Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3c)

 Đối xứng unita của các hạt sơ cấp

      Điểm đặc biệt trong thành công của Nguyễn Văn Hiệu ở chỗ ông đã có một tầm nhìn xa và sâu sắc về bức tranh toàn cảnh Vật lý. Đó là tư duy của một nhà lãnh đạo khoa học tương lai. Trong khi làm luận án TS, ông đã nghiên cứu song song thêm các đề tài khác về tương tác mạnh và đã có những kết quả quan trọng bên ngoài luận án TS. Chúng ta có thể thấy nhà khoa học trẻ Nguyễn Văn Hiệu khao khát kiến thức và có năng lực làm việc lớn như thế nào. Ở đây chúng ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của một người khổng lồ, vác lên vai tất cả những kiến thức đồ sộ mà anh có thể thấy trên đường, để đem về xây dựng cho nền vật lý tương lai của quê hương. Ông như muốn học cả cho những người đang ở quê nhà, đang đợi ông để cùng xây dựng nền vật lý tương lai cho Việt Nam.  Nếu chỉ để học cho cá nhân mình, hay vì bằng cấp, Nguyễn Văn Hiệu hoàn toàn không cần làm như vậy.  Đến Dubna năm 22 tuổi, 8 năm sau ông đã được phong học hàm GS Liên Xô, phụ trách một nhóm nghiên cứu lớn, có nhiều học trò giỏi.

   Cùng với GS. Ya.A.Smorodinsky, Nguyễn Văn Hiệu đã nghiên cứu đối xứng unita của các hạt cơ bản. Đây là một hướng nghiên cứu rất mới, do nhà vật lý Mỹ M.Gell Mann đề xuất. Đối xứng unita là một quy luật tuần hoàn, phản ánh các thuộc tính lặp đi lặp lại của rất nhiều hạt cơ bản được phát hiện trong các máy gia tốc có năng lượng rất cao. Các thuộc tính tuần hoàn này tương tự như các thuộc tính của các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Công cụ toán học để phân loại và sắp xếp các hạt cơ bản là lý thuyết biểu diễn nhóm, một lý thuyết rất khó và trừu tượng vào lúc bấy giờ. Bằng công cụ toán học mới này, người ta thấy có một vị trí trong bảng tuần hoàn mới đó còn thiếu. Gell Mann đã tính toán khối lượng của hạt đó mà được ông đặt tên là Omega. Năm 1964, người ta đã phát hiện hạt Omega, bằng thực nghiệm. Đó là một thành công rực rỡ của nhóm đối xứng unita, mà các nhà viết lịch sử khoa học thường so sánh với việc phát hiện ra hành tinh Neptun. Nhóm nghiên cứu của Smorodinsky và Nguyễn Văn Hiệu đã nghiên cứu về nhóm đối xứng unita rất sớm. Smorodinsky, khi đó đã là trưởng phòng vật lý lý thuyết tại Dubna, vốn là học trò của nhà vật lý Liên Xô, giải thưởng Nobel, L.D.Landau lừng danh. Ông là một trong số ít những người thành công trong kỳ sát hạch khó khăn của Landau dành cho các nhà vật lý trẻ. Trong nhóm nghiên cứu của Smorodinsky, Nguyễn Văn Hiệu là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu các công cụ toán học của lý thuyết biểu diễn nhóm. Ông tính toán cẩn thận và giảng lại cho các đồng nghiệp. Các bài giảng này sau này được soạn lại thành sách, một sách giáo khoa mẫu mực về sự sáng sủa về dễ hiểu. Cuốn sách này được Viện sĩ Bogoliubov viết lời nói đầu. Nguyễn Văn Hiệu cũng là một trong những người đầu tiên đề xuất sử dụng nhóm SL(6,C) để biểu diễn hạt cơ bản. Đây là nhóm đối xứng vừa chứa đối xứng unita SU(6) mô tả đối xứng gần đúng của 6 hạt quark mà sau này người ta sẽ tìm ra và nhóm đối xứng tương đối tính Lorentz.

     Nhiều năm sau, hướng nghiên cứu về đối xứng unita và các đối xứng mở rộng được tiếp tục ở nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý của Đào Vọng Đức và Nguyễn Thị Hồng, và nhóm nghiên cứu tại Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp TPHCM của Nguyễn Ngọc Giao và Dương Văn Phi. Cá nhân tôi cũng là một chuyên gia trưởng thành từ hướng nghiên cứu này. Có thể nói, ảnh hưởng của Nguyễn Văn Hiệu đã lan tỏa trong giới Vật lý Việt Nam trong nhiều năm sau. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét