Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Bành Dạng khinh suất uổng tài cao

Bành Dạng tự Vĩnh Niên, trẻ tuổi đã nổi tiếng tài cao, dung mạo tuấn tú khác người, xem việc như thần, là danh sĩ đất Ích Châu. Dạng tính trời phú hào sảng phóng khoáng, coi địa vị, phú quý như gió thoảng, nhìn người có quyền chức, địa vị bằng nửa con mắt. Tự xem danh sĩ trong thiên hạ thấy không ai có thể bằng mình. Dạng thường tự nói sẽ phải làm nên công nghiệp trùm đời như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Bình sinh Dạng vẫn cho là hai cha con Lưu Chương tuy có tham vọng bá vương, nhưng tính khí nhu nhược, tầm nhìn thiển cận không đáng khuông phò, nên có ý đợi chân chúa xuất hiện. Hứa Tĩnh từ Giao Chỉ về làm Thái Thú Quảng Hán, dùng lễ tìm người tài, Dạng khinh thường Tĩnh chỉ có hư danh, thiếu thực tài, không muốn ra ứng tuyển bèn viết thư tiến cử Tần Bật. Thực ra, Dạng ngầm ý tự phụ cho rằng giúp việc quan Thái Thú chẳng qua chỉ đến chức Công Tào, cai trị xử kiện lặt vặt, không đáng dùng cái tài kinh bang tế thế của mình.
Dạng thường tụ tập bọn danh sĩ đất Thục, uống rượu cùng bình phẩm việc thiên hạ. Dạng nghị luận xác đáng, sâu sắc, không ai không phục. Đôi lúc có lời bình phẩm tới các nhân vật đương thời, xúc phạm đến quan trên. Có người thức thời nói: Tài Dạng đáng tài khanh tướng, nhưng trẻ tuổi đã khinh suất nguy và tiếc lắm thay. Chuyện đến tai Lưu Chương, Chương bèn cho đóng gông, lại sai cắt trụi râu tóc của Dạng để làm nhục. Dạng vẫn cười nói như không, coi râu tóc, dè bỉu của người đời là chuyện ngoại thân.
Tiên Chúa đem quân vào Thục, Dạng muốn ra mắt, nhưng chưa biết cách nào. Lại nghe Trung Lang Tướng, Quân sư Bàng Thống chính là danh sĩ Phượng Sồ ở Tương Dương, tuổi trẻ, tài cao, tính tình lại khoáng đạt, bèn tới trại của Thống xin yết kiến. Thống đang định tiếp đón, nói chuyện, nhưng chợt có việc gấp bèn tạ lỗi, nói Dạng vào trướng ngồi chờ để xử lý công vụ. Dạng bèn leo lên giường của Thống nằm ngủ. Tả hữu lấy làm quái lạ nhưng cũng không dám ngăn cản. Thống xong việc về trướng thấy Dạng, quần áo tả tơi, râu tóc cụt lủn như tên tù, đang nằm ngáy pho pho, thần thái tiêu sái, biết là kỳ tài, bèn sai sắp sẵn tiệc rượu rồi ngồi đợi.
Hồi lâu, Dạng tỉnh giấc vươn vai như ở nhà, hát bài Phượng Hoàng Cầu, giọng sang sảng như tiếng chuông ngân. Thống lại càng kính phục, bèn nói "Tiên sinh tới đây có gì chỉ bảo?" Dạng cười "Tôi nghe nói Sĩ Nguyên tài cao chí lớn, nay gặp gỡ, cần chi vội vã, xin cùng uống vài chén rượu, rồi hãy luận bàn chuyện thiên hạ." Thống bèn dọn rượu thịt, hai người tuổi trẻ tài cao, vô cùng tương đắc, ăn như rồng cuốn, rượu tràn quý tị, bèn bàn khắp việc thiên hạ, chỉ cần nói nửa câu là biết hết ý nhau, tự cho là Bá Nha, Tử Kỳ.
Thống mừng lắm bèn nói "Tôi ôm mộng kinh bang tế thế lâu ngày. May có Lỗ Tử Kính giới thiệu nên mới gặp được Lưu Sứ Quân là người anh hùng thời nay, thật là thỏa chí. Nay muốn tiến cử túc hạ, cùng giúp chân chúa mưu bá đồ vương, cứu thiên hạ lưu danh thiên cổ chẳng hay ý túc hạ thế nào?" Dạng nói "Tôi sở dĩ chưa ra làm quan, ý để tài cho chân chúa dùng. Chẳng hay Lưu Sứ Quân đã có những ai là cộng sự."
Thống nói "Bề tôi tâm phúc của Chúa công ta có My, Giản, Tôn, Y. Đại tướng có Quan, Trương, Hoàng, Triệu, Ngụy, Hoắc. Bầy mưu trong màn trướng quyết định việc ngoài trăm dặm, lại có thể làm rường cột Khổng Minh, Hiếu Trực và ta đây. Khổng Minh có tài cai trị nhưng không thạo việc binh, chưa hợp với việc ngày nay đánh dẹp trên lưng ngựa. Nay được thêm túc hạ, lo gì không bình được thiên hạ."
Dạng nói " Tôi nghe danh Pháp Chính là người quảng đại, tài cao. Túc hạ, tuy sơ kiến nhưng không khác gì Bá Nha của Dạng. Nhưng kẻ sĩ đông người dễ tranh giành. Không thuận ý khó làm việc. Tính Dạng lại sơ suất bất cẩn, sợ có bất trắc trong quan trường."
Thống nói " Những bậc vua anh hùng, kẻ sĩ kéo về rất đông. Vì thế có Trương Lương, Tiêu Hà, Tào Tham, mà vẫn phải có Trần Bình, Hàn Tín. Hoặc giả có sự cố gì không được như ý, tôi xin lấy chức vụ ra đảm bảo. Hoặc cùng túc hạ nên nghiệp Lã Thượng, Chu Công, hoặc cùng nhau rong chơi Ngũ Hồ quên hết việc thiên hạ."
Bèn dẫn Dạng vào yết kiến Lưu Bị. Dạng bàn việc binh như nước chảy, bày nhiều kế lạ. Bị yêu lắm, bèn giữ lại trong trướng nói chuyện ba ngày ba đêm không muốn rời, gác hết việc ngoài. Pháp Chính nghe nói Bị đang có người khách trẻ tuổi, dung mạo tuấn vĩ, phong thái hành vi lại cổ quái, bèn ngẩng mặt lên trời cười lớn "Mừng chúa công ta được thêm một nhân tài. Hẳn đây là Bành Vĩnh Niên."
Hôm sau Bị mở tiệc đãi Dạng như thượng khách, có Pháp Chính và Bàng Thống cùng dự. Bốn người bàn việc rất tương đắc. Bị bèn mời Dạng làm Tả tướng Tòng sự, điều động các tướng, giúp việc quân. Thống và Chính cùng thuyết phục, Dạng bèn khẳng khái nhận lời. Nhân đó, Bị hỏi Dạng "Tiên sinh xem quân dung của ta thế nào?" Dạng nói "Quân dung nghiêm chỉnh. Đánh đâu thắng đó. Nhưng hiện đang đóng trại chưa đúng phép." Bị nói "Xin tiên sinh cho nghe cao kiến."
Dạng nói "Thành Miên Trúc ở chỗ cao, lại ngay ở đê sông Miện. Nếu Trương Nhiệm cho quân phá đê sẽ cắt quân ta làm 3 khúc. Chỉ trong vài ngày hết lương. Quân sẽ loạn. Mong Minh quân lưu ý."
Bị bèn nghe theo. Kết quả bắt được Trương Nhiệm. Thống không may trúng tên lạc qua đời trước trận, năm ấy mới có ba mươi sáu tuổi. Dạng khóc mãi không thôi vì mất người tri kỷ. Lòng tự nhiên thấy trống rỗng cô quạnh không thiết đến sự đời, Pháp Chính phải an ủi Dạng mới nguôi ngoai. Dạng cùng Chính, giúp Bị điều động các tướng, lấy được Hán Trung, Chính được công đầu, Dạng được ghi công thứ hai.
Lưu Bị lấy được Thục, lĩnh Ích Châu Mục bèn lấy Dạng làm Trị Trung Tòng Sự, cùng bọn Chính, Lượng lo việc cai trị. Dạng tuy làm quan lớn, nhưng tính khí vẫn xuề xòa, có phần cẩu thả phóng túng.
Gia Cát Lượng, trong bụng không ưa Dạng, tính cách lại càng không thân thiện hòa hợp. Khi bàn việc, phần nhiều Dạng hợp ý với Chính mà trái với Lượng. Lượng thấy Bị và Chính tôn trọng Dạng, nên bề ngoài cố tỏ ra thân thiết bao dung, nhưng thường mật tâu với Tiên Chủ là Dạng chí lớn tài cao, tính lại cương cường khó kiềm chế. Bị ban đầu không tin Lượng, vì yêu tài cầm quân của Dạng. Nhưng sau khi Chính qua đời, dần dần Bị ngả theo Lượng mà ít dùng Dạng. Cuối cùng, cử Dạng ra ngoài làm quan Thái thú Giang Dương.
Khi đó, trong triều có Mã Siêu, vốn theo Tiên Chủ sau cùng, nhưng do dòng dõi thế gia, nên được Bị kính trọng cho đứng đầu các tướng võ. Siêu tự cho mình có công lấy được Ích Châu, nên khi đầu coi mọi người không ai bằng mình. Lại coi Bị như người nhà, thường gọi Bị bằng tên tự là Huyền Đức. Siêu nghĩ bụng mình trước vốn cũng là một Sứ Quân, không chịu gọi Bị là Chúa Công, tự coi mình là khách khanh. Các tướng đều khó chịu. Riêng Trương Phi nóng tính, muốn giết Siêu vì ngông nghênh vô lễ. Việc tới tai Quan Vũ. Vũ hỏi Siêu tài nghệ ra sao mà dám kiêu ngạo, muốn cùng Siêu tỷ thí, để nhân đó mà giết đi.
Bị bèn hỏi Lượng. Lượng bèn khuyên bày tiệc mời Siêu tới dự. Trong tiệc, Trương Hoàng Triệu Ngụy, 4 tướng đều kính cẩn đứng hầu. Siêu thấy vậy bèn chột dạ và kinh sợ, bèn cẩn thận giữ lễ tới mức thái quá. Có người nói với Tiên Chủ "Mã Siêu, sức mạnh có thừa. Tranh trận luôn thắng, nhưng kết cục toàn thất bại. Liên minh với ai chưa bao giờ thủy chung đến cùng. E có rủi ro." Bị tuy không nghe lời dèm pha, nhưng cố ý để câu chuyện đến tai Siêu. Siêu lại càng lo sợ cẩn thận giữ mình từng li.
Lúc tan triều, Siêu gặp Bành Dạng trên đường về, bèn mời Dạng về nhà uống rượu. Rượu được vài tuần, Dạng sảng khoái uống tràn cung mây, lời nói có phần buông thả. Siêu bèn ướm lời "Siêu vốn hâm mộ Tiên Sinh, vốn cùng với Hiếu Trực, Sĩ Nguyên và Khổng Minh cùng một hàng tứ trụ, gánh vác việc nước. Nay Hiếu Trực và Sĩ Nguyên đã mất, nhân tài khan hiếm. Tưởng rằng ông sẽ cùng Khổng Minh lo việc nước, nay lại đi làm quan ở châu Quận. Tuy phong lưu nhàn nhã, nhưng phụ lòng mong mỏi của chúng tướng. Lại phụ cả tài cầm quân của Tiên Sinh, mong ngài nghĩ lại."
Dạng gạt đi "Đó không phải là việc của ông. Ta ra trị nhậm ở quận cũng là việc lớn. Sau này, khi Chúa công cần thu phục Trung Nguyên, ông lo cầm quân ở ngoài, ta bày mưu kế bên trong, vượt Vị Hà, khôi phục Hán Thất mới là việc sảng khoái đáng để tâm."
Siêu lại nói "Trước kia Chúa Công yêu quý Tiên Sinh như vậy. Nay có ý lạnh nhạt là làm sao."
Dạng cười lớn "Lão đại lớn tuổi rồi, suy nghĩ cũng khác, ta không thể kiểm soát được chuyện đó, hơi đâu nhọc công suy nghĩ." Đoạn lăn ra ngủ.
Siêu bèn lượm lặt các câu nói của Dạng làm tờ tố cáo Dạng mưu phản, cho rằng Dạng muốn làm "nội ứng" thông mưu với mình và có lời bất kính với Tiên Chủ gọi Bị là "lão già".
Bị nhất thời nổi giận bèn bắt Dạng tống ngục. Trong ngục, Dạng biết mình khó qua khỏi tai kiếp này, bèn viết thư biện bạch, nhờ Gia Cát Lượng can thiệp với Lưu Bị.
Lượng nhân đó khuyên Bị giết Dạng để trừ hậu họa. Dạng chết mới ba bảy tuổi. Đến lúc tả hữu mang đầu Dạng lên nộp, Bị nhìn phong thái của Dạng tiêu sái như còn sống. Lại nhớ khi còn cùng lo việc binh nhung, bình Ích Châu, lấy Hán Trung lập quốc, còn đủ 3 người Dạng, Chính, Thống, mà chảy nước mắt. Nhưng hối tiếc cũng đã muộn.
Lệnh Lỗi Dương bàn:
Khi thể chế hình thành, quyền lực và chính trị là chỗ tiềm ẩn họa sát thân. Cậy tài khinh suất chết như Bành Dạng không đáng. Xét công thần nước Thục, cao như phụ chính đại thần là Lý Nghiêm, thân với Tiên Chủ như Lưu Phong, tài như Liêu Lập hơn 10 người đều kết cục xấu do Gia Cát Lượng. Đâu có phải là ngẫu nhiên. Như thế lại than trách Thục vì không có nhân tài mà suy tàn là làm sao?

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Tản mạn về nghệ thuật và ẩm thực

Tôi thường nghĩ âm nhạc kích thích thính giác, hội hoạ điêu khắc kích thích thị giác, tạo nên mỹ cảm, sự hứng khởi, thăng hoa, đều được coi là nghệ thuật. Tại sao tác động lên các giác quan khác lại không được tôn vinh như vậy.

Có lẽ vị giác, khứu giác và xúc giác chỉ là cảm nhận tức thời không lưu giữ cố định được. Tôi đã từng nghe một cô gái tả về chấn động tâm lý như luồng điện khắp châu thân và thấy hồn mình bay lên khi thoáng ngửi thấy mùi nước hoa quen thuộc của người yêu ở xa. Tác động mạnh mẽ được như vậy còn hơn cả nghệ thuật. Tôi thường ngửi mùi cỏ nồng sau cơn mưa lại nhớ những cơn mưa thời thơ bé trên triền bãi sông Hồng, hay bên con rộc ở Quế Võ, hay trong những buổi hẹn chiều hè Hungari xa thẳm, nhiều khi thấy choáng người vì hoài niệm trào dâng, chặn lấy hơi thở, nhịp đập trong lồng ngực đến thắt nghẹn. Những cảm xúc như thế, có thể còn mạnh mẽ và gợi hình ảnh còn sắc nét hơn nhạc của Vivaldi. Kỳ nam, trầm hương, nước hoa “Độc dược” đều có thể coi tương đương với các bản nhạc trữ tình nhất.
Tôi chưa tưởng tượng được hết tác động của nghệ thuật lên xúc giác sẽ như thế nào. Chắc hẳn người mù sẽ biết thưởng thức loại hình nghệ thuật này hơn chúng ta. Có thể chúng ta không vượt nổi sáng tạo của Thượng Đế về làn da mịn màng, cơ bắp săn chắc, viên đá cuội nhẵn lì, mát lạnh, một cái ôm chân tình hoặc lả lơi quấn quý, một bàn tay mộc mạc hoặc ôn nhu, hay hơi ấm của đống lửa trong rừng lạnh. Chúng ta đều đã từng thưởng thức, nhưng có mấy ai đắm mình vào những cảm xúc đó để tận hưởng, thăng hoa tới tột cùng. Nghệ thuật là những gì Con người sáng tạo ra vượt tầm Thượng Đế.
Còn vị giác thì sao. Cụm từ “nghệ thuật ẩm thực” là một trò chơi tu từ mị dân. Thâm tâm của những người thường nói cụm từ này vẫn không coi các đầu bếp kiệt xuất ngang hàng với Mozart, Beethoven, Picasso hay Tề Bạch Thạch. Các món ăn cũng là tác phẩm con người vượt qua Thượng Đế. Từ đậu đến Đậu phụ đã là một đoạn đường xa, từ Đậu phụ đến Chao lại là kiệt tác. Tôi nhớ có người nói, Con người trở nên minh triết nhờ có đồ ăn nấu chín và biết làm rượu vang. Chao ôi, chỉ có rượu vang và beefsteak cũng có bao nhiêu kiểu cách, và cách nào cũng khó cưỡng. Các cụ ngày xưa cũng có nói "Thế gian ba sự khôn chừa. Rượu nồng, dê tái, gái vừa đương tơ". Có lẽ vị giác chất chứa, gắn kết với quá nhiều thị dục nên khó thăng hoa thành nghệ thuật chăng? Vị giác cũng như mĩ cảm về giới tính, dù không ai thoát khỏi, nhưng vẫn chẳng được coi là nghệ thuật hoặc có chăng cũng phải lồng ghép vào các loại hình nghệ thuật khác, như nhạc, hoạ, điện ảnh.
Những thợ cả của ẩm thực thường là đàn ông, nhưng những người thực thi tạo dựng cho hoạt động ẩm thực thường xuyên hơn lại là phụ nữ. Vì vậy, ẩm thực của một dân tộc thường phản ánh khí chất của người phụ nữ. Ẩm thực Việt Nam hơi nhạt nhẽo, có nhiều đồ luộc so với ẩm thực của các dân tộc khác. Tôi chưa bao giờ thấy món thịt luộc trên bàn ăn Âu châu.
Chúng ta có thể tự hỏi đâu là tinh tuý của ẩm thực Việt. Mọi người thường nói đến Phở. Tôi cũng đánh giá Phở là một kiệt tác, nhưng không phải sáng tạo thuần Việt, mà có thể xem đó là thành công của hội nhập quốc tế, hương vị Việt, phong cách Pháp có chút phong vị Trung Quốc. Phở ra đời khoảng đầu thế kỷ XX. Có thể khẳng định các danh nhân của dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ, Hồ Xuân Hương chưa bao giờ được nếm Phở. Cũng có người cho Chả Giò hay Nem Rán là tinh túy của ẩm thực Việt. Bà hàng xóm nhà tôi ngày xưa nói món này ở miền Bắc vốn gọi là nem Sài gòn, trong khi ở Sài gòn lúc đó thường gọi là nem Hà Nội. Chả Giò là một từ mới, rất láo nháo, không có từ căn nào sát nghĩa. Từ đó suy ra món này chỉ có thể mới xuất hiện vào thời thuộc Pháp.
Nói đặc biệt là phải không đâu bằng, như nước sauce của Pháp, mì Ý, đồ chua và súp Hungari, thịt cừu nướng và trứng cá Nga. Có lẽ Việt Nam nhất thế giới là rau thơm, phong phú và đặc sắc không đâu bằng. Ý có các loại mì khác nhau, Pháp có các loại pho mai khác nhau, Hung có các loại dưa chua khác nhau, Nhật có các loại gỏi cá sống khác nhau, cớ sao Việt Nam không thể có các món cuốn rau thơm khác nhau. Tôi vẫn ấp ủ ý tưởng nếu có thời gian và tiền sẽ mở hai hàng ăn: Nhà Mì Miến (Noodle House) và Nhà Rau Thơm (Herb Vegi House). Ở nhà hàng thứ nhất có đủ loại bột chế biến cán thành sợi như mì, miến, bún, phở, há cảo,... kể cả spagetti, lasagna, mì ống, mì đen,... của Ý, udon, soba, ramen,... Nhật bản. Cũng có những loại lai ghép, sáng tạo bất tận từ tổ hợp giữa chúng. Nhà hàng rau thơm chủ đạo là các món cuốn với rau thơm Việt Nam, nhưng cũng có các loại rau thơm, gia vị của Âu, Ấn, Arab,...Thực khách sẽ tự do sáng tạo các công thức riêng của mình. Và sẽ có những kỳ thi về các món cuốn và mì miến với các sáng tạo độc đáo ở tầm thế giới để tiến gần với nghệ thuật.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Dân chủ đa nghĩa

 1. THEO ĐA SỐ CÓ PHẢI LÀ DÂN CHỦ

Vấn đề này tôi đã bàn tới hơn một lần. Có những vấn đề cần quyết định bằng phổ thông đầu phiếu. Đó là những vấn đề cơ bản, ai cũng hiểu, cố nhiên là theo những cách khác nhau.
Có những vấn đề chuyên môn, hoặc quyết định có độ phức hợp cao, thuộc về trách nhiệm quyết định của một số cá nhân. Việc đưa các vấn đề thuộc loại này ra bỏ phiếu để quyết chính là vô trách nhiệm và phản dân chủ.
Nếu đa số luôn đúng thì đã chẳng có cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, đã không giết Socrates, không đưa Jesus lên đinh câu rút. Khi đó đất nước cần gì có chính phủ, quốc hội, mỗi người sắm một smart phone, khi có vấn đề gì cần quyết định, như xử bắn một ai đó, hay tha bổng cho một tên giết người, chỉ cần đếm số nhấn nút là xong. Chắc chắn là oan sai còn nhiều hơn các vụ báo chí đang làm om sòm hiện nay. Nếu một chị lao công có quyền bỏ phiếu về hướng nghiên cứu của một Viện ngang như các nghiên cứu viên, đã bỏ hàng chục năm nghiên cứu, thì đó mới thực là bất công.
Thượng Nghị Viện ra đời là một cơ chế kiểm soát dân chủ, đảm bảo ý chí của đám đông ngu dốt không luôn luôn thắng thế đè bẹp các ý tưởng khai phóng đang mới manh nha.
Năm 1945, Hồ Chí Minh ký pháp lệnh Bình dân học vụ,cưỡng ép xóa mù chữ là đúng. Không thể trưng cầu ý kiến đa số khi đa số đang mù chữ và chưa thể thấy được sự cần thiết của chữ nghĩa.
Chương trình dạy toán phổ thông có tích phân, số phức hay xác suất không, không phải là chuyện đưa ra phổ thông đầu phiếu. Cũng như bắn hay không bắn địa chủ trong cải cách ruộng đất, không thể trao quyền cho nông dân. Đám đông dù sao cũng không thể nào quan trọng bằng khế ước xã hội. Ba ông lập hội với nhau bằng một thỏa thuận tự nguyện, hai ông không thể lấy đa số xé thỏa ước ăn thịt ông kia. Sở dĩ cần lãnh đạo là để quyết định trong trường hợp có nguy cơ đám đông muốn lấy thịt đè người chà đạp khế ước xã hội. Lãnh đạo sử dụng đám đông để chà đạp khế ước xã hội thì không còn gì để nói.
Mặc dù xác suất chọn bừa chọn láo về lý thuyết là 50%, đa số các vấn đề chuyên môn hoặc quyết định quan trọng bằng đầu phiếu là sai lầm thảm hại, ở các nước dân trí thấp lại càng tồi tệ hơn.
Trở lại chuyện học chữ Hán. Tôi nghĩ rằng về chuyện này, tôi bỏ thời gian và công sức nhiều hơn so với 90% dân nước Nam, có thể có ý kiến có đôi chút giá trị khả tín, nhưng vẫn không đủ tư cách ra quyết định, thậm chí bỏ phiếu. Đây không phải là chuyện để bỏ phiếu, mà phải quyết định từ các học giả về ngữ văn, văn hóa và giáo dục. Đám đông biết gì về chuyện này mà bi bô. Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến cho rằng không học chữ Hán thì tiếng Việt sẽ sụp đổ. Nhưng ý kiến này sai không có nghĩa là không nên dạy chữ Hán. Thực ra phe chống dạy chữ Hán nói sai, nói dốt nát cũng vô khối, thực không đáng tốn bút mực. Những người nói rằng tiếng Việt đã trong sáng, hoàn chỉnh, chắc chắn ra chưa hề nghiên cứu tiếng Việt, đang lẫn tiếng sột soạt "bóng chữ" là nhà thơ Lê Đạt đã từng cố mò mẫm với ngôn ngữ. Tiếng Việt đang manh mún, chưa hoàn thành, đang nát như tương, cần chấn chỉnh và cải cách gấp. Nhưng đó là một việc khác, không liên quan tới học chữ Hán.
2. NGHỊCH ĐỀ DÂN CHỦ
Có 5 anh cần ra quyết định về ngân sách. 2 anh có ý kiến cần tiêu 10 đồng, 2 anh có ý kiến cần tiêu 1 đồng, 1 anh có ý kiến tiêu 5 đồng. Kết quả anh bỏ phiếu tiêu 5 đồng thắng. Đó là dân chủ.
Nhưng nếu chúng ta hiểu tiêu 10 đồng có nghĩa là mua một con gà để chén, tiêu 1 đồng là uống trà đá, và để 9 đồng cho cuộc đi chơi sau. Tiêu 5 đồng hoàn toàn không có phương án gì, hoàn toàn là mị dân, không muốn mất lòng bên nào, nhưng cũng vừa cơ hội, gặp thời lên làm bố thiên hạ. Ông này thực ra lãng phí nhất, mua nhảm nhí cho hết 5 đồng, không có mục tiêu nào. Sướng không sướng, cũng chẳng nhìn xa, cố tiêu vào mấy thứ bim bim, xanh đỏ cho đủ chỉ tiêu.
Dân chủ trong thực tế thực ra là thế. Tôi nghiệm thực tế mấy anh phát biểu theo kiểu ba phải, mờ nhạt, bao giờ cũng lên to. Chả thế cụ Khổng dạy bọn nho sĩ cứ Trung Dung mà sống chọn Trung Đạo mà đi, sau một đời long đong thất bại. Mua ô tô phải đủ cả 4 bánh, 1 vô lăng, một động cơ. Tranh cãi mua ô tô sẽ kết thúc bằng bố trí đủ kinh phí mua 2 bánh, nếu có vô lăng thì không có động cơ và ngược lại. Nghe thì như đùa, thực sự mọi quyết định ngân sách đều na ná như thế.
Vì thế tôi chẳng tin đa số có gì thông minh. Ba thằng ngu sẽ ngu hơn một thằng ngu. Chỉ khi nào có ít nhất hai thằng thông minh mới nên đầu phiếu. Vậy dân chủ là mục tiêu và lợi ích của phát triển chứ không phải là con đường đến phát triển. Chân lý trước hết phải là chân lý, đừng nhìn vào đa số nghĩ thế nào.
Chưa kể đám đông ngu dốt hoàn toàn không có chính kiến, nghe loáng thoáng theo cảm tính, vừa xu nịnh quyền thế, để bị giật dây, chẳng biết lợi hại cho mình thế nào. Vì vậy đám đông hôm qua, đám đông hôm nay, đám đông ngày mai vẫn những người đó, nhưng mỗi ngày một giọng. Đừng tưởng đem lý ra mà hiểu được họ. 3. DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Dân chủ và Cộng hoà là các hình thức nhà nước phổ biến. Tuy vậy người ta thường ít để ý đến nghĩa và khác biệt giữa chúng. Đó là điều các hoạt đầu chính trị lợi dụng hàng ngàn năm nay.
Dân chủ theo định nghĩa là quyền quyết định các vấn đề xã hội thuộc về đám đông có thể thông qua các đại diện của họ để bảo vệ quyền lợi cho đám đông. Dân chủ trong đời sống được hiểu là tốt, đảm bảo bình đẳng, công bằng và tôn trọng con người (bác ái)
Thực ra khái niệm dân chủ theo đúng định nghĩa của nó có rất nhiều vấn đề, dễ bị lợi dụng và khó lòng được như mơ ước.
Nếu xem xét lại định nghĩa chúng ta sẽ thấy 4 cấu phần quan trọng 1) Đám đông thường được đồng nhất với Nhân dân, là một từ đẹp đẽ hơn, nhưng thực tế là Đa số. 2) Đại diện 3) Quyền quyết định 4) Quyền lợi. Cả 4 cấu phần phối hợp rất khó đảm bảo đồng thời công bằng, bình đẳng và bác ái.
Trước hết Đám đông trong đa số các xã hội đương đại, nhất là các xã hội Á Đông hoặc/và kém phát triển là một quần thể không có lý tính, thay đổi nhận thức xoành xoạch, rất dễ bị chi phối bởi bọn dân tuý, và đặc biệt không biết quyền lợi lâu dài của mình là gì để ảnh hưởng lên khâu ra quyết định. Thực tế cho thấy những quốc gia tàn phá triển vọng tương lai của mình bằng sự phấn khích của đám đông. Mặt khác đám đông có thể dày xéo lên sự bác ái, rất cần thiết cho những thiểu số kém may mắn hoặc những tư tưởng gia bừng sáng. Đừng bao giờ quên nền Dân chủ Athens đã dung dưỡng chế độ nô lệ và bức tử Socrates.
Vấn đề của Đại diện là liệu họ có đại diện thực sự cho đám đông hay không. Tất nhiên có người nhận thức rằng Đại diện là một trò chơi tu từ học vì không rõ nội hàm. Cũng có người cho rằng Đám đông vốn không có chủ kiến gì, Đại diện là hình thức không liên quan gì đến hành động cụ thể, nên tự cho mình hành động theo ý muốn, và luôn có cách để đám đông tuân phục. Một số người lý tưởng thề tận tuỵ với Đám đông sớm muộn cũng vỡ mộng với những cảm tính bất nhất của đám đông.
Quyết định chính là quyền lực chính trị tối thượng trong xã hội, được sử dụng phục vụ cho nhóm lợi ích cầm quyền. Trong chính thể dân chủ phục vụ đám đông trên danh nghĩa, do đám đông không có ý thức về lợi ích ổn định của chính họ, sớm muốn cũng sinh ra những nhóm lợi ích nặc danh, giống như mafia nấp sau đám đông.
Nói trắng ra thì Dân chủ là cơ chế phổ thông đầu phiếu. Có những ngoại lệ nó có thể hoạt động chấp nhận được, nhưng trong đa số trường hợp nó giống như một tập thể có Andrew Wiles và 1000 ông chưa học hết trung học cần quyết định về định lý Fermat. Như vậy Dân chủ là một ước mơ lý tưởng đẹp, nhưng trong thực thi nó có khoảng 4 nghìn phiêb bản nghiêm chỉnh chưa kể dị bản quái thai, và thường bị lợi dụng.
Cộng hoà là một khái niệm có vẻ ít mập mờ hơn dân chủ. Bản chất của nó là tôn trọng các cá thể công dân, nhưng không nhấn mạnh việc bầu cử phổ thông. Quan niệm có từ thời Platon là chỉ có một số ít đủ năng lực và tư cách mới có thể tham gia vào việc ra quyết định là ý tưởng cốt lõi của Cộng hoà. Bình đẳng đối với Cộng hoà là bình đẳng về cơ hội, chứ kg có nghĩa là ý kiến của một người thao thức nghiền ngẫm hàng chục năm phải bình đẳng với một ông mới biết 15 phút.
Tham chiếu cho những nhà minh triết ra quyết định chính là Hiến pháp, được thiết kế để đảm bảo những triết lý ổn định vừa bảo vệ cho những nhóm người thiểu số. Nói một cách khác thể chế cộng hoà về nguyên tắc là để một số người chuyên nghiệp ưu tú, không kể xuất thân thuộc giai tầng nào hay nhóm sắc tộc nào, vì thế đảm bảo công bằng về cơ hội cho mọi người, ra quyết định. Thực tế đã chỉ ra, tuy đa số các nhà minh triết xuất thân từ tầng lớp trên của xã hội, nhưng họ thường có ý thức chín mùi hơn về sự công bằng và việc cần thiết chăm lo cho những thiểu số bất lợi, vì hệ thống giá trị tinh thần về bình đẳng bác ái là lý tưởng của họ, khiến họ có thể hy sinh quyền lợi cá nhân và gia tộc. Ngược lại, có khá nhiều người xuất thân bần hàn khi gặp vận luôn luôn muốn bám trụ lại giai tầng mình may mắn lạc vào lại không hề đếm xỉa tới những người khốn khổ và luôn phủ nhận nguồn cội. Bảo hoàng hơn vua là như thế. Nói trắng ra, nền cộng hoà lý tưởng phải được vận hành bởi các chính trị gia minh triết, biết dâng hiến và quả cảm phụng sự các giá trị của Hiến pháp. Nhưng thực tế các nước chậm phát triển, đặc biệt ở Á Đông bị đè nặng bởi giáo điều, không phải là môi trường để các nhà minh triết thảng hoặc xuất hiện, bộc lộ.
Vì thế Cộng hoà cũng như Dân chủ cũng bị biến nghĩa và bị lợi dụng, để những người không thực sự minh triết nắm quyền, dù thông qua hình thức tuyển cử thế nào. Trong thực tế, người ta quy giản Cộng hoà thành việc không có vua. Cá nhân tôi cho rằng giữa Cộng hoà và Dân Chủ, Cộng hoà sẽ là thực sự “dân chủ” hơn theo nghĩa quyền lợi lâu dài của đa số được đảm bảo bằng câc hành động minh triết, vừa tiến tới công bằng, bác ái và bình đẳng đúng nghĩa. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng phải có trình độ phát triển nhất định mới có thể thực thi Cộng hoà hay Dân chủ đúng nghĩa. Tôi cũng cho rằng hai khái niệm này sẽ tiệm cận với nhau, nếu hâu hết các cá nhân đều đủ minh triết. Nhưng có vẻ con đường đến đó đi qua Cộng hoà có vẻ ít chông gai và dễ kiểm soát hơn.
Thêm nữa các sự kiện chính trị diễn ra ở Việt Nam gây bất lợi cho việc hiểu ý nghĩa chữ Cộng hoà. Ngô Đình Diệm, người sáng lập Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam hẳn là muốn sử dụng chữ Cộng hoà với hàm ý “không vua” để có ưu thế với cựu hoàng Bảo Đại, người cố gắng giương cao khẩu hiệu Quốc gia.
Về mặt ngữ nghĩa Cộng hoà có nhiều bất lợi so với Cộng hoà Dân chủ, là một hình thức cải tiến của Cộng hoà nhằm khắc phục yếu kém của nền Cộng hoà. Chính thể Mỹ là một chính thể Cộng hoà ( có tính) Dân chủ. Một mặt Quốc Hội thể hiện quyền lực phổ thông đầu phiếu, Thượng viện lại là nơi thể hiện ý chí của những bang ít dân, và của những người có tố chất chọn lọc tinh hoa. Những người phê phán chế độ bầu cử Tổng thống qua đại cử tri không dân chủ bằng đầu phiếu phổ thông không hề chú ý tới nỗ lực của những người thiết kể ra chính thể này đã phải dày công nghiền ngẫm để ý chí của thiểu số không bị bóp chết bởi đám đông. Con đường bảo vệ quyền lợi của người Da Đỏ ở Mỹ hay người Chàm ở Việt Nam là phải thông qua Hiến pháp, với những điều khoản được xây dựng cách li với quyền lợi và đám đông, tốt nhất là bởi những người tinh hoa, dấn thân vì công bằng, binh đẳng bác ái, nên trở nên minh triết.
Tôi nghĩ Hồ Chí Minh đặt tên nước VNDCCH là muốn theo mô hình Mỹ. Nhưng trớ trêu của lịch sử đã đưa hai luồng ý tưởng tương đồng về chính thể vào xung đột. Ở đây cũng có trò chơi rồ dại của tu từ học tham gia. VNDCCH có thể cắt nghĩa theo hai cách Việt và Hán-Việt ( đều là ngôn ngữ Việt Nam) Theo cách thứ nhất VN là danh từ chính dân chủ và cộng hoà là hai bổ tính chất bình đẳng tuy vậy dân chủ được nhấn mạnh hơn. Theo cách thứ hai Cộng hoà là danh từ chính dân chủ là tính từ cho Cộng hoà trở thành cụm danh từ democratic republic là thể chế của Mỹ và Việt Nam là tính từ bao trùm. Do đó về ý tưởng VNDCCH có tầm nhin có ưu thế hơn từ thiết kế. Vì vậy chọn Cộng hoà là một chiêu bài sắc về chính trị, nhưng cùn về ý thức.
Quốc hiệu hiện tại của Việt Nam là CHXHCNVN chỉ có một nghĩa duy nhất là Cộng hoà là danh từ chính, xã hội chủ nghĩa và Việt Nam là bổ ngữ và vì thế cũng không tiến về ý tưởng so với VNDCCH.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Lịch sử và căn tính dân tộc,

     1. Chúng ta thường có một niềm tin ngây thơ rằng nếu cố gắng tìm chân lý, thoát khỏi mọi định kiến tôn giáo, ý thức hệ, lịch sử sẽ trở thành một khoa học khách quan.

2. Đã đành rằng lịch sử nên dựa trên khách quan một cách nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, lịch sử không thể nào hoàn toàn khách quan, theo tiêu chí của khoa học tự nhiên (nói cho cùng khoa học tự nhiên cũng có rất nhiều điều mặc định).
3. Có thể tạm chia 2 phong cách viết sử: Trung Quốc và Hy-La. Sử Trung Quốc có thể chia loại Truyện-Sử ký, Toàn Thư và Thực Lục, với mức độ chân thực cao dần. Mẫu mực của Hy-La gồm 3 nhà cổ điển Heredotus, Thucidides và Tacitus với phong cách gần tương tự về độ chân thực như sử Trung Quốc. Tacitus có phong cách ghi chép tỉ mỉ chính xác gần như Thực lục. Trong khi Heredotus gần với Truyện-Sử Ký.
4. Tuy Heredotus cũng nhấn mạnh tính chân thực lịch sử, nhưng ông cũng nhận ra rằng trong lịch sử có những khoảng tối và tranh tối tranh sáng không thể nào làm rõ. Tôi nhớ một lần lái một chuyển xe tải một mình vào lúc 4 giờ sáng tới vùng biên giới ba tiểu bang New York-New Jersey-Pensylvania. Nơi đây là chân rặng núi Apalachia hùng vĩ, dọc theo những khe nước lớn, tuyệt đẹp, lúc ẩn lúc hiện, trong tranh tối tranh sáng trước bình minh. Tôi chợt nhận ra rằng lịch sử bắt đầu bằng những bút ký mà ở đó cách nhìn cá nhân có vai trò quyết định. Nếu như vậy, con người đi tìm chân lý lịch sử sẽ luôn có những cách nhìn của riêng mình.
3. Chúng ta không thể bắt các sự kiện lịch sử lặp lại như trong khoa học tự nhiên để kiểm chứng. Vì vậy, luôn cần có những giả thiết bổ sung. Các giả thiết này phụ thuộc vào nhãn quan, trực cảm của người viết và người cảm nhận lịch sử. Và cũng có những quy tắc và mỹ học của nó. Lịch sử cũng phải mở cho các khoa học khác vào để mô phỏng kiểm chứng, khi chúng ta "giải thích" xã hội, tự nhiên bằng lịch sử. Và ngược lại các ngành khoa học khác cũng đưa đến cách nhìn mới về lịch sử.
4. Chính vì thế các sử gia đương đại luôn có những phóng chiếu của mình về lịch sử vào các vấn đề đương đại. Vì vậy lịch sử sẽ là đề tài có thể khai thác mãi mãi. Người ta có quyền làm điều này vì rất nhiều sự kiện, thời kỳ lịch sử không đủ sử liệu để tái hiện một bức tranh hoàn chỉnh và có ích. Việc bổ sung vào các trực quan hoặc ý đồ khác nhau sẽ có những bức tranh khác nhau. Vấn đề của lịch sử không phải là bức tranh nào đúng hơn bức tranh nào mà là trực cảm lịch sử và liên tưởng tới các vấn đề hiện tại, hoặc các giá trị tinh thần lâu dài. Có những tiêu chuẩn mĩ học cho trực cảm lịch sử, chứ không phải là mọi lựa chọn bừa bãi là bình đẳng. Cũng như con người ta bình đẳng nhưng sẽ có vấn đề nếu coi một cách hành xử man dại ngang hàng với cách hành xử văn minh.
5. Chúng ta hãy suy nghĩ tiếp về quy luật vận động của các trực cảm lịch sử. Điều gì chi phối quy luật này? Có thể có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới sự hình thành căn tính dân tộc, bởi có lẽ đây là động lực quan trọng và cũng đầy cạm bẫy nhất.
6. Đặc trưng quan trọng thứ hai của lịch sử là làm bệ đỡ cho căn tính của dân tộc. Các dân tộc có thể cùng phát triển đến một điểm đến, ở một nền văn minh có thể giống nhau và có thể cùng một xuất phát điểm ở châu Phi, Lưỡng Hà, hay ở chân Hy Mã Lạp Sơn, châu thổ sông Hồng hay sông Hoàng. Sự khác biệt rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào điểm đầu hay điểm cuối mà còn phụ thuộc vào con đường nối giữa hai điểm đó. Đó chính là lịch sử và tạo ra một căn tính khác biệt. Và sự khác biệt sẽ quyết định bước đường tiếp theo. Điều đó không chỉ đúng cho một dân tộc mà còn đúng cho mỗi con người.
7. Có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên quyết định bước đi lịch sử của một dân tộc. Nhưng cũng có những lựa chọn tạo nên căn tính dân tộc. Lựa chọn như thế có thể tạo nên bi kịch, anh hùng ca hoặc một may mắn trường tồn. Điều trớ trêu của lịch sử là phần lớn các lựa chọn đều ngẫu nhiên. Nhưng đôi khi có những con người, có những thời điểm, có thể có các lựa chọn có tính quyết định, tạo thành sự bại vong hay vinh quang của dân tộc.
8. Lựa chọn thường phải dựa trên một hình dung về căn tính dân tộc cần hướng tới. Những dân tộc có tính cách yếu ớt, không hợp xu thế đều phải trả giá, có khi phải diệt vong. Người ta nói tính cách đẻ ra số phận chính là như thế. Sự lựa chọn này đôi khi phải quằn quại, đau khổ, rất nhiều rủi ro và hung hiểm.
9. Từ thời Lý chúng ta đã lập quốc nhờ một căn tính cơ bản nào đó và có được một bộ sử phần lớn dựa trên dã sử, có thể là sự sáng tạo của một vài người và được chấp nhận như một khế ước cộng đồng đầu tiên. Tuy nhiên vài trăm năm sau, tới tận thời Trần, Hồ, Lê, căn tính này vẫn phải tiếp tục hình thành và vẫn còn dẫn tới ngoại xâm, phân tranh để căn tính này ngày càng vững chắc hơn.
10. Căn tính dân tộc tốt là một căn tính vững chắc nhưng phải đủ mềm dẻo và linh hoạt, có độ dung sai tốt, có thể kiện toàn và thích ứng. Một căn tính dân tộc quá cứng rắn trở thành tinh thần dân tộc chủ nghĩa quá khích, trong trường hợp may mắn thì làm đất nước mãi đóng cửa lạc hậu , trường hợp xấu hơn có thể tan đàn sẻ nghé, chiến tranh địch họa liên miên.
11. Tôi không lo lắng với sự đe dọa từ ngoại bang. Những người phóng đại nguy cơ đó đều có một giáo điều gì đó muốn áp đặt cho đám đông. Chúng ta đã mệt mỏi với quá nhiều giáo điều khác nhau để có thể tập trung vào vấn đề chính. Vì sao các nước nhỏ như Lào, Sing, Thụy Sĩ,... vẫn trường tồn trong hoàn cảnh ly loạn? Một nước lớn như Việt Nam với căn tính mạnh mẽ với các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm chắc chắn không dễ dàng bị bắt nạt trong hoàn cảnh hiện tại. Điều tôi suy nghĩ nhiều hơn là bước đường phát triển của căn tính này trong tương lai. Rõ ràng dân tộc ta chưa phải là một dân tộc may mắn, hạnh phúc. Có lẽ vì căn tính này chưa ổn định, hay ở một thái cực khác: quá cứng nhắc, chưa đủ linh hoạt để phát triển. Suy cho cùng hai thái cực đó chính là hai mặt của một vấn đề. Có thể chính nó đang có rất nhiều biến tướng khác thời sự hơn mà tôi không có thời gian đi vào chi tiết.

Căn tính và bi kịch của một dân tộc

  1. Trong "Bi kịch của Trung Âu", Milan Kundera cho rằng bi kịch của Trung Âu là việc đi tìm căn tính Âu châu chống lại thể chế toàn trị phương Đông. Các dân tộc nhỏ ở Trung Âu phải vật lộn để xác lập căn tính đó. Ông cho rằng đế chế Áo-Hung đã từng là một giải pháp khả dĩ và bền vững để hình thành một quốc gia đa sắc tộc, mà mỗi dân tộc nhỏ sẽ đóng góp bản sắc vào quốc gia lớn mà không làm mất bản sắc của mình. Ông đúng khi cho rằng Trung Âu đã đóng góp những giá trị tốt đẹp nhất và to lớn cho Âu Châu.

2. Tuy vậy Kundera có phần cục bộ khi hạn chế ở Trung Âu, ước muốn hội nhập với châu Âu có cả ở Ukraina, Belorussia, Bulgaria và Nga, mà theo ông là "một thế giới khác". Bản chất hội nhập với Âu Châu là khát vọng tới văn minh, vươn tới những giá trị của Âu châu đã xây dựng được từ kỷ nguyên Bừng sáng, Phục hưng và thời đại của các nhà hiền triết. Về khía cạnh đó, những tư tưởng gia cấp tiến của Á châu từ Nhật Bản, Trung Quốc tới Việt Nam cũng đã từng mong ước. Âu hóa chính là con đường thay đổi số phận dân tộc chống lại tư duy mơ hồ, ý thức hệ phong kiến phương Đông.
3. Trong "Bi kịch của Ukraina", Nicolai Petro cho rằng bi kịch của Ukraina bắt nguồn từ sự chia rẽ của dân tộc này trên con đường đi tìm căn tính của dân tộc. Sự chia rẽ này đã được Samuel Huntington, tác giả của "Sự va chạm giữa các nền văn minh" mô tả như "một dân tộc đứt gãy". Chừng nào một dân tộc còn chưa thống nhất được về căn tính của mình để hình thành một quốc gia có căn tính, sự tồn tại của dân tộc đó còn nhiều rủi ro. Trong giai đoạn hình thành căn tính dân tộc đó, thường có một thế cân bằng để bảo đảm tính ổn định của cộng đồng, thể hiện bằng "tập quán" và "pháp lý".
4. Bi kịch bắt đầu từ việc các cá nhân lãnh đạo hoặc tầng lớp elite duy ý chí muốn xé bỏ các thể chế tập quán và pháp lý, và đưa quốc gia vào một trạng thái mất cân bằng, ở đó các phía đối lập không thể đối thoại để lập lại cân bằng mới, vì thế tiến tới tình trạng bất ổn. Richard Lebov, trong cuốn "Tầm nhìn chính trị bi thảm" dựa trên phân tích của sử gia Hy Lạp cổ đại Thucydides về chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa Sparta và Athens, bắt nguồn từ ý muốn bướng bỉnh của Pericles đã làm chiến tranh không thể tránh khỏi, khi ông phá vỡ mọi cơ hội đối thoại bằng cách vi phạm các thể chế về tập quán và pháp lý. Điều đó có thể đúng phổ quát và đặc biệt cho trường hợp của Việt Nam vào thời Hồ-Hậu Trần và Ukraina hiện nay.
5. Chúng ta thường ngây thơ cho rằng ý thức dân tộc của Việt Nam đã xác lập từ thời vua Hùng, tồn tại hiển nhiên suốt nghìn năm Bắc thuộc. Việc Hai Bà Trưng, hai anh em họ Triệu, Mai Thúc Loan, Lý Bí, Triệu Quang Phục nổi dậy, không có nghĩa là dân tộc Việt đã có một căn tính. Chúng ta thường cho rằng họ Khúc, họ Ngô hay họ Đinh đã xác lập một quốc gia. Rồi đến nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, chúng ta cũng cho là Đại Việt đã là một dân tộc ổn định và thống nhất. Thực ra không phải vậy, động lực phân liệt vẫn còn là bản năng xuyên suốt, sau thời Ngô, lại có 12 sứ quân. Đời Đinh, Tiền Lê, các địa phương vẫn liên tục nổi dậy. Suốt thời Lý cho đến tận thời Trần, các địa phương vẫn chưa có một ý thức về một quốc gia thống nhất, vẫn còn phân biệt Kinh và Trại, với văn hóa, ý thức hệ, thiết chế cai trị riêng. Kể cả thi cử cũng phải chia Kinh và Trại. Sử ghi nhận, trong các đợt Chế Bồng Nga và Bí Cai mang quân đánh Đại Việt, dân Trại từ Thanh Hóa trở vào trong, hưởng ứng "phần đông theo giặc". Đến thời Trương Phụ, Hoàng Phúc sang xâm lấn Đại Việt, các phụ lão Bắc Hà (Kinh) ký vào tờ tâu xin nội thuộc vào bản đồ Trung Quốc, trở thành quận huyện. Vì thế nhà sử học Mỹ Keith Taylor trong cuốn "Sự hồi sinh của Việt Nam" cho rằng phải tới thời Hậu Lê mới hình thành Việt Nam như một quốc gia.
6. So sánh với Lịch sử của Hy Lạp và cách nhìn bi kịch của Lebov, chúng ta có thể thấy cải cách của Hồ Quý Ly mang tính duy ý chí, phá vỡ sự cân bằng nội tại của cộng đồng Đại Việt và mâu thuẫn Kinh và Trại đã không còn cơ hội dàn xếp. Trong khi Hoàng Hối Khanh, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân xây dựng một giải pháp liên minh với Chiêm Thành, Trần Thiêm Bình, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Lương Nhữ Hốt dẫn đường cho quân Minh vào nước ta, cha con Hồ Quý Ly hoàn toàn bất lực và chỉ làm cho hai khối ngày càng chia rẽ.
7. Theo Petro, việc loại bỏ Tổng Thống Yanukovich là bước cuối làm mất cân bằng giữa "hai Ukraina". Sau đó dẫn tới ba quan điểm về khủng hoảng dân tộc của Ukraina. Quan điểm thứ nhất, đa số là ở miền Nam và miền Đông Ukraina, cho rằng mâu thuẫn không thể hóa giải nếu chính phủ vẫn còn cho rằng 1/3 đất nước là những kẻ gián điệp cho ngoại bang. Quan điểm thứ hai cho rằng những kẻ nổi loạn ở Donbass là phản quốc, cần phải có chiến thắng quân sự quyết định trực diện đối với Nga, là thế lực hậu thuẫn. Quan điểm thứ ba, là của phe Tổng thống Poroshenko, cũng cho rằng Nga đứng đằng sau sự rối loạn, nhưng không tin rằng có thể giải quyết bằng quân sự. Quan điểm này cho rằng, cần từng bước tăng áp lực của phương Tây để Nga phải trao trả Crimea và Donbass.
8. Điều quan trọng nhất là đối thoại, thiết lập giải pháp cân bằng và dung hòa được các xung đột. Tuy nhiên, giới lãnh đạo của Ukraina, thể hiện ở các Tổng thống và thực hiện ý chí của giới elite đã làm tất cả các biện pháp có thể để tăng xung đột đến trạng thái không thể đối thoại bằng cách xóa bỏ "tập quán" thông qua việc thay đổi các địa danh, cấm sử dụng tiếng Nga, lưu hành văn hóa Nga, và xé bỏ "pháp lý" bằng các liên tục xóa bỏ các điều khoản đã cam kết trong Thỏa thuận Minsk 1 và 2, cũng như những điều luật có tác dụng gìn giữ sự cân bằng. Bên cạnh đó việc dung dưỡng cũng như tôn vinh các giá trị dân tộc chủ nghĩa quá khích và đáng ngờ cũng như bỏ thêm dầu vào lửa.
9. Điều đó không có nghĩa là biện minh cho động cơ xâm lược của Nga hay nhà Minh. Tuy nhiên, đó là hệ quả tất yếu khi tầng lớp lãnh đạo và elite tự tay phá hủy công cuộc đi tìm căn tính cho dân tộc mình. Phân liệt thì không thế hình thành căn tính khi dân tộc như một cộng đồng thống nhất còn non nớt. Một dân tộc không có căn tính, nếu có thể sống hòa bình thì chỉ vì may mắn và phụ thuộc vào lòng tốt viển vông của láng giềng.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Các trường phái và khái niệm về thông linh

Phi Lộ

Trước tiên phải phi lộ, để học trò, đồng nghiệp, bạn bè và người thân khỏi hoảng sợ nghĩ rằng tôi bắt đầu lẩn thẩn. Tôi bắt đầu nghiên cứu vật lý từ năm 1976, năm thứ 3 đại học, đến nay được 41 năm. Bắt đầu làm về CNTT năm 1995, đến nay là 22 năm. Có lẽ bắt đầu tìm hiểu về ý thức cũng là đủ kinh nghiệm về thế giới vật lý, thế giới thông tin và cũng có thể khai thác ích lợi của thế giới ý thức đối với vật lý và tin học, là những lĩnh vực mà việc hiểu về ý thức sẽ tạo ra đột biến.

Gần đây, do cơ duyên tôi được biết chút ít về thực hành ngoại cảm và tâm linh ở Việt Nam. Theo tôi được biết có một số nhà khoa học, trong đó có hai người có ảnh hưởng tới tôi, đã cố gắng tìm hiểu, thậm chí có cả một trung tâm nghiên cứu về tiềm năng con người. Tuy nhiên, các nỗ lực này hoàn toàn không phải là nghiên cứu, mà chỉ tổ chức ứng dụng, thu thập kinh nghiệm và giải thích một cách mơ hồ, dùng các khái niệm của khoa học một cách tùy tiện. Cho dù nhà kim loại học không giỏi rèn, nhưng nghĩ rằng thợ rèn giỏi cứ rèn thật nhiều sẽ hiểu về kim loại là sai. Hoạt động ứng dụng và quảng bá đó tuy có khuyến khích một số hoạt động ngoại cảm, nhưng cũng khuyến khích một số hoạt động phi khoa học và đang làm xã hội ngộ nhận rất nhiều điều. Tôi nghĩ việc sắp đặt lại một số khái niệm cho khoa học cũng là cần thiết. Tuy khoa học là phải phản biện, nhưng những người cổ súy cho thông linh cần nghĩ rằng phản biện cũng giúp cho chân lý trường tồn. Không cái gì tiêu diệt một hệ thống ý thức nhanh hơn là phỉnh nịnh nó một cách mù quáng.

Từ ngữ

Thông linh là chữ tôi đặt ra hàm ý việc tương thông giữa các trạng thái tinh thần, hoặc của trạng thái tinh thần và thế giới vật chất. Theo tôi, để đặt vấn đề nghiên cứu ý thức thì phải chứng minh được ý thức tồn tại độc lập với vật chất. Khả thi nhất là chứng minh được có thông linh. Chỉ cần chỉ ra, có thể tạo ra thông tin khả tín, không cần đến vật chất, chúng ta có thể xác quyết được rằng có ý thức tồn tại độc lập với vật chất.

Các trường phái thông linh

Một trong những tiêu chí của khoa học là theo một paradigm được thừa nhận trên thế giới. Vì thế, việc đầu tiên là việc tìm hiểu các trường phái và hệ thống khái niệm. Về thông linh có một số quan niệm sau:
"Animism": Thuyết duy linh: Cho rằng mọi động vật, cây cối, thậm chí lời nói, khái niệm, sự vật đều có linh hồn. Linh hồn này có thể hoàn thiện. Tác giả quan trọng là Ed. Burnet Tylor. Ông nghiên cứu quan niệm này trong các nền văn hóa khác nhau trên quan điểm dân tộc học. Ông không phải là nhà truyền giáo, thực hành hoặc chủ trương tôn giáo.
"Theosophy" Thuyết thần trí: Cho rằng con người có thể thông với một loại ý thức siêu nhiên, toàn năng và thống nhất thường được quy cho là Chúa hoặc Thượng đế. Tác giả quan trọng là Blavatsky.
"Spiritism" Nhiều người cũng dịch chữ này là "duy linh". Tuy nhiên, đây là một trường phái tôn giáo, khởi xướng bởi Allan Kardec. Bắt đầu từ việc quan tâm tới trò bói chén, là trò chơi thời thượng bấy giờ, được Mesner giải thích là "từ trường động vật", Kardec thấy rằng hiện tượng này nhiều hơn thế và cho rằng có thể nói chuyện với nhiều loại linh hồn khác nhau, một số được cho rằng của những người đã chết. Tôi đề nghị dịch chữ này là "thông linh"
"Spiritualism" Là xu hướng cho rằng ngoài thân xác còn có linh hồn. Về phương diện nào đó đây là một khái niệm rộng hơn "thông linh" nhưng không chắc đã bao gồm việc tin ở khả năng giao tiếp với các linh hồn.
"Shamanism" Là thực hành của các dân tộc rải rác khắp thế giới, có lẽ cùng bắt nguồn từ một nơi từ thời đồ đá cũ cách đây 3 vạn năm. Trung tâm phát triển nhất có lẽ là vùng Trung Á. Những người thực hành shamanism tin có hai thực tại: bình thường và bất bình thường, khi người ta có thể nhìn thấy và giao tiếp với vong và các thần thánh. Tôi tạm dịch là "linh tín".
"Revelation" Mặc khải. Là do Thượng đế chủ động giao tiếp và truyền thông tin tới con người để họ giác ngộ hoặc viết ra những thông điệp. Thượng đế được hiểu là ý thức thống nhất, toàn năng, không bắt buộc phải nhân cách hóa. Tổng hợp tất cả các định luật của tự nhiên cũng có thể coi là Thượng đế. Ý Chúa cũng có thể hiểu là quy luật điều khiển một hiện tượng. Hòn đá rơi do định luật hấp dẫn hoàn toàn có thể phát biểu tương đương bằng ý Chúa. Không có bất cứ một tiêu chí nào ngoài niềm tin có thể phân biệt ý Chúa và định luật.
"Mediumship" Việc lên đồng. Trạng thái có thể vô thức, thông qua đó các loại ý thức (có thể được dán nhãn là các linh hồn) truyền thông tin đến thế giới thực. Người lên đồng có thể quên mọi thông tin khi trở lại thế giới thực. Trong trường hợp họ vẫn nhớ, gần đây người ta dùng chữ "nhà ngoại cảm"/
Việc nghiên cứu các hiện tượng thông linh có thể được đăng trên các tạp chí đứng đắn (scorpus hoặc ISI (??)) về dân tộc học, nhân chủng học,...Do đó có thể tin rằng việc nghiên cứu các vấn đề này không hoàn toàn nhảm nhí.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Chân Thiện Mỹ và quy tắc ứng xử

    Chân Thiện Mỹ là nội dung chính của Triết Học, thường bị quy giản về Đạo Đức học, một phần nhỏ của Triết Học. Trong cuộc sống, chúng ta còn có cách hiểu giản lược hơn nữa: Chân là cái Đúng; Thiện là cái Tốt; Mỹ là cái Đẹp. Những khái niệm này đều tương đối, chủ quan. Ngày nay chúng đã trở nên đa dạng và phải linh hoạt trong một xã hội đa nguyên, đa văn hoá, hội nhập và nhân bản.

Chân Thiện Mỹ vẫn còn đó. Chúng ta không đa sự cần lật nhào Triết Học. Tuy vậy, các khái niệm này cần có nội hàm mới. Thay vì nhồi sọ cho trẻ em và những người xung quanh hiểu về cái Đúng của bản thân ta, thực ra nhiều khi rất mâu thuẫn và bất nhất, trong một môi trường xã hội đang vận động, Chân phải cho con người phương pháp để phân biệt Đúng-Sai, Thực Giả, Thị Phi, thay vì áp đặt quan niệm của cá nhân. Thiện sẽ là phương pháp chọn nguyên tắc phân biệt Thiện Ác trong câc hoàn cảnh khác nhau, để biết thông cảm với tính người yếu đuối, sự phi lý và bất hạnh của kiếp nhân sinh. Mỹ là việc dạy cho con người cách thưởng thức để có thể hướng tới những cái đẹp khác nhau và biết tôn trọng các tiêu chuẩn đẹp xấu ở những nền văn hoá khác.
Nhưng như vậy liệu có phức tạp quá hay không? Hay liệu việc phải nấu một nồi lẩu các giá trị trái ngược có khả thi hay có ích lợi gì không? Trước hết, cần phải nhận thức được rõ ràng cái gọi là phức tạp, cái trái ngược chỉ là các ảo giác của tư duy, gắn liền với một cách nghĩ cũ. Đối với một người già 70 vào những năm 80 của thế kỷ trước nhạc Rock quá phức tạp, lối sống hippy quá trái ngược với các tiêu chí về đạo đức. Ngày nay trò chơi Pokemon cũng quá phức tạp với một số người, các giá trị trên mạng xã hội cũng có vẻ như trái ngược. Nói chung lớp người không chịu thay đổi thường vấp phải vấn đề và hay bức xúc với những điều được gọi là phức tạp. Họ cũng thường thấy những điểm trái ngược ở những chỗ chẳng có trái ngược gì. Nghệ thuật vị nghệ thuật và vị nhân sinh không hề có mâu thuẫn. Con gà hay quả trứng có trước là một câu hỏi vô nghĩa. Các quan điểm chính trị của những người bạn không thể là mâu thuẫn giai cấp, mà chỉ là ảo giác. Cải cách thường dễ chấp nhận với lớp trẻ, bình dân, học trò, khó khăn với người già, giới tinh hoa, các vị thầy, những người có nhiều cái để mất. Nói như vậy không có nghĩa người già, tinh hoa, vị thầy là những thứ đáng bỏ đi. Trái lại, những người lớn tuổi, tinh hoa, lương sư, cho dù hiếm hoi, nếu ủng hộ cải cách thì vô cùng quý giá, sẽ tác dụng to lớn, vĩ đại và đáng tôn trọng gấp bội.
Nhưng trong xã hội, việc thay đổi cách tiếp thụ Chân Thiện Mỹ sẽ cần phải thực hiện thế nào? Cốt lõi của vấn đề là phải chuyển từ Quy tắc đánh giá sang Quy tắc ứng xử. Thế hệ trẻ sẽ không còn nói cơm Trung Quốc ngon hơn cơm Ấn Độ để phải cãi nhau vô bổ như những người già trước đây. Họ đã biết cách ứng xử tốt hơn để chọn cơm Ấn Độ và thưởng thức nó một cách tốt nhất, mặc dù họ sinh ra trong một nền văn hoá thích cơm Trung Quốc.
Code of conduct- Quy tắc ứng xử có hai ưu thế vượt trội so với quy tắc đánh giá. Thứ nhất, trong những hoàn cảnh hoàn toàn mới, Quy tắc đánh giá có thể sẽ có nhiều phương án mâu thuẫn. Khi đó việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố ngẫu nhiên. Như vậy, cộng đồng sẽ sinh mâu thuẫn, mất phương hướng hoặc mất thời gian tranh cãi hoặc chính trị hóa mọi vấn đề. Thứ hai, khi có nhiều phương án có cùng một giá trị, con người sẽ phải phân vân không biết chọn phương án hiệu quả, thực tế nhất, lãng phí thời gian và cơ hội. Quả thực trong thực tế, nhiều việc có thể làm ngay chúng ta lại phân vân, nhiều việc ngu xuẩn lại dễ dàng đồng thuận mà không nghĩ ngợi gì.
Quy tắc ứng xử đơn giản chỉ là đặt câu hỏi hành động có phù hợp với các quy tắc ứng xử hay không. Nếu phù hợp, con người được tự do sáng tạo để hành động không bị ràng buộc bởi đánh giá dè bỉu của người khác hay các định kiến lỗi thời ngu dốt.
Một cộng đồng tôn vinh tự do và giá trị của cá nhân, quy tắc ứng xử sẽ là hành động vì sự tự do và không làm tổn hại đến giá trị riêng của các nhóm người dù là họ yếu thế, thiểu số hoặc không may mắn.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Thiên văn Trung Quốc

 

Mấy bài vừa rồi, tôi đã phân tích lịch pháp Trung Quốc có vẻ hạ thấp vai trò của Thiên Văn Trung Quốc. Thực ra Thiên Văn Trung Quốc cũng có những cái hay và có những đóng góp nhất định vào kho tàng tri thức của nhân loại. Cũng như những người quá khích nói nhạc đỏ không hay bằng nhạc vàng là sai lầm hoàn toàn. Tất nhiên, nhìn về toàn bộ, nhạc đỏ có chỗ dở, nhưng không nằm ở nhạc mà "chỉ" ở quan niệm về nhạc hơi chật hẹp. Nhìn chung thì văn hóa văn nghệ cũng như khoa học, dù không thoát ảnh hưởng của chính trị, nhưng cuối cùng những giá trị "phi chính trị" sẽ còn lại và trường tồn.
Bài này muốn nói lên những thành tựu của Thiên văn Trung Quốc.
THIÊN VĂN TRUNG QUỐC

Kho tàng bản đồ sao Trung quốc
Thiên văn nói chung đều liên quan tới Chiêm tinh, là niềm tin rằng các thiên thể, không gian xa xôi đều chứa đựng thông tin về thân phận số kiếp của mỗi người, mỗi sinh vật, quốc gia trên thế giới. Đó là động lực để Thiên văn phát triển thời cổ.
Khái niệm Thiên văn Trung Quốc rất khác với khái niệm Thiên văn phương Tây ở chỗ, cho tới giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, vẫn không thể thoát ra khỏi ảnh hưởng của Chiêm tinh. Cho đến bây giờ cũng vẫn có nhiều người tin như vậy. Tuy nhiên, đặc điểm kỳ lạ, đặc trưng và xuất sắc của Thiên văn Trung Quốc là việc rất chú trọng quan sát. Có thể nói đây là một con cừu đen, khác với các lý thuyết chém gió khác của phương Đông rất coi thường thực hành. Có lẽ vì thế mà Tần Thủy Hoàng không đốt sách Thiên Văn.
Bản đồ sao của Trung Quốc được lập rất chi tiết, phân loại hệ thống hóa hết sức khoa học và ngày nay trở thành dữ liệu rất bổ ích cho việc nghiên cứu sự phát triển vận động của vũ trụ. Về mặt này, người Ả Rập, Lưỡng Hà, Hy Lạp đi sau người Trung Quốc một bước. Tuy nhiên, học giả Needham có phần quá đà, có lẽ vì bất ngờ và choáng váng, khi suy diễn là Thiên Văn Trung Quốc có thể đã biết mọi chuyện nhiều hơn Ả Rập, Lưỡng Hà, Hy Lạp. Đó là hệ quả của việc thiếu hiểu biết về văn minh Á Đông, định kiến rằng phương Đông lạc hậu về mọi sự và chỉ quan tâm đến những chuyện vô bổ. Đánh giá thấp rồi đánh giá cao quá đều là thể hiện của cùng một nhận thức ấu trĩ. Thực ra, Thiên văn Trung Quốc bắt đầu tốt, nhưng phát triển bằng cách rẽ về hướng khác, dựa trên những giáo điều cứng nhắc và không thể phản bác hay kiểm chứng. Đó là cái yếu nói chung của khoa học cổ đại Trung Quốc và cũng có thể là cái may cho nhân loại. May nhất là ngày nay chúng ta có được kho bản đồ thiên văn Trung Quốc, đó là tài sản vô giá của tiền nhân.
Thực hành và quan sát nhưng thiếu hệ thống khái niệm đúng
Tên các sao được tìm thấy trong các di vật được cho là từ thời nhà Thương (1339-1281 trước Công lịch). Xem thiên văn trở thành một môn học được đánh giá cao đối với các kẻ sĩ "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" từ thời Chiến Quốc, sau đó nở rộ vào thời Hán. Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung cho thấy mưu sĩ các bên đều xem thiên văn để ra quyết sách. Điều đó cho thấy Thiên văn Trung Quốc là một môn học có ứng dụng thực hành gắn liền với quan sát.
Tuy nhiên, đây là một ví dụ rất tốt để chỉ ra rằng quan điểm ứng dụng, thực hành không luôn luôn là động lực phát triển lâu dài nếu không có một hệ thống khái niệm đúng. Đó cũng là bài học ích lợi về nhận thức cho loài người, bên ngoài ý muốn của Thiên văn Trung Quốc. Các thành tựu chủ yếu
Thiên văn Trung Quốc tập trung vào việc thu thập dữ liệu quan sát về các hiện tượng vận động của các sao quan sát bằng mắt thường, tập trung chủ yếu vào các chòm đẩu tinh, và các chùm sao gần mặt phẳng Hoàng Đạo. Do không có một nhận thức chính xác về Trái Đất và chuyển động của nó, các nhà thiên văn Trung Quốc ghi nhận các chuyển động này bằng những gì mà họ thấy được. Sách vở tiếng Việt ngày nay gọi đó là chuyển động biểu kiến (apprarent). Do thực tế Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời, chúng ta có thể thấy Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất, theo một quỹ đạo tuần hoàn gọi là đường hoàng đạo (ecliptic). Phần mặt phẳng trong đường hoàng đạo, gọi là Hoàng Đạo, được chia làm 12 cung, mỗi cung 30 độ gọi là cung Hoàng Đạo. Chiêm tinh học phương Tây cũng có 12 cung từ Bạch Dương tới Song Ngư. Hoàng Đạo Trung Quốc chia 12 từ cung Tý tới cung Hợi.
Các nhà thiên văn, dù quan sát từ Trung Quốc hay Hy Lạp, sẽ thấy trên bầu trời có những chòm sao, chùm sao không bao giờ lặn mà xoay tròn quanh bầu trời, gọi là các đẩu tinh Bắc, lập thành các chòm Đại Hùng (Gấu lớn), Tiểu Hùng (Gấu nhỏ),... Thiên văn Trung Quốc đặc biệt quan sát các đẩu tinh, ghi nhận các quy luật, và tìm cách liên hệ nó với các sự kiện trong đời sống. Thí dụ sao Thái Bạch đi vào địa phận của sao Khuê, hoặc có một sao chổi xẹt ngang địa phận của đẩu tinh sẽ ứng với người chết, bạo loạn, hoặc ngược lại tin mừng, thời cơ để hành động, tùy theo quan điểm giải thích. Điều này không phải mâu thuẫn mà hiển nhiên trong một xã hội tranh giành, tin xấu với kẻ địch là tin tốt của ta.
Thiên văn Trung Quốc cũng quan tâm tới các quy luật liên quan sao Hôm, sao Mai, các sao xuất hiện khi Mặt Trời lặn hoặc mọc, vị trí tương đối của chúng với Mặt Trăng và cũng tìm ra các thông tin tương tự trong đời sống. Một đối tượng khác nữa của thiên văn Trung Quốc là các chòm hoàng đạo, các chòm sao quan sát được gần đường Hoàng Đạo Để tìm quy luật, các nhà quan sát thiên văn Trung Quốc đã lập ra các bản đồ sao rất lớn và tỷ mỉ, bằng phương pháp phân loại rất khoa học và công phu. Tiếp thu thành tựu từ bên ngoài
Thiên văn học Trung Quốc, không phải phát triển một mình. Từ thời Đông Hán (TK1-TK3) đã có rất nhiều nhà thiên văn Ấn Độ đến Trung Quốc và đóng vai trò dẫn dắt thiên văn Trung Quốc. Các nhà thiên văn lớn của Trung Quốc như Nhất Hạnh đều có thọ giáo họ. Chắc chắn, các nhà thiên văn Ấn Độ đã đem theo các kiến thức thiên văn từ Lưỡng Hà, Ai Cập và Hy Lạp vào Trung Quốc. Thời nhà Nguyên (TK13-TK14), các nhà thiên văn Hồi giáo cũng đến Trung Quốc và có nhiều ảnh hưởng mới, mang theo nhiều tri thức thiên văn ngả sang màu sắc chiêm tinh từ Trung Đông và Nam Âu. Sao chủ, sao khách và các sự kiện thiên văn
Dưới ảnh hưởng của Chiêm Tinh, thiên văn Trung Quốc chia các sao thành sao khách, xuất hiện không thường xuyên và sao chủ, xuất hiện cố định. Chúng ta thường nghe các đoạn nói về thiên văn như "Sao khách phạm vào địa phận Thái Bạch, hay Bắc Đẩu" hay "Huỳnh Hoặc xuất hiện ở phương Tây". Năm 1054 có một vụ nổ lớn sinh ra Crab Nebula (Tinh vân Con cua) theo ký hiệu thiên văn hiện đại là SN1054, được các nhà thiên văn Trung Quốc ghi nhận như một sao khách. Sự kiện này cũng được các nhà thiên văn Ả Rập ghi nhận, trong khi các nhà chiêm tinh Âu Châu không có ghi nhận nào. Nhị thập bát tú, tứ linh và thất tinh
Trong các chòm sao trong hệ thống phân loại chùm sao của Trung Quốc có Nhị thập bát tú (là 28 chòm sao chính, có hướng gần với mặt phẳng Hoàng Đạo). "Tú" là chòm sao, người Việt hay đơn giản hóa gọi thành "ngôi sao". Trong khi trong tiếng Trung Quốc "ngôi sao" phải là "tinh". Ví dụ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông là 28 chòm sao, chứ không phải là 28 vì sao.
Các chòm sao này chia làm 4 vùng, được các nhà chiêm tinh "giao" cho 4 con vật linh thiêng cai quản là "Chu tước", "Bạch hổ", "Thanh long" và "Huyền vũ" cai quản. Chẳng hạn thuộc Thanh Long có 7 chòm sao là Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ,... Các độc giả thích đọc tiểu thuyết Tàu nên nắm được tên của từng chòm sao trong Nhị thập bát tú và biết được tính cách cũng như điển tích ứng với mỗi chòm sẽ hiểu được thêm nhiều điều thú vị khi liên tưởng đến ý nghĩa. Tôi sẽ bàn chi tiết vào một dịp khác nếu bạn đọc có hứng thú. Các nhà thiên văn cổ Trung Quốc và các bản đồ sao
Hai tên tuổi nhà thiên văn Trung Quốc cụ thể (rất quan trọng, vì sử Trung Quốc đầy rẫy những nhân vật tưởng tượng) là Thạch Thân và Cam Đức thời Chiến Quốc (TK4 trước CN). Họ đã có hai tác phẩm Thạch Thân Thiên Văn và Thiên Văn Tinh Chiếm với các danh mục sao do họ lập. Đáng tiếc là các tác phẩm này đều thất truyền. Các sách còn sót lại có nhắc đến các tác phẩm này, do đó chúng ta có cơ sở để đoán rằng các tác phẩm này còn tồn tại tới TK6 trước khi mất tăm tích hoàn toàn. Trước Cam và Thạch có Vu Hàm được cho là một trong ba nhà thiên văn cổ điển của Trung Quốc. Tuy vậy, xung quanh Vu Hàm có rất nhiều tranh cãi và tồn nghi.
Trương Hành ( 78-139) là nhà thiên văn nổi tiếng thời Hán đã để lại phân loại gồm hơm 2500 vì sao và hơn 100 chòm sao, thực sự là đóng góp vĩ đại. Thời Tam Quốc có Trần Trác (220-280) , đã phân loại 283 chòm sao và 1464 vì sao. Thời Nguyên, có Quách Thủ Kính (1279-1368) đã lập một bảng phân loại mới có hàng ngàn vì sao. Đáng tiếc là tác phẩm này đã bị thủ tiêu. Sách Nghi Tượng khảo hành in năm 1757 có công bố 3083 vì sao.
Có lẽ các bản đồ sao mới là đóng góp đặc biệt và không thể thay thế của Thiên văn Trung Quốc. Rất khó xác định bản đồ sao sớm nhất có từ bao giờ vì chúng được vẽ trên bình gốm. Bản đồ sao sớm nhất được in là của Tô Tụng thời Tống (1020–1101) Tuy nhiên, trước đó có bản đồ sao Đôn Hoàng được tìm thấy trong di chỉ Đôn Hoàng thời Đường (TK8). Bản đồ này vẽ 1350 vì sao trên giấy, có thể coi là bản đồ sao cổ nhất. Các nhà thiên văn Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ cũng lập bản đồ sao, nhưng người ta không tìm thấy bản đồ nào chi tiết như bản đồ Đôn Hoàng. Các phát hiện của thiên văn cổ Trung Quốc
Các nhà thiên văn Trung Quốc đã thống kê hơn 1600 nhật nguyệt thực từ 750 trước Công Nguyên. Thạch Thân (TK4 trước CN) đã thấy được nhật thực có liên quan đến Mặt Trăng. Kinh Phòng (78-37 trước CN) cho rằng Mặt Trăng sáng do phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Thẩm Quát ( 1031–1095) đời Tống nhận thức Mặt Trăng và Mặt Trời hình cầu (Trước đó người TQ đều nghĩ Mặt Trăng, Mặt Trời là hai cái đĩa dẹt) chuyển động trên các quỹ đạo cách nhau nên không va vào nhau, ông cũng giải thích rõ hơn quan điểm của Thạch Thân và Kinh Phòng.
Đánh giá chung
Tóm lại, thiên văn Trung Quốc là một thành tựu lớn của loài người, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên do quá tập trung vào ứng dụng các kết quả này trong chiêm tinh, nên mặc dù về mặt dữ liệu rất đồ sộ, nhưng không có được một bức tranh hoàn hảo về thế giới. Điều đó chứng minh rằng, nếu không có hệ thống khái niệm lý thuyết đúng đắn làm cốt lõi cho hoạt động thực hành, sự phát triển sẽ không thể tạo ra sức mạnh lâu dài. Có lẽ đó cũng là đóng góp của Thiên văn Trung Quốc cho dù là một ví dụ tiêu cực.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Đọc Thơ thế nào cho bổ ích

1. Tôi về căn bản là người thực tế và thiên về triết lý. Tôi có thú đọc thơ, không nhiều lắm đến mức si cuồng, cũng không đến mức như một chuyên gia về thơ hay người làm thơ. Tôi thấy đọc thơ thú vị và thấy có ích lợi về tư duy và cả về triết lý nếu biết cách. 2. Kể ra hướng dẫn đọc thơ với nhan đề thế này, có vẻ cũng na ná như thường thức về chiên bít tết thế nào cho ngon hay uống rượu vang thế nào để tốt cho sức khỏe, cũng hơi tầm thường hóa và xúc phạm Nàng Thơ. Nhưng quả thực Thơ là một vưu vật của Tạo hóa được Con người mặc khải, nếu không biết để thưởng thức hoặc không biết thưởng lãm đúng nghĩa thì sống hoài phí.
3. Nói cho cùng, ích lợi của đọc thơ nếu không hơn thì cũng không kém nghe nhạc, đọc sách, xem tranhm vừa sướng khoái, vừa lành mạnh, vừa rèn luyện tính thần, suy nghĩ lại kích hoạt các ý tưởng mới. Tất nhiên, tôi không có ý định bàn sâu về các ích lợi mang tính "vị nhân sinh" như làm công cụ giải trí, giao lưu ở quán bia, hay để tiếp cận các bà, các cô thích sụt sịt với tình cảm sến, hoặc làm vũ khí chiến đầu như cụ Sóng Hồng. Các ích lợi này hiển nhiên là có vì bất cứ vũ khí gì dùng để đánh được quân thù thì đối kháng với phụ nữ và bạn bè chỉ là chuyện nhỏ. 4. Các chương trình đào tạo trí thức lớp trên (elite) cả Đông-Tây, Kim-Cổ đều có dạy về thơ. Điều đó chứng tỏ đọc-học thơ có lợi cho trí tuệ. Tuy nhiên, không phải nhồi nhét bất cứ thơ ca hò vè tục ngữ nào, và đơn thuần nuốt chửng thuộc lòng là sẽ có hiệu quả bổ trí não. Không phải cứ để xã hội nhồi cho Thơ nào thì nuốt thơ ấy như nhồi vịt vỗ béo, đều sẽ tốt cho thẩm mĩ. Trong hoàn cảnh dạy Thơ ở các trường phổ thông và tôn vinh Thơ trong xã hội từ nửa thế kỷ nay đều có vấn đề, việc thưởng thức thơ thụ động, vô cảm hoặc tạo cảm xúc vay mượn, chúng ta cần biết cách bổ khuyết. Nếu đã quá muộn thì cố gắng truyền lại kinh nghiệm thất bại cho thế hệ mai sau vậy.
5. Trước hết Thơ cũng như Nhạc, quan trọng nhất là mỹ cảm. Mỹ cảm hình thành nhờ cả ở tác phẩm và khiếu thẩm mĩ (gout) của chính bạn. Gọi là “khiếu” nhưng thực ra đây là năng lực được hình thành trong quá trình tiếp thu cái đẹp, tất nhiên phần nào cũng có chút ít tố chất, tạm coi là phúc đức. Nếu bạn có lỗ tai trâu, đương nhiên có nghe nhạc Beethoven suốt ngày, tôi ngờ vào việc bạn có thể hình thành năng lực thẩm mĩ tử tế. Tương tự, dù bạn có tai nghe của Bá Nha, nhưng mỗi khi khen bài giảng của GS Hoàng Chí Bảo, bạn được thưởng kẹo, và mỗi khi khen nhạc Chung Tử Kỳ phải lĩnh một cái tát, nếu bạn giữ được năng lực thẩm mĩ sau vài chục năm, tôi cho bạn là siêu nhân.
6. Dù bạn làm nghề gì, gout là cái quyết định tài năng của bạn. Nếu bạn dốt Toán hay tiếng Anh, bạn có thể kiên nhẫn, ai đó sẽ giúp bạn cải thiện. Nếu bạn có gout tồi, đó sẽ là tuyệt vọng, không ai muốn phí thời gian với bạn. Một GS một năm công bố hàng loạt công trình na ná nhau không thể nói là dốt, mà năng lực thẩm mĩ có vấn để. Rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu hay giá trị nào đáng kể cả. Not even wrong, thậm chí còn chưa được gọi là sai lầm. Cụ Khổng khuyên người đọc sách "nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân" mỗi ngày đều phải có sự đổi mới về trí tuệ và cảm xúc.
7. Thơ rèn luyện năng lực thẩm mĩ tốt nhất NẾU ... chúng ta đọc thơ đúng cách. Thế nào là đúng cách? Chắc nhiều người sẽ nói tôi muốn áp đặt cách đọc thơ. Mỗi người một cách, chắc gì năng lực thẩm mĩ của tôi có gì hay ho, có gì hơn người. Đúng vậy, năng lực thẩm mĩ không ai giống ai và không phân định lượng hơn kém như điểm số. Tuy vậy, vẫn có những tiêu chuẩn nhất định.
8 Nghệ thuật nào cũng gắn liền với khuôn khổ. Đôi khi nghệ thuật phải phá khuôn khổ để tiến lên, nhưng nghệ thuật tồn tại nhờ sự đấu tranh giữa khuôn khổ và nội dung. Bạn tự do lựa chọn cách rèn luyện năng lực thẩm mĩ, nhưng rốt cuộc phải sinh được mĩ cảm. Và mĩ cảm đó phải phù hợp với con người thực của bạn. Xã Xệ, Lý Toét nghe nhạc giao hưởng, mặc complet không thể là mĩ cảm lành mạnh.
9. Để có mĩ cảm và tối thiểu là phân biệt thơ với hò vè, cần nắm được thi tứ. Và vì vậy, cố nhiên chỉ nên đọc các loại thơ thực sự có thi tứ. Do phương tiện biểu đạt của Thơ rất hạn chế nên thi tứ là một ngụ ý ẩn náu trong ngôn từ, không thể cắt nghĩa tường minh mà phụ thuộc vào vốn văn hoá và trải nghiệm về thơ của chính bạn tạo thành. Thi tứ giống như một bức tranh hoặc giống một làn điệu nhạc, diễn tả một ý tưởng, hình ảnh hoặc cảm xúc có sức gợi mở và liên tưởng. Gợi mở và liên tưởng càng đa dạng, càng lớn thì giá trị càng cao.
10. Như vậy, Thơ chuyển qua các trường phái Ấn tượng và Tượng trưng là tất yếu. Bạn chưa hiểu được thơ tượng trưng hoặc ấn tượng là chưa hiểu được đạo lý của Thơ. Khi các hình ảnh tả cảnh, tả tình của thơ Lãng mạn đã khai thác hết uy lực, trở nên sáo mòn. Bấy giờ Thơ trở nên nhàm chán như một ván bài domino, vần điệu và nội dung đều bị tất định đến mức không còn chỗ để người đọc có thể sáng tạo ra mĩ cảm. Đừng nghe mấy ông giáo sư văn học kiêm cán bộ tuyên truyền xã phán tầm bậy bảo Ấn tượng và Tượng trưng là sự bế tắc của văn học tư sản. Những nền thi ca trác tuyệt đều đã có tính tượng trưng và ấn tượng, và đó mới là giá trị cao nhất của thơ. 11. Như vậy, nếu thơ có được những ấn tượng tinh tế (không đơn giản) hoặc tổ hợp độc đáo của các biểu tượng, sức gợi mở sẽ lớn hơn nhiều. Khi đó thi tứ không phải là một mệnh đề, cho dù là một minh triết. Cần phân biệt thi tứ với đại ý là cái xác định, có thể tóm lược và không có sức gợi mở. Nói về đại ý của bài thơ thì cũng như mô tả sức cháy của một cây dương cầm khi đem đốt. Vì vậy kể lại bài thơ, dù là một bài trường ca là một việc phản thẩm mĩ.
12. Tìm thi tứ của bài thơ là một quá trình ngược với quá trình sáng tác từ ý thơ mà viết thành bài thơ, hay từ bố cục phác thảo tạo nên bức tranh. Nếu như mỗi nét phất, mỗi mảng, mỗi màu đều có chủ ý, thì mỗi từ, nhịp điệu, hình ảnh, âm điệu đều có chủ đích. Vì vậy, bên cạnh việc tương thông tức thời, bắt được “tần số” của bài thơ, việc giải mã tìm thi tứ rất quan trọng. Chính đây là lợi ích của việc đọc thơ. Đọc văn bản hoặc đọc ngôn ngữ cơ thể, có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nhưng điểm quan trọng trong đọc thơ vẫn phải nắm bắt được ý sau câu chữ. Toàn bộ nhận thức của con người hơn kém nhau chỉ ở việc đọc. Đọc là lấy được thông tin cần thiết dựa trên dữ liệu đã có.
13.Theo nghĩa như vậy, có thể là do may mắn ngẫu nhiên, thơ Đường thực sự là ấn tượng và tượng trưng, có khả năng gợi mở nhiều nhất. Ngô Tùng Phong đã từng nói ngôn ngữ Trung là văn khiêu ý. Khiêu ý không tốt cho truyền đạt, mô tả chính xác nhưng cực hay cho Thơ. Tôi thấy đọc thơ Đường cực kỳ bổ ích. Có được cái thú đọc thơ Đường là một ân sủng trời cho. Đọc thơ Đường, sẽ thấy thơ ấn tượng và tượng trưng của Âu Mỹ có nhiều cái rất tương đồng.
14. Đọc thơ nói chung có lợi cho học từ và rèn luyện tư duy. Dạy thơ Việt hiện nay rất kém, không phải do số lượng giờ dạy hoặc số các bài thơ, mà chưa hề dạy cách đọc Thơ. Nếu đọc thơ tốt, bạn sẽ đọc kinh, sách và triết học dễ dàng.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Tính phi nhân của tư tưởng Á Đông

 Nhiều người cho rằng tư tưởng Á Đông mạnh về toàn cục nên kém về phân tích so với tư tưởng Phương Tây. Cao Xuân Huy cho rằng sự khác biệt là ở chủ toàn-chủ biệt. Phương Đông nhìn vấn đề theo hướng toàn cục, Phương Tây dựa trên phân tích thành từng mảnh nhỏ để lĩnh hội các mảnh dễ hơn "chia để chinh phục" (divide and conquest).

Nhiều người khác lại cho rằng tư tưởng Á Đông trọng ở tâm linh, tư tưởng Phương Tây trọng ở vật chất. Chúng ta sợ bất cứ loại ý thức siêu nhiên, phi vật chất nào, từ bình vôi đến ma xó. Phương Tây chỉ lo thiếu tiền, vì thế có sốt vàng, sốt thuộc địa, phát triển hạm đội, máy móc để kiếm tiền, trong khi ta nhàn tản trồng rau, nói chuyện đạo đức. Người khác lại cho Á Đông là duy tâm, Phương Tây là duy vật, Á Đông là chủ quan, Phương Tây là khách quan, Phương Đông là lý trí, Phương Tây là cảm giác, vân vân và vân vân.

Tất cả những luận thuyết đó đều là giản lược để phục vụ cho nhận thức chủ quan hoặc do hiểu quá sơ sài về tư tưởng Phương Đông hoặc Phương Tây, hoặc cả hai. Các quan điểm này mâu thuẫn với nhau đến nỗi chẳng thể rút ra một điều gì chung bổ ích. Thực ra mọi thứ như duy tâm-duy vật, tâm linh-vật chất, lý trí-cảm giác, chủ toàn-chủ biệt, chủ quan-khách quan, bản thể-hiện tượng, dù Đông hay Tây đều có đủ. Có chăng là ở Phương Tây do có phương pháp khoa học phát triển hơn mà các phạm trù này đều tinh tế hơn.

Khác biệt lớn nhất của tư tưởng Á Đông và Phương Tây là phi nhân và vị nhân. Mọi chủ thuyết của Á Đông đều không dựa trên cá nhân, không dựa trên cái tôi cụ thể. Mọi cá thể con người đều phải phủ định bản thân mình để phục tùng một trật tự được ai đó cho là hợp lý theo một nghĩa nào đó. Tu dưỡng, đào luyện ở phương Đông là quá trình phủ định các bản năng, để tiến tới phủ định hoàn toàn tư duy độc lập và cuối cùng là cá thể con người. Trong khi đó, cái Tôi là trung tâm của mọi tư tưởng, hành vi của Phương Tây. Nghệ thuật tạo hình Á Đông cũng vô cảm như vậy. Các bức tượng, tranh của phương Đông đều mang tính ước lệ đến nỗi các khuôn mặt tượng đều vô cảm, giống hệt nhau cho đến cả tư thế ngồi.

Xã hội Phương Đông được tổ chức mô phỏng theo hình thức toàn hảo nhất của loài côn trùng gồm ong, kiến và mối. Dân chủ, đổi mới nhất cũng chỉ là Vua Khỉ. Mọi cá thể khỉ đều là vô nghĩa, chỉ là một cái lông của Mỹ Hầu Vương. Mọi Hồng vệ binh chỉ là một con kiến thợ, mọi xúc cảm của họ đều là vô nghĩa trong tư tưởng chói sáng của Mao Chủ Tịch.