Lời giới thiệu: Bài giới thiệu sau đây là bản gốc, hơi khác với bản cuối cùng đã đăng trong Tuyển Tập Huy Phương mới in trước Tết vừa qua. Bản đã được đăng trong Tuyển tập, đã được Nhà xuất bản văn học cố gắng sửa chữa vừa đảm bảo các ý tưởng chính vừa để độc giả bị phân tâm sang những nội dung khác. Tôi rất tán thành và cảm ơn Nhà xuất bản về điều đó. Bài gốc ở đây được post lại với tư cách một bài viết độc lập, không nhất thiết phải tập trung vào các mục tiêu của Tuyển tập. Những đã đoạn đã lược bỏ trong Tuyển Tập được viết dưới đây bằng màu đỏ.
THẾ
GIỚI CỦA HUY PHƯƠNG
Nhà văn Huy Phương
(1926-2009) là cha của tôi. Viết bài giới thiệu về cha, đặc biệt cho bộ tuyển tập,
là kỷ niệm và tổng kết về một đời lao động sáng tạo của cha, là một việc chưa
có nhiều người làm. Trước hết, tôi không phải là một người hoạt động chuyên môn
trong lĩnh vực văn học, cảm nhận về văn học của tôi đều chỉ có tư cách một độc
giả bình thường. Mặt khác, đã có nhiều nhà phê bình, nghiên cứu viết về cha
tôi, tôi không đủ kiến thức để có thể thêm bớt vào các công trình lý luận này.
Cuối cùng, đánh giá về người thân thường không thuyết phục đối với người khác.
Tuy vậy, lời giới thiệu trong một tuyển tập không cần thiết phải là một đánh
giá đầy đủ về tác giả, càng không nên là một bài nghiên cứu lý luận. Nếu bài giới
thiệu đó có thể cung cấp cho độc giả một số tư liệu về cuộc đời của nhà văn,
người đọc sẽ có thể tự mình sử dụng nó như một chất gắn kết để sáng tạo ra các
mỹ cảm mới khi đọc tác phẩm của nhà văn. Cha tôi là một nhà văn luôn tìm tòi những
vấn đề mới, cho đến hôm nay vẫn còn là thời sự.
Bạn bè của cha tôi lúc
sinh thời thường nói cha tôi là một người luôn nói say sưa không biết mệt với
các ý tưởng. Các cuộc nói chuyện nhiều giờ, thâu đêm suốt sáng với cha tôi là
những màn tra tấn thể lực thực sự với người nói và cả người nghe. Mẹ tôi thường
phải nhẹ nhàng phân bua với khách: Anh Phương cứ như vậy thành ra cứ gầy mãi. Một
lần đi nghỉ mát ở Trà Cổ, cha tôi nói chuyện với nhà thơ Xuân Quỳnh về thơ ca
Pháp, suốt từ sau bữa tối đến khuya. Cô Xuân Quỳnh cho con nhỏ ăn xong rồi ru
ngủ mà hai người vẫn còn nói chuyện. Không hiểu cha tôi hứng chí rung đùi thế
nào mà cái giường gãy cái rầm, em họ tôi là Hương Giang chạy về hớt hải báo với
mẹ tôi: Bác Phương làm gãy giường của cô Xuân Quỳnh. Hôm sau mẹ tôi nhẹ nhàng
nói với cô Xuân Quỳnh: Anh Phương say mê mà không để ý cô có con nhỏ phải nghỉ
sớm. Cô Xuân Quỳnh cười rất xinh nói: Anh Phương dạy em nhiều thứ hay lắm chị ạ.
Tôi còn nhớ một lần đi với
cha ra đến cửa khu nhà 65 Nguyễn Thái Học, thì gặp họa sĩ Nguyễn Sáng đang đứng
chống tay vào cột điện. Cha tôi hỏi Nguyễn Sáng về việc tìm ý tưởng để vẽ một
tác phẩm tranh “loại nhất”. Nguyễn Sáng trả lời trong hơi men “Nghệ sĩ đã sáng
tạo ra thì cái gì cũng phải loại nhất. Nguyễn Sáng đã vẽ tranh nào thì đều là
loại nhất không ai bắt chước được, mà mình cũng không tự bắt chước được luôn.
Cũng như sẽ không có ai viết được Xi măng như Huy Phương. Nếu nghệ sĩ không dám
nghĩ là đang làm những tác phẩm loại nhất, thì thà đi cuốc đất còn hơn, đúng
không, anh Huy Phương?” Cha tôi kể Nguyễn Sáng vẽ nhiều tranh bằng phấn trên nền
nhà mà các bạn của ông hàng tháng không cho lau nhà và ông mê vẽ đến mức phải
can báo cũ để vẽ vì giấy phát không đủ. Một lần Nguyễn Sáng nói châm biếm ở Hội
Văn Nghệ về thị hiếu nghệ thuật của đám đông: Nếu để một gói đường và tranh
Nguyễn Sáng cạnh nhau, người ta sẽ đạp lên tranh của tôi để cướp lấy gói đường.
Cha tôi nói: Người nghệ sĩ sống theo cái đẹp lý tưởng như Nguyễn Sáng sẽ có cuộc
đời vất vả. Nhà văn lại phải nói ra các ý tưởng của mình bằng lời nên sẽ càng
hay gặp rắc rối.
Cha tôi chia sẻ
rất nhiều quan điểm với nhà văn Nguyên Ngọc và là một trong những người ủng hộ,
đọc trước góp ý kiến cho Đề dẫn tại Hội nghị đảng viên của Hội nhà văn năm
1979. Nhưng hai ông cũng đã từng có những tranh luận nhất định. Tại một hội nghị
tại Đà Nẵng ngay sau ngày giải phóng, cha tôi phát biểu về đất nước “anh hùng
và bất hạnh”, Nguyên Ngọc lên cố nắn lại là “anh hùng và đáng tự hào”. Mẹ tôi
nói: Anh phải gặp, tranh luận thêm cho anh Nguyên Ngọc hiểu. Cha tôi cười:
Không cần tranh luận, Nguyên Ngọc thông minh lắm, sớm muộn cũng sẽ hiểu, mà có
khi cũng đã biết thừa rồi.
*
*
*
Nhà văn Huy Phương, tên
thật là Nguyễn Huy Phương, lớn lên ở cố đô Huế trong một gia đình quan lại xuất
thân nho học. Thân sinh là Nguyễn Huy Nhu, một danh sĩ xứ Nghệ, người làng Vạn
Lộc, nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tiến sĩ khoa Bính Thìn, làm quan với
nhà Nguyễn đến chức Tá lý Bộ Lễ rồi bỏ quan về phát rẫy trồng ớt nuôi gia đình.
Nguyễn Huy Nhu đỗ đạt sớm, năm 22 tuổi đỗ cử nhân, 29 tuổi đổ tiến sĩ, nổi tiếng
tài hoa từ khi trẻ, nên có rất nhiều bạn vong niên, như Đinh Văn Chấp, Phan Bội
Châu, Phan Võ, Tạ Quang Diễm,… Đặc biệt, với gia đình cử nhân Tạ Quang Diễm,
cha của giáo sư Tạ Quang Bửu và nhà báo Tạ Quang Đạm, ông có một mối thâm giao
suốt đời. Nữ sĩ Sầm Phố, vợ của cụ Tạ Quang Diễm kể với tôi là ông nghè Nhu đã
cùng cả gia đình bà lênh đênh trên biển gần một tháng trong một lần đi thi ở Huế
về gặp bão, nên thể làm bạn vong niên sống chết. Khi Phan Bội Châu bị giam lỏng
ở Bến Ngự, ông nghè Nhu là một số ít bạn bè gần gũi đi lại. Ông nghè Nhu tuy là
nhà nho, nhưng giỏi tiếng Pháp, đọc nhiều sách Pháp, nên có nhiều tư tưởng mới
so với các bạn bè. Khi Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, ông tôi do
đang có tang mẹ nên không đi được. Cũng chính vì thế mà ông bất đắc chí, bản
tính cũng cao ngạo không chuyên chú vào việc làm quan. Cuộc sống riêng của ông
nghè Nhu cũng nhiều trắc trở. Người vợ đầu mất rất sớm để lại một người con
trai là Nguyễn Huy Sương, sau này là Ủy viên giáo dục, tương đương với Giám Đốc
Sở Giáo dục, đầu tiên của chính quyền nhân dân Tỉnh Quảng Bình và một người con
gái là Nguyễn Thị Ái Khanh. Người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Tú, quê ở Hội An,
Quảng Nam, sinh ra cha tôi, Nguyễn Huy Phương, nhà văn Nguyễn Thanh Hương và một
người cô nữa là Nguyễn Thị Vân Hòa. Bà nội tôi không may cũng bị bệnh mất sớm,
khi cha tôi mới 7-8 tuổi, cô Hương và cô Hòa đều còn rất nhỏ, chưa biết buồn mất
mẹ. Cha tôi kể lại: Ông tôi thường dậy sớm, khoảng 4-5 giờ sáng, tự tay nấu trước
pha trà mời vợ, rồi ngâm thơ đến sáng, giọng tốt hiếm có. Bà tôi cũng vấn khăn,
mặc áo dài chỉnh tề, ngồi ngay ngắn hầu trà chồng, rất tương đắc. Sau khi bà
tôi mất, ông tôi vẫn giữ thói quen đó, nhưng vừa uống trà ngâm thơ cô đơn một
mình vừa chảy nước mắt. Cha tôi học thuộc các bài thơ và học được cả giọng ngâm
thơ của ông tôi, một giọng ngâm thơ cổ rất lạ, trở thành tài lẻ của ông. Sau
này không có ai biết giọng ngâm đó, kể cả các nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng như
Châu Loan và Trần Thị Tuyết. Một vài lần ca sĩ Tân Nhân đến nhà để cha tôi dạy
cho ngâm một số bài theo giọng cổ để làm bài tủ.
Ông nội tôi đặc biệt chăm
sóc cưng chiều cha tôi, như muốn bù đắp cho đứa con mất mẹ sớm. Cha tôi thích
triết học, văn học, học trường Quốc học và có Tú Tài bán phần về triết học. Những
ngày nghỉ cha tôi thường cùng bạn bè lên Ngự Bình hay Thiên An ngắm đất trời và
bàn chuyện triết học, văn chương. Huế của thời đó yên tĩnh, phẳng lặng, phảng
phất buồn. Những con đường dập dìu người xe ngày nay như ở Nam Giao, Tây Lộc,
Kim Long, Vĩ Dạ, ngày đó vắng tanh như những làng quê, đi suốt con đường không
gặp một bóng người, chỉ thấy thấp thoáng những tà áo dài trong vườn. Huế ngày
đó, có một bầu không khí nửa hư nửa thực của Phấn Thông Vàng, của tia nắng vàng
chiếu xiên trong vườn hoang, lóa màu áo trắng của nàng thiếu nữ Vĩ Dạ, của tiếng
chuông chùa Thiên Mụ, của tiếng mưa đều đều rả rích “thối đất thối trời”. Sống
trong một bầu không khí như vậy, có mấy chú học trò không tập làm thơ và ôm mộng
văn chương. Cha tôi đến với cách mạng từ thời Tiền Khởi Nghĩa, đơn giản chỉ vì
đọc một cuốn sách của Plêkhanốp, say mê luôn các lập luận triết học trong đó. Rồi
Huế khởi nghĩa, vua Bảo Đại thoái vị. Cha tôi trở thành Ủy viên Chính trị của Tự
vệ chiến đấu Thành Huế, đeo súng, kiếm, đi ngựa, đọc nhật lệnh trước cả tiểu
đoàn, năm mới 18 tuổi, nghĩ cuộc đời ở phía trước thật là đơn giản, sáng lòa.
Nhưng rồi, Tây đánh vào Huế, bộ đội chủ lực ta đã rút hết từ trước ra chiến khu
Hòa Mỹ, tự vệ chiến đấu đã anh dũng quyết tử bảo vệ thành Huế, giành giật với
Tây từng góc phố. Nhưng rồi, Huế lại thất thủ một lần nữa trong một cuộc chiến
không cân sức. Cha tôi chia tay ông nội và cô Vân Hòa còn rất nhỏ, cứ khóc đòi
đi theo anh, dứt áo ra đi, không ngờ biền biệt mấy chục năm. Năm 1975, khi cha
tôi trở về, gặp lại anh trai, cô tôi lúc đó đã có bốn mặt con, níu áo cha tôi, bật
khóc tủi thân: Anh ơi, cậu mất rồi. (Ông tôi mất từ năm 1962, trước đó đã mười
mấy năm).
Trên đường ra Bắc, tại Quảng
Trị, cha tôi còn phải chia tay với một người bạn gái, cùng tham gia cách mạng với
ông từ sớm. Người bạn gái này hứa với cha tôi trở về thành sẽ cố học tiếp thành
tài, chăm sóc ông nội tôi và đợi cha tôi trở về. Cha tôi trao cho người bạn khẩu
súng ngắn tùy thân. Hai người lúc đó đều không ngờ sẽ đi trên hai con đường,
ngày càng xa nhau mãi mãi. Trong chuyến đi này, cha tôi đã viết một số ký sự và
một số bài thơ về tự vệ chiến đấu anh hùng của Huế, một số hình ảnh làng xóm bị
giặc chiếm, nỗi nhớ gia đình và thành phố quê hương. Đặc biệt là bài thơ Em tôi, gửi em gái là nhà văn Nguyễn
Thanh Hương, có nhiều kỷ niệm đẹp về Huế, đúng tâm trạng nhớ nhà của lớp học
sinh Huế theo cách mạng, nên được nhiều người nhớ, truyền miệng.
Ở Nghệ An, cha tôi vào
quân giới, cố công học và lấy được bằng Phó Kỹ Sư với một chuyên gia người Đức
theo cách mạng có tên Việt Nam là Hồ Chí Thọ. Ông Hồ Chí Thọ, nhiệt tình dạy
nhưng đòi hỏi các học trò phải làm việc cật lực, nhiều
người như nhạc sĩ Trần Hoàn, vốn tính nghệ sĩ, ưa thoải mái, phải bỏ giữa chừng.
Rồi cha tôi chuyển sang công tác Đảng, là bí thư Liên Chi bộ gồm 18 Chi bộ Đảng
quân giới Khu Bốn. Trong thời gian này, cha tôi đã tham gia Văn nghệ Khu Tư với
những người bạn thân như Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Lưu Trọng Lư, Trung Anh,
Nguyễn Anh Tài,… Nhà thơ Trần Hữu Thung là người bạn thân nhất của cha tôi. Hai
ông đi đâu cũng có nhau, thân đến nỗi sau này về đến Hà Nội, cha tôi và bác
Thung vẫn còn tiêu tiền chung. Nhuận bút tập thơ Gió Nam của Trần Hữu Thung là để mua sữa nuôi tôi. Nhuận bút tập Những Ngôi Sao đỏ của Huy Phương là để
lo đám cưới cho bác Thung và cô Thanh Lan. Vào khoảng thời gian bác Thung viết
bài Thăm Lúa, cha tôi cũng có bài Anh hoe Tân về nghỉ phép được rất nhiều
người thuộc và đem biểu diễn, độc tấu tại rất nhiều buổi liên hoan, trở thành
bài tủ của nhà văn Phùng Quán và nhà thơ Thanh Tịnh. Hai
bài này đều theo giọng xứ Nghệ, nhưng bài Thăm
Lúa có giọng Nghệ An rõ hơn, trong khi “anh hoe Tân” có nét phảng phất giống
nhân vật trong phim “Bài ca người lính” của Liên Xô, sau này được chiếu ở Việt
Nam. Bài thơ Gửi người bạn hôm qua
cha tôi viết sau khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về thành, là những tình cảm rất nhân
bản, xúc động, đánh giá cao những đóng góp của Phạm Duy, tiếc nuối, có phần hơi
khác với phong cách đánh giá, kết tội đối với những người bỏ hàng ngũ của các bộ
phận tuyên huấn và tổ chức thời bấy giờ.
Năm 1953, cha tôi xin
thôi công tác Đảng, chuyển hẳn sang làm văn nghệ, ra Việt Bắc và khi hòa bình lập
lại đã tham gia thành lập Hội nhà văn Việt Nam với tư cách là hội viên sáng lập.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông xây dựng gia đình với mẹ tôi, Thái Thu
Lan, một cựu nữ sinh trường Đồng Khánh, Huế, khi đó đang là cán bộ Tuyên huấn
và Địch vận của Trung Đoàn 57, sư đoàn 304. Đám cưới của cha mẹ tôi được tổ chức
trong vùng kháng chiến Nghệ An. Nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ hôn, cô dâu mặc áo
cưới may bằng vải dù chiến lợi phẩm. Đêm tân hôn, hai bác Vĩnh Mai và Phương
Chi phải nhường phòng uyên ương cho cha mẹ tôi. Khi cô dâu vào phòng tân hôn, gặp
ngay một con chuột, hoảng hốt ngã bươu trán. Trong đám cưới, các nhạc sĩ như
Nguyễn Văn Thương, Phan Thanh Nam, Văn Ký biểu diễn văn nghệ, nhạc sĩ Sĩ Ngọc
trang trí hội trường, các nhà thơ như Lưu Trọng Lư, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai đọc
thơ làm quà mừng. Một đám cưới đơn sơ thời chiến nhưng thực là hiếm có về giá
trị tinh thần. Sau này ở Hà Nội, cha tôi cũng hay dẫn tôi tới thăm các bác Vĩnh
Mai và Lưu Trọng Lư. Nhà thơ Vĩnh Mai còn có bút danh là Búa Tạ, vốn là một chiến
sĩ cách mạng lão thành, trải qua nhiều nhà tù của Thực dân Pháp, là bí thư
Thành ủy Huế từ năm 1945. Tính tình cương trực, lại thêm tính châm biếm mỉa mai
rất sắc nhọn, bác Vĩnh Mai hợp tính với cha tôi, mặc dù ăn nói rất “xóc óc”. Mỗi
lần gặp nhau là cha tôi và bác Vĩnh Mai chuyện trò râm ran, hai ông đều gầy tóp
vì mải nói và suy tư. Bác Vĩnh Mai và bác Phương Chi không có con cái, nhưng là
một cặp trời sinh, sau này cùng về an nghỉ trong một mộ ở Huế, đúng là cái kết
có hậu của một chuyện tình đẹp.
*
* *
Hòa bình lập lại, cha tôi
về Hà Nội, làm việc ở Ban Đối ngoại, Hội Nhà Văn với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng,
rồi về Báo Văn với các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan. Cha tôi trẻ, hăng
hái, rất giỏi ngoại ngữ, nên được các bác yêu mến và tôn trọng. Trong thời gian
này, cha tôi sang tác được một bộ các bài thơ chính luận đặc sắc nhất gồm các
bài Nhật ký Đêm hè, Bài thơ trên mộ cũ của người cộng sản,…
Các bài thơ này viết theo lối bậc thang, và các ý tưởng táo bạo, tràn ngập sinh
lực, đến hôm nay đọc vẫn thấy còn nguyên giá trị, làm người đọc phải suy nghĩ. Cha
tôi nói rằng, thơ chính luận làm theo lối bậc thang sẽ có hơi thở mạnh mẽ và có
sức gợi mở tư duy hơn. Loại thơ quá vần điệu, theo niêm luật cũ kỹ thường thích
hợp với hoài cổ và chức năng tuyên truyền hơn. Cha tôi kể: Hồi đó nhà thơ Tố Hữu
còn ở phố Tôn Đản gần nhà tôi ở phố Ngô Quyền. Tối đến, cha tôi đi bộ lại sang
nói chuyện làm thơ với Tố Hữu, vì nhà thơ là đàn anh vừa là đồng hương. Cha tôi
lúc đó đang thể nghiệm làm lối thơ bậc thang, viết được bài nào cũng đem ra đọc
cùng với Tố Hữu. Tố Hữu khi đó cũng muốn học làm thơ bậc thang, theo gương
Maiakốpxki, nên rất thích mấy bài thơ chính luận của cha tôi, khen cả về nghệ
thuật và ý tưởng. Sau thử nghiệm không thành công thể thơ bậc thang, Tố Hữu cảm
thấy loại thơ này không hợp với mình, nên đã quay lại với các loại thơ thất ngôn,
lục bát, tứ tuyệt, quen tay và thuận tiện hơn đối với việc diễn đạt các ý tưởng
của mình. Sau này, khi cha tôi bị một số người phê phán
vì các bài thơ bậc thang, Tố Hữu im lặng, không hề nhắc là đã từng tán thưởng
các bài thơ đó thế nào.
Nhật
ký đêm hè là một bài thơ hay và gần gũi nhất đối với tôi, vì nó
được viết để gửi về tương lai cho tôi, lúc đó còn nằm trong nôi. Bài thơ sôi nổi
như tính cách của cha tôi, đã dự báo về những tiêu cực của xã hội nhưng cũng lạc
quan kỳ lạ, đến nỗi mấy chục năm sau đọc lại tôi phải nhiều lần rơi nước mắt vì
thương cha. Bài thơ viết trên mộ cũ,
có thể nói là bài thơ hay nhất của cha tôi, nói về những bầy dơi đang bay chập
choạng kiếm ăn khi tranh sáng tranh tối, mang hình người, đeo thẻ ngà, lợi dụng
tên tuổi của những người cộng sản anh hùng đã dấn thân lên đoạn đầu đài, làm
thang làm bậc công danh, làm quan tòa giảng đạo, kết tội những cặp tình nhân
yêu nhau,…Bài thơ cũng có những hình ảnh rất lạc quan về những anh cán bộ thức
đêm làm kế hoạch xây dựng các công trình cho tương lai tươi sáng đang chờ thế hệ
của chúng tôi.
Gần đây tôi đọc
được một bài phê bình của nhà văn Tô Hoài về bài thơ này, trong kho tư liệu về
phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Cách viết của Tô Hoài thật là thâm thúy, chê đấy,
nhưng qua giọng văn thấy rõ là chê qua loa cho qua chuyện, cho vừa ý một số người
đang nắm quyền sinh sát văn nghệ sĩ, trong bụng vẫn là khen. Cha tôi thường
không gần gũi lắm với lãnh đạo Hội Nhà Văn, nhưng cha tôi đặc biệt kính trọng
bác Nguyễn Huy Tưởng như một người anh, và riêng với bác Tô Hoài, cha tôi rất
thông cảm và quý trọng, cho đó là một người biết khéo léo giữ gìn được phẩm
cách trong chốn quan trường.
Trong thời gian này, cha
tôi đã viết một số truyện ngắn hay như Đêm
Cuối Năm của nhà thơ họ Đỗ, Nàng Xuân,…
nói về tâm trạng băn khoăn, khắc khoải của người nghệ sĩ trong những xáo trộn
xã hội lớn thời bấy giờ như Cải tạo Công thương, Cải cách ruộng đất, đặc biệt
là với những thói hư tật xấu, tệ sùng bái cá nhân, mưu đồ danh lợi bắt đầu nẩy
nở. Văn nghệ sĩ là những người mẫn cảm, đã có những dự cảm không lành từ rất sớm.
Sau này cha tôi kể rằng Nhà thơ họ Đỗ ban đầu định theo mẫu của nhà thơ Khương
Hữu Dụng, nhưng khi viết lại có bóng dáng của nhà văn Đỗ Quang Tiến hiện rõ nét,
một người hết sức hiền lành, ít nói. Vả lại, nếu đặt tên truyện là “Nhà thơ họ
Khương” thì lại thành truyện “người thật việc thật” ai cũng sẽ dễ dàng đoán ra
nguyên mẫu. Riêng tôi, tôi khi đọc truyện này, lại có cảm giác như viết về nhà
văn Nguyễn Thành Long, bạn văn gần gũi của cha tôi ở Hà Nội, một người hiền
lành, hay bị chèn ép, luôn luôn suy tư và hay dằn vặt về thói xấu của cuộc đời.
Hai truyện ngắn
này, tuy cũng in trong Giai Phẩm, nhưng còn khá hiền lành so với các bài thơ bậc
thang. Đêm cuối năm của nhà thơ họ Đỗ,
do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh minh họa, nói về một nhà thơ không khai bút nổi
vào dịp đầu năm, do tâm trạng rối bời. Ngày nay đọc lại, chúng ta có thể thấy
được tâm trạng chung của trí thức trong giai đoạn phân vân đó.
Câu chuyện giản dị, hầu như không có cốt chuyện, gần như là độc thoại nội tâm,
nhưng đọc rất cuốn hút, phảng phất phong cách của Hemingway trong Ông già và biển cả. Có lẽ sau này, cha
tôi dịch rất thành công Ông già và biển cả
do có một giao cảm sâu sắc với văn phong của Hemingway. Nàng Xuân kể câu chuyện một chàng thi sĩ đi tìm Nàng Xuân, là một
cô gái đẹp theo nhận thức của loài người. Nhưng sau bao công tìm kiếm, chàng
thi sĩ hoàn toàn thất vọng khi Nàng Xuân là một bà già khô cằn, xấu xí. Câu
chuyện nói về sự vỡ mộng của người nghệ sĩ lãng mạn đối với thực tế phũ phàng
trong cuộc sống. Văn phong câu chuyện này có nét hóm hỉnh của cha tôi. Đọc lại,
tôi vẫn như nhìn thấy ánh mắt linh lợi của ông cười cười nhìn người đọc, cố dấu
một nụ cười thú vị. Sau này, trong những tác phẩm của
ông cũng rất nhiều hình ảnh hóm hỉnh, như một anh cán bộ tổ chức ngành Bưu điện,
kể về tên “phản cách mạng Trốt kít hạng nặng” Suez, đầu sỏ của vụ kênh đào
Suez, hay hình ảnh chú bói cá trầm tĩnh như một nhà hiền triết, khi thấy lợi lộc
luôn trở nên nhanh nhảu, sau khi đớp được mồi lại lấy lại vẻ hiền triết, không
màng lợi ích. Trong cuộc sống, cha tôi luôn luôn có rất nhiều các quan
sát và nhận xét sắc sảo trào lộng như thế. Ông cho rằng trào phúng chính là tư
duy của nhà văn, cần phải được rèn luyện thường xuyên. Có lần ông hỏi tôi: con
người hơn con vật ở chỗ nào là rõ ràng nhất. Tôi nói là tình thương và tư duy.
Ông nói con vật chắc chắn cũng có tình thương và không có gì chứng tỏ con vật
không có tư duy. Nhưng có điểm chắc chắn, con vật không biết cười, mà chỉ biết
khóc. Triết gia Pháp Henri Bergson đã viết một tác phẩm nhan đề Cái cười, nói về tính trào phúng, như một
điểm khác biệt của con người. Trong tiếng cười có văn hóa đã bao gồm cả tình
thương và tư duy.
Cũng trong giai đoạn này,
Huy Phương cũng có một số bài tiểu luận về lý luận văn học, tiếp theo các ý tưởng
chủ đạo đã có trong bài lý luận Tương lai
văn nghệ Việt Nam viết từ thời mới khởi nghĩa đăng trong Tập san Hội nghiên
cứu chủ nghĩa Mác Thuận Hóa. Trong số đó, có bài Phê bình và đả kích, một mặt của chủ nghĩa hiện thực xã hội đăng
trên báo Văn nghệ, năm 1956, bênh vực
các nghệ sĩ mạnh dạn mô tả mặt trái của xã hội, và vạch rõ ranh giới với việc đả
kích cá nhân, chụp mũ tư tưởng đối với các nhà văn dám dũng cảm nói lên sự thật.
Mà oái oăm thay việc đả kích cá nhân cay độc lại rất thịnh
hành trong một xã hội không dám đả kích những mặt trái hồi đó.
*
* *
Sau năm 1960, cha tôi
thôi không làm thơ, tập trung hẳn vào văn xuôi. Sau này khi tôi sắp vào đại học,
ông nói với tôi: Thơ phải nói thực cảm xúc và ý nghĩ của mình, sẽ khó có tác dụng,
thậm chí gây họa cho người viết khi xã hội chưa khuyến khích nói thật. Văn xuôi
tuy cũng phải trung thực, nhưng dù sao cũng có những thủ pháp để các ý tưởng của
mình ngấm vào người đọc theo nhiều cách khác. Nếu không được nói những điều
đáng nói, viết văn chỉ là để làm giá áo túi cơm thôi. Cha tôi và nhà văn Nguyễn
Thành Long, đều không muốn con cái làm nghề văn, mà khuyến khích con cái làm
khoa học kỹ thuật, để rèn luyện tính trung thực khoa học, làm người. Cha tôi nói:
Trong khoa học tự nhiên, con người sẽ có tự do, không ai có thể bắt buộc người
khác tin hai nhân hai bằng năm. Trong khoa học xã hội, nhiều khi phải chấp nhận
những điều còn vô lý hơn. Tôi kể chuyện đó với cô tôi, nhà văn Thanh Hương. Cô
tôi lo lắng nói rằng: Chắc bố cháu nghĩ cháu còn bé quá, hoặc cho rằng cháu đã
lớn quá. Cô không biết rằng, từ nhỏ cha tôi đã quen nói chuyện với tôi như với
một người lớn.
Cha tôi nung nấu viết tiểu
thuyết ngay từ những năm 1960. Ông nói: phải viết tiểu thuyết mới làm quen được
với lao động văn học thực sự. Tiểu thuyết là vua của các thể loại văn xuôi. Viết
tiểu thuyết là một quá trình hoàn toàn khác, gần giống như làm công nghiệp. Dạo
đó, cha tôi thường đi về các khu công nghiệp như nhà máy Xi măng Hải phòng, nhà
máy điện Uông Bí, khu gang thép Thái Nguyên,… lao động chân tay thực sự như một
người công nhân. Tôi còn nhớ một lần được mẹ dắt xuống Hải Phòng, đợi cha tan tầm,
mặc áo công nhân, trên đường ray xe goòng, tóc trắng bụi xi măng, nhưng cười rạng
rỡ. mạnh mẽ, trẻ trung, đẹp sáng ngời. Cha tôi bắt đầu bằng viết bút ký với những
tác phẩm như Những ngôi sao đỏ. Thời
đó, ở Việt Nam cho rằng bút ký là một thể loại văn học gần với ghi chép để đáp ứng
yêu cầu nhanh có tác phẩm phục vụ tuyên truyền. Cha tôi có một quan niệm khác hẳn.
Ông nói: Viết bút ký cho hay rất khó vì cần phải có kiến thức rộng và khả năng
liên tưởng, kết nối nhiều hiện tượng sự vật khác nhau, đặc biệt phải có óc phân
tích và tư duy rất sâu. Sau này tôi mới biết, bút ký chính là narrative essay,
một thể loại văn xuôi rất khó, cầu kỳ, được nhiều nhà văn lớn sử dụng, chứ
không phải là một loại ký họa hay “mì ăn liền” bằng văn xuôi, phục vụ tuyên
truyền cách mạng. Có lẽ bút ký là thể văn phù hợp nhất với sở trường của cha
tôi, là người có kiến thức nền tảng và tư duy triết học sâu sắc.
Cùng với bút ký, cha tôi còn
viết truyện ngắn và truyện vừa. Trong giai đoạn này, cha tôi viết truyện vừa Một câu chuyện đang bắt đầu về nữ công
nhân Trương Thị Len ở nhà máy xi măng Hải Phòng là hình mẫu sau này trong tiểu thuyết
Xi măng. Sau này, cha tôi cũng có nhiều
truyện vừa, tiêu biểu nhất là Chọn một
con đường viết về Anh hùng Lao động bác sĩ Đặng Văn Ngữ, hay Nhật ký chị kỹ sư. Chọn một con đường, cha tôi viết rất công phu và dành nhiều thời
gian nói chuyện với bác Đặng Văn Ngữ. Hai ông rất tâm đầu ý hợp. Cha tôi kính
trọng bác Ngữ với tư cách là một nhà khoa học có tiết tháo, cứng cỏi và trong sạch.
Bác Ngữ quý cha tôi vì gặp được một người hiểu lòng mình, đến mức sau này trước
khi đi công tác ở chiến trường B, bác Ngữ nhận cha tôi làm em nuôi và gửi thư
cho cô con gái đang học ở Lêningrát kể về chú Huy Phương, nhà văn. Rất tiếc,
sau đó bác sĩ Ngữ hy sinh ở chiến trường, cô con gái cũng mất vì bệnh cúm ở
Nga.
Về sau này, cha tôi có một
số truyện ngắn hay, như truyện Sa Mạc nói
về mối lo sa mạc hóa và liên tưởng đến hiểm họa thế giới tâm hồn con người ngày
một khô cằn. Truyện này được rất nhiều người nhắc nhở và tán thưởng. Đặc biệt,
hôm báo Văn nghệ in truyện này, cha tôi vừa ra khỏi cửa liền có một người đàn
ông đứng tuổi đến mời đi đãi đằng đủ thứ, và khẩn khoản mời về nhà chơi, vì “mấy
chục năm mới được đọc được một truyện ngắn hay như thế”. Cha tôi đi cả ngày với
người đàn ông đó và mang về một đống mặt nạ. Cha tôi kể người đó cũng ôm mộng
văn chương từ thời đi học, sau hình như dính dáng đến phòng trào Đất Mới, nên mới
bỏ văn chương đi kinh doanh về mặt nạ. Ông ta nói làm mặt nạ cho đời cũng có
triết lý rất hay, đang buồn có thể đeo mặt nạ vui, mặt nạ hề toe toét cười
nhưng mắt lại rất buồn, suy cho cùng người ta cũng đeo mặt nạ với nhau trong
các cuộc họp cả. Cha tôi rất thú vị về việc có thể tìm thấy niềm vui có ý nghĩa
ở những công việc rất bình thường và đặc biệt sung sướng khi có được một độc giả
chân thành như vậy. Cha tôi nói: truyện ngắn gần với thơ, phải có một tứ rất cô
đọng và phải dùng biểu tượng rất nhiều, không cần phụ thuộc vào logic hoặc chặt
chẽ về ngôn ngữ.
Để luyện thêm về cách xây
dựng tiểu thuyết, cha tôi nhận dịch một số tiểu thuyết như Ông già và biển cả của Ernest Hemingway, Con đường đói khát của George Amado, Gieo mầm của Emile Zola,… Các tiểu thuyết cha tôi nhận dịch đều là
các tác phẩm rất khó dịch. Cha tôi rất kỹ lưỡng và khó tính trong việc dịch thuật.
Các tác phẩm dịch của ông đều rất trau chuốt mềm mại về mặt văn học, có cảm
giác như dịch giả và nhà văn nhập làm một. Nhà văn Xuân Cang nhắc tới tác phẩm
dịch Ông già và biển cả đã lôi cuốn
ông vào con đường văn học. Cha tôi dịch cũng vất vả dụng công như viết tác phẩm
của chính mình. Tác phẩm dịch dưới tay ông, như được sáng tác thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, cha tôi cẩn thận để không bao giờ để mất mát hoặc sai lệch một ý nào
của tác giả dù rất nhỏ. Nhiều chữ, nhiều ý, dù cha tôi đã biết rõ, nhưng vẫn cố
công nghiên cứu, tra đi tra lại, nếu thấy vẫn chưa hợp lý. Về dịch thuật, tuy
không có dịp nói ra nhưng ông bênh vực quan điểm của Thái Bá Tân. Ông nói: đừng
vì ý tưởng mới lạ nghe không thuận tai mà bóp méo nó nhân danh việc dịch bay bướm
hay thoát ý. Chính dịch thuật phải có nhiệm vụ đưa những tư tưởng mới của nhân
loại vào Việt Nam.
Viết bút ký, truyện ngắn,
truyện vừa và dịch thuật, đều là các công việc cha tôi làm để chuẩn bị cho việc
viết tiểu thuyết. Cha tôi đọc rất nhiều, đặc biệt là các báo tiếng Pháp của nước
ngoài như Nhân Đạo (Pháp), Thời mới (Liên Xô) cha tôi đều mang về đọc hết, để
khỏi lạc hậu với tư duy của thời đại. Từ năm 1967, ông đã giới thiệu với tôi
ngành Tự động hóa và ngành Thông tin học, phải đến mấy chục năm sau mới trở
thành trào lưu trên thế giới và ở Việt Nam. Cha tôi cũng đọc rất nhiều tiểu
thuyết mới của Pháp, nhờ một người bạn thân là cô Xuân Phượng mượn về từ sứ
quán và bạn bè nước ngoài. Thỉnh thoảng chú Trung Anh, bạn cũ từ thời ở Khu Bốn
với cha tôi, lúc đó là biên tập viên báo Phụ Nữ đến chơi, nói chuyện về mơ ước
chung của hai ông là viết tiểu thuyết. Chú Trung Anh cho rằng: Viết tiểu thuyết
hoặc không viết gì cả, bởi vì “phải như voi ẹ, không ra những cái lẹp nhẹp như
chuột ẹ”. Cha tôi chỉ cười tủm tỉm không nói gì, khi chú Trung Anh về mới bình
luận không đồng tình “Voi thì đúng rồi, nhưng chê chuột, khó mà ẹ được cái gì
ra hồn. Viết văn lại so với ẹ, chắc khó mà viết được.”
Cha tôi viết tiểu thuyết Xi măng trong nhiều năm. Cho đến bây giờ nhắc đến cha tôi, người ta
vẫn nhắc đến Xi măng. Tôi còn nhớ
hình ảnh của cha tôi viết Xi măng
trên bàn viết bề bộn bản thảo, cắt dán, ghép, trong phòng nghi ngút khói thuốc
lá. Mùa đông lạnh, cha tôi thường khoác áo chứ không mặc, chắc để khỏi vướng
víu và bị cảm giác chật hẹp bó buộc. Ông mang từ hiệu sách về nhà đủ các loại
sách giáo khoa về công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế tạo xi măng và tìm hiểu
về quá trình chế tạo cờ lanh ke, cách xem khói để đoán định chất lượng xi măng.
Trong tiểu thuyết, có một đoạn viết về đánh tiết canh vịt, cha tôi cũng chịu
khó học hỏi về nội trợ, mặc dù ở nhà mẹ tôi không để cha tôi phải nhúng tay vào
việc gì, đến nỗi ông không thể phân biệt tỏi với hành khô. Sau khi tiểu thuyết Xi măng được in, có một gia đình nhà
văn, tôi không nhớ rõ là ai, thịt vịt, mẹ gọi con “Lấy ngay quyển Xi măng của
chú Huy Phương xuống đây để xem phải làm thế nào.” Nghe chuyện này, bố tôi
thích thú ra mặt, mẹ tôi chép miệng: Anh Phương có bao giờ phải làm vịt đâu. Xi măng có mô tả một số nhân vật phản diện trong lãnh đạo chủ chốt của
nhà máy, là một điều tương đối mới vào lúc bấy giờ, nên dư luận xì xào là sẽ bị
đánh. Một số nhà phê bình “máy chém”, tuyên bố úp mở sẽ vào cuộc, đánh cho Xi măng tan tác. Cha tôi rất lo, vì thời
đó, tiểu thuyết lệch hướng là tội to nhất, sau mới đến thơ và truyện ngắn. Như
nhà văn Hà Minh Tuân, vốn là chính ủy trung đoàn Sông Lô, đại tá quân đội chuyển
ngành, giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, chỉ vì tiểu thuyết Vào đời mà kết thúc sớm sự nghiệp viết văn. Phê bình, lý luận văn học
hồi đó cũng ấu trĩ, như cuốn truyện thiếu nhi Đứa con nuôi Trung đoàn của Phù Thăng bị chụp mũ là “có vấn đề” chỉ
vì có chi tiết mấy cậu bé nghịch bôi nhọ nồi lên ống điếu của cán bộ Trung
đoàn. Về lý luận văn học, thời đó một cuộc tranh luận dài mấy năm trên báo Nghiên cứu Văn học giữa nhà phê bình
Đông Hoài và nhóm các nhà phê bình như Nam Mộc, Hồng Phong. Số nào tôi cũng thấy
các bài tranh luận này và cũng đọc, nhưng không hiểu họ tranh luận nhau ở điểm
gì, chỉ thấy họ đều buộc tội nhau là giáo điều, xét lại, trốt kít, và tuyên bố
mình đang bảo vệ lập trường vô sản. Tôi hỏi cha tôi, thì cha tôi lắc đầu không
biết, mấy hôm sau thấy cha tôi hỏi Đông Hoài: Các ông đều kiên quyết bảo vệ Đảng,
chống giáo điều, xét lại thế thì phải bắt tay nhau làm bạn chứ cãi nhau nỗi gì.
Thằng con tôi hỏi, mà tôi chịu không biết trả lời thế nào. Trong số các nhà phê
bình lý luận văn học thời đó, có một nhà phê bình nổi tiếng cứng nhắc, xuất
thân cán bộ tuyên truyền cấp huyện, do tinh thần đấu tranh không khoan nhượng,
nên được cất nhắc rất nhanh đến chức Viện Phó Viện Văn học. Các nhà văn đều ngại
nhà phê bình đó, nên năm 1979, khi nhà thơ Chế Lan Viên mạt sát ông này công
khai tại một hội nghị kết tội đã chôn nhiều sự nghiệp nhà văn, ai nấy đều hả dạ.
Đến phiên ông này lên phát biểu các nhà văn đều la ó gõ bàn vỗ tay ầm ĩ không
cho nói. Nhưng vào đầu những năm 1970, không khí chưa được cởi mở dân chủ
như sau này. Thấy cha tôi lo lắng, các chú Nguyễn Thành Long và Việt Phương đã
chuyển giúp Xi măng cho Thủ tướng Phạm
Văn Đồng. Nhờ Thủ tướng có ý kiến và một bài giới thiệu khá khôn ngoan của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh trên báo Nhân dân,
Xi măng đã ra mắt với bạn đọc thành
công, có tiếng vang và gắn liền với sự nghiệp văn học của cha tôi.
*
* *
Từ sau khi đi thực tế ở
nhà máy Xi măng về, cha tôi về Nhà Xuất Bản Văn học, là tổ trưởng tổ Văn, gồm
toàn các nhà văn nhà thơ cự phách như các nhà thơ Khương Hữu Dụng, Yến Lan,
Quang Dũng, Hoàng Minh Châu, các nhà văn Nguyễn Thế Phương, Lữ Huy Nguyên, nhà
phê bình Đông Hoài,… Sách của Nhà Xuất Bản Văn học thời bấy giờ biên tập, sửa
bông rất kỹ, nên rất ít lỗi chính tả, chất lượng cao, mặc dù giấy hồi đó đen và
xấu, nhiều trang lại không được rọc hết. Tôi nhớ có lần, một cuốn sách chỉ có
chừng 7 lỗi chính tả, nhà phê bình Như Phong là giám đốc, cho chi một khoản tiền
bồi dưỡng, tất cả gia đình các biên tập viên đều đến tham gia sửa lỗi, làm suốt
đến đêm, rất vui. Hồi đó các chú các bác làm việc mấy ngày, ăn ngủ ở Nhà Xuất bản
tại 51 Trần Hưng Đạo là chuyện thường. Sách bây giờ lỗi chính tả dày đặc không
phải là của hiếm, dùng một tờ đính chính như ngày xưa chắc không đủ. Thương nhất
là nhà thơ Quang Dũng, lương thấp, vợ con không có hộ khẩu Hà Nội, nên phải
đong gạo mua thực phẩm ngoài, cuộc sống rất eo hẹp. Bác Quang Dũng lại to cao
như Tây, tiêu chuẩn 5 mét vải một năm, giá không phải nhường vợ con chắc cũng
chẳng đủ, nên mùa đông trời lạnh cũng mặc quần soóc. Cha tôi thỉnh thoảng lại về nói mẹ tôi có cái
gì cũng dành cho bác Quang Dũng. Mẹ tôi rất kính trọng bác Quang Dũng, như một
người anh hùng lỡ vận, kể cho tôi về người đại đội trưởng Tây Tiến hào hoa, thơ
tràn hùng khí năm nào. Bác Quang Dũng là người tình cảm, có lần kể cho cha tôi nghe
về các chết của nhà thơ Dương Tử Giang ở chiến trường, trước mặt tôi mà bác nghẹn
ngào rồi bật khóc hu hu: nó chết mà đau đớn lắm, Huy Phương ơi. Nhà thơ Khương
Hữu Dụng là người lớn tuổi nhất trong tổ biên tập, nói nhiều át cả cha tôi. Cha
tôi cứ đùa là chỉ đợi bác Dụng chấm câu là chào chia tay, nhưng bác có thể nói
thêm vài tiếng mà chỉ dùng toàn dấu phảy hoặc chấm phảy, ra đến cửa chia tay
nhanh nhất cũng khoảng nửa tiếng. Mẹ tôi gọi bác Khương Hữu Dụng là bác, cha
tôi lại gọi bằng anh, vì thế lúc đầu tôi gọi bác Dụng bằng ông, bác Dụng có một
bài thơ tặng cho tôi về chuyện xưng hô lung tung như thế. Cha tôi thường đọc
các bản thảo rất cẩn thận, góp ý kiến rất kỹ. Rất nhiều sách xuất bản hồi bấy
giờ, tôi đều được đọc từ khi còn ở dạng bản thảo, với ghi chú biên tập của cha
dán chi chít. Đặc biệt, cha tôi rất hay
bênh vực các tác phẩm có góc cạnh và các tác phẩm của các nhà văn trẻ. Nhà văn
Ông Văn Tùng có kể lại là cha tôi gửi trả lại bản thảo để “cứu” ông thế nào. Có
một cây bút trẻ khác là Nguyễn Quang Vinh cặm cụi viết nhiều năm mà không có được
tác phẩm, cha tôi kiên nhẫn chỉ dẫn nhiều năm, rồi cũng có in được một số truyện.
Đặc biệt có một lần, cha tôi nhận được một công trình đồ
sộ của một vị đại tá chính trị trong quân đội nghiên cứu về nhà văn Nguyễn
Thành Long, chụp mũ tư tưởng nhiều tội, trong đó có tội dám mô tả cái cười của
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với mục tiêu phản cảm.
Ông ta so sánh Nguyễn Thành Long với các nhà văn chống cộng nổi tiếng trên thế
giới. Cha tôi rất ghét những kiểu phê bình chụp mũ như thế. Ông nói những trò
văn chương như thế thường là của những kẻ cuồng vĩ, ôm mộng làm văn bất thành,
chuyển sang “làm lý luận”. Trong điều kiện xã hội bình thường, điều đó cũng vô
hại, nhưng ở ta có khi lại sinh ra các nhà lý luận ngôi cao chức lớn, có quyền
sinh sát, gây họa vô cùng cho làng văn. Vì vậy, cha tôi cất biến tập bản thảo nọ,
cứ trả lời vị đại tá nọ là để đâu mất, đang tìm. Cũng may, hồi bấy giờ chưa có
máy photo và máy tính, nên viết lại được một công trình đồ sộ như thế không phải
là chuyện dễ.
Đó là thời chiến tranh, mỗi
năm vài lần, cha tôi lại đi công tác tuyến lửa, khu Tư, Quảng Bình, Quảng Trị.
Cha tôi hay đi với nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Bùi Hiển. Mỗi lần như vậy mẹ tôi
lại chuẩn bị cho cha tôi rất chu đáo làm bác Xuân Diệu, vốn sống độc thân, cứ nắc
nỏm khen mãi, lại viết cả bài thơ Em
choàng lưới mũ cho anh tặng mẹ tôi. Mỗi đợt đi về cha tôi cũng mang về rất nhiều
ghi chép làm tư liệu cho tiểu thuyết Nơi
anh sẽ đến và những tập bút ký chuyện ngắn. Tôi nhớ một số chuyện ngắn về
ngành bưu điện trong tuyến lửa khá cảm động, trong đó cha tôi mất mấy ngày chỉ
để đặt cho một nhân vật một cái tên rất khó đọc là Đượu, chỉ để gây ấn tượng thực
tế. Một truyện ngắn là Chim lửa, kể về
một anh chàng lãng tử, trêu ngươi với máy bay Mỹ trên chiếc mô tô trên đường về
Vinh, có thể dựng thành phim không thua phim hành động của Mỹ bây giờ. Một truyện
ngắn khác kể về một chiến sĩ tháo bom nổ chậm, lại dùng văn phong sở trường giống
như Hemingway trong Ông già và Biển cả,
cốt truyện rất đơn giản, nhưng hồi hộp hấp dẫn từ đầu đến cuối.
Cha tôi cũng kể về các bạn
cũ là các nhà thơ Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Minh Huệ,…đang sống trong tuyến lửa
thế nào. Nhà thơ Xuân Hoàng chơi với cha tôi từ bé, là người rất lãng mạn, lạc
quan, cười nói và “xổ ra thơ” suốt ngày. Sau giải phóng chú Xuân Hoàng về sống ở
Huế làm chủ tịch Hội Văn nghệ Tỉnh. Tôi đi công tác ghé thăm mấy bận, chú nhiệt
tình đưa tôi đi chơi, và xưng hô “ông, mình” với tôi như với người lớn. Cha tôi
kể chú Xuân Hoàng rất đãng trí, vì lúc nào cũng nghĩ chuyện làm thơ, nên có lần
vợ giao cho việc đi giặt quần áo ở giếng, giặt nhầm đồ của người khác rồi đem
phơi mà cũng không để ý, đến cơ quan vợ, đêm chui nhầm vào màn của người khác.
Cha tôi nói thơ Xuân Hoàng có nhiều đặc sắc, nhưng vì viết nhiều và dễ tính
quá, nên không được đánh giá đúng mức.
Cha tôi có một cái thú là
bắn chim. Bạn của cha tôi, đạo diễn Đình Quang mua ở Tiệp về cho ông một khẩu
súng hơi. Ông hay dắt tôi và cậu em họ Vũ Huy, nay là nghệ sĩ ưu tú, họa sĩ xưởng
phim, con cô Thanh Hương đi bắn chim. Chúng tôi có dịp lang thang ở các đầm hồ,
rừng cây, ven bãi, và thưởng thức những vẻ đẹp của thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó
chính là chất liệu để cha tôi viết truyện thiếu nhi Sự tích một khẩu súng hơi. Truyện này nói về thế giới thiên nhiên,
nhưng lại gợi mở nhiều chuyện xã hội, nói về loại chim, nhưng mô tả các tính
cách đa dạng như loại người. viết cho thiếu nhi, nhưng người lớn cũng có thể đọc
được nhiều điều bổ ích. Truyện này cha tôi viết khéo,
nên tuy chứa nhiều triết lý, nhưng Sự
tích một khẩu súng hơi không bị xét nét về tư tưởng.
*
* *
Từ chiến trường B, các
nhà văn khu 5, Nam Bộ ra Bắc hay ghé nhà tôi ở phố Ngô Quyền. Mỗi lần như thế,
mẹ tôi lại tíu tít nấu ăn, chuẩn bị áo quần, ruốc, đồng hồ, bút máy gửi cho cậu
tôi là nhà văn Nguyễn Chí Trung. Thời đó, qua nhà tôi có các nhà văn Phan Tứ,
Nguyên Ngọc, Anh Đức,... có cả anh hùng quân đội Phan Hành Sơn. Mỗi lần như vậy
nhà tôi lại râm ran chuyện văn chương, chuyện chiến trường, rất vui và được ăn
ngon. Cha tôi mặc dù hay châm chọc cậu Nguyễn Chí Trung về cách sống rất kỷ luật
quân đội, cứng nhắc, nhưng rất chiều và chăm sóc em vợ, đặc biệt là khi cậu giới
thiệu với gia đình tôi các đối tượng của cậu. Năm 1979, cậu Nguyễn Chí Trung
cùng nhà văn Nguyên Ngọc viết Đề dẫn cho hội nghị đảng viên Hội nhà văn, viết
được đoạn nào cũng đến đọc cho cha tôi nghe. Có lần, hai ông bàn rất lâu về việc
cần diễn đạt một ý về tự do sáng tạo trong văn học, không hạn chế ở việc sao
chép nguyên xi cuộc sống, do đó văn học có thể có những nội dung nghệ thuật
không nhất thiết có nguyên mẫu trong thực tế. Tuy nhiên, trước đó, có một án
văn chương của một nhà báo quân đội đã dám phát biểu “văn học cao hơn cuộc sống”
đã bị một vị rất to lôi cổ từ trường đảng ở Liên Xô về, kỷ luật, hạ tầng công
tác. Do đó, phát biểu thể nào cũng phải dễ được chấp nhận, tránh xung đột không
cần thiết. Tôi ngồi nghe lỏm và nói leo góp ý kiến, văn học về mặt nào đó là một
bộ phận của cuộc sống, thì đương nhiên sẽ có những tính chất phong phú hơn cuộc
sống, cũng như tập hợp tam giác thường bao gồm tập hợp tam giác đều, cho nên
tam giác đều có nhiều tính chất hơn tam giác thường. Cha tôi cười phá lên vì
logic quá đơn giản, và giảng lại cho cậu Nguyễn Chí Trung nghe về logic hình thức.
Cậu tôi lúc đầu còn nghi ngại về việc một ví dụ nhỏ bé về hình học lại giải quyết
được một vấn đề hóc búa của lý luận văn học, nhưng sau đó thích thú đến mức sang
hiệu sách Quốc Văn ở gần nhà, ôm ngay một chồng sách toán cao cấp về nhà để
nghiên cứu, vì toán sơ cấp đã tác dụng như thế, toán cao cấp ắt phải còn ra nhiều
chuyện cao minh hơn nữa.
Ở Hà Nội có ba địa điểm
cha tôi hay dẫn tôi đến để gặp các bạn văn nghệ sĩ. Nhà 53 Trần Hưng Đạo, nơi
cha tôi hay tới chơi với nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường. Bác Chế
Lan Viên là người sắc sảo, nên hợp tính với cha tôi. Ông coi cha tôi và nhà văn
Nguyễn Thành Long như em, tự cho có trách nhiệm che chở, nhưng có khi khá độc
đoán làm chú Nguyễn Thành Long tự ái tủi thân. Cha tôi sau khi bác Chế Lan Viên
mất thường hay đọc Di cảo và thở dài thương bác. Sau nhà bác Chế Lan Viên, cùng
dãy, là nhà của nhà thơ Bảo Định Giang, một người hiền lành, trung thực, cha
tôi rất kính trọng nên thỉnh thoảng dắt tôi vào chào, nhưng không bao giờ ngồi
lâu. Ở cuối dãy là nhà của nhà văn Xuân Tửu, một người bạn trung thành của cha
tôi, có tiếng cười sảng khoái không thể nào quên. Nhà 96 phố Huế, là nơi ở của
nhà biên kịch Hoàng Yến, nhạc sĩ Phan Thanh Nam, Văn Ký, nhà thơ Lưu Quang Thuận,….
Mỗi lần tới đó chơi, rất phiền toái vì cả dãy nhà toàn là người quen, vào nhà một
người đã khó vì luôn phải dừng lại chuyện trò với những người khác, ra lại càng
khó hơn, nhiều khi phải nấn ná thêm cả tiếng đồng hồ. Nhà 65 Nguyễn Thái Học có
nhà em gái của cha tôi, nhà văn Thanh Hương và chồng là nhà văn Vũ Tú Nam, là
nơi gia đình tôi hay tới nhất. Khu nhà này chủ yếu là các họa sĩ như Nguyễn
Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Song
Văn, Văn Giáo, Nguyễn Văn Lý, chỉ có cô Thanh Hương, chú Vũ Tú Nam là nhà văn,
bác Đỗ Nhuận là nhạc sĩ.
Hầu hết các anh chị em ruột
của cha mẹ tôi đều ở miền Nam, trừ cô Thanh Hương, nên hai gia đình rất thân.
Năm nào đêm 30 Tết cũng ăn Tết ở nhà tôi và chiều mùng Một ở nhà cô Thanh Hương
và chú Vũ Tú Nam. Lúc giao thừa là hai gia đình cùng đi dạo xung quanh hồ Gươm,
nghe chúc Tết đầu năm của chủ tịch nước, rồi về nhà uống rượu ăn mứt mừng năm mới.
Đầu năm cha tôi hay nghĩ ra những trò chơi văn học trong gia đình như đố chữ,
tìm vần. Mẹ tôi là cô giáo dạy văn, đã từng dạy rất nhiều nhà văn thơ có tiếng
như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Vương Trí Nhàn,…nên cũng tham gia tích cực
vào những trò chơi đó. Có lẽ chính vì thế em gái tôi là Hiền Lương luôn luôn đoạt
giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi văn. Riêng tôi, nhưng trò chơi đó đã
truyền cảm hứng cho tôi trong việc tìm tòi nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến
chữ nghĩa sau này.
*
* *
Cuối những năm 1970, cha
tôi chuyển về Tổ sáng tác Hội nhà văn, tham gia Hội đồng Văn học Công Nhân rồi ở
trong ban lãnh đạo trường viết văn Nguyễn Du. Ông hay đi các trại viết và rất
say mê nói chuyện với các nhà văn trẻ. Ông cho tôi xem bản thảo một cuốn tiểu thuyết rất hay của Trúc Phương,
nói về bi kịch của những người anh hùng. Ông kể rằng Trúc Phương vốn là chiến
sĩ quân báo, khi viết như lên cơn, gầm gừ vì nhập vai vào những cảnh chiến
tranh, nên có những trang viết xuất thần, nhưng đã viết xong thì chịu không sửa
lại được. Khi đem chấm điểm tiểu thuyết của Trúc
Phương, với tư cách là tác phẩm tốt nghiệp, một số người chỉ cho 1 điểm vì nội
dung tư tưởng quá nổi loạn. Nhà văn Nguyên Ngọc cho 4 điểm, cũng là điểm liệt,
vì kỹ thuật viết quá tốt, chỉ có vấn đề về nội dung tư tưởng. Riêng cha tôi
không cho điểm, nói rằng nếu được phép chấm điểm thì phải cho 10, còn nếu đem
tư tưởng ra để bàn có nghĩa là đã dùng tiêu chí tiên quyết để loại bỏ tác phẩm,
giống như phạm trường quy thời phong kiến, chứ không phải vì tác phẩm chất lượng
kém. Sau này, hình như Trúc Phương phải dùng một tập truyện ngắn, cách viết
cũng khá mới lạ. Tôi được đọc bản thảo và thích nhất một truyện ngắn kể về một
chị bí thư xã và một anh lái đò, trước là ngụy quân, gặp bão, bị chìm đò phải
nương vào nhau mới trôi dạt vào bờ. Tuy đề tài này cũng khá nhạy cảm, nhưng cha
tôi và các chú cũng cố gắng bảo vệ cho qua được. Cha tôi thích những nhà
văn trẻ có suy nghĩ như Hồ Anh Thái. Có lần cha cùng tôi gặp Hồ Anh Thái ở nhà
riêng của nhà thơ Hoàng Trung Thông, cha tôi rất khen tập Người và xe chạy dưới ánh trăng và nói với Hồ Anh Thái: chú tin
cháu sẽ còn đi xa, vì cách viết rất trí tuệ.
Giai đoạn này Huy Phương
viết tiểu thuyết Chùm me chín, mô tả
cuộc đời của một cô gái điếm. Có lẽ đây là một truyện vừa thì đúng hơn là tiểu
thuyết. Cha tôi viết Chùm me chín khá
nhanh. Câu chuyện tuy buồn, nhưng không sướt mướt như mọi người nghĩ. Viết về
các thân phận không may, người ta thường nghĩ đến một motif cải lương, sến, tiểu
thuyết máy nước. Cha tôi đặc biệt ở chỗ có thái độ tôn trọng với nhân vật chính
với tư cách là một con người. Ông cũng
hoàn chỉnh được phong cách truyện ngắn có motif thơ của mình như Hoa nở đêm, Nhớ về một thành phố. Như
ông quan niệm, những truyện ngắn này đều có một tứ và dùng hình ảnh như một bức
tranh, và được sắp xếp không cần theo trật tự logic thực tế.
Khi chuyển vào thành phố
Hồ Chí Minh, cha tôi cũng làm thơ trở lại. Ông không còn quá bận tâm tới thơ
chính luận bậc thang, mà quan tâm hơn tới những vấn đề triết học như một tiếng
gà gáy buổi trưa trong lịch sử, suy nghĩ về nước Mỹ, đối phương một thời, tôn
giáo,… Các bài thơ sau này của ông đều ngắn, nhưng vẫn còn những độ xóc, nhiều
vần trắc, và nhiều suy tư triết học. Thơ Huy Phương nhìn chung, vẫn nhiều góc cạnh,
không ưa nhịp điệu mượt mà. Sau này, con trai tôi, Nguyễn Huy Chính Điểm, cháu
đích tôn của cha, đã tập chắp vần những bài thơ đầu đời bằng tiếng Anh, về Việt
Nam học thơ, cũng đưa ra nhận xét là thơ tiếng Việt quá vần, quá trơn tru,
không kích thích suy nghĩ. Đây chỉ là một loại quan điểm trong nhiều quan điểm
về thơ, nhưng thực sự đã có một sự trùng hợp giữa hai thế hệ cách xa nhau. Điều
đó cũng đáng phải suy nghĩ.
Đời người ngắn ngủi, chí
làm trai còn muốn vươn lên mãi. Thấm thoắt mấy chục năm trôi qua, các đồng nghiệp
của cha tôi, thân hay sơ, cùng chí hướng hay ở phía đối lập, đều đã lần lượt ra
đi, nhiều người còn để lại các tên đường phố, các mục trong từ điển văn học.
Cha tôi cuối cùng cũng đã lên đường về thế giới bên kia.Trong tiếng chuông và
kinh chiêu hồn rộn rã, tôi như thấy cha, ánh mắt ngơ ngác thời ốm đau đang dần
lấy lại được vẻ tinh anh hóm hỉnh của một thời trẻ trung ngày xưa. Có lẽ ở thế
giới bên kia, nơi những điều minh triết là hiển nhiên, ông sẽ không còn phải cố
công vắt cạn sức lực để tranh luận những chuyện của thế tục. Vì thế, tôi vẫn thấy
ánh mắt của ông phảng phất đâu đó, cười cười thông cảm và hơi có phần chế diễu
với những điều mà “các thánh thần vẫn còn phải hoài công tranh đấu”.