy ra cõi ngoài để cho tất cả vũ trụ đều có thể là nơi mình nằm chơi; dùi mài mấy tập giấy cũ, sao bằng xem báo mới mà trên giấy mực đều là thần trí. Thế thì không thể không mở báo quán là rõ ràng lắm.
Có người nói rằng: non sông nước Nam đã vạch sẵn trong tập thiên thư, văn hiến có từ lâu rồi; phép lục thư[41] đã thông hành rồi, cần gì phải dùng đến chữ mới? Muôn quyền đã giàu rồi, cần gì phải dùng đến tân thư? Khoa cử đã đủ để kén chọn người rồi, cần gì phải theo lối mới? Điều lệ, hiến chương đã đủ để trị nước rồi, cần gì phải dùng đến phép mới? Nếu làm như vậy chẳng hóa ra biến đổi hết nền văn hiến ngàn xưa để bắt chước cái mới được ư?
Than ôi, nếu quả như lời ấy, thì dân trí nước ta đến chìm lỉm tịt mù, không có bao giờ phát triển được nữa. Giả sử thời cục “tỏa quốc” không biến thành thời cục “dây điện, cơ khí” thì những cái “bốn điểm, năm giới” kia sẽ còn lảng vảng mãi trong đầu nhà triết lý, nhà chính trị; gặp việc hư hỏng thì vá cho lành, chữa cho thẳng, tô điểm, phô trương không phải không đủ gọi là văn minh; nhưng ngặt vì không thể thế được. Ví như dây đàn cầm không hòa hài thì phải tháo ra mà sửa lại; nhà ở đã cũ ngàn năm thì phải dỡ ra mà làm lại thì mới có thể ở lại được (lời Lương Khải Siêu). Thời cục cũng vậy, tất phải đến thế. Không nghe câu chuyện nước Nhật bản ư? Trong thời gian hơn ba mươi năm gần đây, nước Nhật thâu thái văn minh Âu châu, nay đã đạt được mục đích rồi. Không nghe câu chuyện nước Tiêm la ư? Trước đây vài mươi năm, nước Tiêm đã giao thương với Âu châu, phái con em đi học, nay chính sự đã có phần mới mẻ, khả quan rồi. Lại không nghe nói chuyện nước Tàu ư? Tàu vẫn là cổ quốc, vậy mà từ khi bị ngoại giới và nội giới kích thích, người Tàu đã tỉnh dậy, người trên dần dần hiểu rằng, phương pháp Âu tây là đáng theo, dưới cũng biết rằng học thuật Âu tây là đáng chuộng. Nay nước Tàu đã có sở Phỏng tạo, có hội quảng học rồi. Họ đang thay cái cốt cũ kỹ câu nệ để nhét vào đó cái đầu óc duy tân; sự tiến hóa của họ thật chưa lường hết được.
Than ôi, người ta đã tỉnh giấc rồi, ta còn mê ngủ. Người đã qua đò, ta còn cắm sào. Thì làm sao đứng nổi trên đài múa văn minh tiến bộ lớn này? Huống chi phong trào vô cùng, cuộc tiến hóa do đó mà cũng vô cùng. (Cái xã hội) mà trước đây gọi là văn minh, nay xem ra chỉ là bán khai thôi. (Cái xã hội) mà trước đây gọi là bán khai ngày nay xem ra chỉ là dã man thôi. Cho nên nói rằng: “cùng thì biến, biến thì thông, thông thì lâu dài”. Lại nói “Hóa mà sửa sang, gọi là biến, suy ra mà làm gọi làthông”. Chí lý thay lời nói của ông Thánh!
Thời buổi ngày nay không phải là thời buổi nên biến thông ư? Người Âu súc tích tâm tư, tài lực có mấy nghìn, mấy trăm năm nay, làm nảy ra được cuộc văn minh, bành trướng không ngừng, lần lượt tràn lan vào các nước châu Á. Ấy thực là một ánh sáng rực rỡ giữa đám tối tăm. Thật là trời mở cho ta mà mình lấp lại sao? Ngày ngày ngồi giữ cái thú ca múa hồ sơn mà không lo, rồi nhìn núi sông đổi dời mà không thương tiếc! Chả biết hai mươi lăm triệu đồng bào ta rồi sẽ kết cục ra sao đây? Chả biết rồi đây người đời sau xem người đời nay, người đời nay xem người đời xưa sẽ đặt ta vào địa vị nào đây?
Nay nếu không muốn mở trí dân thì thôi, ví bằng muốn mở trí dân thì không thể không tìm ra ảnh hưởng để xem cho biết cái cớ bởi đâu mà cuộc văn minh thành ra tĩnh mãi. Ảnh hưởng thế nào? Tức là năm giới như đã nói ở trên đây. Không thể không xét đến nguyên nhân để biết được cái sức ngăn trở văn minh bởi đâu mà ra. Nguyên nhân đó là gì? Tức là bốn điểm đã kể trên đây. Không thể không giữ vững chủ nghĩa để đi đến bước văn minh tấn tới. Chủ nghĩa gì thế? Tức là sáu đường như vừa nói trên đây vậy.
Ôi, đã tìm rồi, đã xét rồi, đã nắm vững rồi, (thì phải đem) búa to đao lớn để phá lũy xưa, xí đỏ, cờ hồng để lên đài mới, phải ném thân vào chỗ thế giới nước xoáy để mài xát nhiệt thành của mình, rồi đưa ra thời đại bay nhảy để cổ lệ cái nguyên động lực, làm sao cho người một nước nhân tư tưởng mà sinh cạnh tranh, nhân cạnh tranh mà sinh tư tưởng. Bây giờ các món học văn minh ngõ hầu mới có được. Công hiệu được thành, sẽ như cái đồng hồ báo thức, chỉ vặn dây cót, cả bộ máy đều chạy. Hiệu quả thu được sẽ như ống hàn thử biểu lên xuống theo không khí mà không sai suyển mảy may. Là vì trình độ dân trí được đề cao dần thì sức bành trướng của văn minh cũng sẽ lớn lên, và nền tảng văn hiến sẽ bền vững lâu dài vậy.
CHÚ THÍCH
[1] Chu quan: tên một tập sách Trung quốc nói về quan chế nhà Chu (1134 – 771 BC) cũng gọi là Chu lễ
[2] Quân tử: tên một tập sách Trung quốc tương truyền là của Quản Trọng, một nhà chính trị có tiếng đời Xuân Thu
[3] Mặc tử: một bộ sách triết lý của Mặc Địch, nhà học giả nước Lỗ, đời Chiến quốc.
[4]Phong nhã thông biên: một tuyển tập thơ Việt nam làm dưới thời Tự Đức. Có một bài tựa do sứ Trung quôc là Lao Sùng Quang viết. Hiện còn chép lại trong phần II tập Sứ trình yêu thoại khúc của Bùi Ngọc Quý.
[5] Quốc thị: kỷ cương mà cả nước thừa nhận là phải.
[6] Hạ tình: những điều mong muốn của nhân dân
[7] Lư thoa: J.J. Rousseau (1712 – 1778) , đại văn hào, nhà triết học, nhà lý luận của chủ nghĩa dân chủ thế kỷ XVIII tại Pháp
[8] Tư tân tắc: Herbert Spencer (1820 -1903): nhà xã hội học, đồng thời cũng là nhà triết học duy tâm của nước Anh, theo xu hướng thực chứng chủ nghĩa (positivisme). Spencer không viết Tiến hóa luận nhưng cũng là một nhà tiến hóa luận, chủ trương xã hội tư bản là tất nhiên, hài hòa (harmony) và cân xứng. Với học thuyết đó Spencer là tiền bối của xã hội học phản động bên Mỹ gần đây,
[9] Mạnh đức tư cưu: Montesquieu (1869-1755) – nhà văn Pháp thế kỷ XVIII. Đại diện cho ý thức hệ dân chủ Pháp thời đó. Dân quyền thiên còn có thể được dịch thành Vạn pháp tinh lý.
[10] Kỳ: còn gọi là cấp.
[11] “Kinh tế” đây ý nói là chính trị của một nước, khác với nghĩa của danh từ kinh tế ta dùng ngày nay.
[12] Ý nói, nước cũng là của chung mọi người.
[13] Cho vay.
[14] Phụ trách một số công việc nhà nước cùng một lúc.
[15] Ma-tây: Moise, một nhân vật vĩ đại trong kinh thánh (phần cựu ước) đã hướng dẫn nhân dân Do thái (hồi đó bị vua Ai cập chinh phục bắt về làm nô lệ) trong cuộc di chuyển 40 năm để thoát khỏi ách thống trị về tới xứ Già nam
[16] Già nam: Chanaan, tức Palestine, thánh địa của dân Do thái.
[17] Kha luân bố: Christophe Colomb (1451-1506)- nhà thám hiểm người Genes đã tìm ra châu Mỹ.
[18] Lợi mã đậu: Matteo Richi (1552-1610) – một nhà truyền giáo Ý đã ở Trung quốc mấy chục năm.
[19] Tức là tỉnh thành Quảng đông.
[20] Nội hạ ngoại di: gần gũi người trong nước, khinh bỉ người ngoài mà mình chê là mọi rợ
[21] Các nhà nho văn cho đạo Nghiêu, Thuấn, Khổng, Mạnh là đạo của nhà vua. Vương đạo là giáo chỉ của các thánh vương, vĩnh viễn sẽ ngự trị trong thiên hạ; còn lối làm cho nước nhà giàu mạnh của Âu, Mỹ chỉ là thủ đoạn khéo léo như cách các bá chủ đời Xuân thu ngày trước. Bá đạo dẫu có thắng lợi trong một thời gian thì rút cục cũng nhất định sẽ thất bại.
[22] Năm giới: tức là lý tưởng, giáo dục, kinh tế, tính tình và phong tục nói trên kia.
[23] Về vấn đề nguồn gốc chữ viết, tác giả bài này đã lầm lẫn. Trong Tam tạng ký nói: “ngày xưa có ba người tìm ra cách viết chữ đầu tiên: người thứ nhất là Phạn đặt ra lối chữ viết từ trái sang phải; người thứ hai là Khư Lư hay Khư Lâu đặt ra lối chữ viết từ phải sang trái; người nhỏ tuổi hơn hết làThương Hiệt đặt ra lối viết từ trên xuống dưới. Phạn và Khư Lư là người ở Thiên trúc (Ấn độ), Thương Hiệt làm quan đời Hoàng đế, người Trung hoa…” Còn Thư Tụng không phải là một trong ba người đặt ra chữ mà chỉ là một sử quan thời Hoàng đế cũng như Thương Hiệt.
[24] Thiên Bàn canh trong Kinh thư. Văn đời nhà Ân.
[25] Các thiên Cảo như Tiểu cảo, Đại cảo, Thiệu cảo, v,v… trong Kinh thư, sách đời nhà Chu. Bàncũng như Cảo đều là viết theo lối bạch thoại ngày xưa.
[26] Chữ đọc theo lối đánh vần và viết theo lối từ trái sang phải.
[27] Tịch Đàm vong tổ – sách Tả truyện chép: Tịch Đàm làm tôi nhà Tần, khi vào yết kiến vua nhà Chu, vua hỏi về điền lễ cũ của nhà Tần, Tịch Đàm không trả lời được, vua bảo rằng Tịch Đàm kể điền lễ cũ mà quên cả tổ tiên.
[28] Chính văn: những lời chính thánh hiền nói ra, chép theo nguyên văn. Ngày xưa gọi là bài cái. Các bài bàn của các nhà nho sau đó gọi là bài hai, bài ba.
[29] Theo phép thi ngày xưa, muốn ngăn ngừa việc gian lận, quyển của thí sinh, nơi hai tờ giấy giáp nhau, bao giờ cũng có dấu son của quan trường; dấu này là dấu giáp phùng. Lúc đứng trưa, thí sinh lại phải xin đóng một dấu vào giữa đoạn văn mình đang viết gọi là dấu nhật trung rồi mới về lều viết tiếp.
[30] Đồ: xóa
[31] Di: viết sót
[32] Câu: chữ dưới móc lên trên
[33] Cải: đổi, viết lại chữ khác.
[34] Chuỗi cười thế giới.
[35] Cường học hội: một hội học do nhóm Khang Hữu Vi tổ chức ở Bắc kinh dưới thời Quang tự, cuối thế kỷ 19 để cổ vũ cho tư tưởng Duy tân
[36] Nhắc lại một câu của Mạnh Tử có ý rằng: khi học tiếng nước ngoài mà chung quanh người ta chỉ nói tiếng nước mình thì cũng vô ích.
[37] Một loại chí trong bộ Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú.
[38] Hàng quan có ấn để đóng dấu trên các văn kiện
[39] Tác giả bài này có thể là người miền Trung?
[40] Tức tờ Đại nam đông văn nhật báo.
[41] Lục thư: sáu lối đặt chữ trong hệ thống chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hài thanh, hội ý, chuyển chú và giả tả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét