Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Ngã học Dịch [3] Hệ từ truyện Thiên Thượng Chương 1 tiết 2-6

Nguyên văn
2. 是 故, 剛 柔 相 摩, 八 卦 相 盪.
3. 鼓 之 以 雷 霆, 潤 之 以 風 雨, 日 月 運 行, 一 寒 一 暑.

4. 乾 道 成 男, 坤 道 成 女.
5. 乾 知 大 始, 坤 作 成 物.
6. 乾 以 易 知, 坤 以 簡 能.


Phiên âm
2. Thị cố, cương nhu tương ma, bát quái tương đãng.
3. Cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ, nhật nguyệt vận hành, nhất hàn nhất thử.
4. Kiền đạo thành nam, khôn đạo thành nữ.
5. Kiền tri thái thủy, khôn tác thành vật.
6. Kiền dĩ dị tri, khôn dĩ giản năng.

Dịch nghĩa và chú thích của Nguyễn Hiến Lê
2. Thị cố cương nhu tương ma, bát quái tương đăng. 
Dịch: cho nên cứng và mềm cọ nhau, giao nhau mà thành bát quái, bát quái luân chuyển nhau (chồng lẫn lên nhau mà thành sáu mươi bốn quẻ). 
3. Cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ, nhật nguyệt vận hành, nhất hàn nhất thử. 
Dịch : Cổ động cho muôn vật bằng sấm sét (ám chỉ quẻ Chấn); thấm nhuần cho muôn vật bằng gió mưa (ám chỉ quẻ Tốn), mặt trời mặt trăng xoay vần, cứ lạnh rồi tới nóng (thay đổi nhau hoài). 
Chú thích: đây nói về sự biến hoá thành ra các tượng ở trên trời. 
4. Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ. 
Dịch: Có đạo Càn (tức khí dương) nên thành giống đực, có đạo Khôn (tức khí âm) nên thành giống cái. 
Chú thích: Chữ đạo ở đây không có nghĩa là đạo đức, cũng không hẳn có nghĩa như trong “Đạo đức kinh”. Có thể tạm coi là luật thiên nhiên. Nam, nữ thường dịch là trai, gái, như vậy là chỉ xét chung về loài người thôi, nghĩa hẹp đi. 
5. Càn tri thái (có người đọc là đại) thủy, Khôn tác thành vật. 
Dịch: đạo Càn làm chủ (tác động) lúc mới đầu (lúc chưa thành hình); rồi sau đạo Khôn làm cho (vạn vật) ngưng kết mà thành hình. 
Chú thích: Chữ tri ở đây không có nghĩa là biết; mà có nghĩa là làm chủ, như tri phủ, tri huyện. . . 
6. Càn dĩ dị tri, khôn dĩ giản năng. 
Dịch: Càn (nhờ đức cương kiện mà động nên) dễ dàng, không tốn sức mà làm chủ tác động lúc mới đầu; Khôn (nhờ đức nhu thuận mà) đơn giản, không rối ren mà tác thành vạn vật. 
Chú thích: tiết là tiếp tiết trên. Tiết trên nói về công dụng của Càn, Khôn; tiết này nói về đức của Càn, khôn. Chữ tri ở đây nghĩa như chữ tri ở trên, chữ năng ở đây nghĩa như chữ tác ở trên. 


Đọc văn
Đoạn này không có gì khó lắm về văn tự nên có thể đọc thông cả 5 tiết, sau khi đã thoát tiết đầu tiên. Văn tự Tàu theo công thức "đề thừa phá luận"  thường khó nhất là câu "đề" (nêu vấn đề), vì thường tối như hũ nút. Càng hũ nút càng được khen hay, uyên áo, nên trái hẳn với cách của phương Tây, vấn đề đặt ra phải đơn giản rõ ràng, khả thi, có phạm vi để không đi vào vu khoát.  Do đó có đoạn "thừa" làm sáng tỏ ý nghĩa của đề. Thường đoạn này hay có xu hướng tầm thường hóa, không ít trường hợp làm hỏng đề và cũng không ít trường hợp không đáng bỏ thời gian ngẫm nghĩ tán dóc quá nhiều như các cụ hủ nho.
Điều đáng nói là thumb up cho cụ Nguyễn Hiến Lê về phiên âm đoạn này vì có 2 cái bẫy đối với đa số người mới học hoặc tậm toạch nho nhoe như mình: "Kiền tri thái thủy", nhiều người, nhiều sách phiên thành "Kiền tri đại thủy" do không bám vào ý nghĩa khi phiên âm. "Kiền dĩ dị tri" nhiều người nghĩ là đang nói chuyện về Dịch nên phiên thành "Kiền dĩ Dịch tri". Tuy nhiên, khen như vậy là hỗn láo, vì đối với bậc túc học như cụ Nguyễn Hiến Lê mấy cái này là chuyện nhỏ, không thể so với đám đông ẩu xị được.
 Ý nghĩa của đoạn này cũng không có gì đáng nói nhiều. Vấn đề là dịch ra tiếng Việt sao cho thuận, êm tai như nguyên bản và đừng để mất nghĩa hoặc bịa thêm nghĩa chủ quan. (Cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn hơi tán rộng một chút)
Tạm dịch:
     2. Chính vì vậy, cương nhu cọ xát, tám quẻ đan xen.
    3. Gióng lên để ra sấm sét, tưới đẫm để thành gió mưa, nhật nguyệt xoay vần, lúc lạnh lúc nóng.
    4. Theo lối Kiền thành tính nam, theo lối Khôn là tính nữ.
    5. Kiền nắm rõ khởi đầu, Khôn tác thành sự vật.
    6. Kiền để hiểu đời dung dị, Khôn để giản tiện công việc

Lời bình của Lệnh Lỗi Dương
     Cụm từ "chính vì vậy" sẽ giới hạn các nghĩa đã giải ở tiết 1. Về đại thể các tiết 2 và 3 chỉ nói về việc cấu thành quá trình vận động của dịch, âm dương xen kẽ, tuần hoàn, từ bắt đầu manh nha đến lúc cực điểm, đều trải qua chuyển dịch có thứ tự, liên tục, không đứt đoạn, nhảy cóc; có lớp lang, không đi tắt đón đầu, đốt cháy giai đoạn. Phương Tây có quá trình adiabatic, không gây hỗn loạn.
   Tiết 4-6, cần đọc theo mạch liên kết với nhau, thì sẽ tập trung được vào ý chính của chương. Cụ Nguyễn Hiến Lê có xu hướng giảng tách bạch nên phóng tay suy luận.
    Ở đây chỉ gợi ra nguyên tắc hiểu Dịch bắt đầu từ hiểu nguyên lý vận động giữa Kiền và Khôn. Dịch có bát quái, 64 quẻ, nhưng mọi đạo lý đều nằm ở Kiền và Khôn, vì thế không vội đi sâu vào Chấn Tốn hay bất cứ quẻ nào khác. Tiết 3 chỉ là gợi ra ví dụ hiện tượng để nói rằng cần phải hiểu đạo Kiền Khôn mới hiểu quá trình từ khi khua động ra đến sấm sét, kể từ tưới đẫm ra đến gió mưa.
    Tại sao lại có Tiết 4? Ở đây cụ Nguyễn Hiến Lê bàn hơi rộng, cho rằng nam nữ không quan trọng mà chỉ là nói về người quan hệ với Đạo, quy luật, chưa được rõ về logic. Thực ra mạch văn ở đây là lấy một ví dụ về Kiền Khôn qua tính nam và tính nữ để thấy được quan hệ Kiền Khôn. Qua ví dụ này có thể hiểu mọi quan hệ giữa mọi cặp thể hiện Kiền Khôn khác như Lý thuyết-Thực hành, Cứng-Mềm, Dương-Âm,...
      Qua ví dụ nam - nữ, có thể thấy Kiền (trong ví dụ là Nam) khởi đầu, Khôn (trong ví dụ là Nữ) sinh sản ra sự vật. Có thể hiểu một cách phồn thực, cụ thể. Do Kiền là khởi đầu nên trọng ở chỗ nắm rõ cách thức, khái niệm một cách dễ dàng. Khôn sinh sản nên phải có xu hướng đơn giản hóa để thực hành. Trong quá trình học Dịch cần nắm vững nguyên lý chi tiết đến mức dễ hiểu, khi liên hệ thực tế cần đơn giản. Tán nhăng cuội  ngoài văn tự khi đọc Dịch cũng là phản Dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét