Phân 4b:
http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/02/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-4a.html
Ứng
dụng phương pháp trường lượng tử trong vật lý chất rắn
Khi về Viện Vật lý, tôi được phân công làm
trong nhóm của các TS. Đào Vọng Đức và Nguyễn Thị Hồng. Nguyễn Văn Hiệu chỉ nói
ngắn gọn “Cháu sẽ làm việc về lý thuyết hạt cơ bản với chú Đức, là một người rất
giỏi. Chú cũng làm về hạt cơ bản, nhưng sẽ phụ trách nhóm nghiên cứu lý thuyết
bán dẫn.” Sau này, tôi mới biết Nguyễn Văn Hiệu vẫn say mê và không ngừng
nghiên cứu vật lý hạt cơ bản là mối tình khoa học đầu tiên của ông. Tuy vậy,
ông nhận thức được rằng vật lý chất rắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn đối với ứng dụng
tại Việt Nam và tự thấy mình có trách nhiệm phát triển hướng nghiên cứu này.
Ông tập hợp được một nhóm khá đông các nhà vật lý lý thuyết trẻ có năng lực, được
tuyển chọn rất kỹ như Nguyễn Ái Việt A, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Bá Ân, Nguyễn
Như Đạt, Nguyễn Vinh Quang, Hoàng Ngọc Cầm, Hà Vĩnh Tân, sau này có thêm Nguyễn Hồng Quang,
Nguyễn Quê Hương, Hoàng Anh Tuấn, ngày nay đều là những nhà vật lý xuất sắc,
thành danh. Trong phòng Lý thuyết còn có các anh lớn tuổi hơn như Nguyễn Văn Trọng,
Nguyễn Ngọc Thuân, cũng là những nhà vật lý uyên bác, thông minh xuất chúng.
Nguyễn Văn Hiệu muốn tạo ra một trường
phái vật lý bán dẫn tại Việt Nam sử dụng thế mạnh của ông đã thành công vang dội
tại Dubna là phương pháp tính biên độ tán xạ sử dụng các giản đồ Feynman. Nói ý
tưởng thì đơn giản nhưng khi áp dụng không hoàn toàn như vậy. Trong nhiều
năm, ông và các học trò đã phát triển một hướng đi độc đáo trong vật lý bán dẫn,
phát triển một phương pháp luận tính toán các quá trình sinh hủy các giả hạt để
giải thích rất nhiều hiện tượng vật lý trong chất bán dẫn. Rất nhiều công sức
đã bỏ ra để có một phương pháp luận trong sáng, dễ hiểu, dễ dùng, từ những công
cụ phức tạp của lý thuyết trường. Nhiều người cho rằng đây là cách dùng “đại
bác bắn chim sẻ”, tuy vậy, tôi cho rằng đó là cách duy nhất làm đúng. Khi đó tại
Việt Nam, tài liệu, điều kiện tiếp xúc quốc tế, điều kiện làm việc đều vô cùng
khó khăn. Để có được một công trình mới có ý nghĩa có thể công bố được trên các
tạp chí có uy tín trên thế giới là vô cùng khó khăn, chưa nói tới được việc
hình thành một trường phái lớn, có ảnh hưởng tới thực nghiệm và ứng dụng. Một
cách làm khác phổ biến hơn là vẫn tiếp tục các đề tài nghiên cứu ở nước ngoài
và nỗ lực để có những thành công xuất sắc. Ở Phòng Vật lý thời đó, có những nhà
khoa học giỏi như các anh Đoàn Nhật Quang, Nguyễn Văn Liễn, Nguyễn Minh Khuê, vẫn
có thể làm những hướng khác, độc lập. Tuy vậy, nếu nhìn lại, nét chủ đạo vẫn là
“công nghiệp tính toán sơ đồ Feynman cho bán dẫn” (như chúng tôi vẫn gọi đùa một
cách thân thương) của nhóm nghiên cứu do GS Nguyễn Văn Hiệu lãnh đạo.
Từ những năm 1980, lứa học trò đầu tiên của
Nguyễn Văn Hiệu đã trưởng thành và đã vươn tới các đề tài hiện đại và có ý
nghĩa vật lý sâu hơn như hiệu ứng Hall lượng tử, siêu dẫn nhiệt độ cao, quang học
bán dẫn, tính toán lượng tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét