Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Đọc Thơ thế nào cho bổ ích

1. Tôi về căn bản là người thực tế và thiên về triết lý. Tôi có thú đọc thơ, không nhiều lắm đến mức si cuồng, cũng không đến mức như một chuyên gia về thơ hay người làm thơ. Tôi thấy đọc thơ thú vị và thấy có ích lợi về tư duy và cả về triết lý nếu biết cách. 2. Kể ra hướng dẫn đọc thơ với nhan đề thế này, có vẻ cũng na ná như thường thức về chiên bít tết thế nào cho ngon hay uống rượu vang thế nào để tốt cho sức khỏe, cũng hơi tầm thường hóa và xúc phạm Nàng Thơ. Nhưng quả thực Thơ là một vưu vật của Tạo hóa được Con người mặc khải, nếu không biết để thưởng thức hoặc không biết thưởng lãm đúng nghĩa thì sống hoài phí.
3. Nói cho cùng, ích lợi của đọc thơ nếu không hơn thì cũng không kém nghe nhạc, đọc sách, xem tranhm vừa sướng khoái, vừa lành mạnh, vừa rèn luyện tính thần, suy nghĩ lại kích hoạt các ý tưởng mới. Tất nhiên, tôi không có ý định bàn sâu về các ích lợi mang tính "vị nhân sinh" như làm công cụ giải trí, giao lưu ở quán bia, hay để tiếp cận các bà, các cô thích sụt sịt với tình cảm sến, hoặc làm vũ khí chiến đầu như cụ Sóng Hồng. Các ích lợi này hiển nhiên là có vì bất cứ vũ khí gì dùng để đánh được quân thù thì đối kháng với phụ nữ và bạn bè chỉ là chuyện nhỏ. 4. Các chương trình đào tạo trí thức lớp trên (elite) cả Đông-Tây, Kim-Cổ đều có dạy về thơ. Điều đó chứng tỏ đọc-học thơ có lợi cho trí tuệ. Tuy nhiên, không phải nhồi nhét bất cứ thơ ca hò vè tục ngữ nào, và đơn thuần nuốt chửng thuộc lòng là sẽ có hiệu quả bổ trí não. Không phải cứ để xã hội nhồi cho Thơ nào thì nuốt thơ ấy như nhồi vịt vỗ béo, đều sẽ tốt cho thẩm mĩ. Trong hoàn cảnh dạy Thơ ở các trường phổ thông và tôn vinh Thơ trong xã hội từ nửa thế kỷ nay đều có vấn đề, việc thưởng thức thơ thụ động, vô cảm hoặc tạo cảm xúc vay mượn, chúng ta cần biết cách bổ khuyết. Nếu đã quá muộn thì cố gắng truyền lại kinh nghiệm thất bại cho thế hệ mai sau vậy.
5. Trước hết Thơ cũng như Nhạc, quan trọng nhất là mỹ cảm. Mỹ cảm hình thành nhờ cả ở tác phẩm và khiếu thẩm mĩ (gout) của chính bạn. Gọi là “khiếu” nhưng thực ra đây là năng lực được hình thành trong quá trình tiếp thu cái đẹp, tất nhiên phần nào cũng có chút ít tố chất, tạm coi là phúc đức. Nếu bạn có lỗ tai trâu, đương nhiên có nghe nhạc Beethoven suốt ngày, tôi ngờ vào việc bạn có thể hình thành năng lực thẩm mĩ tử tế. Tương tự, dù bạn có tai nghe của Bá Nha, nhưng mỗi khi khen bài giảng của GS Hoàng Chí Bảo, bạn được thưởng kẹo, và mỗi khi khen nhạc Chung Tử Kỳ phải lĩnh một cái tát, nếu bạn giữ được năng lực thẩm mĩ sau vài chục năm, tôi cho bạn là siêu nhân.
6. Dù bạn làm nghề gì, gout là cái quyết định tài năng của bạn. Nếu bạn dốt Toán hay tiếng Anh, bạn có thể kiên nhẫn, ai đó sẽ giúp bạn cải thiện. Nếu bạn có gout tồi, đó sẽ là tuyệt vọng, không ai muốn phí thời gian với bạn. Một GS một năm công bố hàng loạt công trình na ná nhau không thể nói là dốt, mà năng lực thẩm mĩ có vấn để. Rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu hay giá trị nào đáng kể cả. Not even wrong, thậm chí còn chưa được gọi là sai lầm. Cụ Khổng khuyên người đọc sách "nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân" mỗi ngày đều phải có sự đổi mới về trí tuệ và cảm xúc.
7. Thơ rèn luyện năng lực thẩm mĩ tốt nhất NẾU ... chúng ta đọc thơ đúng cách. Thế nào là đúng cách? Chắc nhiều người sẽ nói tôi muốn áp đặt cách đọc thơ. Mỗi người một cách, chắc gì năng lực thẩm mĩ của tôi có gì hay ho, có gì hơn người. Đúng vậy, năng lực thẩm mĩ không ai giống ai và không phân định lượng hơn kém như điểm số. Tuy vậy, vẫn có những tiêu chuẩn nhất định.
8 Nghệ thuật nào cũng gắn liền với khuôn khổ. Đôi khi nghệ thuật phải phá khuôn khổ để tiến lên, nhưng nghệ thuật tồn tại nhờ sự đấu tranh giữa khuôn khổ và nội dung. Bạn tự do lựa chọn cách rèn luyện năng lực thẩm mĩ, nhưng rốt cuộc phải sinh được mĩ cảm. Và mĩ cảm đó phải phù hợp với con người thực của bạn. Xã Xệ, Lý Toét nghe nhạc giao hưởng, mặc complet không thể là mĩ cảm lành mạnh.
9. Để có mĩ cảm và tối thiểu là phân biệt thơ với hò vè, cần nắm được thi tứ. Và vì vậy, cố nhiên chỉ nên đọc các loại thơ thực sự có thi tứ. Do phương tiện biểu đạt của Thơ rất hạn chế nên thi tứ là một ngụ ý ẩn náu trong ngôn từ, không thể cắt nghĩa tường minh mà phụ thuộc vào vốn văn hoá và trải nghiệm về thơ của chính bạn tạo thành. Thi tứ giống như một bức tranh hoặc giống một làn điệu nhạc, diễn tả một ý tưởng, hình ảnh hoặc cảm xúc có sức gợi mở và liên tưởng. Gợi mở và liên tưởng càng đa dạng, càng lớn thì giá trị càng cao.
10. Như vậy, Thơ chuyển qua các trường phái Ấn tượng và Tượng trưng là tất yếu. Bạn chưa hiểu được thơ tượng trưng hoặc ấn tượng là chưa hiểu được đạo lý của Thơ. Khi các hình ảnh tả cảnh, tả tình của thơ Lãng mạn đã khai thác hết uy lực, trở nên sáo mòn. Bấy giờ Thơ trở nên nhàm chán như một ván bài domino, vần điệu và nội dung đều bị tất định đến mức không còn chỗ để người đọc có thể sáng tạo ra mĩ cảm. Đừng nghe mấy ông giáo sư văn học kiêm cán bộ tuyên truyền xã phán tầm bậy bảo Ấn tượng và Tượng trưng là sự bế tắc của văn học tư sản. Những nền thi ca trác tuyệt đều đã có tính tượng trưng và ấn tượng, và đó mới là giá trị cao nhất của thơ. 11. Như vậy, nếu thơ có được những ấn tượng tinh tế (không đơn giản) hoặc tổ hợp độc đáo của các biểu tượng, sức gợi mở sẽ lớn hơn nhiều. Khi đó thi tứ không phải là một mệnh đề, cho dù là một minh triết. Cần phân biệt thi tứ với đại ý là cái xác định, có thể tóm lược và không có sức gợi mở. Nói về đại ý của bài thơ thì cũng như mô tả sức cháy của một cây dương cầm khi đem đốt. Vì vậy kể lại bài thơ, dù là một bài trường ca là một việc phản thẩm mĩ.
12. Tìm thi tứ của bài thơ là một quá trình ngược với quá trình sáng tác từ ý thơ mà viết thành bài thơ, hay từ bố cục phác thảo tạo nên bức tranh. Nếu như mỗi nét phất, mỗi mảng, mỗi màu đều có chủ ý, thì mỗi từ, nhịp điệu, hình ảnh, âm điệu đều có chủ đích. Vì vậy, bên cạnh việc tương thông tức thời, bắt được “tần số” của bài thơ, việc giải mã tìm thi tứ rất quan trọng. Chính đây là lợi ích của việc đọc thơ. Đọc văn bản hoặc đọc ngôn ngữ cơ thể, có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nhưng điểm quan trọng trong đọc thơ vẫn phải nắm bắt được ý sau câu chữ. Toàn bộ nhận thức của con người hơn kém nhau chỉ ở việc đọc. Đọc là lấy được thông tin cần thiết dựa trên dữ liệu đã có.
13.Theo nghĩa như vậy, có thể là do may mắn ngẫu nhiên, thơ Đường thực sự là ấn tượng và tượng trưng, có khả năng gợi mở nhiều nhất. Ngô Tùng Phong đã từng nói ngôn ngữ Trung là văn khiêu ý. Khiêu ý không tốt cho truyền đạt, mô tả chính xác nhưng cực hay cho Thơ. Tôi thấy đọc thơ Đường cực kỳ bổ ích. Có được cái thú đọc thơ Đường là một ân sủng trời cho. Đọc thơ Đường, sẽ thấy thơ ấn tượng và tượng trưng của Âu Mỹ có nhiều cái rất tương đồng.
14. Đọc thơ nói chung có lợi cho học từ và rèn luyện tư duy. Dạy thơ Việt hiện nay rất kém, không phải do số lượng giờ dạy hoặc số các bài thơ, mà chưa hề dạy cách đọc Thơ. Nếu đọc thơ tốt, bạn sẽ đọc kinh, sách và triết học dễ dàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét