Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Nhân lũy thừa, đồng nhất thức Cambell-Haussdorf và mở rộng các khái niệm

NHÂN LŨY THỪA VÀ ĐỒNG NHẤT THỨC CAMBELL-HAUSSDORF

Trong chương trình toán sơ cấp, có một miếng vá víu xấu xí, trình bày rất vụng về mặt logic mà ít ai để ý là công thức nhân lũy thừa của các số thực đơn giản a^x a^y = a^(x+y). Công thức này được hầu hết các học sinh thừa nhận hiển nhiên từ công thức nhân lũy thừa cho số nguyên a^n a^m = a^(m+n).

Tôi nhớ đã từng thắc mắc vì thấy không thể nào chứng minh được công thức nhân lũy thừa cho số thực từ định nghĩa ban đầu của nó. Thầy dạy toán của tôi thời đó là thầy Đặng Quan Viễn có lẽ là một nhà nghiên cứu giỏi hơn là một nhà sư phạm đã dành gần hết thời gian một học kỳ cho môn Đại số để chứng minh công thức này. Tôi còn nhớ nhiều khi thầy đứng cả nửa tiếng trước bảng một mình, mặc cho lũ học sinh cá biệt chúng tôi phá quấy, chuyện riêng, đánh cờ ca rô búng tay, vẩy mực vào áo nhau, ném giấy về phía bọn con gái. Bọn học sinh ngoan thì bối rối vì mách thầy là vô hiệu. Có lẽ chỉ có mình tôi vừa tham gia quậy phá tích cực vừa để ý tới thầy. Nhận thức được khó khăn này trong giáo trình, có lẽ là điểm tôi học được, luôn kính trọng và biết ơn thầy trong suốt quãng đời làm khoa học của mình. 

Về định nghĩa của lũy thừa của một số thực a, trước hết được định nghĩa lũy thừa số nguyên dương n là tích n lần của a: a^n = a.a....a (n lần). Khi đó công thức nhân lũy thừa là hiển nhiên.  Sau đó, người ta mở rộng lũy thừa cho số nguyên âm -n là nghịch đảo của a^n   a^(-n) = 1/a^n. Rồi tiếp tục mở rộng lũy thừa với số mũ hữu tỷ n/m  là a^(m/n) căn bậc n của a^m.

Việc mở rộng khái niệm lũy thừa với số mũ thực dạy rất sơ sài, gần như cho qua chuyện, do đó học sinh hoàn toàn không thấy lý thú một chút nào. Đặc biệt, công thức Moivre, gần như là nhồi sọ, vì không hề có bất cứ định nghĩa nào về lũy thừa với số mũ phức. Tuy nhiên, có lẽ cần dành thời lượng nhiều hơn và một cách dạy lý thú, động não hơn về phần này. Đây là một cơ hội để học sinh tiếp cận với việc mở rộng khái niệm toán học, có lẽ thao tác này sẽ là cơ bản đối với các nhà toán học tương lai, và nếu dạy khéo, sẽ là một kỹ năng cao cấp đối với những người không làm toán.

Trong giáo trình toán phổ thông cũ, thậm chí trên Wikipedia phần tiếng Việt, lũy thừa với số mũ được định nghĩa là giới hạn của lũy thừa số hữu tỷ "vì số thực là giới hạn của số hữu tỷ". Như vậy  a^x = lim a^b khi b --> x.  Phải nhận ra là mệnh đề "vì..." nói trên hoàn toàn vô nghĩa, trước hết mệnh đề đó không đảm bảo giới hạn là tồn tại. Do đó, nếu có học sinh giỏi toán nào để ý học phần này, thì hoàn toàn chỉ làm hại thần kinh của mình và thấy kiến thức sách giáo khoa không còn gì là thiêng liêng. Để hiểu sâu sắc được phần này, chắc chắn phải động đến các khái niệm cơ bản của toán giải tích như lát cắt, tính trù mật của trường số thực,....  Do đó cũng thật khó khăn để có thể giải thích kỹ càng phần này. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, đã dạy thì phải có nguyên tắc, không thì thôi, không dạy nửa vời phản logic. Phần giới hạn đã cho học sinh hiểu là giới hạn không chắc đã tồn tại, thì phần này không thể dạy như vậy. Để khắc phục, có một cách là khái niệm lũy thừa của số vô tỷ ra chỗ khác để đừng liên quan đến giới hạn, chẳng hạn có thể đưa vào chương trình sớm hơn, dưới dạng các quy tắc. Tương tự như việc nhân hai số thập phân hoặc hai số vô tỷ, chẳng ai căn vặn gì nhiều vì quy tắc là quy tắc, chỉ việc học và áp dụng. Chính quy tắc thể hiện định nghĩa dưới hình thức thực nghiệm (empirical).

Ở chương trình lớp trên hoàn toàn đủ thời gian và cần thiết để dạy một số khái niệm của toán giải tích, có thể bằng một ngôn ngữ sơ cấp trực quan và sống động, yêu cầu động não, tránh nhồi nhét về tính hội tụ và phân kỳ, tính chất trù mật, sắp được của số thực, khái niệm liên tục. Chẳng hạn, có thể dạy về việc mở rộng khái niệm số, nhấn mạnh phương pháp luận, nguyên tắc của việc mở rộng và giải thích yêu cầu thực tế cũng như ích lợi của việc mở rộng. Một hệ quả của việc không rèn luyện cẩn thận về phương pháp luận và nguyên tắc của việc mở rộng là việc Việt Nam nhan nhản những nhà khoa học mở rộng, tổng quát hóa vô nguyên tắc, chẳng biết mình đang làm gì. Từ tổng quát hóa vô nguyên tắc của nhà khoa học, tới việc chụp mũ, ngụy biện lươn lẹo, nâng quan điểm của các những người có chút quyền lực hay của toàn xã hội cũng chỉ cần thêm vào chút bả lợi ích và phát lộ bản năng chà đạp lẫn nhau. Biết đâu việc dạy toán cũng có phần trách nhiệm với xã hội hôm nay.

Việc mở rộng số thực sang số phức ở trường phổ thông hoàn toàn mang tính quy ước dưa trên ký hiệu i là căn bậc 2 của -1, mà không có một cơ sở phương pháp nào cho phép cộng nhân ký hiệu đó với số thực. Trong khi đó, chỉ cần có một khung phương pháp tốt về mở rộng, việc dạy số phức và công thức Moivre hoàn toàn không khó và đáng ra có thể mang lại lợi ích suốt đời cho học sinh phổ thông.

Đối với cá nhân tôi, công thức nhân lũy thừa vẫn còn ám ảnh đến bây giờ và suy nghĩ về nó vẫn còn có ích. Trong toán học không có gì là hiển nhiên bất biến cả. Nếu học toán để rồi nghĩ rằng các tín điều hiển nhiên trong xã hội là bất khả xâm phạm, thì có lẽ xã hội đã sai lầm đầu tư cho bạn đi học và làm toán.  

Việc mở rộng công thức nhân lũy thừa có thể tiếp tục với các đối tượng rộng hơn số phức, chẳng hạn là với số mũ là các ma trận, toán tử hoặc các số siêu phức như quaternion, octonion (số Calley) hoặc các số Grassmann, Clifford. Trong Vật lý, việc sử dụng các đại lượng lấy giá trị mở rộng như vậy có từ thời phát minh ra cơ lượng tử, khi người ta hiểu rằng muốn mô tả các đại lượng thăng giáng ngẫu nhiên phải nhờ đến các ma trận hoặc các toán tử có thể không giao hoán như các số.

Công thức nhân lũy thừa đối với ma trận thường gọi là đồng nhất thức Cambell-Haussdorf. exp(A) . exp (B) = exp (A+B+ 1/2[A, B]).  Trong trường hợp 1/2[A, B] là một số, ta có exp(A) exp(B) = exp (1/2[A, B]) exp (A+B).  Tức là phép nhân lũy thừa không còn tương ứng 1-1 với phép cộng số mũ nữa. Đối với các toán tử nói chung, đồng nhất thức Cambell-Haussdorf chỉ đúng khi tập hợp các toán tử là kết hợp, tức là [A, [A, B]] = 0 = [B, [A, B]]. Một học sinh giỏi toán có thể đặt ngay câu hỏi nếu các toán tử không thỏa mãn điều kiện kết hợp thì công thức nhân lũy thừa Cambell-Haussdorf sẽ ra sao. Có thể trả lời trước là công thức tổng quát Cambell-Haussdorf-Hubbard là một chuỗi vô tận, có thể dừng lại nếu đưa ra giả thiết nhất định. Như vậy đồng nhất thức này có thể dùng để hiểu việc mở rộng các cấu trúc toán tử, khi có yêu cầu thực tế.

Lấy một ứng dụng cụ thể là toán tử đạo hàm. Đạo hàm chính là toán tử sinh ra phép tịnh tiến F(x) --> F(x+a) nhờ công thức Taylor viết dưới dạng F(x+a) = e^(a^\mu \partial_\mu) F(x). Toán tử e^(a^\mu \partial_\mu) là biểu diễn của phép tịnh tiến. Trên không gian Euclide n-chiều, do các đạo hàm giao hoán nên không có gì lý thú liên quan đến đồng nhất thức Cambell-Haussdorf khi nhân lũy thừa, hay thực hiện hai phép tịnh tiến liên tiếp.

Chúng ta hãy xét các không gian ( nói một cách toán học là đa tạp nhưng dùng không gian cho đỡ tốn bộ nhớ vì khái niệm) Riemann. Khi đó có các toán tử đạo hàm hiệp biến D_\mu = \partial_\mu + i A_\mu(x) với A_\mu(x) gọi là liên thông, chính là các trường vật lý có thể quan sát được. Đạo hàm hiệp biến là toán tử không giao hoán  [D_\mu, D_\n] = F_{\mu \nu} đại lượng F_{\mu \nu} chính là cường độ của trường vật lý, ví dụ như điện trường và từ trường xuất hiện là nhờ tính không giao hoán của phép tính tiến. Nói một cách khác, các trường vật lý như điện và từ trường đã phá vỡ tính giao hoán của các phép biến đổi tịnh tiến. Như vậy, tính giao hoán bị tự nhiên phá vỡ trước khi nói đến lượng tử.

 Phép tịnh tiến trên không gian Riemann được biểu diễn bằng toán tử e^(a^\mu D_\mu) và ta có e^(a^\mu D_\mu) F(x) = alpha (a, x) F(x+a).  Thừa số alpha(a,x) xuất hiện và gọi là 1-cocycle, là một đại lượng đo sự méo đi của không gian, được nghiên cứu trong một nhánh của tô pô là lý thuyết đồng điều. Như thế, các tư tưởng của toán học hiện đại xuất hiện hết sức tự nhiên, mà một học sinh trung học, nếu được dạy đúng cách, có thể hiểu dễ dàng.

Áp dụng liên tiếp hai lần phép tịnh tiến theo vector a1 và a2 chúng ta có exp (a1^\mu D_\mu) exp(a^\nu D_\nu) =  \alpha(a1, a2, x, 2) exp((a1+a2)^\mu D_mu).   Trong đó \alpha(a1,a2,x, 2) gọi là 2-cocycle. Ở đây chúng ta bắt buộc phải dùng công thức Cambell-Haussdorf để tính \alpha(a1,a2,x,2). Ở đây có rắc rối một chút, nhưng 2-cocycle có thể tính ra được bằng tích phân vòng theo chu vi của tam giác với các đỉnh x, x+a1, x+a1+a2 theo cường độ trường nói ở trên. Áp dụng công thức Gauss-Stokes, tích phân đó không triệt tiêu nếu trong tam giác đó có các đường sức đi qua. Áp dụng trong vật lý, ta sẽ thấy một hiện tượng không bình thường: nếu một hạt mang điện chuyển động trong một không gian, trên đường đi có thể không có tác động nào của trường vật lý, nhưng nó sẽ cảm thấy được cái trường vật lý đó, khi chuyển động theo hai đường đi khác nhau nhờ 2-cycle. Trong vật lý đây gọi là hiệu ứng Bohm-Arahonov phát hiện trong những năm 70 của thế kỷ trước và được công ty Hitachi đầu tư để thực nghiệm.

Quay trở lại việc tiếp tục mở rộng đồng nhất thức Cambell-Haussdorf cho các toán tử không kết hợp, chúng ta có thể áp dụng ba phép tịnh tiến liên tiếp.
     exp(a1^\mu D_mu) exp(a2^mu D_\mu) exp (a3^\mu D_\mu) = \alpha(a1,a2, a3, x, 3) exp((a1+a2+a3)^\mu D_mu) với alpha (a1,a2,a3,x,3) là 3-cocycle. Tương tự ta có các cocycle bậc cao hơn và tính được chúng qua các lớp đặc trưng Chern-Pontrijagin, Chern-Simon của các không gian Riemann và chúng có các ý nghĩa vật lý là các nguồn vật chất đặc biệt như đơn cực từ, soliton,... Đó là công trình đầu tiên của tôi viết độc lập tại Việt Nam được đăng trên một tạp chí ISI.

    Điều đáng nói là về kỹ thuật công trình này rất đơn giản và tự nhiên, đến mức mọi học sinh trung học đều có thể hiểu nếu được giảng giải kỹ càng. Mặt khác, nó liên hệ rất nhiều ý tưởng từ toán sơ cấp, phương pháp mở rộng từng bước, có nguyên tắc, có quan sát vật lý, đến các khái niệm của toán tôpô khá advanced.  Đặc biệt, lý thuyết này còn có thể tiếp tục phát triển để đưa ra các khái niệm mới về lý thuyết biểu diễn các phép biến đổi, do ở đây tính đồng phôi không còn được bảo đảm. Có thể gia công thêm để có một lý thuyết biểu diễn nhóm đối xứng với các cocycle có các ý nghĩa vật lý.

Một biểu diễn nhóm đối xứng thường tương ứng với một đối tượng vật lý như hạt hay trường. Trong một công trình khác tôi đã áp dụng một cách biểu diễn khác với biểu diễn tuyến tính là biểu diễn phi tuyến để thu được một mô hình vật lý phù hợp với thực nghiệm tốt hơn mô hình của Skyrme-Adkin-Nappi-Witten. Có cơ sở để thấy rằng các biểu diễn với các cấu trúc đồng điều như đã thấy từ việc suy rộng công thức nhân lũy thừa sẽ có những hiệu ứng vật lý khác nhau. Và đáng nói hơn, thực tế vật lý dường như không tuân biểu diễn tuyến tính, cũng như không tuân theo luật giao hoán. Các cấu trúc trừu tượng như các đại lượng không giao hoán, không kết hợp hoặc rộng hơn nữa, bắt đầu chỉ là trò chơi của tư duy, ở một môi trường tự nhiên nào đó, sẽ thể hiện trong thực tế. Sự phù hợp giữa tư duy và thực tiễn có lẽ là bí mật cả đời của tôi mà tôi vẫn luôn tò mò với tinh thần xây dựng, mặc dù vẫn còn nhiều nỗi lo toan.

Lý thuyết xác suất và ngôn ngữ học tính toán

Ứng dụng lý thuyết xác suất vào ngôn ngữ học dựa trên một quan sát hết sức đơn giản:  "Cho một câu, hoặc một cụm từ, làm thế nào để biết đó là một câu hoặc cụm từ sai hay đúng".

Để làm điều đó, hãy quan sát người đánh giá. Đa phần là đọc đi đọc lại câu hoặc cụm từ đó. Nếu cảm thấy "quen quen" thì nhiều khả năng là đúng, nếu nghe "lạ tai" thì nhiều khả năng là sai. Nếu toàn bộ xã hội thấy "lạ tai" thì chắc chắn là sai. Tất nhiên còn một khả năng nữa là phân tích ngữ pháp. Tuy nhiên, một câu kiểu như "cối đá chạy băng băng bằng hai chân và há mồm nuốt chửng tòa nhà" có thể đúng về ngữ pháp nhưng không có ý nghĩa gì.

Để lượng hóa tính chất "quen quen" hay "lạ tai" người ta có thể dùng lý thuyết xác suất. Cho hai câu gần giống nhau S1 và S2, người ta có thể phân định, câu S1 đúng hơn S2, nếu tần suất xuất hiện của S1 nhiều hơn S2. Cố nhiên giả thiết này có thể tranh biện, nhưng trong thực tế cách phân định này vẫn được áp dụng theo nguyên tắc "phổ thông đầu phiếu". Điều đó có nghĩa là ba anh thợ giày vẫn thắng một anh bác học hay chữ. Như vậy "soi mói" hoặc "thăm quan" có thể coi là những từ đúng chính tả, theo cùng một lý luận. Theo cách "phổ thông đầu phiếu" như vậy có thể dùng phương pháp "hỏi cụ Google" và đếm tần suất xuất hiện của S1 và S2 trên Google. Nếu giả thiết Google có thể coi như là xấp xỉ tốt của việc sử dụng ngôn ngữ trong thực tế (do mẫu đủ lớn và đủ ngẫu nhiên), thì hoàn toàn có thể viết một phần mềm "hỏi Google". Trong thực tế, nếu bạn viết một câu hoặc cụm từ (tiếng Anh, Việt hay bất cứ ngoại ngữ nào) mà bạn không dám chắc có đúng không, tôi khuyên bạn nên search trên Google (nhớ để cả câu trong ngoặc kép). Nếu các nguồn đáng tin cậy đều xuất hiện các câu hoặc cụm câu như thế, bạn có thể gần như chắc chắn là câu đó có thể dùng được. Trong trường hợp câu đó sai, bạn có thể có excuse là "cả làng đều mắt toét".

Vấn đề tiếp theo đặt ra là nếu cả S1 và S2 đều chưa xuất hiện lần nào (ít ra trong kho tri thức cá nhân của tôi) thì làm thế nào để đánh giá được S1 và S2. Không cần lý thuyết cao siêu, chỉ dùng lương năng, chúng ta có thể "sáng tác" ra ngay được một phương pháp: tách S1 và S2 thành các thành phần đã xuất hiện trong kinh nghiệm ( nghe "quen quen"). Câu nào có nhiều thành phần "quen quen" hơn có thể sẽ có khả năng đúng nhiều hơn. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề là việc gắn kết các thành phần "quen quen" lại với nhau sẽ đánh giá như thế nào. Để làm điều đó, chúng ta có thể dùng khái niệm covering sets (phương pháp ưa thích của các nhà topo học). Chúng ta sẽ phủ các câu bằng các đoạn. Sau đó chúng ta có thể tính giá trị "quen quen" của câu dựa trên giá trị "quen quen" của mỗi đoạn đó bằng một công thức nào đó.

