Phần 4c
Tiếp
tục nghiên cứu về lý thuyết trường lượng tử
Tôi về phòng Viện Vật lý, đúng dịp TS Đào
Vọng Đức đi nghiên cứu dài ngày ở Ý. GS. Nguyễn Văn Hiệu, nhận tạm thời hướng dẫn
tôi và anh Hoàng Ngọc Long. Ông lại hướng dẫn chúng tôi đọc các bài báo về
monople của t’Hooft và Polyakov, về instanton của Belavin, Schwarz, Polyakov và
Tyuptin. Đây là các vấn đề rất khó và rất thời sự vào lúc đó, được hy vọng là lời
giải cho bài toán cầm tù quark. Rõ ràng Nguyễn Văn Hiệu chưa bao giờ rời bỏ những
hướng nghiên cứu mà ông đã vạch ra cho tôi. Một trong những điểm khó hiểu nhất
trong các bài báo này là các khái niệm về topo và hình học vi phân. Tôi đã tổ
chức một semina hàng tuần về phương pháp toán học này tại nhà, có Nguyễn Quốc
Nam, Nguyễn Hùng Sơn và một số người khác tham dự. Nguyễn Văn Hiệu rất quan tâm
đến semina này. Ông thường hỏi tôi “Semina của cậu có hay không?” Tuy vậy, thời
gian được làm việc với thầy Hiệu của tôi chỉ kéo dài 2 tháng. Thậm chí, tôi
chưa có buổi nào được làm việc trực tiếp mà chỉ nhận tài liệu qua thư ký để đọc.
Ông quá bận để có thể có thời gian cho tất cả mọi người.
Một trong những khó khăn của tôi trong thời
kỳ này là việc định hướng nghiên cứu. Tôi khi đó còn quá trẻ chưa có tầm nhìn
toàn cảnh về ngành Vật lý, không biết phải học và nghiên cứu cái gì. Sau này,
Nguyễn Văn Hiệu có nói ông có hai may mắn. Một là được chuẩn bị kiến thức cơ bản,
đọc đúng sách cần thiết trước khi đi Dubna. Hai là gặp được những người hướng dẫn
tận tình và giỏi. Cả hai điều này tôi đều không có. Ở Phòng lý thuyết, tôi được
biết là không thể đi về các hướng sẽ hướng tới sử dụng máy tính như ở Budapest,
bên cạnh đó, ở Việt Nam khi đó chỉ có Nguyễn Văn Hiệu quan tâm tới sắc động học
lượng tử. Một lần, Nguyễn Văn Hiệu đi công tác ở Pháp về gọi chúng tôi tới nói
về các công trình siêu hấp dẫn trong không gian 11 chiều của một nhà vật lý trẻ
là Julia. Ông nói: Julia không hơn gì tuổi các cậu đã giỏi như vậy, các cậu phải
cố lên. Thực ra không dễ dầu gì có được điều kiện làm việc như Julia. Cái chúng
tôi được nhà nước cung cấp cho là một tháng 2 thếp giấy nháp màu nâu, chỉ viết
được trên một mặt và 2 cái bút chì, và được bảo là “làm khoa học đi”. Các tạp
chí khoa học trước đó được Trung Quốc viện trợ, lúc đó đã bị cắt hẳn. Thi thoảng
cũng có một vài số tạp chí mới nhất, thường là chậm từ 5-10 năm. Chúng tôi chia
sẻ với nhau một số sách tiếng Nga kinh điển như cuốn “Điện động học lượng tử” của
Akhiezer, “Nhập môn lý thuyết trường lượng tử” của Bogoliubov và Shirkov. Chúng
tôi cũng được truyền kinh nghiệm “Sếp Hiệu đã tính nát hai bộ sách này, nên mới
thành công như vậy ở Dubna”. Chúng tôi cũng tin là chỉ cần đọc kỹ và thực hiện
tính toán trong hai cuốn sách này, vật lý thế giới sẽ nằm trong tầm tay. Ngày
nay nhìn lại mới thấy niềm tin đó thật ngây thơ như ếch ngồi đáy giếng. Vào năm
1956-1958, hai bộ sách này còn là mới và đang theo sát các vấn đề mà giới vật
lý quan tâm, được hướng dẫn đọc hai bộ sách này, rồi lại đến Dubna làm việc với
các tác giả là may mắn của Nguyễn Văn Hiệu. Tới năm 1980, các cuốn sách này ít
có liên hệ trực tiếp với những vấn đề thời sự trong vật lý. Tuy vậy, tôi quyết
định bỏ thời gian nghiên cứu phương pháp topo và hình học vi phân. Tôi nói rằng
nếu Julia thành công ở tuổi 30, tôi sẽ được như Julia vào năm 40 tuổi hoặc thậm
chí 60 tuổi cũng là tốt rồi. Thực ra, đó chỉ là cách chọn hướng cụ thể khác, về
phương pháp cũng là do ảnh hưởng từ Nguyễn Văn Hiệu.
Năm 1980, Nguyễn Văn Hiệu quan tâm trở lại
lĩnh vực trường lượng tử và hạt cơ bản. Ông lập một nhóm nghiên cứu rất mạnh gồm
có Nguyễn Hùng Sơn, Hà Đại Phước và Lê Viết Dũng, là những nhà khoa học trẻ giỏi
nhất của Trung tâm Vật lý lý thuyết. Đây là thế hệ học trò cuối cùng về vật lý
hạt cơ bản của Nguyễn Văn Hiệu. Sau hơn 10 năm không làm việc trong lĩnh vực
này, mặc dù vẫn luôn cố gắng cập nhật với các thành tựu mới nhất, Nguyễn Văn Hiệu
đã phải hết sức vất vả để mở một hướng đi cho nhóm này vừa phải xứng đáng với tầm
cỡ của mình. Ông đã cố gắng nghiên cứu về một cách biểu diễn mới cho siêu đối xứng.
Tình cờ, đây cũng là đề tài nghiên cứu của tôi.
Năm 1984, tôi có dịp đến Dubna làm việc mấy tháng và chọn làm việc với
GS. V.I.Ogievetsky, là người rất nổi tiếng trên thế giới với khái niệm “siêu
không gian điều hòa”. Tại Mỹ ông được mệnh danh là “Fezza Gursey của Nga” thể
hiện một sự kính trọng tuyệt đối. Ogievetsky cùng tuổi với Nguyễn Văn Hiệu và bắt
đầu làm việc với Viện sĩ M.A.Markov tại phòng thí nghiệm neutrino từ năm 1956.
Tuy vậy, ông bị thành kiến, chèn ép nên mãi tới năm 1990 mới được ra nước ngoài
lần đầu, đến Budapest dự một hội nghị. Tôi đã đưa ông và vợ đi chơi Budapest, rất
ngạc nhiên khi ông nói lần đầu tiên được ra nước ngoài và đời sống ở Nga lúc bấy
giờ rất túng thiếu. Năm 1994, tôi còn gặp Ogievetsky lần cuối cùng ở
Philadelphia, khi ông sang Mỹ làm việc ngắn hạn theo lời mời của J.Bagger.
Nhờ những chuẩn bị khá tốt về phương
pháp hình học và topo, lại ứng dụng được những kiến thức này trong một công
trình viết chung với nhóm nghiên cứu của Ogievetsky, năm 1977, sau khi bảo vệ
luận văn tiến sĩ trong nước, tôi đã có được một công trình độc lập về phương
pháp topo được đăng Tạp chí Physics Letters B, là tạp chí hàng đầu về vật lý lý
thuyết và cũng đã hình thành được hướng nghiên cứu khá hấp dẫn về mô hình
Skyrme cùng với Phạm Thúc Tuyền. Mô hình này được quan tâm trở lại và trở thành
đề tài nóng, với tư tưởng là phương pháp topo sau công trình của nhóm nghiên cứu
của nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Fields 1990, E.Witten. Tuy vậy, chúng tôi bắt buộc
phải tính toán trên máy tính để có các kết quả so khớp được với thực nghiệm.
Cũng may là lúc đó tôi nhận được giải thưởng về Vật lý của Viện Hàn lâm Khoa học
Hungary và có điều kiện sang Budapest. Giải thưởng này khá vinh dự vì mỗi năm
chỉ có 2 người được nhận giải, cùng năm với tôi là Viện sĩ Nga N.Gribov và trước
đó là P.Dirac, giải thưởng Nobel năm 1932. Kèm theo giải thưởng là học bổng một
năm nghiên cứu tại Budapest. Tại Budapest, tôi nhanh chóng hoàn thành các tính
toán và công bố các bài báo cùng với anh Phạm Thúc Tuyền, các kết quả này được
nhà vật lý nổi tiếng Fezza Gursey nhắc đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét