Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Việt nam phải Tây phương hóa để phát triển dân tộc (2) Tất yếu phải Tây phương hóa toàn diện

Tây phương hóa là một sự kiện không từ chối được.
Trên đây chúng ta đã phải suy luận dông dài về trường hợp của Ấn Độ. Bởi vì, công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa là một công cuộc liên hệ đến sự sống còn của dân tộc. Và, mặc dầu đầy khích động, nhưng sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng liên tục trong nhiều năm, ở mọi người, và đòi hỏi nhiều hy sinh nặng nề ở mọi tầng lớp nhân dân. Cố gắng liên tục sẽ làm cho dân chúng mệt mỏi, hy sinh nặng nề sẽ gây phẫn nộ cho dân chúng. Trong hoàn cảnh đó nếu người lãnh đạo không quả quyết tin vào công cuộc phát triển, nếu toàn dân không tin rằng công cuộc phát triển là con đường sống duy nhất của dân tộc, thì công cuộc phát triển không sao thực hiện được.
Vì vậy cho nên, một điều vô cùng thiết yếu là sự tin tưởng rằng, công cuộc phát triển dân tộc chúng ta bằng cách Tây phương hóa là một sự kiện lịch sử dĩ nhiên, không thể tránh được và ngoài công cuộc phát triển ấy ra, dân tộc chúng ta không còn một lối thoát thứ hai. Một sự tin tưởng tuyệt đối như vậy chỉ có thể có được khi nào các trường hợp đều được xem xét một cách không thiếu sót để cho các nghi vấn đều được giải đáp.
Và khi các điều kiện trên đã thỏa mãn đầy đủ rồi, thì tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đều phải quả quyết tin rằng, chúng ta cần phải dốc hết nỗ lực để thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, bằng cách Tây phương hóa xã hội chúng ta, một cách toàn diện mà không do dự.
Thật sự ra, công cuộc Tây phương hóa xã hội chúng ta đã tự nó bắt đầu thực hiện từ ngày người Pháp bước chân lên đất này. Chúng ta chỉ cần nhìn quanh chúng ta: nhà ở cũng kiến trúc theo kỹ thuật và kiểu mẫu Tây phương, giải trí cũng tổ chức theo Tây phương, thức ăn cũng nấu theo Tây phương. Phần lớn các cử động trong đời sống của chúng ta đều rập khuôn theo Tây phương. Nhìn lại chính con người của chúng ta, dù chúng ta ở thành thị hay thôn quê, chúng ta thấy rằng tất cả con người chúng ta đều Tây phương hóa từ đầu tới chân: tóc hớt theo Tây phương, áo và quần cắt theo lối Tây phương, may bằng những cái máy do Tây phương sáng chế, giây nịt và giày là sản phẩm của Tây phương. Đi ra, chúng ta dùng xe đạp của Tây phương hay xe hơi của Tây phương. Vì vậy cho nên, những người còn ngồi nhà mà nói là phải giữ lại phong tục Việt Nam để bảo vệ quốc hồn quốc túy là những người tự dối mình.
Nếu đã như thế thì, trên kia chúng ta còn đặt thành vấn đề sự cần thiết của công cuộc Tây phương hóa, có phải là một hành động thừa không? Thừa, mà cũng không thừa.
Thừa đối với những người vẫn chưa chịu nhận rằng, dầu họ không có muốn Tây phương hóa và họ có chủ trương bảo cựu đến mức độ nào đi nữa, thì chính con người của họ cũng đã Tây phương hóa đi rồi.
Không thừa, đối với chúng ta, là những người mong muốn thực hiện được công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa toàn diện. Công cuộc Tây phương hóa xã hội chúng ta mà ngày nay chúng ta mục kích những hiện tượng, như trên đã kể, là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc, dẫn dắt đến tình trạng tan rã của xã hội chúng ta. Xã hội chúng ta bị Tây phương hóa, chớ không phải tự ý Tây phương hóa. Vì vậy mà cuộc Tây phương hóa đã được thực hiện một cách không đường hướng, không mục đích và chỉ lên đến một mức độ thấp kém. Cũng vì vậy mà chúng ta không chủ động được công cuộc Tây phương hóa đã qua của chúng ta, và không có thể dẫn dắt nó vào một chiều hướng và đến một mức độ có ích cho công cuộc phát triển dân tộc.
Trái lại công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta phải thực hiện cho dân tộc là một công cuộc Tây phương hóa tự ý muốn, đo đó, có đường hướng và có mục đích. Chúng ta sẽ chủ động cuộc Tây phương hóa này và sẽ đưa nó đến một mức độ đủ cao để xã hội chúng ta tìm được những tiêu chuẩn giá trị mới khả dĩ tạo cho nó một trạng thái điều hòa mới.
Như thế nào là Tây phương hóa có đường hướng?
Dưới đây chúng ta sẽ chứng minh rằng, trên phương diện dân tộc, một công cuộc Tây phương hóa chỉ hữu hiệu khi nào được thực hiện toàn diện và đạt đến mức độ đủ cao.
Như thế nào là Tây phương hóa toàn diện?
Trong số các nhà lãnh đạo các quốc gia bị Tây phương tấn công, những người có thái độ đóng cửa bảo vệ giá trị cũ, như ở Trung Hoa và ở Việt Nam, cũng như những người có thái độ mở cửa để đón văn minh Tây phương như ở Nga và ở Nhật, tất cả đều sớm nhận định rằng sở dĩ Tây phương thắng thế là, trước tiên, nhờ ở kỹ thuật võ trang và kỹ thuật tô chức.
Và giữa hai thái độ cực đoan như chúng ta đã phân tích trên đây phần đông lại lựa chọn một thái độ dung hòa và khôn ngoan nhất. Thái độ nửa chừng dựa trên lý luận sau đây:
Tây phương hóa có giới hạn.
Chúng ta chiến bại vì vũ khí của chúng ta kém về độ tinh xảo và quân đội chúng ta thua về tổ chứcVậy, để chống lại địch thủ một cách hiệu quả và lâm thời thắng địch thủ, chúng ta chỉ cần học, một là kỹ thuật sử dụng vũ khí tối tân, lúc đầu mua của chính những quốc gia Tây phương, sau học kỹ thuật để chế tạo lấy; hai là kỹ thuật tổ chức quân đội theo Tây phương. Với hai khí giới đó chúng ta có thể hy vọng thắng địch để bảo vệ được các tiêu chuẩn giá trị truyền thống của xã hội của chúng ta. Như thế có nghĩa là chúng ta chỉ cần canh tân quân trang và cải tổ quân đội là đủ, mọi cơ cấu khác trong xã hội vẫn giữ nguyên vẹn. Nhưng, lịch sử của các quốc gia đã áp dụng thái độ đó trong hành động lại chứng minh rằng, sự thật thì các sự kiện đã xảy ra không như những người lãnh đạo của các quốc gia ấy dự định.
Sau khi đã quyết định canh tân quân trang và cải tổ quân đội các nhà lãnh đạo nói trên một mặt gởi người xuất dương du học các nước Tây phương để hấp thụ kỹ thuật mới, một mặt mướn người chuyên viên Tây phương đến tại xứ để vừa huấn luyện người, vừa để xây cất các xưởng chế tạo vũ khí.
Vì sao người Tây phương lại đến nhận lãnh trách nhiệm chế tạo các vũ khí đó và vì sao các cường quốc Tây phương nhận đào tạo các chuyên viên ngoại quốc như vậy, mặc dù họ vẫn biết, cũng như mọi người đều biết, rằng làm như vậy là họ sẽ trao cho địch thủ những khí giới đang bảo đảm ưu thế của họ? Có nhiều lý do khiến cho người Tây phương, cũng như những cá nhân của các quốc gia khác, đã hành động như vậy. Trước hết là vì bị quyền lợi vật chất quyến rũ. Thứ hai giữa các cường quốc trong nội bộ xã hội Tây phương cũng có nhiều mâu thuẫn chính trị khiến cho mỗi cường quốc, trong một cuộc tranh giành ảnh hưởng ác hệt, sẵn sàng tìm đồng minh cho mình ở những quốc gia ngoài xã hội Tây phương. Và sau hết, trong thời kỳ đi chinh phục thế giới, kỹ thuật Tây phương đã đạt đến một trình độ rất cao và tạo cho người Tây phương một sự hãnh diện và tự tin mãnh liệt cho đến nỗi, nếu không phải vì lợi và vì ngoại giao, thì họ cũng không ngần ngại mà hành động như họ đã làm. Dầu sao, như chúng ta sẽ thấy sau này, những lý do trên là những yếu tố thuận lợi, mà toàn bộ tạo thành cơ hội giúp cho các dân tộc ngoài xã hội Tây phương thực hiện công cuộc phát triển của mình.
Tây phương hóa có giới hạn nhất định thất bại
Trở lại vấn đề canh tân quân trang và cải tổ quân đội.
Sau giai đoạn thi hành các biện pháp nói trên một thời gian, các nhà lãnh đạo thu lượm được một kết quả mong muốn: quân đội, võ trang bằng vũ khí của Tây phương và tổ chức theo lối của họ, đã trở thành một lực lượng làm cho ngoại quốc phải kính nể. Nhưng, cũng chẳng bao lâu sau đó, sang giai đoạn thứ hai, chính các nhà lãnh đạo đó lại nhận thấy thêm rằng, nếu muốn duy trì cái lực lượng quí báu vừa mới tạo được thì việc huấn luyện chuyên viên, chỉ giới hạn trong lãnh vực quân sự, lại không đủ. Đi sâu vào một chút, lại tìm ra là tinh xảo của vũ khí Tây phương bắt nguồn từ các phát minh của khoa học Tây phương, và, ngoại trừ mọi vấn đề tổ chức vật chất, sức mạnh tinh thần của quân đội Tây phương lại do tư tưởng cá nhân của mỗi người chiến binh và tư tưởng cá nhận lại do hoàn cảnh xã hội tạo ra.
Như vậy, muốn nuôi dưỡng một lực lượng quân sự, đã được canh tân, lại phải đặt vấn đề hấp thụ học vấn Tây phương và như thế, là phải canh tân nền giáo dục. Và muốn gieo cho người chiến binh một sức mạnh tinh thần như của người chiến binh Tây phương lại phải tạo cho họ hoàn cảnh xã hội tương tự, nghĩa là phải cải tạo xã hội. Mà cải tạo xã hội thì phải thay thế các giá trị tiêu chuẩn cũ. Như vậy thì, rốt cuộc lại, phải bỏ giá trị tiêu chuẩn cũ, điều mà các nhà lãnh đạo đang nói đây không dự định làm và cũng không muốn làm, vì sở dĩ các nhà lãnh đạo này chủ trương canh tân quân đội là với mục đích bảo vệ các giá trị truyền thống của xã hội của họ.
Ngoài ra, sự canh tân quân đội lại đương nhiên mang đến một hậu quả khác mà các nhà lãnh đạo cũng không ngờ. Những người muốn học về tổ chức quân đội theo Tây phương, trước tiên phải học ngôn ngữ Tây phương để đọc sách về kỹ thuật tổ chức quân đội của Tây phương. Nhưng khi đọc được ngôn ngữ của Tây phương rồi, thì không làm thế nào cấm họ đọc các sách khác của Tây phương trong những lĩnh vực khác: chính trị, văn hóa, hay xã hội. Do đó, và vì đã sẵn trong đầu sự cảm phục chính đáng đối với Tây phương trong lĩnh vực quân sự, những người này tự nhiên nẩy ra sự cảm phục Tây phương trong lĩnh vực xã hội và chính trị. Và họ sớm nhận thức rằng sức mạnh của quân đội Tây phương cũng như tính cách tinh xảo của vũ khí Tây phương là những kết quả đương nhiên, trong lĩnh vực quân sự của tổ chức xã hội và chính trị của Tây phương. Như vậy, họ tin rằng không thể nào có được một quân đội hùng mạnh theo mới mà không có một tổ chức xã hội và chính trị theo mới. Và chính những người này sẽ biến thành những cái mầm của cuộc cách mạng chính trị và xã hội sau này. Các sự kiện trên đây lại giải nghĩa cho chúng ta thấy vì sao mà ở một nước Thổ Nhĩ Kỳ, và nhiều nước khác ở Cận Đông, chính quân đội lại hướng dẫn các cuộc cách mạng chính trị và xã hội trong đầu thế kỷ hai mươi.
Trở lại vấn đề canh tân quân đội trên đây, sau khi đã canh tân quân đội, trong giai đoạn thứ nhất đến giai đoạn thứ hai, các nhà lãnh đạo sẽ đứng vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ tiếp tục cuộc canh tân quân đội, thì bắt buộc họ phải đi đến chỗ cải tạo xã hội. Đó là điều họ không thể làm được, bởi vì mục đích của họ khi canh tân quân đội là để bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ.
Nhưng nếu họ ngưng lại cuộc canh tân quân đội, thì việc bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ, cũng sẽ không thực hiện được đối với sự tấn công của Tây phương. Hơn nữa, mộtcuộc duy tân, một khi đã manh nha, tự nó sẽ tạo ra trong cơ thể của xã hội, bắt đầu duy tân, những lực lượng càng ngày càng bành trướng để phát triển cuộc duy tân. Nếu những lực lượng ấy được hướng dẫn sẽ đưa đến một cuộc duy tân có mục đích, nếu không, cuộc duy tân sẽ hỗn loạn. Nếu các nhà lãnh đạo lại dùng bạo quyền, như đã xảy ra ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu thế kỷ hai mươi, để hoặc là bãi bỏ công cuộc theo mới hoặc là ngưng cuộc canh tân trong những giới hạn họ muốn, mặc dù họ vẫn biết rằng hành động như vậy vẫn không cho phép họ bảo vệ các giá trị tiêu chuẩn cũ, thì lực lượng cách mạng, lãnh đạo do những người ở trong quân đội đã hấp thụ được, chẳng những kỹ thuật quân sự mới, mà lại thêm những tư tưởng chính trị và xã hội mới, sẽ nổi lên lật đổ các nhà lãnh đạo này.
Công cuộc Tây phương hóa, nhất định phải toàn diện
Tóm lại, nếu đóng cửa không đón tiếp văn minh Tây phương, thì, vì kém kỹ thuật, sẽ bị Tây phương chiến bại, và biến thành thuộc địa hay bán thuộc địa. Sau khi chiến bại rồi sẽ bị Tây phương hóa nhưng công cuộc Tây phương hóa sẽ không được hướng dẫn và sẽ đưa đến những kết quả thảm hại mà chúng ta biết.
Nếu muốn Tây phương hóa có giới hạn để bảo vệ các giá trị cũ thì, một là công cuộc bảo vệ sẽ không thực hiện được và quốc gia sẽ lâm vào tình trạng của các nước đóng cửa không tiếp đón kỹ thuật Tây phương. Hai là sẽ tạo hoàn cảnh cho một cuộc cách mạng nội bộ để đưa đến một cuộc Tây phương hóa toàn diện. Như vậy thì, đằng nào rồi những sự kiện lịch sử cũng sẽ đưa đến một cuộc Tây phương hóa toàn diện. Nếu đã thế thì thượng sách không phải là nên tự ý Tây phương hóa toàn diện hay sao? Có như vậy một mặt chúng ta sẽ có thể rút ngắn thời gian, một mặt chúng tạ mới có thể chủ động được công cuộc Tây phương hóa đế cho những chấn động, mà chắc chắn một công cuộc như vậy sẽ gây ra cho xã hội ta, không có thể phá hoại xã hội ta, như trong trường hợp một cuộc Tây phương hóa không hướng dẫn.
Tóm lại, một công cuộc Tây phương hóa chỉ hữu hiệu khi nào chúng ta được tự ý thực hiện nó và thực hiện toàn diện, nghĩa là trên lĩnh vực quân sự, chính trị, xã hội và theo đó là kinh tế và văn hóa.
Nếu ta tự ý Tây phương hóa, thì chúng ta chủ động được công cuộc Tây phương hóa của chúng ta và chúng ta sẽ bảo vệ được độc lập và xã hội, nhưng nhiều giá trị tiêu chuẩn phải được đổi mới.
Nếu chúng ta không tự ý Tây phương hóa thì rồi cũng bị Tây phương hóa. Nhưng cuộc Tây phương hóa sẽ không được hướng dẫn, không đường lối và không mục đích. Sở dĩ sự kiện phải diễn tiến theo cơ thức như đã phân tích trên đây là bởi vì một nền văn minh là một toàn bộ quân bình, gồm có các tiêu chuẩn giá trị, có hiệu lực trong các lĩnh vực.
Nếu chúng ta thâu nhận những thực hiện của Tây phương trong một lĩnh vực nào đó thì sớm hay muộn những thực hiện đó cũng lần lần kéo đến và bắt buộc chúng ta thâu nhận những thực hiện của Tây phương trong một lĩnh vực khác có liên hệ. Một mặt khác, nếu chúng ta đã thâu nhận những kỹ thuật trong một lĩnh vực thì lần lần chúng ta sẽ thâu nhận những nguyên tắc khoa học, đã làm căn bản cho sự phát minh ra các kỹ thuật đó. Và nếu chúng ta thâu nhận các nguyên tắc khoa học, thì chúng ta lại đi đền chỗ thâu nhận lối suy luận đã tạo ra các nguyên tắc khoa học. Nghĩa là cơ thức của sự Tây phương hóa đi từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, và từ cương vị thấp đến cương vị cao, từ lĩnh vực cụ thể đến lĩnh vực trừu tượng. Và sự diễn biến, tự nhiên sẽ đến không có gì ngăn trở được. Bởi vì những yếu tố, mà toàn bộ hợp thành một trạng thái thăng bằng, trong một nền văn minh, không thể tách rời ra được. Sự sống, của từng yếu tố, tùy thuộc sự có mặt của các yếu tố khác. Nếu chúng ta nhận yếu tố kỹ thuật quân sự, sớm muộn gì chúng ta cũng phải nhận yếu tố khoa học, bới vì, mỗi yếu tố, không thể sống một mình được, tất sẽ tự gây lại trạng thái thăng bằng từ đó nó đã phát sinh, và trong đó nó có thể sống mạnh.
Trong sự liên lạc giữa hai văn minh, một việc này lại mang đến một việc khác và tuần tự sẽ mang đến hết toàn bộ văn minh mới.
Ví dụ, nếu chúng ta mặc vải dệt ở các nhà máy Tây phương, thì chẳng bao lâu chúng ta lại nhập cảng những nhà máy tương tự để dệt vải theo Tây phương tại xứ ta. Lần lần, chúng ta lại sản xuất các nhà máy tại chỗ, và, chừng đó người nông dân của chúng ta lại bỏ đồng ruộng để lên làm việc tại các nhà máy, và lúc bấy giờ, ngoài giờ làm việc họ lại thích các lối giải trí của Tây phương, và lần lần đầu óc của họ cũng nghĩ theo Tây phương, và cuối cùng, họ sẽ Tây phương hóa, từ vật chất lẫn tinh thần. Đó là một định luật xã hội nghiêm khắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét