Bành Dạng tự Vĩnh Niên, trẻ tuổi đã nổi tiếng tài cao, dung mạo tuấn tú khác người, xem việc như thần, là danh sĩ đất Ích Châu. Dạng tính trời phú hào sảng phóng khoáng, coi địa vị, phú quý như gió thoảng, nhìn người có quyền chức, địa vị bằng nửa con mắt. Tự xem danh sĩ trong thiên hạ thấy không ai có thể bằng mình. Dạng thường tự nói sẽ phải làm nên công nghiệp trùm đời như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Bình sinh Dạng vẫn cho là hai cha con Lưu Chương tuy có tham vọng bá vương, nhưng tính khí nhu nhược, tầm nhìn thiển cận không đáng khuông phò, nên có ý đợi chân chúa xuất hiện. Hứa Tĩnh từ Giao Chỉ về làm Thái Thú Quảng Hán, dùng lễ tìm người tài, Dạng khinh thường Tĩnh chỉ có hư danh, thiếu thực tài, không muốn ra ứng tuyển bèn viết thư tiến cử Tần Bật. Thực ra, Dạng ngầm ý tự phụ cho rằng giúp việc quan Thái Thú chẳng qua chỉ đến chức Công Tào, cai trị xử kiện lặt vặt, không đáng dùng cái tài kinh bang tế thế của mình.
Dạng thường tụ tập bọn danh sĩ đất Thục, uống rượu cùng bình phẩm việc thiên hạ. Dạng nghị luận xác đáng, sâu sắc, không ai không phục. Đôi lúc có lời bình phẩm tới các nhân vật đương thời, xúc phạm đến quan trên. Có người thức thời nói: Tài Dạng đáng tài khanh tướng, nhưng trẻ tuổi đã khinh suất nguy và tiếc lắm thay. Chuyện đến tai Lưu Chương, Chương bèn cho đóng gông, lại sai cắt trụi râu tóc của Dạng để làm nhục. Dạng vẫn cười nói như không, coi râu tóc, dè bỉu của người đời là chuyện ngoại thân.
Tiên Chúa đem quân vào Thục, Dạng muốn ra mắt, nhưng chưa biết cách nào. Lại nghe Trung Lang Tướng, Quân sư Bàng Thống chính là danh sĩ Phượng Sồ ở Tương Dương, tuổi trẻ, tài cao, tính tình lại khoáng đạt, bèn tới trại của Thống xin yết kiến. Thống đang định tiếp đón, nói chuyện, nhưng chợt có việc gấp bèn tạ lỗi, nói Dạng vào trướng ngồi chờ để xử lý công vụ. Dạng bèn leo lên giường của Thống nằm ngủ. Tả hữu lấy làm quái lạ nhưng cũng không dám ngăn cản. Thống xong việc về trướng thấy Dạng, quần áo tả tơi, râu tóc cụt lủn như tên tù, đang nằm ngáy pho pho, thần thái tiêu sái, biết là kỳ tài, bèn sai sắp sẵn tiệc rượu rồi ngồi đợi.
Hồi lâu, Dạng tỉnh giấc vươn vai như ở nhà, hát bài Phượng Hoàng Cầu, giọng sang sảng như tiếng chuông ngân. Thống lại càng kính phục, bèn nói "Tiên sinh tới đây có gì chỉ bảo?" Dạng cười "Tôi nghe nói Sĩ Nguyên tài cao chí lớn, nay gặp gỡ, cần chi vội vã, xin cùng uống vài chén rượu, rồi hãy luận bàn chuyện thiên hạ." Thống bèn dọn rượu thịt, hai người tuổi trẻ tài cao, vô cùng tương đắc, ăn như rồng cuốn, rượu tràn quý tị, bèn bàn khắp việc thiên hạ, chỉ cần nói nửa câu là biết hết ý nhau, tự cho là Bá Nha, Tử Kỳ.
Thống mừng lắm bèn nói "Tôi ôm mộng kinh bang tế thế lâu ngày. May có Lỗ Tử Kính giới thiệu nên mới gặp được Lưu Sứ Quân là người anh hùng thời nay, thật là thỏa chí. Nay muốn tiến cử túc hạ, cùng giúp chân chúa mưu bá đồ vương, cứu thiên hạ lưu danh thiên cổ chẳng hay ý túc hạ thế nào?" Dạng nói "Tôi sở dĩ chưa ra làm quan, ý để tài cho chân chúa dùng. Chẳng hay Lưu Sứ Quân đã có những ai là cộng sự."
Thống nói "Bề tôi tâm phúc của Chúa công ta có My, Giản, Tôn, Y. Đại tướng có Quan, Trương, Hoàng, Triệu, Ngụy, Hoắc. Bầy mưu trong màn trướng quyết định việc ngoài trăm dặm, lại có thể làm rường cột Khổng Minh, Hiếu Trực và ta đây. Khổng Minh có tài cai trị nhưng không thạo việc binh, chưa hợp với việc ngày nay đánh dẹp trên lưng ngựa. Nay được thêm túc hạ, lo gì không bình được thiên hạ."
Dạng nói " Tôi nghe danh Pháp Chính là người quảng đại, tài cao. Túc hạ, tuy sơ kiến nhưng không khác gì Bá Nha của Dạng. Nhưng kẻ sĩ đông người dễ tranh giành. Không thuận ý khó làm việc. Tính Dạng lại sơ suất bất cẩn, sợ có bất trắc trong quan trường."
Thống nói " Những bậc vua anh hùng, kẻ sĩ kéo về rất đông. Vì thế có Trương Lương, Tiêu Hà, Tào Tham, mà vẫn phải có Trần Bình, Hàn Tín. Hoặc giả có sự cố gì không được như ý, tôi xin lấy chức vụ ra đảm bảo. Hoặc cùng túc hạ nên nghiệp Lã Thượng, Chu Công, hoặc cùng nhau rong chơi Ngũ Hồ quên hết việc thiên hạ."
Bèn dẫn Dạng vào yết kiến Lưu Bị. Dạng bàn việc binh như nước chảy, bày nhiều kế lạ. Bị yêu lắm, bèn giữ lại trong trướng nói chuyện ba ngày ba đêm không muốn rời, gác hết việc ngoài. Pháp Chính nghe nói Bị đang có người khách trẻ tuổi, dung mạo tuấn vĩ, phong thái hành vi lại cổ quái, bèn ngẩng mặt lên trời cười lớn "Mừng chúa công ta được thêm một nhân tài. Hẳn đây là Bành Vĩnh Niên."
Hôm sau Bị mở tiệc đãi Dạng như thượng khách, có Pháp Chính và Bàng Thống cùng dự. Bốn người bàn việc rất tương đắc. Bị bèn mời Dạng làm Tả tướng Tòng sự, điều động các tướng, giúp việc quân. Thống và Chính cùng thuyết phục, Dạng bèn khẳng khái nhận lời. Nhân đó, Bị hỏi Dạng "Tiên sinh xem quân dung của ta thế nào?" Dạng nói "Quân dung nghiêm chỉnh. Đánh đâu thắng đó. Nhưng hiện đang đóng trại chưa đúng phép." Bị nói "Xin tiên sinh cho nghe cao kiến."
Dạng nói "Thành Miên Trúc ở chỗ cao, lại ngay ở đê sông Miện. Nếu Trương Nhiệm cho quân phá đê sẽ cắt quân ta làm 3 khúc. Chỉ trong vài ngày hết lương. Quân sẽ loạn. Mong Minh quân lưu ý."
Bị bèn nghe theo. Kết quả bắt được Trương Nhiệm. Thống không may trúng tên lạc qua đời trước trận, năm ấy mới có ba mươi sáu tuổi. Dạng khóc mãi không thôi vì mất người tri kỷ. Lòng tự nhiên thấy trống rỗng cô quạnh không thiết đến sự đời, Pháp Chính phải an ủi Dạng mới nguôi ngoai. Dạng cùng Chính, giúp Bị điều động các tướng, lấy được Hán Trung, Chính được công đầu, Dạng được ghi công thứ hai.
Lưu Bị lấy được Thục, lĩnh Ích Châu Mục bèn lấy Dạng làm Trị Trung Tòng Sự, cùng bọn Chính, Lượng lo việc cai trị. Dạng tuy làm quan lớn, nhưng tính khí vẫn xuề xòa, có phần cẩu thả phóng túng.
Gia Cát Lượng, trong bụng không ưa Dạng, tính cách lại càng không thân thiện hòa hợp. Khi bàn việc, phần nhiều Dạng hợp ý với Chính mà trái với Lượng. Lượng thấy Bị và Chính tôn trọng Dạng, nên bề ngoài cố tỏ ra thân thiết bao dung, nhưng thường mật tâu với Tiên Chủ là Dạng chí lớn tài cao, tính lại cương cường khó kiềm chế. Bị ban đầu không tin Lượng, vì yêu tài cầm quân của Dạng. Nhưng sau khi Chính qua đời, dần dần Bị ngả theo Lượng mà ít dùng Dạng. Cuối cùng, cử Dạng ra ngoài làm quan Thái thú Giang Dương.
Khi đó, trong triều có Mã Siêu, vốn theo Tiên Chủ sau cùng, nhưng do dòng dõi thế gia, nên được Bị kính trọng cho đứng đầu các tướng võ. Siêu tự cho mình có công lấy được Ích Châu, nên khi đầu coi mọi người không ai bằng mình. Lại coi Bị như người nhà, thường gọi Bị bằng tên tự là Huyền Đức. Siêu nghĩ bụng mình trước vốn cũng là một Sứ Quân, không chịu gọi Bị là Chúa Công, tự coi mình là khách khanh. Các tướng đều khó chịu. Riêng Trương Phi nóng tính, muốn giết Siêu vì ngông nghênh vô lễ. Việc tới tai Quan Vũ. Vũ hỏi Siêu tài nghệ ra sao mà dám kiêu ngạo, muốn cùng Siêu tỷ thí, để nhân đó mà giết đi.
Bị bèn hỏi Lượng. Lượng bèn khuyên bày tiệc mời Siêu tới dự. Trong tiệc, Trương Hoàng Triệu Ngụy, 4 tướng đều kính cẩn đứng hầu. Siêu thấy vậy bèn chột dạ và kinh sợ, bèn cẩn thận giữ lễ tới mức thái quá. Có người nói với Tiên Chủ "Mã Siêu, sức mạnh có thừa. Tranh trận luôn thắng, nhưng kết cục toàn thất bại. Liên minh với ai chưa bao giờ thủy chung đến cùng. E có rủi ro." Bị tuy không nghe lời dèm pha, nhưng cố ý để câu chuyện đến tai Siêu. Siêu lại càng lo sợ cẩn thận giữ mình từng li.
Lúc tan triều, Siêu gặp Bành Dạng trên đường về, bèn mời Dạng về nhà uống rượu. Rượu được vài tuần, Dạng sảng khoái uống tràn cung mây, lời nói có phần buông thả. Siêu bèn ướm lời "Siêu vốn hâm mộ Tiên Sinh, vốn cùng với Hiếu Trực, Sĩ Nguyên và Khổng Minh cùng một hàng tứ trụ, gánh vác việc nước. Nay Hiếu Trực và Sĩ Nguyên đã mất, nhân tài khan hiếm. Tưởng rằng ông sẽ cùng Khổng Minh lo việc nước, nay lại đi làm quan ở châu Quận. Tuy phong lưu nhàn nhã, nhưng phụ lòng mong mỏi của chúng tướng. Lại phụ cả tài cầm quân của Tiên Sinh, mong ngài nghĩ lại."
Dạng gạt đi "Đó không phải là việc của ông. Ta ra trị nhậm ở quận cũng là việc lớn. Sau này, khi Chúa công cần thu phục Trung Nguyên, ông lo cầm quân ở ngoài, ta bày mưu kế bên trong, vượt Vị Hà, khôi phục Hán Thất mới là việc sảng khoái đáng để tâm."
Siêu lại nói "Trước kia Chúa Công yêu quý Tiên Sinh như vậy. Nay có ý lạnh nhạt là làm sao."
Dạng cười lớn "Lão đại lớn tuổi rồi, suy nghĩ cũng khác, ta không thể kiểm soát được chuyện đó, hơi đâu nhọc công suy nghĩ." Đoạn lăn ra ngủ.
Siêu bèn lượm lặt các câu nói của Dạng làm tờ tố cáo Dạng mưu phản, cho rằng Dạng muốn làm "nội ứng" thông mưu với mình và có lời bất kính với Tiên Chủ gọi Bị là "lão già".
Bị nhất thời nổi giận bèn bắt Dạng tống ngục. Trong ngục, Dạng biết mình khó qua khỏi tai kiếp này, bèn viết thư biện bạch, nhờ Gia Cát Lượng can thiệp với Lưu Bị.
Lượng nhân đó khuyên Bị giết Dạng để trừ hậu họa. Dạng chết mới ba bảy tuổi. Đến lúc tả hữu mang đầu Dạng lên nộp, Bị nhìn phong thái của Dạng tiêu sái như còn sống. Lại nhớ khi còn cùng lo việc binh nhung, bình Ích Châu, lấy Hán Trung lập quốc, còn đủ 3 người Dạng, Chính, Thống, mà chảy nước mắt. Nhưng hối tiếc cũng đã muộn.
Lệnh Lỗi Dương bàn:
Khi thể chế hình thành, quyền lực và chính trị là chỗ tiềm ẩn họa sát thân. Cậy tài khinh suất chết như Bành Dạng không đáng. Xét công thần nước Thục, cao như phụ chính đại thần là Lý Nghiêm, thân với Tiên Chủ như Lưu Phong, tài như Liêu Lập hơn 10 người đều kết cục xấu do Gia Cát Lượng. Đâu có phải là ngẫu nhiên. Như thế lại than trách Thục vì không có nhân tài mà suy tàn là làm sao?