Có lẽ vấn đề của cả nước Việt Nam cũng như vậy. Rất ít sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Tôi đã từng đi dự một hội chợ sản phẩm công nghệ và hoàn toàn thất vọng. Mặt hàng bán chạy nhất là trái vải của Bắc Giang và bánh đậu xanh của Hải Dương. Cách sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao nhất là quy trình nuôi tôm và nén mùn cưa thành củi. Có lẽ khó khăn không nằm ở việc làm một sản phẩm cụ thể, mà ở chỗ vòng quay của hệ thống không trơn tru. Động vào chỗ nào cũng phải thắng được lực ì của cả hệ thống. Làm một việc thành công ở Việt Nam là phải vác lên vai toàn bộ các vấn đề của xã hội. Thành thử chỉ các công ty lớn mới có hy vọng thành công vì mới bõ công xây dựng một bộ máy toàn diện để giải quyết chừng đó vấn đề.
Tuy nhiên, xem ra các đại gia cũng chỉ say sưa lợi dụng thương quyền để đào mỏ, chứ không phải là muốn giải quyết đến gốc của vấn đề để phát triển lâu dài. Vì vậy, các khẩu hiệu luôn luôn đổi mới được đưa ra, giống anh con rể bắt chước bố vợ đủ thứ trong tiếu lâm Việt Nam, mà không làm chuyện gì cho ra hồn.
Xem ra, để làm ăn lớn có lẽ nên bắt đầu từ thị trường nước ngoài. Thị trường nước ngoài nếu thành công lâu dài và ổn định sẽ dần dần tạo ra thị trường trong nước. Thực sự thì trong CNTT, xu hướng gia công là xu hướng duy nhất thành công ở quy mô công nghiệp, sau khi đã thử nghiệm các ý tưởng như game, thương mại điện tử, mạng xã hội,.... không mấy thành công. Đến như đại gia Viettel, trước nguy cơ bão hòa thị trường Viễn thông trong nước đã bắt đầu tìm ra nước ngoài.
Có điều, chỉ là ra nước ngoài thôi thì vẫn chưa phải là một chiến lược cụ thể. Rõ ràng gia công không phải là một hướng lâu dài, do không thể hình thành thương hiệu. Không có thương hiệu thì không thể có khách hàng lâu dài và không thể có sản phẩm công nghiệp có tầm cỡ. Gia công mà không để ý tới sản phẩm thì cũng không hơn gì bán tài nguyên, trong đó con người cũng là một dạng tài nguyên. Có thể gia công là một giải pháp tốt nhất hiện nay mà chúng ta có, nhưng không thể là đích đi tới. Cũng như bán hoa hậu, người mẫu, than đá, dầu mỏ, đều phải hướng tới mục tiêu trong tương lai, là phải có sản phẩm công nghiệp.
Tôi nhớ, hình như Tố Hữu có lần được hỏi sẽ làm gì sau khi thôi chức Phó Thủ tướng, ông đã trả lời "Tôi sẽ đi hát rong kể chuyện". Cũng có thể ngài Phó Thủ tướng -Thi Sĩ phụ trách kinh tế hoàn toàn không có một ý tưởng nào về công nghiệp. Nhưng tôi chợt nghĩ: Tại sao lại không có công nghiệp hát rong kể chuyện. Nếu chúng ta thử tính xem doanh thu do di sản của ông già hát rong kể chuyện mù Homer, hay chàng nghệ sĩ Shakespeare đã tạo ra cho nhân loại là bao nhiêu, có lẽ toàn bộ doanh thu của ngành công nghiệp CNTT chỉ là con muỗi. La Quán Trung ngày xưa, Trương Nghệ Mưu ngày nay cũng là những người hát rong kể chuyện. Hát rong kể chuyện Harry Potter, Lords of the Ring tạo ra doanh thu khổng lồ mà bất cứ ngành công nghệp nào cũng phải ao ước.
Việt Nam có thể hát rong kể chuyện gì cho thế giới để thay vào các cố gắng thi hoa hậu, thi Olympics, làm game, đá bóng nhại theo tiqui-taka, gia công phần mềm.... không thể nào thành công nghiệp quy mô quốc gia được. Đừng tưởng hát rong kể chuyện không có vai trò lớn. Người ta mua hàng Trung Quốc, du lịch Trung Quốc, đầu từ vào Trung Quốc cũng bắt đầu từ các câu chuyện hát rong kể chuyện Đèn Lồng Đỏ treo Cao, Ngoạ hổ Tàng Long, Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng,.... Trước khi các thương hiệu Sony, NEC, Canon, Honda, Toyotta,... của Nhật trở thành quen thuộc, thế giới đã say sưa nghe Kurosava hát rong kể chuyện về con người và văn hóa Nhật bản. Có thể nói văn hóa dẫn đường và cũng là người bảo tiêu quan trọng nhất cho hàng hóa công nghiệp. Chúng ta sẽ kể chuyện gì đây và sẽ kể thể nào?