Phần 2: http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-2.html
Phần 3a:
Những năm thành công huyền thoại tại Dubna
Lớp cán bộ trẻ của phòng Vật lý lý thuyết,
Viện Vật lý chúng tôi thời đó vẫn truyền tụng nhau về những thành công huyền
thoại của GS Nguyễn Văn Hiệu tại Viện nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna. Chính
Viện sĩ Viện trưởng N.N.Bogoliubov lừng danh đã đánh giá Nguyễn Văn Hiệu là một
trong số nhà khoa học trẻ giỏi và thông minh nhất một thời tại Dubna, là nơi vốn
quần tụ các anh tài vật lý một thời của Liên Xô và các nước Đông Âu. Nếu như đa
số các nhà khoa học Việt Nam thời bấy giờ và sau này đều làm việc với một thầy,
tập trung vào một đề tài để bảo vệ cho xong luận án TS, rồi tiếp tục làm TSKH,
Nguyễn Văn Hiệu đã thể hiện một cách làm hoàn toàn khác. Ông không chỉ nhanh
chóng hoàn thành nội dung luận án TS, mà còn đồng thời tham gia nghiên cứu với
nhiều những nhóm nghiên cứu hàng đầu của Dubna và nhanh chóng có thành tựu vang
dội và có tầm cỡ thực sự.
Tính
chất tiệm cận biên độ tán xạ và vật lý neutrino
Tại
phòng thí nghiệm neutrino, Nguyễn Văn Hiệu làm việc với các Viện sĩ M.A.Markov
và B.Pontercovo về tương tác yếu của các hạt neutrino bí ẩn, có khả năng đâm
xuyên qua mọi vật cao nhất trong các hạt mà chúng ta biết. Lĩnh vực này đến nay
vẫn là một trong những lĩnh vực sôi động và còn nhiều bí ẩn nhất trong vật lý.
Chính Viện sĩ Markov là người đề xuất ý tưởng kính viễn vọng neutrino ngầm dưới
đáy biển. Viện sĩ Pontecorvo là cha đẻ của ý tưởng dao động neutrino. Hiện tượng
này chỉ được kiểm chứng thực nghiệm sau khi Pontecorvo mất 22 năm, đem lại giải
thưởng Nobel năm 2015 cho nhà vật lý người Nhật T.Kajita và nhà vật lý người
Canada A.B.McDonald. Năm 1963, khi bảo vệ luận án TS nhan đề “Các hệ thức tiệm
cận của biên độ tán xạ trong lý thuyết trường lượng tử tương đối tính” liên
quan tới các tính chất của neutrino, Nguyễn Văn Hiệu đã công bố 12 công trình
khoa học. Trả lời phỏng vấn báo chí, Viện sĩ Markov nói “Bạn và tôi đang tiếp xúc với một con người xuất chúng. Đôi khi người
ta thực sự gặp may trong công việc nhờ tìm thấy một ý tưởng thiên tài dẫn đến
những kết quả quan trọng, như phát hiện một mỏ vàng. Nguyễn Văn Hiệu đi theo một
con đường khác. Như người ta thường nói, anh không ngồi chờ khoa học đến
"bố thí"; anh đã đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên bằng cách lao
động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn”. Tình cờ, tôi cũng có
duyên nợ với con số 12 này, năm 1987, khi bảo vệ luận án TS Toán Lý trong nước,
tại Viện Vật lý, tôi cũng đã có 12 bài báo được công bố.
Nguyễn Văn Hiệu đã có cơ hội hợp tác với Pontecorvo để đi đầu trong hướng nghiên cứu về dao động neutrino. Và nếu ông nhận thức được tầm quan trọng của neutrino, hoàn toàn có thể giải thưởng 2015 đã phải nhắc đến tên ông. Tuy vậy, có vẻ như Nguyễn Văn Hiệu quan tâm nhiều tới sử dụng công cụ tính toán để có những thành công nhanh chóng hơn là những vấn đề vật lý cơ bản cần thời gian dài để chín muồi. Do đó, ông hướng sự chú ý tới hướng nghiên cứu thuộc một phòng thí nghiệm khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét