1. Trong "Bi kịch của Trung Âu", Milan Kundera cho rằng bi kịch của Trung Âu là việc đi tìm căn tính Âu châu chống lại thể chế toàn trị phương Đông. Các dân tộc nhỏ ở Trung Âu phải vật lộn để xác lập căn tính đó. Ông cho rằng đế chế Áo-Hung đã từng là một giải pháp khả dĩ và bền vững để hình thành một quốc gia đa sắc tộc, mà mỗi dân tộc nhỏ sẽ đóng góp bản sắc vào quốc gia lớn mà không làm mất bản sắc của mình. Ông đúng khi cho rằng Trung Âu đã đóng góp những giá trị tốt đẹp nhất và to lớn cho Âu Châu.
2. Tuy vậy Kundera có phần cục bộ khi hạn chế ở Trung Âu, ước muốn hội nhập với châu Âu có cả ở Ukraina, Belorussia, Bulgaria và Nga, mà theo ông là "một thế giới khác". Bản chất hội nhập với Âu Châu là khát vọng tới văn minh, vươn tới những giá trị của Âu châu đã xây dựng được từ kỷ nguyên Bừng sáng, Phục hưng và thời đại của các nhà hiền triết. Về khía cạnh đó, những tư tưởng gia cấp tiến của Á châu từ Nhật Bản, Trung Quốc tới Việt Nam cũng đã từng mong ước. Âu hóa chính là con đường thay đổi số phận dân tộc chống lại tư duy mơ hồ, ý thức hệ phong kiến phương Đông.
3. Trong "Bi kịch của Ukraina", Nicolai Petro cho rằng bi kịch của Ukraina bắt nguồn từ sự chia rẽ của dân tộc này trên con đường đi tìm căn tính của dân tộc. Sự chia rẽ này đã được Samuel Huntington, tác giả của "Sự va chạm giữa các nền văn minh" mô tả như "một dân tộc đứt gãy". Chừng nào một dân tộc còn chưa thống nhất được về căn tính của mình để hình thành một quốc gia có căn tính, sự tồn tại của dân tộc đó còn nhiều rủi ro. Trong giai đoạn hình thành căn tính dân tộc đó, thường có một thế cân bằng để bảo đảm tính ổn định của cộng đồng, thể hiện bằng "tập quán" và "pháp lý".
4. Bi kịch bắt đầu từ việc các cá nhân lãnh đạo hoặc tầng lớp elite duy ý chí muốn xé bỏ các thể chế tập quán và pháp lý, và đưa quốc gia vào một trạng thái mất cân bằng, ở đó các phía đối lập không thể đối thoại để lập lại cân bằng mới, vì thế tiến tới tình trạng bất ổn. Richard Lebov, trong cuốn "Tầm nhìn chính trị bi thảm" dựa trên phân tích của sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides về chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Sparta và Athens, bắt nguồn từ ý muốn bướng bỉnh của Pericles đã làm chiến tranh không thể tránh khỏi, khi ông phá vỡ mọi cơ hội đối thoại bằng cách vi phạm các thể chế về tập quán và pháp lý. Điều đó có thể đúng phổ quát và đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam vào thời Hồ-Hậu Trần và Ukraina hiện nay.
5. Chúng ta thường ngây thơ cho rằng ý thức dân tộc của Việt Nam đã xác lập từ thời vua Hùng, tồn tại hiển nhiên suốt nghìn năm Bắc thuộc. Việc Hai Bà Trưng, hai anh em họ Triệu, Mai Thúc Loan, Lý Bí, Triệu Quang Phục nổi dậy, không có nghĩa là dân tộc Việt đã có một căn tính. Chúng ta thường cho rằng họ Khúc, họ Ngô hay họ Đinh đã xác lập một quốc gia. Rồi đến nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, chúng ta cũng cho là Đại Việt đã là một dân tộc ổn định và thống nhất. Thực ra không phải vậy, động lực phân liệt vẫn còn là bản năng xuyên suốt, sau thời Ngô, lại có 12 sứ quân. Đời Đinh, Tiền Lê, các địa phương vẫn liên tục nổi dậy. Suốt thời Lý cho đến tận thời Trần, các địa phương vẫn chưa có một ý thức về một quốc gia thống nhất, vẫn còn phân biệt Kinh và Trại, với văn hóa, ý thức hệ, thiết chế cai trị riêng. Kể cả thi cử cũng phải chia Kinh và Trại. Sử ghi nhận, trong các đợt Chế Bồng Nga và Bí Cai mang quân đánh Đại Việt, dân Trại từ Thanh Hóa trở vào trong, hưởng ứng "phần đông theo giặc". Đến thời Trương Phụ, Hoàng Phúc sang xâm lấn Đại Việt, các phụ lão Bắc Hà (Kinh) ký vào tờ tâu xin nội thuộc vào bản đồ Trung Quốc, trở thành quận huyện. Vì thế nhà sử học Mỹ Keith Taylor trong cuốn "Sự hồi sinh của Việt Nam" cho rằng phải tới thời Hậu Lê mới hình thành Việt Nam như một quốc gia.
6. So sánh với Lịch sử của Hy Lạp và cách nhìn bi kịch của Lebov, chúng ta có thể thấy cải cách của Hồ Quý Ly mang tính duy ý chí, phá vỡ sự cân bằng nội tại của cộng đồng Đại Việt và mâu thuẫn Kinh và Trại đã không còn cơ hội dàn xếp. Trong khi Hoàng Hối Khanh, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân xây dựng một giải pháp liên minh với Chiêm Thành, Trần Thiêm Bình, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Lương Nhữ Hốt dẫn đường cho quân Minh vào nước ta, cha con Hồ Quý Ly hoàn toàn bất lực và chỉ làm cho hai khối ngày càng chia rẽ.
7. Theo Petro, việc loại bỏ Tổng Thống Yanukovich là bước cuối làm mất cân bằng giữa "hai Ukraina". Sau đó dẫn tới ba quan điểm về khủng hoảng dân tộc của Ukraina. Quan điểm thứ nhất, đa số là ở miền Nam và miền Đông Ukraina, cho rằng mâu thuẫn không thể hóa giải nếu chính phủ vẫn còn cho rằng 1/3 đất nước là những kẻ gián điệp cho ngoại bang. Quan điểm thứ hai cho rằng những kẻ nổi loạn ở Donbass là phản quốc, cần phải có chiến thắng quân sự quyết định trực diện đối với Nga, là thế lực hậu thuẫn. Quan điểm thứ ba, là của phe Tổng thống Poroshenko, cũng cho rằng Nga đứng đằng sau sự rối loạn, nhưng không tin rằng có thể giải quyết bằng quân sự. Quan điểm này cho rằng, cần từng bước tăng áp lực của phương Tây để Nga phải trao trả Crimea và Donbass.
8. Điều quan trọng nhất là đối thoại, thiết lập giải pháp cân bằng và dung hòa được các xung đột. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Ukraina, thể hiện ở các Tổng thống và thực hiện ý chí của giới elite đã làm tất cả các biện pháp có thể để tăng xung đột đến trạng thái không thể đối thoại bằng cách xóa bỏ "tập quán" thông qua việc thay đổi các địa danh, cấm sử dụng tiếng Nga, lưu hành văn hóa Nga, và xé bỏ "pháp lý" bằng các liên tục xóa bỏ các điều khoản đã cam kết trong Thỏa thuận Minsk 1 và 2, cũng như những điều luật có tác dụng gìn giữ sự cân bằng. Bên cạnh đó việc dung dưỡng cũng như tôn vinh các giá trị dân tộc chủ nghĩa quá khích và đáng ngờ cũng như bỏ thêm dầu vào lửa.
9. Điều đó không có nghĩa là biện minh cho động cơ xâm lược của Nga hay nhà Minh. Tuy nhiên, đó là hệ quả tất yếu khi tầng lớp lãnh đạo và elite tự tay phá hủy công cuộc đi tìm căn tính cho dân tộc mình. Phân liệt thì không thế hình thành căn tính khi dân tộc như một cộng đồng thống nhất còn non nớt. Một dân tộc không có căn tính, nếu có thể sống hòa bình thì chỉ vì may mắn và phụ thuộc vào lòng tốt viển vông của láng giềng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét