Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Thiên văn Trung Quốc

 

Mấy bài vừa rồi, tôi đã phân tích lịch pháp Trung Quốc có vẻ hạ thấp vai trò của Thiên Văn Trung Quốc. Thực ra Thiên Văn Trung Quốc cũng có những cái hay và có những đóng góp nhất định vào kho tàng tri thức của nhân loại. Cũng như những người quá khích nói nhạc đỏ không hay bằng nhạc vàng là sai lầm hoàn toàn. Tất nhiên, nhìn về toàn bộ, nhạc đỏ có chỗ dở, nhưng không nằm ở nhạc mà "chỉ" ở quan niệm về nhạc hơi chật hẹp. Nhìn chung thì văn hóa văn nghệ cũng như khoa học, dù không thoát ảnh hưởng của chính trị, nhưng cuối cùng những giá trị "phi chính trị" sẽ còn lại và trường tồn.
Bài này muốn nói lên những thành tựu của Thiên văn Trung Quốc.
THIÊN VĂN TRUNG QUỐC

Kho tàng bản đồ sao Trung quốc
Thiên văn nói chung đều liên quan tới Chiêm tinh, là niềm tin rằng các thiên thể, không gian xa xôi đều chứa đựng thông tin về thân phận số kiếp của mỗi người, mỗi sinh vật, quốc gia trên thế giới. Đó là động lực để Thiên văn phát triển thời cổ.
Khái niệm Thiên văn Trung Quốc rất khác với khái niệm Thiên văn phương Tây ở chỗ, cho tới giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, vẫn không thể thoát ra khỏi ảnh hưởng của Chiêm tinh. Cho đến bây giờ cũng vẫn có nhiều người tin như vậy. Tuy nhiên, đặc điểm kỳ lạ, đặc trưng và xuất sắc của Thiên văn Trung Quốc là việc rất chú trọng quan sát. Có thể nói đây là một con cừu đen, khác với các lý thuyết chém gió khác của phương Đông rất coi thường thực hành. Có lẽ vì thế mà Tần Thủy Hoàng không đốt sách Thiên Văn.
Bản đồ sao của Trung Quốc được lập rất chi tiết, phân loại hệ thống hóa hết sức khoa học và ngày nay trở thành dữ liệu rất bổ ích cho việc nghiên cứu sự phát triển vận động của vũ trụ. Về mặt này, người Ả Rập, Lưỡng Hà, Hy Lạp đi sau người Trung Quốc một bước. Tuy nhiên, học giả Needham có phần quá đà, có lẽ vì bất ngờ và choáng váng, khi suy diễn là Thiên Văn Trung Quốc có thể đã biết mọi chuyện nhiều hơn Ả Rập, Lưỡng Hà, Hy Lạp. Đó là hệ quả của việc thiếu hiểu biết về văn minh Á Đông, định kiến rằng phương Đông lạc hậu về mọi sự và chỉ quan tâm đến những chuyện vô bổ. Đánh giá thấp rồi đánh giá cao quá đều là thể hiện của cùng một nhận thức ấu trĩ. Thực ra, Thiên văn Trung Quốc bắt đầu tốt, nhưng phát triển bằng cách rẽ về hướng khác, dựa trên những giáo điều cứng nhắc và không thể phản bác hay kiểm chứng. Đó là cái yếu nói chung của khoa học cổ đại Trung Quốc và cũng có thể là cái may cho nhân loại. May nhất là ngày nay chúng ta có được kho bản đồ thiên văn Trung Quốc, đó là tài sản vô giá của tiền nhân.
Thực hành và quan sát nhưng thiếu hệ thống khái niệm đúng
Tên các sao được tìm thấy trong các di vật được cho là từ thời nhà Thương (1339-1281 trước Công lịch). Xem thiên văn trở thành một môn học được đánh giá cao đối với các kẻ sĩ "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" từ thời Chiến Quốc, sau đó nở rộ vào thời Hán. Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung cho thấy mưu sĩ các bên đều xem thiên văn để ra quyết sách. Điều đó cho thấy Thiên văn Trung Quốc là một môn học có ứng dụng thực hành gắn liền với quan sát.
Tuy nhiên, đây là một ví dụ rất tốt để chỉ ra rằng quan điểm ứng dụng, thực hành không luôn luôn là động lực phát triển lâu dài nếu không có một hệ thống khái niệm đúng. Đó cũng là bài học ích lợi về nhận thức cho loài người, bên ngoài ý muốn của Thiên văn Trung Quốc. Các thành tựu chủ yếu
Thiên văn Trung Quốc tập trung vào việc thu thập dữ liệu quan sát về các hiện tượng vận động của các sao quan sát bằng mắt thường, tập trung chủ yếu vào các chòm đẩu tinh, và các chùm sao gần mặt phẳng Hoàng Đạo. Do không có một nhận thức chính xác về Trái Đất và chuyển động của nó, các nhà thiên văn Trung Quốc ghi nhận các chuyển động này bằng những gì mà họ thấy được. Sách vở tiếng Việt ngày nay gọi đó là chuyển động biểu kiến (apprarent). Do thực tế Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời, chúng ta có thể thấy Mặt Trời chuyển động quanh Trái Đất, theo một quỹ đạo tuần hoàn gọi là đường hoàng đạo (ecliptic). Phần mặt phẳng trong đường hoàng đạo, gọi là Hoàng Đạo, được chia làm 12 cung, mỗi cung 30 độ gọi là cung Hoàng Đạo. Chiêm tinh học phương Tây cũng có 12 cung từ Bạch Dương tới Song Ngư. Hoàng Đạo Trung Quốc chia 12 từ cung Tý tới cung Hợi.
Các nhà thiên văn, dù quan sát từ Trung Quốc hay Hy Lạp, sẽ thấy trên bầu trời có những chòm sao, chùm sao không bao giờ lặn mà xoay tròn quanh bầu trời, gọi là các đẩu tinh Bắc, lập thành các chòm Đại Hùng (Gấu lớn), Tiểu Hùng (Gấu nhỏ),... Thiên văn Trung Quốc đặc biệt quan sát các đẩu tinh, ghi nhận các quy luật, và tìm cách liên hệ nó với các sự kiện trong đời sống. Thí dụ sao Thái Bạch đi vào địa phận của sao Khuê, hoặc có một sao chổi xẹt ngang địa phận của đẩu tinh sẽ ứng với người chết, bạo loạn, hoặc ngược lại tin mừng, thời cơ để hành động, tùy theo quan điểm giải thích. Điều này không phải mâu thuẫn mà hiển nhiên trong một xã hội tranh giành, tin xấu với kẻ địch là tin tốt của ta.
Thiên văn Trung Quốc cũng quan tâm tới các quy luật liên quan sao Hôm, sao Mai, các sao xuất hiện khi Mặt Trời lặn hoặc mọc, vị trí tương đối của chúng với Mặt Trăng và cũng tìm ra các thông tin tương tự trong đời sống. Một đối tượng khác nữa của thiên văn Trung Quốc là các chòm hoàng đạo, các chòm sao quan sát được gần đường Hoàng Đạo Để tìm quy luật, các nhà quan sát thiên văn Trung Quốc đã lập ra các bản đồ sao rất lớn và tỷ mỉ, bằng phương pháp phân loại rất khoa học và công phu. Tiếp thu thành tựu từ bên ngoài
Thiên văn học Trung Quốc, không phải phát triển một mình. Từ thời Đông Hán (TK1-TK3) đã có rất nhiều nhà thiên văn Ấn Độ đến Trung Quốc và đóng vai trò dẫn dắt thiên văn Trung Quốc. Các nhà thiên văn lớn của Trung Quốc như Nhất Hạnh đều có thọ giáo họ. Chắc chắn, các nhà thiên văn Ấn Độ đã đem theo các kiến thức thiên văn từ Lưỡng Hà, Ai Cập và Hy Lạp vào Trung Quốc. Thời nhà Nguyên (TK13-TK14), các nhà thiên văn Hồi giáo cũng đến Trung Quốc và có nhiều ảnh hưởng mới, mang theo nhiều tri thức thiên văn ngả sang màu sắc chiêm tinh từ Trung Đông và Nam Âu. Sao chủ, sao khách và các sự kiện thiên văn
Dưới ảnh hưởng của Chiêm Tinh, thiên văn Trung Quốc chia các sao thành sao khách, xuất hiện không thường xuyên và sao chủ, xuất hiện cố định. Chúng ta thường nghe các đoạn nói về thiên văn như "Sao khách phạm vào địa phận Thái Bạch, hay Bắc Đẩu" hay "Huỳnh Hoặc xuất hiện ở phương Tây". Năm 1054 có một vụ nổ lớn sinh ra Crab Nebula (Tinh vân Con cua) theo ký hiệu thiên văn hiện đại là SN1054, được các nhà thiên văn Trung Quốc ghi nhận như một sao khách. Sự kiện này cũng được các nhà thiên văn Ả Rập ghi nhận, trong khi các nhà chiêm tinh Âu Châu không có ghi nhận nào. Nhị thập bát tú, tứ linh và thất tinh
Trong các chòm sao trong hệ thống phân loại chùm sao của Trung Quốc có Nhị thập bát tú (là 28 chòm sao chính, có hướng gần với mặt phẳng Hoàng Đạo). "Tú" là chòm sao, người Việt hay đơn giản hóa gọi thành "ngôi sao". Trong khi trong tiếng Trung Quốc "ngôi sao" phải là "tinh". Ví dụ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông là 28 chòm sao, chứ không phải là 28 vì sao.
Các chòm sao này chia làm 4 vùng, được các nhà chiêm tinh "giao" cho 4 con vật linh thiêng cai quản là "Chu tước", "Bạch hổ", "Thanh long" và "Huyền vũ" cai quản. Chẳng hạn thuộc Thanh Long có 7 chòm sao là Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ,... Các độc giả thích đọc tiểu thuyết Tàu nên nắm được tên của từng chòm sao trong Nhị thập bát tú và biết được tính cách cũng như điển tích ứng với mỗi chòm sẽ hiểu được thêm nhiều điều thú vị khi liên tưởng đến ý nghĩa. Tôi sẽ bàn chi tiết vào một dịp khác nếu bạn đọc có hứng thú. Các nhà thiên văn cổ Trung Quốc và các bản đồ sao
Hai tên tuổi nhà thiên văn Trung Quốc cụ thể (rất quan trọng, vì sử Trung Quốc đầy rẫy những nhân vật tưởng tượng) là Thạch Thân và Cam Đức thời Chiến Quốc (TK4 trước CN). Họ đã có hai tác phẩm Thạch Thân Thiên Văn và Thiên Văn Tinh Chiếm với các danh mục sao do họ lập. Đáng tiếc là các tác phẩm này đều thất truyền. Các sách còn sót lại có nhắc đến các tác phẩm này, do đó chúng ta có cơ sở để đoán rằng các tác phẩm này còn tồn tại tới TK6 trước khi mất tăm tích hoàn toàn. Trước Cam và Thạch có Vu Hàm được cho là một trong ba nhà thiên văn cổ điển của Trung Quốc. Tuy vậy, xung quanh Vu Hàm có rất nhiều tranh cãi và tồn nghi.
Trương Hành ( 78-139) là nhà thiên văn nổi tiếng thời Hán đã để lại phân loại gồm hơm 2500 vì sao và hơn 100 chòm sao, thực sự là đóng góp vĩ đại. Thời Tam Quốc có Trần Trác (220-280) , đã phân loại 283 chòm sao và 1464 vì sao. Thời Nguyên, có Quách Thủ Kính (1279-1368) đã lập một bảng phân loại mới có hàng ngàn vì sao. Đáng tiếc là tác phẩm này đã bị thủ tiêu. Sách Nghi Tượng khảo hành in năm 1757 có công bố 3083 vì sao.
Có lẽ các bản đồ sao mới là đóng góp đặc biệt và không thể thay thế của Thiên văn Trung Quốc. Rất khó xác định bản đồ sao sớm nhất có từ bao giờ vì chúng được vẽ trên bình gốm. Bản đồ sao sớm nhất được in là của Tô Tụng thời Tống (1020–1101) Tuy nhiên, trước đó có bản đồ sao Đôn Hoàng được tìm thấy trong di chỉ Đôn Hoàng thời Đường (TK8). Bản đồ này vẽ 1350 vì sao trên giấy, có thể coi là bản đồ sao cổ nhất. Các nhà thiên văn Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ cũng lập bản đồ sao, nhưng người ta không tìm thấy bản đồ nào chi tiết như bản đồ Đôn Hoàng. Các phát hiện của thiên văn cổ Trung Quốc
Các nhà thiên văn Trung Quốc đã thống kê hơn 1600 nhật nguyệt thực từ 750 trước Công Nguyên. Thạch Thân (TK4 trước CN) đã thấy được nhật thực có liên quan đến Mặt Trăng. Kinh Phòng (78-37 trước CN) cho rằng Mặt Trăng sáng do phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Thẩm Quát ( 1031–1095) đời Tống nhận thức Mặt Trăng và Mặt Trời hình cầu (Trước đó người TQ đều nghĩ Mặt Trăng, Mặt Trời là hai cái đĩa dẹt) chuyển động trên các quỹ đạo cách nhau nên không va vào nhau, ông cũng giải thích rõ hơn quan điểm của Thạch Thân và Kinh Phòng.
Đánh giá chung
Tóm lại, thiên văn Trung Quốc là một thành tựu lớn của loài người, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên do quá tập trung vào ứng dụng các kết quả này trong chiêm tinh, nên mặc dù về mặt dữ liệu rất đồ sộ, nhưng không có được một bức tranh hoàn hảo về thế giới. Điều đó chứng minh rằng, nếu không có hệ thống khái niệm lý thuyết đúng đắn làm cốt lõi cho hoạt động thực hành, sự phát triển sẽ không thể tạo ra sức mạnh lâu dài. Có lẽ đó cũng là đóng góp của Thiên văn Trung Quốc cho dù là một ví dụ tiêu cực.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Đọc Thơ thế nào cho bổ ích

1. Tôi về căn bản là người thực tế và thiên về triết lý. Tôi có thú đọc thơ, không nhiều lắm đến mức si cuồng, cũng không đến mức như một chuyên gia về thơ hay người làm thơ. Tôi thấy đọc thơ thú vị và thấy có ích lợi về tư duy và cả về triết lý nếu biết cách. 2. Kể ra hướng dẫn đọc thơ với nhan đề thế này, có vẻ cũng na ná như thường thức về chiên bít tết thế nào cho ngon hay uống rượu vang thế nào để tốt cho sức khỏe, cũng hơi tầm thường hóa và xúc phạm Nàng Thơ. Nhưng quả thực Thơ là một vưu vật của Tạo hóa được Con người mặc khải, nếu không biết để thưởng thức hoặc không biết thưởng lãm đúng nghĩa thì sống hoài phí.
3. Nói cho cùng, ích lợi của đọc thơ nếu không hơn thì cũng không kém nghe nhạc, đọc sách, xem tranhm vừa sướng khoái, vừa lành mạnh, vừa rèn luyện tính thần, suy nghĩ lại kích hoạt các ý tưởng mới. Tất nhiên, tôi không có ý định bàn sâu về các ích lợi mang tính "vị nhân sinh" như làm công cụ giải trí, giao lưu ở quán bia, hay để tiếp cận các bà, các cô thích sụt sịt với tình cảm sến, hoặc làm vũ khí chiến đầu như cụ Sóng Hồng. Các ích lợi này hiển nhiên là có vì bất cứ vũ khí gì dùng để đánh được quân thù thì đối kháng với phụ nữ và bạn bè chỉ là chuyện nhỏ. 4. Các chương trình đào tạo trí thức lớp trên (elite) cả Đông-Tây, Kim-Cổ đều có dạy về thơ. Điều đó chứng tỏ đọc-học thơ có lợi cho trí tuệ. Tuy nhiên, không phải nhồi nhét bất cứ thơ ca hò vè tục ngữ nào, và đơn thuần nuốt chửng thuộc lòng là sẽ có hiệu quả bổ trí não. Không phải cứ để xã hội nhồi cho Thơ nào thì nuốt thơ ấy như nhồi vịt vỗ béo, đều sẽ tốt cho thẩm mĩ. Trong hoàn cảnh dạy Thơ ở các trường phổ thông và tôn vinh Thơ trong xã hội từ nửa thế kỷ nay đều có vấn đề, việc thưởng thức thơ thụ động, vô cảm hoặc tạo cảm xúc vay mượn, chúng ta cần biết cách bổ khuyết. Nếu đã quá muộn thì cố gắng truyền lại kinh nghiệm thất bại cho thế hệ mai sau vậy.
5. Trước hết Thơ cũng như Nhạc, quan trọng nhất là mỹ cảm. Mỹ cảm hình thành nhờ cả ở tác phẩm và khiếu thẩm mĩ (gout) của chính bạn. Gọi là “khiếu” nhưng thực ra đây là năng lực được hình thành trong quá trình tiếp thu cái đẹp, tất nhiên phần nào cũng có chút ít tố chất, tạm coi là phúc đức. Nếu bạn có lỗ tai trâu, đương nhiên có nghe nhạc Beethoven suốt ngày, tôi ngờ vào việc bạn có thể hình thành năng lực thẩm mĩ tử tế. Tương tự, dù bạn có tai nghe của Bá Nha, nhưng mỗi khi khen bài giảng của GS Hoàng Chí Bảo, bạn được thưởng kẹo, và mỗi khi khen nhạc Chung Tử Kỳ phải lĩnh một cái tát, nếu bạn giữ được năng lực thẩm mĩ sau vài chục năm, tôi cho bạn là siêu nhân.
6. Dù bạn làm nghề gì, gout là cái quyết định tài năng của bạn. Nếu bạn dốt Toán hay tiếng Anh, bạn có thể kiên nhẫn, ai đó sẽ giúp bạn cải thiện. Nếu bạn có gout tồi, đó sẽ là tuyệt vọng, không ai muốn phí thời gian với bạn. Một GS một năm công bố hàng loạt công trình na ná nhau không thể nói là dốt, mà năng lực thẩm mĩ có vấn để. Rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu hay giá trị nào đáng kể cả. Not even wrong, thậm chí còn chưa được gọi là sai lầm. Cụ Khổng khuyên người đọc sách "nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân" mỗi ngày đều phải có sự đổi mới về trí tuệ và cảm xúc.
7. Thơ rèn luyện năng lực thẩm mĩ tốt nhất NẾU ... chúng ta đọc thơ đúng cách. Thế nào là đúng cách? Chắc nhiều người sẽ nói tôi muốn áp đặt cách đọc thơ. Mỗi người một cách, chắc gì năng lực thẩm mĩ của tôi có gì hay ho, có gì hơn người. Đúng vậy, năng lực thẩm mĩ không ai giống ai và không phân định lượng hơn kém như điểm số. Tuy vậy, vẫn có những tiêu chuẩn nhất định.
8 Nghệ thuật nào cũng gắn liền với khuôn khổ. Đôi khi nghệ thuật phải phá khuôn khổ để tiến lên, nhưng nghệ thuật tồn tại nhờ sự đấu tranh giữa khuôn khổ và nội dung. Bạn tự do lựa chọn cách rèn luyện năng lực thẩm mĩ, nhưng rốt cuộc phải sinh được mĩ cảm. Và mĩ cảm đó phải phù hợp với con người thực của bạn. Xã Xệ, Lý Toét nghe nhạc giao hưởng, mặc complet không thể là mĩ cảm lành mạnh.
9. Để có mĩ cảm và tối thiểu là phân biệt thơ với hò vè, cần nắm được thi tứ. Và vì vậy, cố nhiên chỉ nên đọc các loại thơ thực sự có thi tứ. Do phương tiện biểu đạt của Thơ rất hạn chế nên thi tứ là một ngụ ý ẩn náu trong ngôn từ, không thể cắt nghĩa tường minh mà phụ thuộc vào vốn văn hoá và trải nghiệm về thơ của chính bạn tạo thành. Thi tứ giống như một bức tranh hoặc giống một làn điệu nhạc, diễn tả một ý tưởng, hình ảnh hoặc cảm xúc có sức gợi mở và liên tưởng. Gợi mở và liên tưởng càng đa dạng, càng lớn thì giá trị càng cao.
10. Như vậy, Thơ chuyển qua các trường phái Ấn tượng và Tượng trưng là tất yếu. Bạn chưa hiểu được thơ tượng trưng hoặc ấn tượng là chưa hiểu được đạo lý của Thơ. Khi các hình ảnh tả cảnh, tả tình của thơ Lãng mạn đã khai thác hết uy lực, trở nên sáo mòn. Bấy giờ Thơ trở nên nhàm chán như một ván bài domino, vần điệu và nội dung đều bị tất định đến mức không còn chỗ để người đọc có thể sáng tạo ra mĩ cảm. Đừng nghe mấy ông giáo sư văn học kiêm cán bộ tuyên truyền xã phán tầm bậy bảo Ấn tượng và Tượng trưng là sự bế tắc của văn học tư sản. Những nền thi ca trác tuyệt đều đã có tính tượng trưng và ấn tượng, và đó mới là giá trị cao nhất của thơ. 11. Như vậy, nếu thơ có được những ấn tượng tinh tế (không đơn giản) hoặc tổ hợp độc đáo của các biểu tượng, sức gợi mở sẽ lớn hơn nhiều. Khi đó thi tứ không phải là một mệnh đề, cho dù là một minh triết. Cần phân biệt thi tứ với đại ý là cái xác định, có thể tóm lược và không có sức gợi mở. Nói về đại ý của bài thơ thì cũng như mô tả sức cháy của một cây dương cầm khi đem đốt. Vì vậy kể lại bài thơ, dù là một bài trường ca là một việc phản thẩm mĩ.
12. Tìm thi tứ của bài thơ là một quá trình ngược với quá trình sáng tác từ ý thơ mà viết thành bài thơ, hay từ bố cục phác thảo tạo nên bức tranh. Nếu như mỗi nét phất, mỗi mảng, mỗi màu đều có chủ ý, thì mỗi từ, nhịp điệu, hình ảnh, âm điệu đều có chủ đích. Vì vậy, bên cạnh việc tương thông tức thời, bắt được “tần số” của bài thơ, việc giải mã tìm thi tứ rất quan trọng. Chính đây là lợi ích của việc đọc thơ. Đọc văn bản hoặc đọc ngôn ngữ cơ thể, có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nhưng điểm quan trọng trong đọc thơ vẫn phải nắm bắt được ý sau câu chữ. Toàn bộ nhận thức của con người hơn kém nhau chỉ ở việc đọc. Đọc là lấy được thông tin cần thiết dựa trên dữ liệu đã có.
13.Theo nghĩa như vậy, có thể là do may mắn ngẫu nhiên, thơ Đường thực sự là ấn tượng và tượng trưng, có khả năng gợi mở nhiều nhất. Ngô Tùng Phong đã từng nói ngôn ngữ Trung là văn khiêu ý. Khiêu ý không tốt cho truyền đạt, mô tả chính xác nhưng cực hay cho Thơ. Tôi thấy đọc thơ Đường cực kỳ bổ ích. Có được cái thú đọc thơ Đường là một ân sủng trời cho. Đọc thơ Đường, sẽ thấy thơ ấn tượng và tượng trưng của Âu Mỹ có nhiều cái rất tương đồng.
14. Đọc thơ nói chung có lợi cho học từ và rèn luyện tư duy. Dạy thơ Việt hiện nay rất kém, không phải do số lượng giờ dạy hoặc số các bài thơ, mà chưa hề dạy cách đọc Thơ. Nếu đọc thơ tốt, bạn sẽ đọc kinh, sách và triết học dễ dàng.