Trong thực tế, các nhà xử lý ngôn ngữ thường dùng mô hình n-gram, sử dụng xác suất để một từ thứ n là w(n) đứng sau dãy w1....w(n-1). Xác suất này thực ra là xác suất của sự kiện dùng w1... w(n) trong đời sống. Như vậy xác suất này được tính thế nào? Người ta dùng một phương pháp được gọi là mô hình ngôn ngữ (language model) hoặc khối liệu văn bản (text corpus), trong đó tích lũy tất cả các câu có thể tìm thấy (chẳng hạn bằng cách lấy trên Web về). Sau đó đếm các n-gram, tức là chuỗi gồm n từ (hoặc âm vị) bắt đầu bằng w1... w(n-1). Nếu tổng số của các n-gram này là N và số n-gram w1... w(n-1) x là N(x), thì xác suất của n-gram w1...w(n-1) x sẽ là N(x)/N. Mô hình giản đơn nhất là mô hình 2-gram. Như vậy xác suất của một câu w1... w(M) sẽ là P(w1).P(w1w2).P(w2.w3)....P(w(M-1)w(M)). Tương tự, ta có các mô hình 3, 4,..., n-gram. Như vậy, câu nào có xác suất cao hơn ắt hẳn sẽ "đúng" hơn.

Mô hình n-gram dù sao cũng đưa ra được một cách tính nhất quán. Cũng như việc đánh giá thi đua, tính lương, cho điểm, bầu cử, trao bằng cấp, chia chác quyền lợi cũng đều có tính tương đối, nhưng quan trọng nhất là luôn luôn thực hiện được và nhất quán. Tuy nhiên, mô hình n-gram dựa trên quá nhiều giả thiết hidden, mà mỗi giả thiết như vậy cần phải làm rõ giới hạn. Thứ nhất, là nếu một câu dù ít được dùng vì một lý do nào đó, chẳng hạn quá cao siêu về ý nghĩa, nhưng nếu đã được chấp nhận thì nó vẫn đúng 100% cho dù tính kiểu nào. Lấy ví dụ câu thành ngữ "anh em kiến giả nhất phận" thường được dùng sai thành "anh em kiến giải nhất phận". Nếu áp dụng mô hình 2-gram, rõ ràng xác suất dùng "kiến giải" lớn hơn xác suất "kiến giả" trong thực tế. Nếu theo công thức xác suất 2-gram, câu sai sẽ có xác suất lớn hơn. Trong khi đó nếu dùng Google sẽ thấy câu đúng xuất hiện nhiều hơn câu sai.

Như vậy, việc ứng dụng Toán học cũng phải có tiêu chí thực nghiệm như trong vật lý. Dường như mô hình n-gram vẫn chưa lột tả hết được ý tưởng covering set đơn sơ ban đầu.

Những điều chưa nói về hạt Higgs

Trưa nay ngồi với hai ông bạn kết nghĩa vườn đào từ hồi lớp 1, tức là cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Tình cờ lại nói chuyện về hạt Higgs. Mình cũng chẳng hiểu tại sao xã hội lại quan tâm nhiều thế đến hạt Higgs, mà không quan tâm mấy đến những vấn đề như lỗi ngữ pháp tiếng Việt. Câu hỏi cuối cùng của ông bạn mình, mình cho là hợp lý nhất: tại sao tìm ra được hạt Higgs lại thú vị đến thế? Mình nghĩa là do truyền thông và các nhà triết học hơi ầm ĩ, nào là hạt sinh khối lượng, nào là hạt thống nhất tương tác. Vấn đề này không khéo gây nhiều ngộ nhận. Do đó phóng bút viết chơi về hạt Higgs theo phong cách Higgs for Dummies, nhưng có nhiều chuyên gia vật lý cũng chưa nói tới hoặc chưa để ý đến.

Trước tiên, cần để ý là hạt Higgs được nói nhiều trong năm 2013 và hai nhà lý thuyết là Higgs và Englert được giải thưởng Nobel, nhưng điều bất thường là lãnh đạo nhóm thực nghiệm "tìm ra hạt Higgs" thì không được giải thưởng. Điều này trái với lệ thường, khi tìm ra vi phạm chẵn lẻ, các quark b, t, c, s và các hạt W, Z boson các nhà lý thuyết đều được trao giải cùng với lãnh đạo nhóm thực nghiệm. Tại sao vậy? Đơn giản là vì cái hạt mà người ta phát minh ra, chưa chắc đã là hạt Higgs. Bản thân tôi cũng không tin vì tôi có một mô hình lý thuyết tiên đoán khối lượng hạt Higgs vào cỡ 250-300 GeV. Rất cá nhân, tôi hy vọng là lý thuyết của tôi đúng.

Đa số các nhà vật lý lý thuyết vui mừng vì họ đã đánh cuộc cả sự nghiệp vào đó. Hạt Higgs là hạt cuối cùng, chưa được phát hiện ra, trong lý thuyết chuẩn Salam-Weinberg-Glashow thống nhất tương tác yếu và tương tác điện từ. Lý thuyết gọi là chuẩn, bởi vì đối với rất nhiều nhà lý thuyết, mọi công trình của họ đều xuất phát từ lý thuyết này, coi đây là chuẩn mực để xuất phát. Nếu hạt Higgs không tồn tại, không những lý thuyết này không thể gọi là chuẩn mà còn biến hàng chục nghìn công trình thành trò chơi thể thao thuần tuý. Vì vậy tâm trạng phấn khích của các nhà vật lý lý thuyết khi có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của hạt Higgs hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, quan tâm của xã hội dường như vẫn hơi lệch lạc một chút do truyền thông cảm nhận không hoàn toàn chính xác và cũng hơi cường điệu hoá. Vật lý hiện đại không hề sụp đổ nếu không có hạt Higgs. Nếu không có hạt Higgs vẫn có vô khối các hạt khác.

Trong vùng năng lượng 100-150 GeV mà Trung tâm CERN đã tìm ra dấu vết của hạt Higgs có thể có rất nhiều các sự kiện, hoặc các cộng hưởng. Người ta đã bóc tách những dữ liệu hiếm hoi để tìm ra một cộng hưởng có mức năng lượng 125 GeV, với spin 0 và một số đặc trưng nào đó để cho rằng đó là hạt Higgs. Nhưng để khẳng định các dữ liệu này là các dấu tích của hạt Higgs mà Salam và Weinberg đã sử dụng để sinh khối lượng cho các hạt truyền tương tác yếu thì vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Có thể đó là lý do lần này nhóm thực nghiệm chưa thể chia sẻ vinh quang với các nhà lý thuyết.

Tại sao người ta lại cần đến hạt Higgs trong việc sinh khối lượng trong lý thuyết thống nhất tương tác yếu và điện từ?  Các hạt sơ cấp có thể chia làm hai loại: hạt vật chất và hạt truyền tương tác. Khi chưa có cơ học lượng tử thì tương tác là dạng sóng. Cơ học lượng tử cho rằng sóng cũng vừa là hạt, do đó tương tác điện từ cũng có thể xem như hạt photon, không có khối lượng. Hạt photon không có khối lượng nên có thể truyền rất xa, từ các thiên hà cách chúng ta cả tỷ năm ánh sáng. Giải thích một các nôm na, là vì "nhẹ gánh như sư" nên đi đâu cũng dễ.
    Các tương tác khác giữa các hạt cơ bản vật chất như tương tác yếu, tương tác mạnh đều có tầm hoạt động rất ngắn dưới mức nano. Chính vì vậy, các tương tác này được biểu hiện bằng các hạt có khối lượng. Về nguyên tắc, có thể đưa vào lý thuyết các hạt truyền tương tác có khối lượng tuỳ ý. Nhưng tiếc thay, các lý thuyết đó thường có "bệnh hoạn", các công thức tính toán sẽ vấp phải các kết quả "kỳ cục", một số tích phân sẽ phân kỳ. Để khắc phục các điểm xấu xí thuần tuý lý thuyết, Higgs và Englert đã tìm ra một cơ chế: các hạt truyền tương tác trong lý thuyết ban đầu đều có khối lượng bằng 0, và vì thế mọi việc đều đẹp đẽ. Các hạt này lại tương tác với một loại hạt vô hướng và có thể năng tự tương tác phi tuyến. Trong một điều kiện nhất định, mà người ta gọi là vi phạm đối xứng tự phát, sau một phép biến đổi toán học, lý thuyết này biến thành một lý thuyết mà một số trường tương tác có khối lượng. Sau này S. Coleman đã mô tả là một số hạt truyền tương tác đã "chén" hạt Higgs và trở nên béo mập.
    Cơ chế này sau này người ta cũng tìm thấy trong một điều kiện ở mức năng lượng thấp hơn nhiều, khi vật chất chuyển sang pha siêu lỏng hoặc siêu dẫn. Điều kiện đặc biệt này xảy ra khi đối xứng bị vi phạm tự phát. Vi phạm đối xứng là tự phát là khi lý thuyết hoàn toàn đối xứng có các lời giải không đối xứng. Thực ra tập hợp tất cả các lời giải là đối xứng, nhưng một số lời giải cụ thể không đối xứng và thực tế sẽ phải chọn lấy một trong các lời giải không đối xứng. Coleman ví điều này như một con bò ở tâm vòng tròn và cỏ được xếp thành vòng tròn xung quanh. Nếu áp dụng điều kiện đối xứng, thì con bò sẽ phân vân và chết đói. Để sống sót, con bò sẽ chọn bừa một hướng, vi phạm đối xứng quay một cách "tự phát" để ăn cỏ. Ở đây có một điều mà các nhà vật lý hạt sơ cấp ít để ý, thực ra có 2 chế độ khác nhau, trong một chế độ đối xứng là bảo toàn ở một chế độ khác đối xứng bị vi phạm tự phát. Như vậy, có một hiện tượng chuyển pha từ pha đối xứng sang pha vi phạm tự phát. Thế giới chúng ta sống ở pha vi phạm đối xứng tự phát, do đó một số hạt truyền tương tác có khối lượng và một số hạt không có khối lượng. Cũng nhờ tương tác với hạt Higgs mà các hạt vật chất trong lý thuyết ban đầu không có khối lượng mà sẽ trở nên có khối lượng sau một phép biến đổi toán học. Nói một cách khác, cơ chế Higgs là một phép ảo thuật toán học để từ các hạt không có khối lượng sinh ra các hạt có khối lượng trong điều kiện nhất định.
Vấn đề của lý thuyết chuẩn này là quá nhiều tham số, trong đó có khối lượng của hạt Higgs, khối lượng của quark t, hoàn toàn tự do. Chính vì thế, trong một thời gian dài người ta không biết tìm hạt Higgs ở vùng năng lượng nào. Mọi việc có thể đã dễ dàng hơn, nếu người ta biết hạt Higgs nằm trong một vùng năng lượng xác định.

Nếu hạt Higgs không tồn tại, các nhà lý thuyết đã có sẵn mô hình khác, khi đó lý thuyết Salam-Weinberg-Glashow chỉ là một mô hình gần đúng, tương tự như lý thuyết siêu dẫn của Landau-Ginzburg. Rất trùng hợp lý thuyết Landau-Ginzburg cũng có trường vô hướng với thế năng phi tuyến Phi^4. Khi đó hạt Higgs, tương tự như cặp Cooper trong siêu dẫn, là trạng thái hợp thành của cặp quark-phản quark. Người ta thường gọi đây là mô hình Nambu.

Câu chuyện về Higgs đến đây là kết thúc, nếu như năm 1986, Connes, một nhà toán học được giải thưởng Fields, đã sử dụng hình học không giao hoá để xây dựng lý thuyết Salam-Weinberg và thấy trường Higgs xuất hiện một cách tự nhiên trong lý thuyết. Trong lý thuyết của Connes, không gian trong là Z_2 gồm 2 điểm rời rạc. Nói một cách khác, không gian vật lý của Connes gồm hai lá không thời gian tồn tại song song và trường Higgs sinh ra nhờ dịch chuyển của vật chất giữa hai lá đó. Lý thuyết của Connes có ưu điểm khác nữa là số tham số rất ít, do đó khả năng dự đoán mạnh hơn nhiều so với lý thuyết của Salam-Weinberg-Glashow, chẳng hạn lý thuyết theo cách xây dựng của Connes đã tính được chính xác tỷ số giữa hằng số tương tác điện từ và hằng số tương tác yếu. Năm 1995, chỉ một tuần sau khi phát hiện về quark t được công bố với khối lượng 178 GeV, tôi đã công bố tính toán của tôi về khối lượng quark t tại một hội nghị quốc tế với khối lượng 175 GeV. Khi đó mặc dù các công thức đã có sẵn nhưng tôi chưa hoàn thành các phép tính nên không thể đưa ra tính toán cho khối lượng Higgs. Sau đó vài tháng tôi đã tính được khối lượng của Higgs sử dụng hình học không giao hoán của Connes là 254 GeV và công bố trong một số đặc san kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Egene Wigner.

Học giả học thật: "tựu chung" hay "tựu trung"

Nếu dùng Google có thể thấy tội nhân của nạn loạn chữ nghĩa ở Việt Nam là các sĩ phu biết chút chữ nghĩa chứ không phải là dân lành.

Vụ "thủy tạ"-"thủy tọa" đã buồn cười kinh hoàng với mấy bác hay chữ lỏng. Các bác dạy rằng "tọa" là "ngồi", "thủy tọa" là "ngồi trên nước" vì vậy nhà Thủy Tạ phải đọc là nhà Thủy Tọa mới đúng. Các bác còn giải thích từ Thủy Tạ (sai) sinh ra là do người Hà Nội lười uốn môi, đọc ngọng mà ra. Có thể thấy khá nhiều trang web, báo điện tử đứng đắn có ý kiến chỉnh người khác phải đọc là "thủy tọa". Tôi phải làm một research nhỏ bằng Google và tìm được từ Thủy Tạ là "căn phòng trên nước".  Trừ phi, ông Hà Văn Thùy đúng, Thủy Tọa vốn là từ Việt, bọn Tàu học lóm của ta mà thành Thủy Tạ. Cho dù như thế, nói ngọng là bọn Tàu quyết không phải người Hà Nội.

Hôm nay, tôi lại thử chữ "tựu trung"-"tựu chung", những tưởng là có một đánh giá về từ viết sai chính tả. Nhưng hỡi ôi, thất vọng toàn tập. Lại có một lô học giả khác quả quyết "tựu trung" là chữ  就中 (Tựu là đến, tề tựu => tất cả. Trung là ở giữa, trong đó. Vì vậy, tựu trung có nghĩa như : Tóm lại. Từ điển của soha, website của nhà báo Việt Nam,... Đầu tiên, tôi thực sự hoảng sợ vì thân mang tiếng là người đi sửa lỗi chính tả cho người khác mà từ nhỏ đến lớn vẫn viết "tựu chung".

Cũng tương tự như "thủy tọa", tôi rất nghi ngờ ở cách thành lập từ của "tựu trung". "Tựu chung" là "tới cùng" (eventually) là một bổ ngữ. "Tựu trung" có vẻ là một giới từ "ở trong". Muốn chứng minh điều đó, chỉ cần gọi bác Google hỏi. Trước tiên, tôi tra từ điển Thiều Chửu để có từ "tựu chung" là 就終.  Sau đó Google trong ngoặc kép "就終" và "就中". Sau đó lấy các câu tìm được bỏ vào Google Translate (đối với những người chữ Hán bập bõm như tôi như thế là tiện nhất). Có thể thấy ngay các câu có "tựu chung" đều có ý "finally", "eventually", "to the end". Các câu có "tựu trung" đều chỉ có in "on the", "in the",...

Cố nhiên, cách tra cứu như thế chỉ có nghĩa khi các từ Hán-Việt tồn tại và có gốc Hán. Nếu theo lý thuyết không có từ Hán-Việt, thì không thể phân định được.

Cuối cùng chỉ nói thêm một ý: Bọn đọc sách bày ra thì bọn đọc sách khác phải dọn cũng là thường tình, chẳng có công cán gì cả.

Khắc dấu mạn thuyền

Mấy hôm nay dân cư mạng xôn xao việc một lập trình viên Việt Nam kiếm một ngày hơn 1 tỷ nhờ trò chơi trên điện thoại di động nền Android. Các lập trình viên thì tự thấy mình thừa khả năng lập trình công nghệ để làm một trò chơi như thế. Nhiều kẻ rút ra những "nguyên tắc", "bí quyết" cho thành công kiểu như "phần mềm đẹp, lôi cuốn, kích thích đam mê" hay "nền tảng thiết kế vững chắc đơn giản". Các bậc thầy, nhà quản lý thì vội cho rằng đây là thành công của trí tuệ Việt Nam, cần khuyến khích mở rộng để có một nền kinh tế mang lại ngoại tệ mạnh cho dân tộc đang cùng quẫn với các ý tưởng ứng dụng khoa học công nghệ.

Thực ra, thành công của một ứng dụng phần mềm game không có liên quan gì tới công nghệ, và cũng chẳng có nguyên tắc gì cả. Thành công của một ứng dụng trong ngành giải trí nói chung là ở nội dung. Đã nói đến nội dung thì ăn nhau ở khâu sáng tác. Tác phẩm sáng tác thì không thể sản xuất hàng loạt như hàng công nghiệp. Một người thường cũng có thể có vài sáng tác kiệt xuất sánh ngang với các nhà văn, nhưng trở thành nhà văn chuyên nghiệp có thể ra tác phẩm đều đặn thì không thể. Với một người tay ngang thì sáng tác sinh ra do tích tụ nhiều năm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngẫu nhiên để hình thành, và rất khó để lặp lại thành công, hay phổ biến kinh nghiệm cho người khác, đến mức như là ngẫu nhiên. Các nhà sáng tác chuyên nghiệp chỉ có thể sinh ra trên một nền văn hoá phong phú, một nền giáo dục và đạo đức khuyến khích sáng tạo, các kỹ năng mềm đã được thành tập  quán từ bé. (Tất nhiên có những ngoại lệ đối với các nền sáng tác xây dựng trên nền tảng của bộ máy tuyên truyền mà tôi không muốn và cũng không có đủ năng lực để phân tích kỹ sự khác biệt).

Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields không có nghĩa là phải khuyến khích mọi người học Toán để gặt giải thưởng Fields cho quốc gia. May thay, đó không phải là con đường duy nhất bắt buộc một dân tộc phải đi để đến hạnh phúc. Toán, phần mềm, game chẳng qua là những nơi đột phát của các tinh hoa tích tụ, chứ không phải là bí quyết đi đến thành công. Lặp lại thành công của người khác theo lối bắt chước có khác gì khắc dấu mạn thuyền để tìm gươm trong chuyện xưa: Có kẻ đi thuyền đánh rơi gươm quý xuống sông. Sông sâu nước xiết làm sao mà mò. Anh ta điềm nhiên khắc dấu trên mạn thuyền. Có người hỏi anh tại sao làm vậy. Anh ta nói: tôi đánh dấu để khi nào đến bến sẽ xuống tìm.

Cách đây không lâu trong một buổi họp Viện bàn về việc phát triển công nghệ và tạo ra doanh thu cho Viện. Có người nói cần gì phải suy nghĩ phức tạp, có một anh sinh viên năng lực cũng nhàng nhàng làm một ứng dụng phần mềm thông báo kết quả sổ số thu vài tỷ hàng tuần. Thực ra thành công của anh sinh viên nọ mà quy công lao và thành tích của công nghệ thì hết sức sai lầm, có khác gì khắc dấu mạn thuyền và những người đang hô hào đi làm game. 

Beauty and the Beast và sự cấp tiến của phụ nữ

Trong ý thức hay trong biểu hiện của cánh đàn ông, phụ nữ thường được mô tả như những người bảo thủ, bảo vệ cái cũ, không chịu tiến bộ, "không hiểu gì về điện". Lâu ngày, nhiều chị em phụ nữ cũng chấp nhận quan điểm đó. Sau này, tôi lờ mờ cảm thấy điều đó là một sai lầm. Mẹ tôi có rất nhiều thói quen phong kiến, thường theo quan điểm của chồng, nhưng ở những quyết định quan trọng hoặc đánh giá những cái mới thường cấp tiến hơn cha tôi.
Khi đi du học, tôi cũng thấy nhiều bạn gái hội nhập vào văn hóa nước bạn tốt hơn. Nhưng tất cả những cái đó mới là phỏng đoán lờ mờ. 
Trên đường ra sân bay Bangkok, nhìn thấy biển quảng cáo Beauty and the Beast, rốt cuộc tôi phát hiện ra một lý luận, làm tôi tuyệt đối tin tưởng vào tính cấp tiến vượt trội của chị em. Người ta thường bảo thủ nhất là ở đánh giá về cái đẹp. Trong tiềm thức của chị em ta bao giờ cũng có chút đam mê dành cho "The Beast". Cái đẹp là gì? Tại sao người ta phải thích cái đẹp?
Có người nói với tôi: Cái đẹp là cái trung bình. Đừng đen quá, đừng trắng quá, đừng dài quá, đừng ngắn quá, đường tròn quá, đừng gãy góc quá, ... thế là đẹp.
Nếu vậy, việc Beauty chấp nhận the Beast đã thấy tư tưởng cấp tiến thoát khỏi "bẫy trung bình" của phụ nữ. Tôi chắc đa số cánh đàn ông khó mà làm được.
Năng lực thẩm định cái đẹp, khi đã vượt qua được cái đẹp trung bình đã là một bước tiến lớn, cũng như các bản nhạc du dương đã có được các hợp âm chỏi, chối tai hay những nét stroke đột phá trong các họa phẩm của Kadinsky.

Multistate Europe and one China

The classic question
China was also diversed in terms of nations, languages,... as Europe. But why one China was formed, while one Europe never became in realm.

The question reminds me two other questions:
   1. Why has Vietnam always struggled with the idea of unification and the real force of division ?
   2. Why didnt China become a capitalist society under Sung dinasty when she had all the conditions for it?

There are various answers:
   1. In China, the threat was unidirectional from the northern nomads. In Europe, the threats were multitasking.
   2. In China, the bureaucracy was developed to completion as early as in the Qin dinasty.

Personally, I think these two answers are not convincing (I can analyze later the counter arguments). There must be something to do with the ideology of a unified China formed by Suma Tien and Han Wuti.

Đầu Xuân nói chuyện sách

Ông nội tôi, tiến sĩ khoa Bính Thân triều Nguyễn, có hiệu là Mặc Si, nghĩa là người mê mực. Có lẽ tôi thừa hưởng được đam mê của ông, nên thích sách từ bé. Năm lên 7 tuổi đã thuộc làu bộ Việt Sử Thông Giám Cương Mục, kể vanh vách Ngô Quyền có nốt ruồi ở lưng thế nào. Trong nhà có một tủ sách tương đối đầy đủ, nhưng không đáp ứng đủ được sức đọc của anh em tôi. Thành thử rất nhiều truyện đọc đi đọc lại đến thuộc lòng luôn. Hết sách đọc tôi lôi cả những tài liệu, sách giáo khoa, ra nghiền sạch. Tôi thích mấy cuốn sách nghiên cứu như cuốn "Thần thoại Ấn độ" của Cao Huy Đỉnh hay "Ngoại thương Việt Nam thế kỷ 16" của Thành Thế Vĩ vì khó hiểu, lâu thuộc.

Tôi luyện được một khả năng đọc với tốc độ phi thường. Lý do hay đi với mẹ tới nhà các bạn, họ hàng, đến đó là sà vào tủ sách của họ, và phải ngốn ít nhất được 1-2 cuốn trong vòng 1-2 tiếng. Cô tôi, nhà văn Thanh Hương, hồi đó đặt mua hầu như tất cả các sách của nhà xuất bản Kim Đồng, mỗi lần đến chơi tôi lại sà vào đọc sách. Tôi nhớ hồi mới lên lớp 6, cô tôi đã mua cho cậu em họ toàn bộ sách giáo khoa, trong một giờ tôi đọc hết toàn bộ sách vật lý, toán, văn, sử, địa. Mẹ tôi có một bà chị giữ thư viện Nhân dân ở góc Bà Triệu, Trần Hưng Đạo. Hồi chiến tranh, tôi ở lại Hà Nội với bố, khi nào đi học về sớm lại chui vào thư viện đó, đọc thoải mái. Toàn những truyện hay khó kiếm như "Hầm bí mật bên sông En bơ" ... Hết truyện lại mò vào ngăn sách khoa học, đọc luôn cả các bài giảng của Tạ Quang Bửu về Bourbaki. Chẳng hiểu gì nhưng thấy cũng hay hay nên cứ đọc, nên cũng nhớ được khá nhiều, như khái niệm vô hạn của Dieudonné.

Nhà tôi ở góc đường Tràng Tiền, Ngô Quyền đối diện với hiệu sách Quốc văn, hồi đó còn gọi là hiệu sách quốc văn Hà Nội-Huế-Sài gòn. Đi vài bước chân là đến hiệu sách Ngoại Văn. Hiệu sách Ngoại Văn ở phố Tràng tiền có trước, sau này mới có thêm hiệu sách ngoại văn ở phố Hàng Bài. Hiệu sách ở Hàng Bài tuy có vẻ to hơn, nhưng không sang bằng, và nếu sách quý về có ít vẫn phải về Tràng Tiền trước. Tôi có thói quen là thường xuyên thăm các hiệu sách này. Hiệu sách hồi chiến tranh vắng tanh vắng ngắt. Tôi còn nhớ mùi mực kích thích vào huyết quản mình thế nào, cứ như là cơn nghiện vậy. Ngăn trong cùng là hàng thuê sách, luôn luôn đóng cửa, sau đó là ngăn sách cũ. Tôi mê nhất là các sách, tạp chí toán tiếng Pháp, mà tôi không bao giờ có đủ tiền để mua hết. Cũng may là tôi có tý vốn tiếng Pháp do mẹ truyền cho từ bé, nên cũng đọc được khá khá. Hồi lớp 8 tôi đã tập tọe tự viết được bài nghiên cứu đầu tiên nhan đề "Khảo cứu về các đường cong conic", cũng nhờ đọc sách tiếng Pháp. Bây giờ cũng còn nhớ tên các định lý Poncelet.

Có lẽ chỉ khi đọc sách tôi mới cảm thấy sung sướng thực sự. Những năm ở Hungari, cứ mấy tuần tôi lại vào hiệu sách thành phố mượn một đống sách về ngốn dần. Ở Mỹ cũng vậy, mỗi tuần cả nhà lại vào thư viện thành phố ôm sách về, nhiều khi không có thời gian đọc không kịp. Ở Mỹ tôi vẫn có cái thú vào Border, Barnes & Noble ngồi, cho vợ đi shopping thoải mái. Lần đi chơi ở New York ấn tượng nhất  đối với tôi vẫn là lần đi chơi ở phố sách cũ gần phía China Town. Thế mới gọi là hàng sách cũ, sách ngồn ngộn hàng đống, đủ loại chứ không lơ thơ như ở ta. Năm lên 16 tuổi, tôi đã có một kế hoạch đọc sách, trong đó có những cuốn sách Việt Nam chưa dịch, một số sách khác như Hồng Lâu Mộng, Bí mật thành Paris bị mẹ cấm đọc. Nhưng đến bây giờ có lẽ chưa đọc được 2/3 số sách đó.

   Tôi không học Toán theo phân công của Bộ Đại học mà xin học Vật lý lý thuyết cũng là ảnh hưởng cuốn "Ba nhà Vật lý" của Durenmatt. Thực ra, tôi khá lười học vật lý, phần vì thầy dạy vật lý, đẹp trai chưa vợ hay gọi cô bạn mà mình thích nhất lớp lên bảng. Phần nữa là vì sách giáo khoa vật lý phổ thông viết khá dở, đọc qua một lần là hết, các bài toán vật lý hình như dành cho bọn chậm trí, toàn dùng công thức tam suất với mấy hình tam giác cho thấu kính mà học trò lớp 6 cũng không thèm làm. Đã thế còn luyện đi luyện lại như thể cao siêu lắm. 

Nói đến sách là phải nói đến văn hóa đọc. Tôi tuy là con mọt sách so với đồng bạn, nhưng ở những xứ như Nga, Hung, Mỹ, Hàn Quốc, chắc cũng là loại "lấy xe mà chở lấy đấu mà đong". Ở các xứ đó sách vở đã sẵn, thư viện lại đẹp, trên metro, xe bus người đọc sách rất đông. Sau này làm việc ở Việt Nam dù ở Bộ hay ở Đại học, mới thấy quan chức, trí thức, học sinh sinh viên đọc rất ít mà lại không biết cách đọc sách. Lãnh đạo đọc sách thì chỉ lọc lấy những gì dễ đọc, dễ nghe, dễ tiếp thu, quen tai. Thành thử không khá được. Có khi hàng mấy năm trời mới ngộ ra được những điều sơ đẳng, đáng ra chỉ cần đọc nghiền ngẫm một chút là hiểu ngay.

Nói đến cách đọc sách, đọc sách nửa đời, sau này tôi mới hiểu đọc sách cũng phải có phương pháp mới hiệu quả. Ở Mỹ reading assignment thường rất nặng, một tuần vài trăm trang như chơi, nếu không có kỹ thuật đọc không kịp. Tất nhiên, không đọc hết cũng vẫn trả bài được, nhưng về lâu dài sẽ là một thiệt thòi về kiến thức, nhất là khi ra cuộc sống.

Tôi có một giấc mơ là làm sao mọi người ở Việt Nam có điều kiện đọc sách như ở các nước phát triển. Có lẽ việc xây dựng mạng lưới thư viện đến tận phường xã như ở Mỹ trước mắt là một điều chưa thực tế. Tuy nhiên nếu có các kho sách miễn phí, hoặc giá truy cập dịch vụ đọc rất thấp trên mạng sẽ là một cú hích rất lớn cho nền tri thức chung của Việt Nam. Trí thức Việt Nam bây giờ đi đây đi đó cũng nhiều, bằng cấp cũng lắm, nhưng lý sự về thực tiễn, về tri thức chung của nhân loại vẫn còn thô sơ, nhiều khi nói như mê sảng. Chỉ cần đẩy văn hóa đọc lên một chút, tạo thói quen đọc thường xuyên cho đám đông, biến đọc thành nhu cầu hàng ngày, áp lực lên trí thức và quan chức sẽ lớn hơn, để có một hệ thống giá trị ổn định. Không có sách biết lấy gì làm chuẩn mực để đánh giá, khi mà mọi việc đúng sai tốt xấu đều đang ở trong một trạng thái chaos.

Tôi say mê công nghệ dịch máy có lẽ không chỉ vì lý do công nghệ như đa số các nhà khoa học máy tính. Theo tôi, về ý tưởng công nghệ, ý tưởng khoa học, không có gì đột phá ghê gớm. Tuy nhiên, tôi chỉ mong đến một ngày với hạ tầng hỗ trợ dịch của tôi, với cộng đồng người đọc, người dịch đông đảo, 26 bộ sử của Trung Quốc, bộ sử của Willy Durand, các bộ sử Hy-La kinh điển của Plutach, Tacit, Thudicis,... được dịch ra tiếng Việt. Đến khi đó, người Việt mới nhận ra niềm tự hào về "văn hóa làng xã của ta Tây nó cũng phải bái phục" đơn giản chỉ là thái độ ếch ngồi đáy giếng, nực cười như thế nào.

Cho đến khi nào trí thức Việt chưa nhận ra cái bao la của thế giới tri thức và vị trí của mình, còn phải tranh luận ba hoa chích chòe về "nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh", dân còn chưa sướng được. Trong một cuộn chỉ rối bao giờ cũng có một đầu mối gỡ đơn giản. Đọc sách? Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng là cả một biển công việc phải làm.

Lê Thánh Tông có phải là minh quân hay không

Từ nhỏ tôi đã được học Lê Thánh Tông là một vị minh quân tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Hiển nhiên ông là một vị vua có kiến thức, năng lực và thành tựu. Theo tư duy thông thường thì có năng lực, kiến thức và thành tựu, hiển nhiên là một vị vua tốt. Nhưng nếu phân tích kỹ thì thấy dường không phải như vậy. Nếu như vậy người ta đã tuyển chọn lãnh đạo bằng IQ, thi cử hoặc bằng cấp. Và như vậy thì xã hội đơn giản biết mấy.

Lê Thánh Tông tên thật là Tư Thành, lên ngôi nhờ một cuộc chính biến lật đổ ông hoàng cả là Nghi Dân, người đã giết ông hoàng hai là Bang Cơ để lên ngôi. Ban đầu đại công thần Lê Lăng đề xuất ông hoàng ba là Khắc Xương, nhưng Khắc Xương không nhận, nên các đại công thần Nguyễn Xí mới mời Tư Thành nối ngôi. Tư Thành hồi nhỏ phải cùng mẹ lánh nạn tranh giành trong cung đình và được Nguyễn Trãi che chở dấu ở chùa Huy Văn.

Sau khi lên ngôi, Tư Thành lần lượt giết Khắc Xương và Lê Lăng. Đó là điểm ngờ thứ nhất về tư cách minh quân của ông. Thứ hai thái độ và từ ngữ của vị vua này với các đại thần cũng khá thô tục. Ngô Sĩ Liên cũng đã từng bị bắt lột mũ và đái vào mũ để hạ nhục và bị mắng là "liếm trôn trĩ" một đại thần là Nguyễn Đức Trung (thủy tổ của nhà Nguyễn). Các vụ này xảy ra không chỉ một lần. Thứ ba, việc tụ tập nhị thập bát tú để xướng họa và nịnh hót thơ văn của vua cũng không phải là "minh", để dẫn tới vua lầm tưởng thi tài của mình hơn cả Lý Bạch, Đỗ Phủ. Thứ tư, nhà vua khá hoang dâm xa xỉ, nghi là chết vì bệnh lậu. Sử gia cũng ghi lại: công trình thổ mộc làm hại sức dân và việc phòng the có chỗ không hay và cái kém của vua.

Đứng về mặt công tích: nhà vua có võ công lớn đánh bại Chiêm Thành. Các công trình xây dựng thể chế tuy được ca ngợi nhiều, nhưng có lẽ không xứng danh. Bằng cớ là sau khi Lê Thánh Tông mất chưa đầy 15 năm nhà Lê đã suy tàn. Kiến trúc sư phải được đánh giá bởi công trình của mình. Công trình sập, không thể nói kiến trúc sư giỏi. Người xây dựng chế độ thể chế phải được đánh giá bằng kết quả của thể chế đó và các triều đại tiếp theo. Cũng phải nhắc thêm các vị vua thi sĩ như Caligula, Neron, Trần Hậu Chủ, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực đều là các bạo chúa khét tiếng trong lịch sử.

Lịch sử nền văn minh 2

February 27, 2014 at 1:28pm


 Tôi tạm dịch nhanh một chương với sự giúp đỡ của phần mềm dịch. Riêng trong chương 1, các khái niệm văn minh, văn hóa, chủng tộc, giống nòi, sự ra đời, tồn tại, phát triển và diệt vong của nền văn minh đều được bàn tới một cách hệ thống và sâu sắc. Có nhiều vấn đề các sĩ phu Bắc Hà tranh cãi không thôi vì chưa bao giờ tìm hiểu đến nơi đến chốn.
Tôi rất thích cách dùng từ ngữ, hình ảnh và phương pháp trình bày ý tưởng nhiều tầng của Durant. Đọc Durant, sẽ thấy bất cứ một câu nào cũng có nhiều tầng và tạo cảm hứng cho suy nghĩ sâu hơn. Đặc biệt, nói về chuyện lịch sử lý luận, nhưng Durant gợi mở rất nhiều cho suy nghĩ về các vấn đề hiện đại.

   Chẳng hạn câu "Khi nỗi sợ hãi được trấn an, tính tò mò và xây dựng được tự do, và con người được động lực tự nhiên thôi thúc hướng tới việc hiểu biết và tô điểm cuộc sống." làm tôi vỡ lẽ tính tò mò và xây dựng không thể được tự do hoàn toàn, nếu vấn còn những sợ hãi vô hình hoặc hữu hình.
     Câu "Cái nóng nực của những vùng nhiệt đới, với vô số ký sinh trùng quấy phá, là thù địch với nền văn minh; trạng thái mệt lả và bệnh tật, sự chín rục và thối rữa quá nhanh, làm chệch hướng các nguồn năng lượng dư thừa của sự sống đã tạo ra văn minh, và nuốt chửng chúng trong đói khát và sinh đẻ; chẳng còn lại gì cho trò chơi nghệ thuật và trí tuệ." có lẽ sẽ làm nhiều học giả Việt Nam phẫn nộ. Tôi chợt nhớ có lần hầu chuyện với nhà thơ Xuân Diệu. Ông nói với tôi "Ở xứ mình rất khó làm thơ và nghiên cứu triết học. Nóng và ẩm chỉ thúc giục mọi loài giao hợp mà không tích lũy, lắng đọng".
   Hay câu "nếu sự tồn tại của họ còn phụ thuộc vào những bấp bênh ngắn hạn của việc đuổi bắt, dân tộc đó sẽ không bao giờ vượt qua được thời man rợ để đến với nền văn minh" làm tôi nghĩ đến việc làm khoa học, văn học nghệ thuật, trong bầu không khí toàn dân kiếm ăn ngắn hạn như hiện nay.
    Tôi tưởng tượng mỗi câu của Durant như một chùm lưỡi câu, mà mỗi lưỡi đều có thể có những thành quả thu hoạch.
    Nhưng thôi, hãy để mọi người tự thưởng thức và đánh giá, trước khi bình luận vào chi tiết. (Người dịch - NAV)




MỞ ĐẦU: SỰ HÌNH THÀNH CỦA NỀN VĂN MINH
-
"Tôi muốn biết những bước gì mà con người đã trải qua từ man rợ để đến với nền văn minh."-VOLTAIRE.

Chương I: Các điều kiện của nền văn minh 
-
Định nghĩa - Các điều kiện địa chất - Địa lý - Kinh tế - Chủng tộc - Tâm lý - Những nguyên nhân sụp đổ của các nền văn minh
-
Văn minh là trật tự xã hội thúc đẩy việc tạo ra văn hoá. Bốn yếu tố cấu thành của nó: cung ứng kinh tế, tổ chức chính trị, truyền thống đạo đức, theo đuổi kiến thức và nghệ thuật. Nó bắt đầu khi hỗn loạn và bất an kết thúc. Khi nỗi sợ hãi được trấn an, tính tò mò và tính xây dựng được tự do, và con người được động lực tự nhiên thôi thúc hướng tới việc hiểu biết và tô điểm cuộc sống. Các yếu tố nhất định tạo điều kiện cho văn minh, và có thể khuyến khích hoặc cản trở nó. Trước tiên, các điều kiện địa chất. Nền văn minh là một khoảng thời gian xen giữa các thời kỳ băng hà: vào bất cứ lúc nào dòng băng hà có thể dâng lên trở lại, sẽ phủ lấp đi các công trình của con người với băng và đá, và sẽ dồn sự sống về mảnh hẹp nào đó của trái đất. Hoặc con quỷ động đất, mà khi vắng mặt nó chúng ta đã xây dựng các đô thị của mình, có thể vươn vai và hủy diệt chúng ta một cách lạnh lùng.
Thứ hai, các điều kiện địa lý. Cái nóng nực của những vùng nhiệt đới, với vô số ký sinh trùng quấy phá, là thù địch với nền văn minh; trạng thái mệt lả và bệnh tật, sự chín rục và thối rữa quá nhanh, làm chệch hướng các nguồn năng lượng dư thừa của sự sống đã tạo ra văn minh, và nuốt chửng chúng trong đói khát và sinh đẻ; chẳng còn lại gì cho trò chơi nghệ thuật và trí tuệ. Mưa là cần thiết; vì nước là môi trường sống, còn quan trọng hơn cả ánh mặt trời; tính tùy hứng khó hiểu của các nguyên tố hóa học có thể tuyên án tử hình cho các khu vực bị khô hạn, một thời đã từng phồn hoa với đế chế và công nghiệp, như Nineveh hoặc Babylon, hoặc có thể giúp tăng sức mạnh và sự giàu có cho những đô thị rõ ràng là cách xa tuyến đường vận tải và liên lạc chính, như Vương quốc Anh hoặc Eo biển Puget. Nếu đất đai giàu thực phẩm hay khoáng sản, nếu sông ngòi cho con đường trao đổi dễ dàng, nếu bờ biển có các hải cảng tự nhiên cho một hạm đội thương mại, nếu trên hết, quốc gia nằm trên trục đường chính của thương mại thế giới, như Athens hay Carthage, Florence hay Venice- thì mặc dù địa lý không bao giờ tạo ra được văn minh, sẽ mỉm cười với nó, và nuôi dưỡng nó. Các điều kiện kinh tế là quan trọng hơn. Một dân tộc có thể có các thể chế có trật tự, một nền luật lệ đạo đức cao quý, và thậm chí cả sự tinh tường đối với các hình thức nghệ thuật thứ yếu, như người Mỹ da đỏ; nhưng nếu họ vẫn còn ở trong giai đoạn săn bắn, nếu sự tồn tại của họ còn phụ thuộc vào những bấp bênh ngắn hạn của việc đuổi bắt, dân tộc đó sẽ không bao giờ vượt qua được thời man rợ để đến với nền văn minh. Một tộc du mục, như người Bedouin của Arabia, có thể đặc biệt thông minh và mạnh mẽ, họ có thể thể hiện chất lượng cao về tính cách như lòng dũng cảm, hào hiệp và cao thượng; nhưng nếu thiếu đi điều kiện thiết yếu đơn giản về văn hóa đó, sự liên tục về thức ăn, trí thông minh của họ sẽ bị hoang phí vào việc liều mạng săn bắn và các mẹo mực đổi chác, và chẳng còn lại thứ gì cho những băng ren và đường diềm, các nghi thức và thú vui, nghệ thuật và tiện nghi, của nền văn minh. Hình thức đầu tiên của văn hóa là nông nghiệp. Chính vào lúc con người định cư lại để cày ruộng và để ra được những khoản hậu cần cho tương lai bấp bênh là khi họ tìm được thời gian và lý do để được văn minh hóa. Bên trong vòng an toàn nho nhỏ đó - một nguồn cung cấp đáng tin cậy về nước và thực phẩm - con người xây dựng những túp nhà, nhà thờ và trường học của mình; họ phát minh ra công cụ sản xuất, và thuần hóa chó, lừa, lợn, cuối cùng là chính bản thân mình. họ học cách lao động thường xuyên và có trật tự, duy trì cuộc sống dài ngày hơn, và truyền lại di sản tinh thần và đạo đức của giống nòi một cách hoàn hảo hơn trước đó. Văn hóa tạo ra nông nghiệp, nhưng văn minh tạo ra thành thị. Về một khía cạnh văn minh là thói quen lịch sự; và lịch sự là sự tinh tế mà những người dân thị thành, những người đã tạo ra từ này, nghĩ rằng chỉ có thể có được trong những thị tứ hay thành phố. * 01.005 Vì trong thành phố đã tập hợp được, dù đúng đắn hay sai lầm, của cải và trí tuệ được tạo ra ở nông thôn; trong thành phố sáng chế và công nghiệp tăng gấp bội các tiện nghi, xa hoa và việc giải trí; thành phố là nơi các thương nhân gặp gỡ, trao đổi hàng hóa và ý tưởng; trong sự phối ngẫu của những tinh thần ở những ngã đường giao thương trí thông minh được mài sắc và được kích thích thành sức sáng tạo. Trong thành phố một số người được giải phóng khỏi việc tạo ra của cải vật chất, và tạo ra khoa học và triết học, văn học và nghệ thuật. Nền văn minh bắt đầu trong túp lều của nông dân, nhưng đơm hoa trong những thành thị.
Không có những điều kiện về chủng tộc đối với nền văn minh. Nó có thể xuất hiện trên bất kỳ châu lục nào và trong bất kỳ màu da nào: tại Bắc Kinh hoặc Delhi, tại Memphis hoặc Babylon, tại Ravenna hay London, ở Peru hay Yucatan. Không phải chủng tộc lớn mới làm ra văn minh, mà chính nền văn minh lớn tạo ra dân tộc; các hoàn cảnh địa lý và kinh tế sáng tạo ra một nền văn hóa, và nền văn hóa sáng tạo ra một loại người. Người Anh không làm ra nền văn minh Anh, nền văn minh đó tạo ra họ; nếu họ mang theo nền văn minh đó đến bất cứ nơi nào, và ăn mặc chu tất cho bữa tối ở Timbuktu, không phải là họ đang sáng tạo ra nền văn minh của mình ở đó một lần nữa, mà họ thừa nhận ở đó quyền chủ nhân của nền văn minh đối với tâm hồn của mình. Với các điều kiện vật chất như nhau, một chủng tộc khác sẽ tạo ra các kết quả tương tự; Nhật Bản tái hiện trong thế kỷ hai mươi lịch sử của nước Anh trong thế kỷ mười chín. Nền văn minh có liên quan đến chủng tộc chỉ theo nghĩa là nó thường đến sau việc phối ngẫu từ từ giữa các tộc người khác nhau, và sự đồng hóa dần dần của họ để trở thành một dân tộc tương đối đồng nhất. * 01006
Những điều kiện vật lý và sinh học này chỉ là các điều kiện tiên quyết cho nền văn minh; chúng không cấu thành hoặc sinh ra nó. Các yếu tố tâm lý tinh tế cần phải vào cuộc. Phải có trật tự chính trị, ngay cả khi nó ở kề bên trạng thái hỗn loạn như ở Florence hay Rome thời Phục hưng; con người phải cảm thấy, nói chung, rằng họ không phải chọn cái chết hoặc thuế ở mỗi kỳ hạn. Phải có sự thống nhất nào đó về ngôn ngữ để làm phương tiện trao đổi tinh thần. Thông qua nhà thờ, gia đình, hoặc trường học, hay bằng cách nào khác, phải có một bộ luật đạo đức thống nhất, các luật chơi nào đó của cuộc sống được thừa nhận bởi ngay cả những người vi phạm chúng, và việc áp đặt trật tự và luật lệ nào đó, định hướng và kích thích nào đó. Có lẽ cũng cần phải có sự thống nhất nào đó về niềm tin cơ bản, đức tin nào đó, dù là siêu nhiên hay không tưởng, để nâng tầm đạo đức từ toan tính lên mức cống hiến, và đem lại cho cuộc sống sự cao thượng và ý nghĩa mặc dù thời gian sống của chúng ta quá ngắn ngủi. Và cuối cùng là phải có kỹ thuật đào tạo, dù sơ khai thế nào, cho việc truyền tải văn hóa. Dù thông qua việc bắt chước, gợi mở hoặc hướng dẫn, dù thông qua cha mẹ, giáo viên hay linh mục, truyền thuyết và di sản của bộ tộc - ngôn ngữ và kiến thức của họ, đạo đức và cách ứng xử của họ, công nghệ và nghệ thuật của họ - phải được truyền lại cho lớp trẻ, như là công cụ giúp họ từ động vật biến thành người. Sự biến mất của các điều kiện này, đôi khi thậm chí chỉ là một điều kiện trong số đó, có thể hủy diệt cả một nền văn minh. Một thảm họa địa chất hay thay đổi khí hậu sâu sắc; một trận dịch bệnh không kiểm soát được như trận dịch đã xóa sổ một nửa dân số của đế chế La Mã dưới Antonines, hoặc Cái Chết Đen đã giúp chấm dứt thời phong kiến; đất đai cạn kiệt, hoặc nền nông nghiệp bị hủy hoại do đất nước bị vắt kiệt bởi các đô thị, dẫn đến việc phụ thuộc không chắc chắn vào các nguồn cung cấp thực phẩm của nước ngoài; sự suy sụp về nguồn tài nguyên thiên nhiên, dù là nhiên liệu hay nguyên liệu; thay đổi trong các tuyến đường thương mại, bỏ rơi một đất nước ra khỏi dòng chính của thương mại thế giới; sự mục nát về tinh thần và đạo đức do các căng thẳng, kích thích và liên hệ của cuộc sống đô thị, do các nguồn lực truyền thống về trật tự xã hội bị phá vỡ và sự bất lực trong việc thay thế các truyền thống này; việc suy yếu của một giống nòi bởi một đời sống tình dục lộn xộn, hoặc bởi một triết lý hưởng lạc, bi quan, hay ẩn dật; sự thối nát của tầng lớp lãnh đạo do không thể sinh ra người có năng lực, và sự nhỏ bé tương đối của những gia tộc có thể thừa kế đầy đủ nhất di sản văn hóa của giống nòi; tập trung của cải đến mức bệnh hoạn, dẫn đến các cuộc chiến tranh giai cấp, những cuộc cách mạng bùng phát, và sự kiệt quệ về tài chính: những điều đó là một số cách thức mà một nền văn minh có thể chết. Bởi vì nền văn minh không phải là một cái gì đó bẩm sinh hay bất diệt; nền văn minh phải được tiếp thu lại từ đầu bởi mọi thế hệ, và bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng trong việc tài trợ hoặc truyền tải cho nền văn minh đều có thể đưa nó đến chỗ kết thúc. Con người khác với con thú chỉ nhờ giáo dục, được định nghĩa là kỹ thuật truyền tải văn minh.
Các nền văn minh là những thế hệ tâm hồn của giống nòi. Do việc nuôi dạy của gia đình, và sau đó là sách vở, gắn kết các thế hệ với nhau, truyền lại tri thức của người ra đi cho lớp trẻ, nên việc in ấn, thương mại và hàng ngàn cách giao tiếp có thể gắn kết các nền văn minh với nhau, và giữ lại cho những nền văn hóa tương lai tất cả những gì có giá trị đối với chúng trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta hãy, trước khi từ giã cuộc sống, tập hợp lại di sản của chúng ta, và tặng lại cho con em mình.

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Lịch sử nền văn minh 1

Từ lâu tôi ao ước có thời gian để dịch bộ sách này ra tiếng Việt. Tôi rất thán phục kiến thức uyên thâm, kiến giải đầy tính triết lý, tầm nhìn nhân văn và văn chương của Durant.
Các bộ sử Việt Nam, tuy rất phong phú và hay, nhưng viết rất khô khan và cổ hủ. Một phần của tập một đã được Nguyễn Hiến Lê lược dịch. Tôi rất mong có nhiều bạn đam mê, góp sức dịch 11 tập sách của Durant. Tôi sẽ cung cấp phần mềm hỗ trợ dịch miễn phí.
Tôi tin rằng việc có một cách nhìn tân tiến, khoa học, triết lý, nhân văn và toàn cầu hơn về lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu một cách có ích hơn về những gì đã, đang và sẽ xảy ra để mưu cầu cho hạnh phúc của mỗi người và cả dân tộc chúng ta.  
Để tạo cảm hứng ban đầu, tôi sẽ giới thiệu một số đoạn để các bạn đam mê làm quen với suy nghĩ và văn phong của Durant (NAV)

LỊCH SỬ NỀN VĂN MINH

VỀ CÁC TÁC GIẢ

Will Durant sinh tại North Adams, Massachusetts, vào ngày 5 Tháng Mười Một năm 1885. Ông được đào tạo tại các trường học giáo xứ Công giáo ở đó và ở Kearny, New Jersey, và sau đó tại St. (Dòng Tên) Cao đẳng Phêrô, Jersey City, New Jersey, và Đại học Columbia, New York. Ông đã làm phóng viên tập sự cho tạp chí New York trong một mùa hè, vào năm 1907, nhưng tìm việc làm là quá căng thẳng đối với tính khí của ông, ông đến sống tại trường Seton Hall, South Orange, New Jersey, dạy các môn Latin, Pháp, Anh, và hình học (1907-1911). Ông đã vào chủng viện ở Seton Hall vào năm 1909, nhưng đã rút lui vào năm 1911 vì những lý do mà ông đã mô tả trong cuốn sách Bước chuyển của ông. Ông đã chuyển từ chủng viện yên tĩnh này đến với các nhóm cấp tiến nhất ở New York, và đã trở thành (1911-1913) thầy giáo của trường Ferrer Modern, một thử nghiệm về nền giáo dục tự do. Năm 1912 ông chu du châu Âu theo lời mời và chi phí của Alden Freeman, người đã kết bạn với ông và giờ đây đã gánh trách nhiệm mở rộng các biên giới cho ông. Trở lại trường Ferrer, ông đã yêu một trong những học sinh của mình - người đã được khai sinh là Ida Kaufman tại nước Nga vào ngày 10 tháng 5 năm 1898 - ông đã từ chức, và kết hôn với cô (1913). Trong bốn năm, ông đã theo học chương trình sau đại học tại Đại học Columbia, chuyên ngành về sinh học với Morgan và Calkins và về triết học với Woodbridge và Dewey. Ông đã nhận được học vị tiến sĩ triết học vào năm 1917, và đã giảng dạy triết học tại Đại học Columbia trong một năm. Năm 1914, tại một nhà thờ Tin Lành ở New York, ông đã bắt đầu những bài giảng về lịch sử, văn học và triết lý, hai lần một tuần kéo dài trong suốt mười ba năm, cung cấp tư liệu ban đầu cho các công trình về sau của mình. Thành công bất ngờ của bộ sách Câu chuyện Triết học (1926) đã cho phép ông thôi giảng dạy vào năm 1927. Từ đó, ngoại trừ một số bài tiểu luận ngẫu hứng, ông bà Durant đã dành gần như tất cả giờ làm việc của họ (8-14 giờ hàng ngày) cho bộ Lịch sử nền văn minh. Để chuẩn bị tốt hơn họ đã chu du châu Âu vào năm 1927, đã đi vòng quanh thế giới vào năm 1930 để nghiên cứu Ai Cập, Cận Đông, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, và đã chu du vòng quanh thế giới một lần nữa vào năm 1932 để thăm Nhật Bản, Mãn Châu, Siberia, Nga, và Ba Lan. Những chuyến đi này đã cung cấp nền tảng cho tập sách Di sản phương Đông của chúng ta (1935) là tập đầu tiên trong bộ Lịch sử nền văn minh. Một vài cuộc thăm viếng tiếp theo đến châu Âu đã chuẩn bị cho tập 2, Cuộc sống của Hy Lạp (1939), và Tập 3, Caesar và Chúa Kitô (1944). Năm 1948, sáu tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Ai Cập, và châu Âu đã cung cấp nhãn quan cho Tập 4, Thời đại của Niềm tin (1950). Năm 1951 ông bà Durant đã trở lại Italy để bổ sung vào kho sưu tập tư liệu cả đời cho Tập 5, Thời Phục Hưng (1953); và năm 1954 các nghiên cứu thêm tại Ý, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, và Anh đã mở ra các viễn cảnh mới cho Tập 6, Phong trào Cải cách (1957).
Đóng góp của bà Durant trong việc soạn các tập sách này ngày càng trở nên đáng kể hơn sau mỗi năm, cho đến Tập 7, Thời đại bắt đầu của Lý trí (1961), đóng góp này đã trở nên lớn đến mức Tư pháp đã yêu cầu kết hợp hai tên trên trang tiêu đề. Và do đó nó đã được đặt trên các tập Thời đại của Louis XIV (1963), Thời đại của Voltaire (1965), và Rousseau và Cách mạng (đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1968). Ariel Durant đã qua đời vào ngày 25 tháng 10 năm 1981, ở tuổi 83. Ariel Durant đã qua đời vào ngày 25 tháng 10 năm 1981, ở tuổi 83; Durant đã mất 13 ngày sau, vào ngày 7 tháng 11, ở độ tuổi 96. Công trình được xuất bản cuối cùng của họ là tập Tự thuật song hành (1977).