Thất bại lớn nhất của trí thức Việt Nam không phải là không có tác phẩm lớn, công trình lớn hay sản phẩm cụ thể như một con ốc vít. Nói đến tác phẩm lớn của Việt Nam có lẽ còn là xa xỉ. Công trình lớn có lẽ cũng có thể có nếu như các công trình của các giáo sư, chuyên gia gốc Việt có thể xem là của Việt Nam để đem lại một cảm giác dễ chịu. Không có một sản phẩm hoàn toàn của mình dù nhỏ như ốc vít, có thể chống chế là quá nhỏ không đáng làm hay lớn như xe hơi có thể biện minh là quá khó trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Không sao, chúng ta có thể tạm thời đọc các tác phẩm lớn của thời đại, cho dù phải dùng tới trí tuệ máy của Google. Chúng ta hoàn toàn có thể xoa dịu tâm lý thua thiệt bằng các tên tuổi đang mang chuông đi đấm ở xứ người hoặc các công trình lớn ở dạng tiềm năng như các giải thưởng Olympics. Không có ốc vít, xe hơi, tạm thời có thể nhập, để làm quen dần với khái niệm về chất lượng.
Thất bại lớn nhất của trí thức Việt Nam là sau 70 năm đã không cùng nhau xây dựng được một hệ thống giá trị phù hợp và ổn định. Xây dựng hệ thống giá trị là quyền lực của giới trí thức trong mọi hoàn cảnh, từ bỏ nó là một tội không thể biện minh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Vậy thì hệ thống giá trị là gì?
Thất bại lớn nhất của trí thức Việt Nam là sau 70 năm đã không cùng nhau xây dựng được một hệ thống giá trị phù hợp và ổn định. Xây dựng hệ thống giá trị là quyền lực của giới trí thức trong mọi hoàn cảnh, từ bỏ nó là một tội không thể biện minh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Vậy thì hệ thống giá trị là gì?
Thuật ngữ hệ thống giá trị (value system) được nhà tâm lý học Clare W. Graves tiên phong sử dụng một cách hệ thống bao gồm đạo đức, mĩ học, chuẩn mực, sở thích, niềm tin và thế giới quan được gắn kết với nhau theo một hệ thống phân tầng, định hình mỗi cá nhân, nhóm người hay nền văn hóa.
Thực ra, hệ thống giá trị đã có từ thời Aristotles với các hình thức sơ khai ban đầu như đạo đức nhân cách (virtue ethics) và quy tắc ứng xử (code of conduct). Một xã hội không có hệ thống giá trị ổn định là một xã hội "ông nói gà bà nói vịt", người nọ chê người kia, khen người nọ mà không cần tham chiếu tới một chuẩn mực nào. Ngày hôm nay nói thế này theo lý sự này, mai nói thế khác theo lý sự khác, như những đứa trẻ thay đồ chơi. Xã hội như thế sẽ có các trí thức kiểu David Cooperfield, đưa ra các thuyết như nặn đất sét theo ý mình, nhưng chủ yếu là bợ đỡ theo ý người khác để có được sự tôn vinh phù phiếm dễ dàng, Các học thuyết đất sét như thế không đủ cứng rắn để làm nền tảng cho việc đánh giá của xã hội. Phong cách trí thức này sẽ dẫn tới việc đo mọi vật bằng một cái thước cao su, tưởng rằng bằng sự thông minh khéo léo vặt vãnh này mình đang khệnh khạng làm xiếc với tri tuệ của xã hội, biết đâu, đáng thương thay, đang bị lợi dụng như một con rối theo sự điều khiển của người khác.
Đã đành rằng thế giới ngày nay là đa chiều, con người cần biết sống với những quan điểm khác nhau, thậm chí xung đột. Nhưng tối thiểu tổ chức xã hội phải có một nền tảng giá trị chung đề hình thành các tính cách đặc trưng của mình để còn tiến bộ. Các nhà khoa học Việt Nam chép luận văn của người khác một cách hồn nhiên và không hề biết đến khái niệm đạo văn. Không có hệ thống giá trị, con người sẽ còn xảo biện và tranh cãi không thôi và quay đi quay lại với những vấn đề cũ rích. Không có hệ thống giá trị, con người không biết phân biệt đúng sai, không có mục tiêu để tiến tới, xoay xở chạy rối rít như kiến bò trên miệng chén, chẳng đi đến đâu.
Theo Graves, ngày nay chúng ta có thể thấy được 8 mức phát triển khác nhau của hệ thống giá trị:1. Hệ thống giá trị sinh tồn
2. Hệ thống giá trị bộ lạc, làng xóm
3. Hệ thống giá trị anh hùng cá nhân phong kiến
4. Hệ thống giá trị trật tự độc tôn
5. Hệ thống giá trị tổ chức doanh nghiệp, khoa học và chiến lược
6. Hệ thống giá trị nhân bản bình quân
7. Hệ thống giá trị bức tranh lớn tích hợp theo quá trình vận động
8. Hệ thống giá trị toàn cầu
Mỗi người chúng ta lại đều phải chịu ảnh hưởng bới hai hệ thống giá trị khác nhau: hệ thống giá trị cộng đồng và hệ thống giá trị cá nhân. Không thể đòi hỏi hai hệ thống này phải giống nhau hoặc hoàn toàn không có xung đột.Tuy nhiên, cần có một sự cân bằng giữa tính khác biệt của cá nhân để kích thích sự sáng tạo, nhân cách độc đáo, khai phóng và có một chuẩn mức chung để hạn chế xung đột tạo điều kiện cho sự phát triển.
Trong một xã hội phát triển ở mức độ cao, cần chấp nhận các ý kiến đa chiều, hệ thống giá trị cho phép các nhóm, cá nhân khác nhau bên cạnh việc chia sẻ những giá trị chung, có thể có những đánh giá khác nhau như bóng bầu dục hay hơn bóng đá, trà xanh ngon hơn cà phê, tinh thần có trước vật chất, nghệ thuật vị nghệ thuật hay trứng có trước gà. Một hệ thống giá trị vững vàng có thể cho phép những khác biệt như vậy mà không gây ra xung đột xã hội hay ám toán cá nhân bằng những thủ đoạn mờ ám hay tung hỏa mù đánh lộn nhèo giữa ngọc và bùn.
Chẳng hạn, xung đột ý thức giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể có thể dung hòa nếu xã hội có nền tảng giá trị về tính người. Cũng giống như cái lỗ trong miếng pho mát vẫn cần có pho mát để tồn tại, một thiên kiến cực đoan về cá nhân và tập thể đều dẫn đến một xã hội phi nhân tính, mặc dù đề cao tính cách cá nhân hoặc đề cao con người sống vì tập thể đều bắt đầu bằng các mục tiêu nhân đạo và bác ái.
Một hệ thống giá trị đủ lớn sẽ đủ vững vàng để dung hòa mọi dị biệt, ngăn ngừa xung đột không cần thiết. Một hệ thống giá trị như vậy sẽ tạo ra cho dân tộc một tính cách để có thể thẳng lưng, ngẩng đầu mà nhìn tới mai sau, tới những thiên hà xa xôi và tự suy nghĩ để mưu cầu hạnh phúc. Đó là việc tối thiểu mà những kẻ đọc sách phải cùng nghĩ tới. Ngay bây giờ. Không chậm trễ.
Cần đọc bài của bạn thật thấu đáo và suy ngẫm để thấy chúng ta đang cần giá trị và chuẩn mực như thế nào.
Trả lờiXóa