Nguyễn Đa Phương là con danh tướng Nguyễn Nạp Hòa còn gọi là Sư Tề, do ông là thầy dạy võ nổi tiếng. Nạp Hòa chỉ huy vệ Thần Võ, được phong làm Bình Man Đại tướng Quân. Trong chiến dịch đánh Chiêm Thành, ông làm phó chỉ huy cho Đại tướng Đỗ Lễ. Quân ta kéo sâu vào hiểm địa, quân Chiêm đã phục sẵn, vua Duệ Tông không nghe lời can của Đỗ Lễ mang quân vào hiểm địa, mắc phục binh, toàn quân bị tiêu diệt. Các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Phạm Huyền Lệnh đều bảo vệ vua đến phút cuối và tử nạn cùng với vua. Nguyễn Đa Phương là cha của danh tướng Nguyễn Cảnh Chân nhà Hậu Trần, chính là ông tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh.
Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021
[Sử Việt] Danh tướng Nguyễn Đa Phương
Nạp Hòa sinh Nguyễn Công Luật và Nguyễn Đa Phương. Người anh, Luật làm cận thần cho Trần Phế Đế. Đa Phương làm tướng quân dưới trướng của Tiểu Tư Không Hồ Quý Ly, khi đó thế lực đang phát triển ngày càng mạnh. Quý Ly khi nhỏ cũng học võ và binh pháp với Sư Tề nên coi Công Luật với Đa Phương là thế huynh. Tuy vậy, Đa Phương nhỏ tuổi hơn, nên hai người kết nghĩa anh em, thề cùng sống chết.
Khi đó ở phía Nam. Chiêm Thành ngày càng lớn mạnh. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga và tể tướng là La Khải đều là những võ tướng kiệt xuất, nhiều lần đem quân đánh Đại Việt. Đa Phương nối chí cha làm võ tướng, chống Chiêm Thành. Có lần ông đã bị bắt, nhưng dùng mưu trốn được về. Ông là người giỏi võ, có tài cầm quân, có mưu mẹo, uy dũng. Năm 1382, Chế Bồng Nga và La Khải tiến đánh Thanh Hóa, cả một vùng Thanh Nghệ rung động, dân chúng phần lớn theo giặc. Hồ Quý Ly, được giao quyền chủ soái, sai Đa Phương lĩnh quân Thần Khôi giữ cửa biển Thần Đầu, dặn trước là phải hết sức cố thủ, không được khinh địch ra đánh. Quân ta cắm cọc ở cửa biển để chắn chiến thuyền địch, đồng thời đóng quân ở phía Bắc cửa sông để ngăn quân bộ.
Quân Chiêm cả hai đạo thủy bộ cùng tiến vào Thần Đầu. Chế Bồng Nga chỉ huy thủy quân, La Khải đem quân bộ áp sát bờ phía Nam để phá hàng cọc mở đường cho quân thủy. Cả hai đạo quân từ từ ép lại, không vội vã dùng quân nhẹ làm tiên phong, muốn dùng sức nặng, số đông và thanh thế để bóp nát quân ta.
Đa Phương nói: "Quân giặc không dùng quân tiên phong và khinh binh là có ý khinh quân ta hèn yếu. Nếu để chúng áp sát, mất sĩ khí chắc chắn sẽ thua." Nói vậy rồi cử những người cảm tử lập tuyến phòng ngự chắn quân La Khải giữ hàng cọc ở phía Nam. Hạn cho phải giữ được trong vòng nửa buổi bằng mọi giá. Sau đó Đa Phương sai nhổ hàng cọc ở phía Bắc, tự mình đem các chiến thuyền ra đối địch với Chế Bồng Nga. Có người can rằng "Tư không đã ra lệnh ông phải cố thủ. Nếu trái lệnh, thua sẽ mất đầu. Nếu theo lệnh, có thua đã có trên chịu trách nhiệm". Đa Phương cười lớn "Ta làm tướng, đã biết nếu giữ tất thua, tại sao phải theo. Nay đánh mới có hy vọng thắng vài phần. Há phải so đo trách nhiệm. Các ngươi cố gắng hết sức, trách nhiệm một mình ta chịu."
Thủy quân Chiêm không tính trước bị phản kích bất ngờ nên không phòng bị, bị súng Thần cơ của thủy quân Đại Việt bắn vỡ ngay mấy chục chiếc ở tuyến đầu. Trong khi đó các chiến thuyền của Đa Phương tiến lên áp sát và tràn sang tàn sát thủy quân Chiêm đang cúi rạp tránh đạn trên khoang thuyền. Các thuyền Chiêm ở tuyến hai khiếp hãi vội vã tháo lui lại va vào các thuyền đang tiến, thành thế mắc kẹt, làm hàng ngũ rối loạn, dính cứng thành từng đám, lui tiến đều khó. Đa Phương bèn cho các súng Thần Cơ nhất loạt nã vào các mảng thuyền Chiêm dày đặc. Thủy quân Chiêm thua to, tháo chạy. Đa Phương một mặt cho quân thủy đuổi đánh vào tận Nghệ An, một mặt cho thủy quân đổ bộ lên bờ Nam, đánh vào hậu quân của La Khải. Quân bộ của ta, từ bờ Bắc dùng thuyền nhẹ vượt sông, cùng với quân cảm tử trấn giữ hàng cọc phản công. Quân bộ Chiêm tan vỡ, La Khải phải chạy vào rừng để trốn về nước. Tin Đa Phương thắng trận truyền về Kinh Thành, ông được phong làm Kim Ngộ Vệ Đại Tướng Quân. Hồ Quý Ly, là chủ soái, cũng được thăng thưởng, giao chức Phán thủ, soái lĩnh binh quyền, thế lực ngày càng mạnh.
Đa Phương trở thành đệ nhất hổ tướng đương thời của Đại Việt. Ông bày kế phòng thủ đất nước, huấn luyện binh sĩ. Mọi kế hoạch quân sự và kế hoạch lâu dài của Quý Ly đều do Đa Phương sắp đặt. Quý Ly lại thu phục được một quan văn trẻ ở Ngự sử đài, là Phạm Cự Luận tiến cử làm Đô Ngự sử. Cự Luận là người đa mưu, thiên về những biện pháp ngắn hạn, có phần hung hiểm. Có kẻ sĩ đa sự, bàn rằng "Luận ấy là Luân, hình tròn. Phương là hình vuông. Vậy Quý Ly có người giúp đỡ tính toán mọi việc vuông tròn." Vì vậy, cặp mưu sĩ này còn gọi là "phương viên tá lự".
Thấy thế lực của Quý Ly ngày càng lớn, Phế Đế bèn bàn với các cận thần và anh là Trần Ngạc "Nếu để lâu ngày ắt Quý Ly sẽ cướp ngôi và khó chế ngự" và tính giết Quý Ly. Thầy dạy vua là Vương Nhữ Mai làm tiết lộ tin này. Quý Ly lo sợ bèn bàn với Đa Phương và Cự Luận. Đa Phương nói "Ngày xưa, Khương Duy, xin làm tướng cầm quân ở ngoài để được yên. Quyền thần cầm quân ở trong thì một là sẽ bị nghi ngờ dèm pha, mà gặp họa sát thân, hai là phải chuyên quyền đến cùng. Nay ngài với Thượng hoàng là anh em họ, nhà vua sáng suốt, mạnh mẽ, chỉ có chút hiểu lầm, chưa đến mức phải và cũng chưa thể chuyên quyền. Xin ngài dâng biểu xin ra trấn thủ Đại Lại, phòng quân Chiêm. Ngài cầm quân ở ngoài, ai dám động đến. Kẻ nào dèm pha, ngài sẽ đem quân về Kinh hỏi tội dèm pha đại tướng ở mặt trận. Chỉ giết vài thằng hủ nho là trời tối lại sáng. Tôi lĩnh quân Kim Ngô, Cự Luận giữ đài Ngự sử, có quyền ăn nói can gián Thượng Hoàng. Không ai có thể chống." Cự Luận nói "Kế của Đa Phương tuy lâu dài nhưng không quyền biến. Xin ngài vào khóc với Thượng Hoàng xin được chết theo Ngự Câu Vương. Thượng Hoàng là người mềm yếu, thương yêu ngài là vì anh em họ, lại đau lòng vì quan gia đã giết Ngự Câu Vương". Nguyên trước đó Ngự Câu Vương là Trần Húc, làm trấn thủ chống quân Chiêm, đã bại trận lại còn câu kết với Chế Bồng Nga, hại nước, bị Phế Đế giết, Thượng Hoàng không thể can ngăn nhưng vẫn đau lòng và giận Phế Đế chuyên quyền, không nghĩ tình anh em.
Đa Phương can "Đó là việc can thiệp đến nội bộ hoàng gia, nếu không thành thì tất là tội chết. Nếu thành thì cũng kết oán với quan gia, hoặc để loạn hoàng thất. Ngài có đủ nhẫn tâm chăng?" Cự Luận nói "Đã đành nếu không thuyết phục được sẽ nguy. Lúc đó xin ra Đại Lại cũng không muộn. Nhưng tôi xem ra Thượng Hoàng là người nhu nhược, lại tình cảm theo kiểu đàn bà, ngài chỉ cần khóc lóc mùi mẫn, đòi chết. Tôi chắc con rể ngài sẽ lên ngôi. Thế của ngài sẽ càng mạnh." Quý Ly nghe kế của Cự Luận. Đa Phương thở dài im lặng lui ra, vẫn không cho là phải. Kết quả, Thượng Hoàng Trần Phủ, nghe Quý Ly, giết Phế Đế và Ngạc, đưa Thuận Tông, con rể Quý Ly lên ngôi vua. Nguyễn Công Luật, anh trai Đa Phương trung thành với Phế Đế nên cũng bị giết.
Năm 1389, Chế Bồng Nga lại cùng La Khải đem quân đánh Đại Việt. Thượng Hoàng sai Quý Ly đem các tướng vào Thanh Hóa chống giữ. Quân ta khi đó khá đông. Quý Ly bèn sau các tướng hai đường thủy bộ tiến đánh quân Chiêm. Đa Phương ra sức can ngăn. Quý Ly nói "Lần trước nhà ngươi ít quân còn phá được giặc. Lần này ta lĩnh gần trăm tướng, quân vài vạn, sợ gì quân địch." Đa Phương nói "Phép dùng quân mỗi lúc một khác. Lần trước giặc khinh ta, chủ quan, ta đánh bất ngờ nên thắng. Nay giặc đã có phòng bị. Ta đông quân, giữ chắc, không cần vội, đợi giặc mỏi mệt, sẽ tung ra đánh. Chắc sẽ thắng." Quý Ly không nghe, cho là Đa Phương ghen ghét, không muốn mình lập công bèn cử Đại tướng Nguyễn Chí suất lĩnh 80 viên tướng, đem đại quân thủy bộ cùng tiến đánh quân Chiêm. Chí vài 80 tướng dẫn hơn 3 vạn quân sa vào trận địa phục kích của Chế Bồng Nga và La Khải, bị vài trăm thớt voi vây chặt. Pháo của quân Chiêm cũng vượt trội. Kết quả, Nguyễn Chí cùng 3 vạn quân và 70 tướng bị chém đầu, bắn nát thây hoặc bị voi dày tại trận. Chiến thuyền bị quân Chiêm chiếm sạch. Các phòng tuyến đóng cọc đều bị chiếm mất. Quân ta chỉ còn chưa đầy 2 vạn, đạn dược đều hết, chiến tướng chỉ còn hơn 20 vị.
Quý Ly bèn giao cho Phạm Khả Vĩnh làm chánh tướng, Đa Phương làm phó tướng ở lại giữ Thanh Hóa, bản thân mình chạy về Thăng Long, xin thêm quân và chiến thuyền tiếp viện. Thượng Hoàng nghe nói Quý Ly chủ quan nướng quân bèn không phê chuyển thêm quân và thêm thuyền. Phủ nói "Nay Thăng Long chỉ còn lại chưa đầy 5 vạn quân và hơn nghìn chiến thuyến. Nếu đưa vào Thanh Hóa và mất nốt, ta sẽ không còn gì để bảo vệ Kinh Thành." Quý Ly làm mặt giận dỗi xin trao trả binh quyền. Thượng Hoàng vì yêu Quý Ly nên cũng không trách phạt.
Khả Vĩnh và Đa Phương cổ thủ Thanh Hóa, đợi viện quân, đang gặp nhiều khó khăn do lực lượng quá chênh lệch. Quân đã ít, tướng mỏng, lại mất hết tinh thần do trận thua. Phòng tuyến lại bị chọc thủng, các điểm trấn giữ quan trọng đều bị Chế Bồng Nga và La Khải lần lượt khống chế. Giữa lúc đó, quân lưu tinh từ kinh thành tới báo Quý Ly đã rời binh quyền và sẽ không có quân tăng viện. Đa Phương bàn với Khả Vĩnh "Nay Phán thủ đã không nắm binh quyền. Lại không có quân tiếp viện. Chúng ta tiếp tục giữ vô ích, sớm muộn cũng mất Thanh Hóa. Chúng ta chết không sao, nhưng còn 2 vạn quân này cũng gần 1/3 binh lực Đại Việt nếu mất nốt, sẽ không vực dậy nổi. Nay ta đem quân rút về hợp quân với Thăng Long rồi bày thế phòng thủ khác."
Khả Vĩnh nghe theo, cùng Đa Phương cắm thật nhiều cờ xí nghi bình, đem thuyền lớn tiến tới sát các hàng cọc, giả bộ như sẽ tiến đánh. Chế Bồng Nga và La Khải lo quân Đại Việt cùng đường sẽ quyết tử bèn ra sức phòng thủ. Quân Đại Việt bèn dùng thuyền nhẹ rút hết trong một đêm về Thăng Long.
Đa Phương nói " Cậy mạnh đem quân liều đánh không phải là trí. Thấy khó trả binh quyền xin lui là nhát. Nhát lại không trí cầm quân sao được." Câu đó đến tai Quý Ly, Quý Ly giận xin Thượng Hoàng rút binh quyền của Đa Phương, không cho giữ quân Kim Ngô. Thượng Hoàng nói "Tạm như vậy để nêu phép nước. Một thời gian sau sẽ dùng lại. Không tướng nào bằng Đa Phương." Đa Phương không phục nói "Nếu giao quyền cho ta thì lo gì quân giặc. Nay tước quyền ta thì lấy ai chống giặc. Sao nêu gương được người có công thì thưởng, người có tội phải phạt."
Quý Ly nghe vậy, lo lắm bèn hỏi ý Cự Luận. Cự Luận nói "Đa Phương tài gấp 10 tôi, nếu hắn lôi kéo được các quan trong triều như Nguyên Hãng, Khả Vĩnh, Nguyên Đán,... vây cánh sẽ lớn không thể trị nổi. Nếu Thượng Hoàng nghĩ lại việc ngài xui giết Phế Đế và Ngạc, sẽ dựa vào Đa Phương để hại ngài." Quý Ly nói "Nhưng ta đã kết nghĩa anh em với hắn, lẽ nào trái lời." Cự Luận nói "Ngài đã lên lưng hổ, không có lựa chọn nào khác." Quý Ly chảy nước mắt "Chính trị làm ta trở thành khốn kiếp."
Quý Ly bèn xin Thượng Hoàng trị tội Đa Phương dám lui quân ở Ngu Giang. Thượng Hoàng nói "Đa Phương là danh tướng thời nay vừa trí vừa dũng, nếu được toàn quyền đã không thua. Nay hắn rút là bảo vệ được toàn quân. Vả lại chủ tướng là Khả Vĩnh sao không trị lại trị tội phó tướng. Hãy trị tội thật nhẹ." Quý Ly nói "Đa Phương nhiều mưu lại kiêu dũng. Hắn mà trốn sang nước khác sẽ gây họa cho Đại Việt." Thượng Hoàng nghe lời bèn bắt Đa Phương tự vẫn. Đa Phương trước khi chết cười và nói "Ta có tài nên được giàu sang, nhưng tự phụ vì tài nên phải chết." và dặn Cảnh Chân nên cố đem tài phục sự đất nước, nhưng không nên tự phụ như cha. Quý Ly sau này vẫn nhớ Đa Phương mà thấy hối tiếc, nên dùng Cảnh Chân, nhưng không cho ở Kinh mà đưa vào Hóa Châu giúp việc cho Hoàng Hối Khanh, cùng Đặng Tất. Hối Khanh, Tất và Cảnh Chân đều mưu khôi phục nhà Trần. Kịp khi quân Minh chiếm nước ta, ba người đều hết sức bày mưu khôi phục nhưng không thành, ba người đều chết vì nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói "Không dùng được Đa Phương là chỗ kém của Nghệ Tông."
Sử gia Ngô Thì Sĩ hoàn toàn không có khái niệm về quân sự lại trách lầm Đa Phương là "người lui 50 bước dám buộc tội người lui 100 bước" (chỉ Quý Ly) há không phải là lẫn lộn ngọc quý với bùn đất sao?
Khả Vĩnh sau này tham gia hội thề Đốn Sơn mưu sát Quý Ly, bị giết cùng Trần Khát Chân.
Lời bình: Nạp Hòa, Công Luật, Đa Phương, Cảnh Chân, 4 người, 3 đời sát nhau đều chết bất đắc kỳ tử. Nổi tiếng nhất là Cảnh Chân, cùng Đặng Tất bày mưu phá giặc mạnh ở bến đò Bô Cô, sau chết vì chuyên quyền mà bị chủ nghi ngờ. Đa Phương theo Quý Ly cũng vì tự phụ mà bị chủ giết. Tính cách và tài năng của Đa Phương phải là chủ soái mới thể hiện được tài năng và không mang họa vào thân. Đa Phương muốn giữ mạng cho Phế Đế có thể có tình riêng là vì anh, nhưng có thể cũng vì lý tưởng như Tuân Úc muốn giữ nhà Hán. Nạp Hòa và Công Luật đều trung thành chết theo chủ, thật đáng thương. Nhưng tài năng, tư cách của họ Nguyễn Cảnh nổi tiếng sau này đều từ đó mà ra. Ngô Thì Sĩ không đánh giá đúng Đa Phương đó là chỗ kém của sử gia.
Trần Nguyên Đán
Ông là dòng dõi Thượng tướng quân, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Là quan đầu triều đời vua Nghệ Tông nhà Trần. Được tiếng nho nhã, để lại nhiều thơ nhàn tản vào thời loạn, được nhiều kẻ sĩ cho là thanh cao, nhưng không hề có công tích hay mưu kế gì ích quốc lợi dân.
Khi ông gần mất, Nghệ Tông tới thăm, hỏi về thế nước, ông khóc mà rằng "Bệ hạ kính nhà Minh như cha, coi Chiêm Thành như con, lão thần chết cũng bất hủ." Người ta cho rằng ông biết trước Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, ông là quan đầu triều lại là người tôn thất không có mưu kế gì can ngăn mà lại đem con trưởng là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly, lại làm bài thơ Vịnh con tu hú với tâm tư băn khoăn
" Đem con gửi cho loài quạ
Chẳng biết quạ già có xót thương"
Cuối cùng Quý Ly cũng nhớ lời ước với Nguyên Đán cho cả ba người con làm quan. Sau này họ lại làm quan với nhà Minh bảo toàn phú quý khi mất nước. Vua Giản Định nổi lên chống Minh bèn đem con cái Nguyên Đán giết sạch, chỉ còn lại cháu nội là Nguyên Hãn, cháu ngoại là Nguyễn Trãi đều là công thân dựng nước của nhà Lê.
Trãi là quân sư, bày mưu kế nơi màn trướng, coi việc thư từ, bang giao của Lê Thái Tổ. Hãn là đệ nhất võ tướng thống suất quân đánh thành Xương Giang- Chi Lăng, võ công tuyệt lạ ngàn thuở ngợi khen.
Nguyên Đán danh tiếng vượt quá công tích, khả thủ nhất chỉ ở hai đứa cháu. Trộm cho rằng việc đặt tên phố là để nêu gương cho mai hậu. Nay Hà Nội có phố Trần Nguyên Đán, e rằng những người có trách nhiệm không xét kỹ càng, nêu gương lầm để hỏng cả quốc khí.
Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhận định về ông như sau:
“ Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, thế mà không nghĩ đến việc vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế về sau. [Thế là] mưu lợi mà không nghĩ đến nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn kiến thức của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được. ”
Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhận định:
“...đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy...”
Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án nhận định:
“Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm."
Bảo toàn được một thời rồi cũng không bảo toàn được con cái lại mất cả danh thế tộc, để sử sách cười chê, sao gọi là trí, sao gọi là nhân, sao gọi là dũng, sao gọi là thanh cao.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)