Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3b)

Phần 3a: http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-3a.html

Phần 3b:

 
Bất biến thang độ và tương tác mạnh

     Với Viện sĩ N.N.Bogoliubov, giám đốc Viện Dubna, Nguyễn Văn Hiệu, nghiên cứu mô hình các hạt sơ cấp, các tính chất nhân quả của biên độ tán xạ. Các nghiên cứu đó, sau này có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu các quá trình tương tác mạnh của các hạt sơ cấp, là một lĩnh vực khác với vật lý neutrino. Ông nhanh chóng có những đóng góp quan trọng vào những kết quả nổi tiếng thế giới về hệ thức tán sắc, tái chuẩn hóa của Bogoliubov. Viện sĩ N.N.Bogoliubov từng là một trong những thần đồng khoa học của Liên Xô, bắt đầu nổi tiếng với các công trình khoa học từ khi 15 tuổi. Có lẽ đó là điểm đồng cảm giữa Bogoliubov và Nguyễn Văn Hiệu. Chính Bogoliubov đánh giá rất cao tài năng của Nguyễn Văn Hiệu. Ông viết “Nhà vật lý tài giỏi và năng động Nguyễn Văn Hiệu đã trở thành một nhà vật lý lý thuyết có đẳng cấp cao. Anh nhanh chóng bước vào các lĩnh vực vật lý lý thuyết mới, nắm vững kỹ thuật nghiên cứu mới. Trong bất kỳ lĩnh vực nào anh làm việc, anh luôn đạt được những kết quả mới và quan trọng. Trong nhóm của Bogoliubov lúc đó có một nhà vật lý xuất sắc là A.A.Logunov. Ông bảo vệ TSKH năm 1959, khi đó đã là phó phòng Vật lý lý thuyết và là học trò cưng của Bogoliubov và là tấm gương để Nguyễn Văn Hiệu noi theo. Logunov cũng bỏ rất nhiều thời gian với Nguyễn Văn Hiệu và nhanh chóng có những kết quả tốt. Nhờ các kết quả này, Nguyễn Văn Hiệu đã bảo vệ thành công luận án TSKH về “Bất biến thang độ của tiết diện tán xạ tạo thành nhiều hạt” năm 1964, chỉ một năm sau khi bảo vệ luận án TS. Trong việc Nguyễn Văn Hiệu sớm bảo vệ thành công và xuất sắc luận án TSKH, Logunov là người có công lớn. Logunov rất cởi mở, luôn nói rằng Nguyễn Văn Hiệu là cộng sự của mình. Vì vậy, trong một thời gian dài, có nhiều người cho rằng Nguyễn Văn Hiệu là học trò của Bogoliubov cũng như Logunov. Sau này, Nguyễn Văn Hiệu đã cải chính điều này, nói rằng ông coi Logunov như thầy.

      Nhiều người đã đặt câu hỏi làm thế nào trong một năm Nguyễn Văn Hiệu có thể làm luận án về một đề tài mới, có những kết quả đỉnh cao để có thể bảo vệ luận án TSKH. Có người cho rằng đó là một may mắn, khi Nguyễn Văn Hiệu được làm việc trong một nhóm nghiên cứu đang “đào trúng mỏ vàng” như cách nói của M.A.Markov. Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng Nguyễn Văn Hiệu đã thực hiện công việc một cách tuần tự và chỉ bắt đầu nghiên cứu về đề tài này sau khi hoàn thành luận án TS. Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu này đều biết rõ rằng, trong một năm, chỉ để hiểu về một vấn đề trong lĩnh vực này cũng không thể đủ thời gian. Trong khoa học có những bước đi thần tốc, nhưng cũng cần những thời gian ấp ủ để ý tưởng sáng tạo chín muồi và nảy mầm. Bất biến thang độ là đặc trưng của tương tác mạnh giữa các hạt cơ bản, thể hiện bằng việc trong các quá trình tán xạ ở năng lượng cao, các hạt hadron thể hiện tính chất như là các hạt điểm, không có cấu trúc.

      Nguyễn Văn Hiệu sử dụng rất thành thạo các công cụ rất nổi tiếng mang tên “tái chuẩn hóa BPHZ” của nhóm Bogoliubov để mô tả tường minh bất biến thang độ. Nhưng đặt vấn đề nghiên cứu bất biến thang độ là một ý tưởng vật lý đi trước thời đại, chứ không phải chỉ là kỹ thuật tính toán. Sau này, đến năm 1966, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ J.Bjorken mới phát hiện ra thang độ Bjorken trong các tán xạ bao gồm hadron. Năm 1973, một nhà vật lý Mỹ khác S.Brodsky mới phát biểu tường minh ý tưởng áp dụng bất biến thang độ trong các quá trình tương tác mạnh sử dụng sắc động học lượng tử. Dựa trên các ý tưởng này, nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Nobel 1964, R.Feynmann đã phát triển mô hình parton, làm cơ sở cho những quá trình thực nghiệm khẳng định sự tồn tại của quark. Trong thập kỷ 1980, nhóm nghiên cứu của GS. Trần Hữu Phát ở Viện 481 có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về mô hình parton và các hiệu ứng EMC tính đến vi phạm bất biến thang độ.  

      Ở hướng nghiên cứu này, chúng ta thấy ảnh hưởng của Bogoliubov đối với Nguyễn Văn Hiệu rất lớn. Nhiều cộng sự với Nguyễn Văn Hiệu sau này đã kể lại, việc ông đã đọc đi đọc lại bộ sách “Nhập môn lý thuyết trường lượng tử” của Bogoliubov và Shirkov, tính toán rất chi tiết đến từng bước suy diễn đơn giản nhất. Ông đã bắt đầu đọc bộ sách này ngay từ khi vừa mới tốt nghiệp đại học, làm việc ở Khoa Vật lý. GS. Nguyễn Hoàng Phương, chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi làm việc tại Dubna đã mang bộ sách này về và giới thiệu bộ sách này với các nhà vật lý trẻ trong khoa, tại semina khoa học về Vật lý lượng tử do ông tổ chức. Semina này đã đào tạo ra một thế hệ vật lý xuất sắc và sau này sẽ thành danh như Trần Hữu Phát, Đào Vọng Đức, Cao Chi, Nguyễn Ngọc Giao, Lương Duyên Bình, Phạm Công Dũng,… Người tiếp cận nhanh nhất được với kiến thức mới là Nguyễn Văn Hiệu. Ông đã được GS. Nguyễn Hoàng Phương giới thiệu với GS Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học “trẻ và giỏi một cách kỳ lạ.” Chính GS. Phương đã đề nghị Nguyễn Văn Hiệu thay mình đi làm cộng tác viên về vật lý lý thuyết tại Dubna. Trong khoa học, thành công phụ thuộc vào cố gắng và năng lực cá nhân, nhưng sự giúp đỡ ban đầu là một trong những may mắn quan trọng nhất. Phải rất nhân văn mới nhận thức được những điều quý giá mà sau này chỉ có vẻ rất nhỏ nhặt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét