Thành lập Viện Vật lý
Năm 1969, Nguyễn Văn Hiệu
cùng gia đình về nước, bằng chuyến tàu liên vận qua Syberia và Trung Quốc. Sau
này, tôi đã từng đi chuyến tàu như thế, nên cũng có thể tưởng tượng được tâm trạng
của GS. Hiệu khi đó như thế nào. Không thể nói là không có nhớ tiếc những công
việc khoa học đang còn dang dở, môi trường làm việc lý tưởng đang thuận lợi, những
người bạn đồng nghiệp tốt bụng và giỏi giang, cũng như những khắc khoải về khó
khăn trước mắt. Tuy nhiên, tâm trạng sẵn sàng cho công việc mới mà đất nước
đang sắp sửa giao phó cho ông cũng đầy hứng thú. Trên chuyến tàu này còn có TS
trẻ Chu Hảo, sau này sẽ là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ, là người Nguyễn
Văn Hiệu đã hướng dẫn nghiên cứu và đưa vào làm việc về Vật lý Chất rắn tại
Dubna. Tuy là thế hệ thầy trò, nhưng Chu
Hảo cũng chỉ kém Nguyễn Văn Hiệu có vài tuổi.Tôi có thể tưởng tượng chuyến tàu
đó với những câu chuyện về tương lai giữa hai nhà vật lý trẻ thông minh và vẻ mặt
đăm chiêu của Nguyễn Văn Hiệu đã chìm đắm trong những viễn cảnh mới.
Thảo luận về việc về nước năm 1969 của
Nguyễn Văn Hiệu, nhiều bạn trẻ băn khoăn, tiếc nuối về việc vì sao Nguyễn Văn
Hiệu không tiếp tục ở lại để nghiên cứu. Thực ra, thời bấy giờ việc hết thời
gian làm việc về nước, đất nước đã đào tạo ra nhà khoa học, thì nhà khoa học phải
về nước phục vụ là một việc rất tự nhiên. Tuy vậy, Nguyễn Văn Hiệu hoàn toàn có
thể nhờ các Viện sĩ có uy tín can thiệp, tác động để chính phủ Liên Xô gửi công
hàm đề nghị giữ ông tiếp tục làm ở Dubna. Rõ ràng, Nguyễn Văn Hiệu đã có chuẩn
bị cho việc về nước từ những ngày đầu. Việc này hoàn toàn phù hợp với việc cùng
một lúc tham gia vào nhiều hướng khoa học. Tôi suy luận và phỏng đoán rằng Nguyễn
Văn Hiệu khi đó đã nghĩ tới việc xây dựng một nền vật lý tương lai cho Việt
Nam, nên ông tìm hiểu và thu gom mọi kiến thức không phải cho một mình ông mà
cho cả một cộng đồng. Chính vì thế, ông làm việc bằng 3,4 lần người khác. Một trong những học trò gần
gũi của ông là GS. Nguyễn Hồng Quang, đã khẳng định trong những buổi tâm sự với
các học trò gần gũi, GS. Hiệu cũng đã tâm sự những điều tôi đã suy luận được.
Về đến Việt Nam, Nguyễn Văn Hiệu được Thủ
tướng Phạm Văn Đồng và chính phủ giao cho việc thành lập Viện Vật lý, khi mới
31 tuổi. Cho tới nay, ông vẫn là người trẻ nhất làm Viện trưởng một Viện nghiên
cứu. Tôi nghe được câu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi biết được người ta xếp
lương cho Nguyễn Văn Hiệu ở mức chuyên viên 1 là 105 đồng, đã tự tay thay đổi
thứ tự các con số thành 150 đồng, bằng lương Bộ trưởng, chuyên viên 7.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét