Ông là dòng dõi Thượng tướng quân, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Là quan đầu triều đời vua Nghệ Tông nhà Trần. Được tiếng nho nhã, để lại nhiều thơ nhàn tản vào thời loạn, được nhiều kẻ sĩ cho là thanh cao, nhưng không hề có công tích hay mưu kế gì ích quốc lợi dân.
Khi ông gần mất, Nghệ Tông tới thăm, hỏi về thế nước, ông khóc mà rằng "Bệ hạ kính nhà Minh như cha, coi Chiêm Thành như con, lão thần chết cũng bất hủ." Người ta cho rằng ông biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, ông là quan đầu triều lại là người tôn thất không có mưu kế gì can ngăn mà lại đem con trưởng là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly, lại làm bài thơ Vịnh con tu hú với tâm tư băn khoăn
" Đem con gửi cho loài quạ
Chẳng biết quạ già có xót thương"
Cuối cùng Quý Ly cũng nhớ lời ước với Nguyên Đán cho cả ba người con làm quan. Sau này họ lại làm quan với nhà Minh bảo toàn phú quý khi mất nước. Vua Giản Định nổi lên chống Minh bèn đem con cái Nguyên Đán giết sạch, chỉ còn lại cháu nội là Nguyên Hãn, cháu ngoại là Nguyễn Trãi đều là công thân dựng nước của nhà Lê.
Trãi là quân sư, bày mưu kế nơi màn trướng, coi việc thư từ, bang giao của Lê Thái Tổ. Hãn là đệ nhất võ tướng thống suất quân đánh thành Xương Giang- Chi Lăng, võ công tuyệt lạ ngàn thuở ngợi khen.
Nguyên Đán danh tiếng vượt quá công tích, khả thủ nhất chỉ ở hai đứa cháu. Trộm cho rằng việc đặt tên phố là để nêu gương cho mai hậu. Nay Hà Nội có phố Trần Nguyên Đán, e rằng những người có trách nhiệm không xét kỹ càng, nêu gương lầm để hỏng cả quốc khí.
Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhận định về ông như sau:
“ Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được. ”
Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận định:
“...đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy...”
Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án nhận định:
“Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm."
Bảo toàn được một thời rồi cũng không bảo toàn được con cái lại mất cả danh thế tộc, để sử sách cười chê, sao gọi là trí, sao gọi là nhân, sao gọi là dũng, sao gọi là thanh cao.
Cảm ơn những lời sâu sắc của một người Việt!
Trả lờiXóa