Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Luận Tam Quốc: Số phận của mưu sĩ

Trong mục luận Tam Quốc, tuần này, chúng tôi sẽ điểm qua số phận của các mưu sĩ-thầy dùi-nhà tư vấn.
Chỉ có hai trường hợp đặc biệt cho các mưu sĩ kiệt xuất thời Tam Quốc là Gia Cát Lượng, người sau này trở thành chính khách, chủ soái nhiều hơn và Quách Gia, người đã chết sớm, là thoát khỏi số phận thảm thương. Các mưu sĩ kiệt xuất nhất, có kế sách và công tích lớn nhất  đều có số phận đáng buồn.

Mưu sĩ có ảnh hưởng lớn nhất thời Tam Quốc chính là Tuân Úc, tác giả đầu tiên của thế cục Tam Quốc. Đặc biệt hơn chính Tuân Úc đã bày mưu cho Tào Tháo giương cao ngọn cờ tôn phù công thất để dùng vua sai khiến thiên hạ, đưa nhà Ngụy từ tư cách một chư hầu loại trung bình trở thành thế lực mạnh nhất thời Tam Quốc. Người ta thường nói "Công cao khó báo" chính là vì vậy. Kết cục của Tuân Úc là bị Tào Tháo cho uống thuốc độc chết.

Mưu sĩ có ảnh hưởng cao nhất bên Thục là Phượng Hoàng Nhỏ Bàng Thống. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung đã quy công lao lấy Ích Châu cho Gia Cát Lượng, cho rằng sau khi Bàng Thống mất, quân Lưu Bị lâm nguy, Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Trương Phi phải vào Xuyên mới bình định được Trương Nhiệm và Lưu Chương. Thực sự, khi Gia Cát Lượng vào Thục, Ích Châu đã bình định xong, Phượng Hoàng Nhỏ đã hy sinh vì tên lạc trong đợt công kích cuối cùng trước khi thắng lợi. 

Một mưu sĩ khác có công lớn là Bành Dạng đã cứu toàn bộ quân đội của Lưu Bị khỏi chết chìm, kết thúc với số phận bị Lưu Bị giết trong ngục. Ngoài ra còn số phận của Hứa Du, người bạn cũ đã bày mưu cho Tào Thào diệt Viên Thiệu, bị Tào Tháo mượn tay Hứa Chử giết, Điền Phong, người mưu sĩ thông minh nhất của Viên Thiệu bị chính Viên Thiệu giết vì đoán trước được diễn biến. Trần Cung có lẽ còn khá hơn, khi cùng chết với Lã Bố.

Cho đến Ngụy Diên, vốn là một võ tướng, bắt đầu bày mưu tính kế cho Gia Cát Lượng và trở thành Tiền Quân Sư, mặc dù có một kế sách quân sự hay nhất bên Thục cũng phải chết oan, khi Gia Cát Lượng mất đã sắp sẵn cho ông một cái chết.

Như vậy, số phận của mưu sĩ-thầy dùi-nhà tư vấn có phải là quy luật hay không?  Nếu xem lại trước đó, Phạm Lãi và Văn Chủng bày mưu cho Câu Tiễn làm nên nghiệp bá. Phạm Lãi sớm rút lui đi chơi Ngũ Hồ nên bảo toàn được mạng sống, Văn Chủng đến khi bị giết hối hận thì đã quá muộn.

Hàn Phi trong Thuyết Nan đã nói về những khó khăn của mưu sĩ: Nói cao thì bị vua chê viển vông, nói thấp thì bị chê là ti tiện, nói đúng thì ngoài mặt dùng như trong lòng đã nảy sinh ghen ghét bỏ rơi. Ông nói: nhà vua như con rồng có vảy ngược, động vào tất bị nó giết. Biết trước là như vậy mà Hàn Phi cũng không tránh khỏi số phận bi thảm bị Tần Thủy Hoàng giết, mặc dù trước đó Tần Thủy Hoàng đã hâm mộ ông tới mức khi đọc tác phẩm của ông đã than rằng: được làm bạn, chuyện trò với người này dù chết cũng không oán hận gì. Đế vương không thể có bạn, cô độc biết bao nhiêu. Mưu sĩ cũng không bao giờ tìm được tình bạn ở bậc đế vương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét