Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

MONG MANH TRÍ THỨC VIỆT

Không phải ông nào không biết làm gì ngoài đọc sách, hoặc có bằng cấp đều đã là trí thức theo nghĩa mà tôi hiểu. Khi một người bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa thực sự đằng sau kiến thức trong sách vở, tìm cách kết nối chúng lại với nhau và với sự tồn tại của chính bản thân mình, khi đó hắn mới có thể được gọi là trí thức, khác với đám thợ chữ trộn bê tông chữ, xây trát chữ để mưu sinh. Nước Nga có nhiều nhà khoa học, Viện sĩ lỗi lạc, nhưng điển hình trí thức là Perelman không hề có danh hiệu gì. Tính cách Perelman càng nhiều thì độ trí thức sẽ càng cao. Lăng xăng quan quyền lắm danh hiệu như Lysenko, Sedov, Mitchourin hay Fadeev không thể gọi là trí thức. Tuy rằng hành động tự sát của Fadeev cũng có chút phảng phất hơi hướng trí thức Nga theo kiểu Yesenin.

Trong làng khoa bảng Việt Nam, tỷ lệ trí thức khá thấp. Nếu chọn điển hình thời phong kiến có thể lấy Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Pháp thuộc có thể lấy Nguyễn Khuyến, thời xã hội chủ nghĩa có thể lấy Nguyễn Tuân. Đó là các hình tượng mà giới sĩ phu cùng thời tôn sùng nhất. Tính cách bao trùm các vị này là yếm thế và không có hành động cụ thể. Liên hệ những chuyện các cụ nói với nhau đã khó, vì các cụ không có học thuyết gì cụ thể, chỉ lập ngôn vụn vặt. Liên hệ những gì các cụ nói với bản thân các cụ còn xa xỉ hơn vì các cụ hầu như không hành động gì. Hành động đối với hệ thống đánh giá của dân ta đều là ty bỉ. Vì thế khối người lăn lưng ra làm đều bị dè bỉu không được sùng bái. Các cụ cứ ngự trong mây mà hé lộ tý râu, tý vuốt, tý vảy để được sùng bái. Còn sau mây là gì chúng ta chịu không có bằng chứng để suy đoán.
Cụ Chu Văn An, không thấy nghe nói làm gì cụ thể ngoài việc dâng sớ chém 7 người bị gọi là gian thần. Nhưng cụ thể không biết là ai, tên tuổi thế nào, tội trạng gì. Riêng về mặt pháp lý điều đó không ổn tý nào. Nếu là vua, tôi sẽ không bao giờ chém người, cho dù tôi không ưa đến mấy, theo đề nghị trái quy trình và đạo lý như thế. Khái niệm về gian thần của sĩ phu Bắc Hà cũng rất cảm tính, công thức và theo chủ nghĩa lý lịch: các hoạn quan Lương Đăng, Đinh Thắng, Đinh Phúc bị Nguyễn Trãi chỉ măt là gian thần hại nước, đều có những lời bàn hữu lý về cải cách lễ nhạc và có khí tiết, thậm chí bênh Nguyễn Trãi khi ông bị hàm oan. Về mặt chính trị, nếu quả cụ An muốn chém ai đó thật, hoặc việc chém đó có ích nước lợi dân thật, cụ tất phải bày mưu tính kế với Lê Quát, Phạm Sư Mạnh đều là bậc tể tướng, học trò cụ, nghe cụ răm rắp. Sắp đặt dày công, gài bẫy cho cá kình vào lưới sắt, chém dễ như bỡn. Nhưng xây dựng một chương trình thực hiện cụ thể mất thời gian không phải là mặt mạnh của trí thức ta. Các cụ trí thức tỏ ra thanh cao không làm việc cụ thể như thế. Vì thế mà có truyện tiếu lâm: thầy ngoại khoa cắt xong đuôi mũi tên phủi tay xong việc, nói còn lại là việc của thày nội khoa. Thực ra, mục tiêu của cụ An chỉ là làm truyền thông, mượn 7 tên đặt ra chuyện chém để tạo dư luận xã hội mà thôi. Có lẽ từ "chém gió" nên lấy chuyện Chu Văn An làm điển tích từ nguyên. Thơ phú trước tác của cụ An để lạị cũng không thấy gì thật xuất chúng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể nói là trí thức Việt Nam đầu tiên có uy tín quốc tế. Cụ đã thoát khỏi các vấn đề chính trị quốc nội để nghiên cứu lý số là đỉnh cao khoa học chung của các nước Tứ Đại Hoa. Cụ được được một nhà tổ sư dịch lý tán tụng "ở nước Nam có ông Trình là có biết dịch lý". Thế là ghê lắm rồi. Tuy kiểu khen này khá trịch thượng, hỗn láo, như thầy xoa đầu khen trò trung bình. Cụ được vua Mạc trọng vọng, nhưng không thấy bàn được mưu nào ích quốc lợi dân. Mưu kỳ bí nhất của cụ là bày cho Nguyễn Hoàng cát cứ Đường Trong. Mẹo mực để phân tranh đất nước không thể gọi là ích nước lợi dân. Sấm Trạng Trình thì kỳ bí, không biết có nghĩa thật như người ta tán hay không. Có lẽ nên mở rộng thành ngữ "vịt nghe sấm Trạng".
Nguyễn Khuyến, đỗ đầu liền ba kỳ thi Hương Hội Đình, có thể coi là có giấy thông hành trí thức. Tuy nhiên, người thi rớt nhiều lần cùng thời như Trần Tế Xương không thể gọi là không trí thức. Về công tích của cụ toàn bộ đều là thái độ phân vân, thấy nói ngang, móc máy, xỏ xiên nhiều chứ không có quan điểm gì tường minh để dân tình có thể lấy làm chủ thuyết mà theo hay xả thân vì lợi ích cộng đồng. Thậm chí, thái độ sống của một biểu tượng được tôn sùng như thế còn làm cho các nỗ lực của các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền thành trò công cốc, đáng cười. Thơ của cụ tinh những chữ, cầu kỳ nhưng không thấy ý nào cho cứng cỏi, nguyên khôi. Cái gì cũng tí tẻo tèo teo. Việc cụ trở thành thần tượng một thời của sĩ phu Bắc Hà cũng cho thấy trí thức của ta mong manh thế nào. Có lẽ cụ Yên Đổ đáng là biểu tượng của "trí thức trùm chăn".
Nguyễn Tuân được nhiều người gần đây tôn sùng, do tính cách lập dị và cầu kỳ. Văn ông đọc cũng thích nhưng đọc một vài bài thì chán vì không thấy ý tưởng nào tích cực, lặp đi lặp lại na ná như nhau. Văn của ông thấy mường tượng giống như có một ông thánh ngồi trong nhà phán về thời sự quốc tế. Có vài công thức mẫu thì phán chuyện gì cũng được, nhưng nó cứ meo méo không thật thế nào đó.Tư tưởng của ông cũng không được sắc bén như Nam Cao. Cái tinh tế của ông quay đi quay lại thấy là Phở, Trà. Nghe nói, ăn uống của ông cũng cầu kỳ, giò lụa phải mua ở chợ Hàng Da. Thấy nói ông "ngẳng" với các quan văn nghệ như Tố Hữu, Hà Xuân Trường, nhưng thái độ ông không rõ ràng và chưa thấy bao giờ bênh vực đàn em, bạn hữu được như các "đại ca" Nguyễn Huy Tưởng, Tô Ngọc Vân. Tâm huyết với nghệ thuật của cụ thì không được như Văn Cao, Nguyễn Sáng. Công tích với xã hội không thể so với Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Tố. Việc ông trở thành biểu tượng vượt bậc với những người kia cũng cho thấy cái gọi là trí thức Việt thật mong manh. Cụ Tuân đáng gọi là "trí thức giả điếc cầu an".
Như vậy, có thể tạm khắc họa hình tượng trí thức Việt xuyên thời đại là "chém gió, phán sấm, trùm chăn và giả điếc cầu an". Ôi mong manh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét