Trong tác phẩm "Gulliver du ký" có đoạn kể chuyện tại một xứ sở nọ có một cuộc tranh cãi về việc khi ăn trứng phải đập đầu trứng to hay đầu trứng nhỏ. Mới đầu là tranh cãi, sau đó hình thành phe nhóm, chính đảng để đấu tranh cho chân lý mà mỗi bên quan tâm. Thảo luận nghị trường cũng trở thành việc đấu đá cho cái chân lý vốn dĩ phụ thuộc vào cách rặn đẻ của con gà mái. Sau một thời gian dài không ngã ngũ, vấn đề nhạt dần, chủ yếu do dân chúng thấy chán ngấy với chủ đề đầu trứng, tại xứ sở nọ lại nảy sinh ra vấn đề để dép bên giường ngủ. Một bên cho rằng phải để dép đầu trở ra ngoài, để hôm sau dậy xỏ dép cho nhanh. Bên đối lập chủ trương đầu dép trở vào trong để tuột dép chui vào giường cho nhanh. Suy rộng ra thì một bên hướng tới công việc, một bên hướng tới hưởng thụ. Thế là một cuộc đấu tranh xã hội nữa lại nổ ra.
Đối với người từ ngoài trông vào như anh chàng Gulliver, mọi sự có vẻ vô nghĩa và hài hước, nhưng đối với những người dân ở xứ sở nó đó là một cuộc tranh luận chính trị, xã hội thậm chí khoa học vô cùng nghiêm túc.
Chúng ta đã có những cuộc tranh luận "văn học vị thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh", "hiện thực hay văn học cao hơn", "lãng mạn hay hiện thực", đã lôi cuốn cả xã hội, những trí tuệ tinh hoa vào trò chơi mà ngôn ngữ láu cá đã đặt bẫy cho con người sụp vào. Những cuộc chơi trí tuệ đáng lẽ chỉ nên dùng để tiêu khiển, vây vo với các quý bà, quý cô, được nâng cấp thành vấn đề của đám đông, động lực chỉ còn sĩ diện thắng thua, cuối cùng không được kết thúc bởi giải pháp mỹ mãn nhưng có phần ngây thơ của Andersen với tư cách lời "Hoàng đế cởi truồng" từ miệng của một chú bé. Không có chú bé nào cả, vì xã hội của chúng ta không được xây dựng một cách thông minh như thế.
Đến tận thế kỷ 20, những vấn đề như vậy đều phải kết thúc bởi nắm đấm. Chân lý vẫn được định đoạt tốt nhất, triệt để nhất bằng phương pháp của Trương Phi "Nói nhiều vô ích, có giỏi đánh nhau ba trăm hợp." Chiến tranh, cải cách ruộng đất, tổ chức,...đã thay bút mực, trí tuệ giải quyết vấn đề đến tận gốc, có lẽ mục tiêu của những cuộc tranh luận như thế không phải là vấn đề đang bàn. Những người to mồm nhất cũng thông suốt, và cũng nhờ thế mà hôm nay một chú bé lớp 3 cũng có thể thấy những vấn đề tranh luận là vô nghĩa, nhân sinh có thể đứng cùng nghệ thuật, văn học đua sắc với hiện thực, lãng mạn và hiện thực đều có thể dùng để phát biểu cảm xúc, thái độ. Nói cho cùng, sức mạnh vật lý vẫn là một giải pháp định lượng công bằng hơn nhiều so với những trò ném đá giấu tay trong hậu trường nền của tranh luận giấy bút. Với những vấn đề to lớn như thế thì các bài toán "thuyền trưởng" hay "chuồng gà" chỉ là những trò lặt vặt nhãi nhép.
Dân gian ta có chuyện trò ăn bánh của thầy. Thầy bắt bẻ trò, đi trước cũng sai, đi ngang cũng sai, đi sau cũng sai, cái nào cũng có lý luận sách vở đàng hoàng. Trò phải lật bài ngửa "thày dạy con phải làm thế nào ạ". Kể ra giải pháp của trò cũng đã thông minh. Nhưng câu trả lời của thầy lại là một câu hỏi "Thế bánh tao đâu?" Giá trò biết được chân lý này đã không phải chịu tuế toái, phiền phức, lao tâm khổ tứ nghĩ mẹo đối phó với thầy. Thế mới biết cậy vào trí tuệ bao giờ cũng phải trả giá mà cuối cùng vẫn đi đến cùng một kết cục.
Liệu tranh luận, rèn luyện trí tuệ bằng vấn đề "4 lần 8" có giúp sĩ phu dương thanh, ngự thế giúp dân làm được ra cái ốc vít hay không. Nếu được, xin mời các ngài cứ tiếp tục ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét