Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Hiệu ứng Mpemba

Cho dù đã đọc thiên kinh vạn quyển, biết nhiều thứ hiện đại, nhưng đừng có nghĩ mọi vấn đề đơn giản, cổ điển là dễ. Cũng đừng tin ở trực giác của mình. Cũng đừng tin ở khả năng vận dụng lý thuyết của mình hoặc bất cứ nhà bác học nào dù vĩ đại đến mấy. Cũng đừng quá tin ở lý thuyết dù chặt chẽ đến mấy.

Cổ nhân nói "Học mà tin ở sách, chẳng thà đừng đọc sách".Tất nhiên có kẻ tiểu nhân sẽ cắt nghĩa thành không nên đọc sách. Cổ nhân cũng nói "Nghi ngờ là thầy của ta" (Kẻ tiểu nhân sẽ cắt nghĩa thành niềm tin không có giá trị bằng tiền bạc. Cái gì cũng có thể cắt nghĩa theo hai cách đối lập, một theo chính, khuyến khích hành động, tiến lên, một theo tà, thủ tiêu hành động, ung thối. Về mặt luận lý, nhiều khi thấy đằng nào nói cũng phải, đành phải trông cậy vào kinh nghiệm mà thôi.

Điều đó cũng như y lý Á Đông. Có kẻ suy thận, thầy thuốc bốc những vị mát ngọt, bổ thận, ích thủy. Bệnh khỏi. Thầy thuốc mở sách giảng: Thận chủ về âm, là nguồn của Thủy, nay âm suy, thủy kiệt là khi phải khai thông nguồn nước, mở âm. Cũng có kẻ suy thận dùng bài thuốc đó bệnh càng nặng, tìm thầy khác. Thẩy cho bài thuốc bổ dương. Rồi cũng mở sách giảng: Thủy khô kiệt thì hỏa thịnh. Hỏa diệm sơn cháy rừng rực đem đổ nước vào, lửa càng cháy to, nguy lắm thay.
         1. Cho một cái bình cổ hẹp, để ngang. Nếu đốt một ngọn nến ở miệng bình, thì áp suất trong bình sẽ tăng hay giảm. Theo lẽ thường, không khí nóng sẽ nở ra, áp suất tăng. Theo nguyên tắc cân bằng sẽ làm áp suất trong bình tăng. Nhưng thực tế áp suất trong bình giảm. Dựa trên nguyên lý này người ta làm ra một loại bơm chân không.
        2.  Một người bị tai nạn, nếu không có ai, sẽ không có trợ giúp. Nếu xung quanh có người, anh ta sẽ được trợ giúp. Nếu càng nhiều người, xác suất được trợ giúp ngày càng cao, tỷ lệ với xác suất có người hảo tâm trong đám đông. Sự thực, với một đám đông, nhiều người qua lại như tại bến tàu điện ngầm, xác suất này sẽ tỷ lệ nghịch với số người chứng kiến. (Định luật này gọi là  định luật Aronson).
       3. Một nhà toán học nọ, sau nhiều năm chứng minh được một định lý topo, suy ra một số N hữu hạn cách lát nền nhà khả dĩ. Phát minh này được tán thưởng đến nỗi nó được trình bày lại trong một tạp chí phổ biến. Rất nhanh sau đó, một bà nội trợ tìm thêm vài cách khác với các cách do nhà toán học nọ đã tìm ra bằng đủ các lý thuyết.
    Tuy nhiên, hiệu ứng Mpemba mới là ví dụ điển hình nhất mà tôi mới biết hôm qua, do trò chuyện với một anh bạn trẻ.
    Anh bạn trẻ đặt ra cho tôi câu hỏi "Tại sao cùng một cốc nước, nếu đun nóng lên đặt vào tủ lạnh sẽ đóng đá nhanh hơn là cốc nước nguội".
     Té ra nhân loại đã biết vấn đề này từ thời Aristotles và đã có các học giả như Francis Bacon và René Descartes đề cập tới. Tuy nhiên do vấn đề này quá dễ hiểu và hiển nhiên, người ta dùng một loại "trực giác lý thuyết" để bác bỏ và không cần bận tâm thực nghiệm thử xem. Họ thường cho vấn đề này là của các nhà lý thuyết lạc hậu, họ có thể vin vào các nhà bác học hiện đại hơn, danh tiếng cũng chẳng kém gì để dán cho vấn đề này một cái mác kinh viện, tưởng tượng, lý thuyết suông. Nếu ai có nói là đã quan sát được, họ sẽ nói "chắc có một sai lầm thực nghiệm nào đó".
     Sự thực thì cho đến nay vấn đề này vẫn chưa có một lý thuyết này giải thích được và được công nhận. Sở dĩ đây gọi là hiệu ứng Mpemba là theo tên của một học sinh trung học ở châu Phi đã phát hiện ra hiện tượng này năm 1963, khi làm kem.
     Gần đây có một nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã công bố một cách giải thích hiện tượng này bằng cách sử dụng cấu trúc của phân tử nước H2O. Tuy nhiên vẫn còn sớm để nói đây là câu trả lời, bởi lẽ còn cần nhiều thực nghiệm khác để chứng minh từng luận điểm trong lý thuyết trên. Nếu không, vật lý hiện đại vẫn chẳng hơn gì y học Á Đông trong hiệu ứng Mpemba.

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Suy nghĩ của tiền nhân (3) Trả lời bài "Cảnh cáo học phiệt" của Phan Khôi Tiên Sinh - Phạm Quỳnh

TRẢ LỜI BÀI “CẢNH CÁO HỌC PHIỆT” CỦA PHAN KHÔI TIÊN SINH
PHẠM QUỲNH (1892–1945)

Phan-Khôi tiên-sinh với tôi là chỗ quen biết cũ.
Từ khi tiên sinh dời Hà-nội vô Nam-Kỳ, không có dịp gặp nhau. Nhưng về phần tiên sinh; coi chừng vẫn nhớ tới tôi luôn. Khi viết báo Thần-Chung, khi viết báo Phụ-nữ, tiên sinh thường nhắc đến tên tôi. Thậm chí có khi không sẵn đầu bài, tiên sinh lấy tôi làm đầu bài. Như mới đây, nhân tiên-sinh soạn chưa xong « bài trả lời » ông Trần-Trọng-Kim về Nho-giáo, tiên sinh lại sực nhớ đến tôi mà liền tặng cho cái huy hiệu làm lãnh tụ một đảng, tiên sinh đặt tên là đảng « Học-phiệt », rồi nhân đó viết một bài đại-luận để cảnh-cáo cho những người trong đảng ấy.
Nếu về cảm-tình người cũ mà Phan tiên-sinh ân cần đến tôi như thế, tôi xin cám ơn.
Từ trước đến nay tôi không trả lời tiên sinh, là vì tiên sinh mới thỉnh thoảng tặng cho năm ba câu mát mẻ xa xôi mà thôi, xét ra cũng không có quan hệ gì.
Nhưng nay tiên sinh công nhiên làm án một phái cho là có tội với học thuật nước nhà, mà lại phân minh chỉ tên tuổi tôi là thủ lãnh, tức là thủ phạm trong phái, thì tôi dầu có muốn lên mặt kiêu căng cũng không thể sao làm thinh cho được.
Vả việc là việc quan hệ lớn, không phải chỉ thiết đến một cá nhân tôi thôi, mà thiết đến cả học giới trong nước, tất tôi phải cùng tiên sinh phân trần mấy lời, không thể cho độc giả ngộ nhận được.
Vậy Phan tiên sinh kết án phái « học phiệt » về những tội gì?
Trước hết chữ « học phiệt » đó của tiên sinh tự đặt ra nghĩa là gì?
Tiên-sinh cho nước ta có một bọn « học-phiệt » tức cũng như nước Tàu có bọn « quân phiệt », là một hạng người cũng sao có học vấn, có tư-tưởng, nhưng phải cái tánh tự-cao, tự phụ quá, dường như muốn chuyên chế dư-luận chỉ lên mặt làm thầy người ta, chớ không chịu người ta chỉ trích đến mình.
Tiên-sinh buộc cho bọn đó hai cái tội: một là phàm ai nghị-luận, chỉ-trích, công-kích, phẩm-bình gì đến mình là cứ làm thinh hết thảy, người ta gọi đến tên mà « chửi » cũng không trả lời, đó là một cái thái độ rất khả ố, vì tỏ ra khinh người mà lại hèn nhát nữa; hai là chính vì cái thái độ khả-ố đó mà cõi học nước nhà thành ra vắng vẻ lạnh lẽo, không ai còn muốn cãi cọ bàn bạc gì đến nữa, rõ ra cái cảnh tro tàn khói tỏa, quạnh-quẽ đìu-hiu là cái cảnh chết.
Tiên sinh vì tiền đồ học thuật, hăm hở mạnh bạo đứng lên kết án phái « học phiệt » đó, lời lẽ nghiêm nghị như quan chưởng lý kết án đảng Cộng-sản vậy.
Vậy những bị cáo nhơn là ai?
Tiên sinh chỉ nói phái « học phiệt » không có bao lăm người, mà không kể rõ có những ai, song kêu đích danh tôi là thủ phạm. Vậy có lẽ tiên sinh chỉ có ý muốn « gây sự » – Xin miễn cho tiếng nôm ra – riêng với tôi chăng?
Tiên sinh buộc tội cho tôi có cái dã tâm muốn chuyên chế dư luận, dường như muốn làm một tên Mussolini trong cõi học nước Nam này. Vậy ra tôi có oai quyền, có thế lực đến thế dư? Thế thì danh-giá cho tôi quá! Dầu tiên sinh có đem cả đại đội đến mà công kích tôi, tôi cũng cam tâm mà lấy làm tự khoái.
Song phàm xử án công bằng, phải có chứng cớ hẳn hoi, chớ vì tình nghi, vì ác cảm với người nào mà kiếm cớ buộc tội cho người ta, thì cái án ấy không có giá trị gì nữa.
Tỉ như việc Cộng-sản. Ví Chính-phủ vì không ưa người nào, sẵn lòng nghi, cho khám xét nhà, không thấy gì cả, chỉ bắt được mấy quyển sách Karl Marx (Mã-Khắc-Tư) hay Lénine (Lý-Ninh), cũng buộc tội cho là muốn làm cộng sản, mưu nhiễu loạn cuộc trị-an, như thế thì có phải là công bằng không?
Nay Phan tiên-sinh đối với tôi mà khởi ra cái án « học-phiệt » đó, có phải là chứng cớ rõ ràng không, hay là chỉ vì « tình nghi » mà bỗng dưng kết cấu ra? Có phải có sự thực hẳn hoi không, hay là chỉ là một cái « án về thái độ », một cái « án về khuynh-hướng » (Procès de tendance), nghĩa là đoán phỏng chừng cái ý-hướng của người ta mà đem lòng yêu ghét, buộc cho những tội không đâu?
Không biết chủ ý tiên sanh thế nào, nhưng trong bài đại luận của tiên sinh chỉ có thấy dẫn một việc làm chứng, là việc mấy năm trước ông nghè Ngô-Đức-Kế công kích tôi về truyện Kiều, mà tôi cứ thủy chung làm thinh không trả lời; thế là phạm hai cái tội đã kể trên kia.
Ông Nghè Ngô nay là người thiên cổ rồi[1]. Kẻ khuất người còn, chuyện bao năm cũ kể ra làm gì? Nhưng Phan tiên sinh đã giở giói ra, thì tôi cũng phải nối lời phân trần cho rõ lẽ, xin vong linh ông Ngô chứng giám!
Họ Ngô với tôi vốn không hiềm khích gì. Ông là người quốc sự phạm cũ, vì việc nước mà long đong chìm nổi trong bao năm, dẫu người không đồng tư tưởng, đồng chánh kiến với ông, cũng phải kính trọng cái thân thế của ông. Tôi cũng vậy, thủy chung vẫn coi ông như bậc đàn anh. Bấy giờ ông làm chủ bút báo « Hữu-Thanh » mới lập. Báo Hữu-Thanh là một cái tạp chí; báo Nam-Phong của tôi cũng là một cái tạp-chí. Báo Hữu-Thanh ra sau, báo Nam-Phong của tôi có từ trước. « Hàng thịt nguýt hàng cá », là cái thói thường của bọn con buôn. Trong làng văn làng báo có khi cũng mắc phải cái thói đó. Xem chừng ra ngay từ đầu, báo Hữu-Thanh đã không có ý thân thiện với chúng tôi rồi. Tôi đoán thế nào cũng có một cuộc phản đối. Nhân khi ấy hội Khai-trí Tiến-đức mới đặt ra lễ kỷ niệm cụ Tiên-Điền là tác giả truyện Kiều. Việc này tự tôi khởi xướng, mà ông Trần-Trọng-Kim cũng là một tay chủ động. Bữa ông Trần và tôi diễn-thuyết ở hội Khai-trí có tới hai ngàn người đến nghe, coi ra hoan nghinh cổ võ lắm. Ông chủ bút Hữu Thanh có ý căm tức, liền viết bài phản đối Truyện Kiều và nhân thể mỉa sát tôi. Tôi giận lắm, hăng hái muốn ra quyết chiến với họ Ngô một phen. Vì tôi ôn-hòa thì ôn-hòa thật, nhưng không đến nỗi nhu nhược mà bị người công kích không biết đối phó lại. Nhưng tôi nghĩ kỹ, rồi quyết hẳn làm thinh không trả lời. Ai cũng biết rằng họ Ngô không phải vì truyện Kiều mà bình phẩm truyện Kiều, chỉ là kiếm cớ để gây cuộc « cãi lộn » với tôi, trước là làm một cách quảng cáo cho báo « Hữu-Thanh », sau cũng để thỏa một cái lòng ác cảm riêng chăng. Truyện Kiều là một nền văn chương kiệt tác, xét truyện Kiều phải đứng về phương diện văn chương mà xét, nay họ Ngô lại đứng về phương diện đạo đức – mà là cái đạo đức rất hẹp hòi của phái hương nguyện – thì rõ là chủ ý lập luận thiên đi, để có chỗ mà công kích người ta, như vậy không phải là một vấn đề văn chương học vấn gì nữa, chỉ là một vấn đề cá nhân mà thôi. Tôi bèn định cứ làm thinh, không bắt lời tựu trung có hai lẽ như sau:
1) – Đã là một vấn đề cá nhơn, thì việc chỉ can thiệp đến hai người đối thủ với nhau mà thôi. Bất luận tài học ông Nghè Ngô thế nào, ông có một điều hơn đứt hẳn tôi: là ông là người đã vì nước mà phải tù tội. Trên cái cân dư-luận của quốc-dân, ông đã có sẵn 10 năm Côn-Lôn ở đó rồi. Như vậy thì cuộc tranh luận không được ngang sức nhau nữa. Vả lại tự ý tôi cũng không muốn tranh luận với ông, ví dầu thế nào mặc lòng, tôi cũng vẫn kính trọng cái thân thể của ông; nếu đã thành ra cuộc cãi lộn thì tất phải dùng những lời nặng tiếng nhẹ, ông cho tôi là « văn sĩ lóp lép », thì tôi nể gì ông mà không tặng cho ông những tên nọ tên kia, thành ra một cuộc đấu khẫu hàng rau hàng cá, còn có sự thể gì nữa!
2) – Lẽ nữa, – mà lẽ này Phan-Khôi tiên-sinh đoán trúng lắm – là ông chủ bút Hữu-Thanh đã lập tâm « gây sự«  với tôi để làm quảng cáo cho báo ấy, thì tôi là chủ báo Nam-Phong, khi nào tôi chịu mắc mưu đó! Tôi làm thinh không trả lời, chính là một cách phá cái dã tâm của họ vậy.
Ấy đầu đuôi câu chuyện như vậy. Rút lại là một câu chuyện cá nhơn, câu chuyện quyền lợi cả, không có quan hệ gì đến học vấn tư tưởng hết.
Bởi thế nên tôi cứ làm thinh, không hề đả động đến nửa lời. Làm thinh là không muốn cãi lộn vô ích, chớ không phải là khinh hay là sợ gì dư luận.
Ôi! dư luận! dư luận vẫn đáng kính trọng lắm. Nhưng Phan tiên sinh còn lạ gì, dư luận ở nước ta từ trước đến giờ hãy còn ấu trỉ lắm. Nhiều người không biết phân biệt chuyện nghĩa lý với chuyện cá nhơn, không biết rằng người thức giả thảo luận với nhau là để tỏ bày chân lý, chớ không phải là cốt để thắng lẫn nhau, như trong cuộc đấu võ vậy.
Tôi chắc rằng có người đọc bài « cảnh cáo » của Phan tiên sinh; nghĩ bụng rằng: « ông này tất có bụng ghen ghét gì Phạm-Quỳnh mới kiếm chuyện cãi lộn như vậy ». Lại chắc có người không ưa tôi mà nghĩ rằng: « Đáng kiếp! Đã bị ông Nghè Ngô trị cho một lần, lại bị ông Tú Khôi trị cho một lần nữa! » Như vậy chẳng là oan cả cho hai bên dư? Câu chuyện nghĩa lý mà biến thành câu chuyện cá-nhơn đó.
Đối với một cái dư-luận còn bỡ ngỡ như vậy, tưởng cũng không nên câu nệ cho lắm. Không nên coi thường dư-luận, nhưng cũng không nên làm nô-lệ cho dư luận. Có nhiều điều dư luận nhao nhao lên đó, mà người thức giả nên làm thinh.
Sau cuộc phản đối của ông Nghè Ngô, trong nước liền nổi lên cái phong-trào chính-trị mới. Có người nối gót ông Ngô, cũng đem lời nọ tiếng kia mà phẩm bình tôi. Tôi đều nhứt thiết làm thinh cả. Là vì những lời bình phẩm đó là toàn về cái thái-độ chính-trị của tôi, mà tôi vốn không phải là nhà chính-trị. Chẳng biết từ nay về sau vì thời thế bắt buộc có phải thực lực ra làm chính trị hay không đó là một cái nghĩa vụ, nếu phải làm thì cũng không dám từ – chớ từ trước đến nay sở chí sở sự của tôi không phải chuyên chủ về mặt chính trị; dầu có tham dự vào chút đỉnh, cũng chỉ là tham dự một cách gián tiếp, đứng về địa vị khách quan, để làm một món khảo cứu mà thôi.
Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay – kể có trên dưới mười lăm năm trời thật là dốc một lòng, chuyên một giạ – chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chính trị.
Tôi thiết nghĩ rằng muốn cho nước nhà được độc lập, thì phải gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân. Muốn gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân thì phải có khí cụ để tuyên truyền giáo dục. Cái khí cụ để tuyên truyền giáo dục là ngữ ngôn văn tự trong nước. Bởi thế nên 15 năm nay, tôi không làm một việc gì khác cả: chỉ cúc cung tận tụy về một việc, là cổ động cho quốc văn, tài bồi cho quốc văn, gây dựng cho quốc văn thành một nền văn chương đích đáng, có thể dùng làm cái lợi khí để truyền bá văn minh trong nước. Các bạn đồng chí trong Nam ngoài Bắc cũng đã công nhận cho cái công phu ấy không phải là vô ích.
Vì tôi chỉ chuyên chủ về một việc tài bồi quốc văn như vậy, cho nên thật không để chí vào việc chính trị. Ai bình phẩm tôi về chính trị là bình phẩm sai cả. Tôi cho là bất túc kinh trọng, nên không hề đối đáp, không hề cải chính bao giờ.
Nhưng đến việc văn chương học vấn thì tôi rất vui lòng thảo luận. Bởi vậy Phan tiên sinh khởi ra cái án ly kỳ là cái án « học phiệt » này, tôi liền cầm bút để cùng tiên sinh phân trần các lẽ. Tôi thật không dám khinh dư luận, nếu dư luận ấy là ở những người thức giả như tiên sinh.
Tiên-sinh thấy cái cảnh tiêu-điều trong học giới nước nhà, lấy làm buồn, buồn sanh bực, bực bèn muốn qui-cửu cho người nào, liền qui-cửu cho tôi. Thế là tiên-sinh phán đoán vội-vàng: nếu trong cõi học nước nhà, có kẻ nào là tội nhân, thì tôi đây không dám tự cao, cũng có thể cho là một kẻ nhẹ tội hơn cả.
Nhưng học-giới nước ta không phải ngày nay mới tiêu-điều. Đương lúc khoa-cử còn thịnh đã có cái cảnh tiêu điều đó rồi. Vì cái học khoa-cử, chỉ là cái học để thi đổ mà thôi, không phải là học-thuật chân chính. Nói đến học thuật chân chính thì cổ lai nước ta có gì? Không dám bội bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý-học thâm-thúy có cụ Chu An, cụ Trạng-Trình. Nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có giá trị? Nào đâu là những phái Vương-học, phái Thiên-Tôn như ở Nhật-Bản, cũng học chữ Tàu mà khám phá được nhiều điều người Tàu không nghĩ đến? Nước mình tịnh không có gì cả. Đó chẳng qua là bởi cái tinh thần học vấn của mình nó bạc nhược quá. Lại bởi cái mô phỏng của người mình nữa. Xưa kia động nói là dương danh ông Khổng, ông ông Mạnh, ông Chu, ông Trình; ngày nay động nói là giở ra khoa học với lý luận, dân chủ với dân quyền! Nghe người ta nói mình cũng nói, chớ vị tất đã thấu hiểu đến chỗ tinh vi.
Ấy là cái hiển tượng của học giới ta ở đó, ở cái tính nô lệ của người mình đó, chớ không phải là lỗi tại người này hay người nọ.
Nay muốn cho cõi học được vui vẻ sầm-uất, không cần phải dùng đến những cách dương đông, kích tây, nay công kích người này mai phản đối người nọ, để làm một trò chơi cho khách bàng quan.
Phải nên cùng nhau hiệp lực, cố gây dựng cho nước nhà một nền « quốc học » đích đáng, không Tây mà cũng không Nho, có cái tính cách đặc biệt, tiêu biểu được cho cái tinh thần cố-hữu của nòi giống. Cái ý-tưởng đó ngày nay Phan tiên sinh mới đề xướng, mà về phần tôi chủ trương đã lâu năm rồi.
Vậy ngày nay chúng ta có nên cổ động lập một hội « Chấn hưng quốc-học », họp tập những người có chí học vấn trong Nam ngoài Bắc, mỗi năm hội nghị một lần để bàn các kế-hoạch nên thi hành cho nước nhà có một nền quốc-học xứng đáng không?
Thiết tưởng thế còn hơn là cãi vã nhau vô ích.
Phan tiên sinh nghĩ sao?


Nguồn: Phụ nữ tân văn số 67, 28-3-1930. Phiên bản điện tử: http://vi.wikisource.org

Suy nghĩ của tiền nhân (2) Cảnh cáo các nhà học phiệt - Phan Khôi

CẢNH CÁO CÁC NHÀ “HỌC PHIỆT”
PHAN KHÔI ((1887-1959)

Sau khi tôi đọc bài của Trần Trọng Kim tiên sanh bàn với tôi về sự phê bình cuốn sách « Nho giáo », đăng ở Phụ nữ tân văn số 60, tôi rất lấy làm phục cái nhã độ của tiên sanh. Tôi lấy làm phục tiên sanh bao nhiêu, thì tôi càng mừng cho học giới nước ta có cơ khai phóng bấy nhiêu!
Số là, chẳng những như Trần quân đã nói, người mình xưa nay chưa quen chịu kẻ khác phê bình, mà lại trong xã hội nầy, có một hạng người, tôi muốn dâng cho họ một cái huy hiệu mới, là “học phiệt”. Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi. Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết. Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh. Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét. Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu.
Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết; tôi nói ngay rằng hạng “học phiệt” ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một. Thử xách ra lấy một việc. Chắc hẳn nhiều độc giả còn nhớ chuyện Ngô Đức Kế tiên sanh công kích sự đề xướng Truyện Kiều hồi mấy năm trước nên đã viết một bài trong tạp chí Hữu thanh. Nói có vong linh Ngô tiên sanh! Không biết làm sao mà ông nầy có ác cảm với Phạm quân quá. Hồi đó tôi đương ở Hà Nội, tôi đi lại với cả hai đằng, đầu đuôi làm sao tôi rõ hết. Vì sự tư ý đó nên trong bài Chánh học với tà thuyết của họ Ngô có chỗ không được công bằng; tuy vậy, lấy đại thế cái bài mà nói, thì cách công kích như vậy là chánh đáng. Vả lại nó là một vấn đề lớn, có quan hệ với học phong sĩ tập, dầu phải dầu chăng, cũng không có thế nào bỏ qua đặng. Vậy mà bên Phạm Quỳnh tiên sanh nín lặng, chẳng thèm nói đi nói lại lấy nửa lời.
Có một lẽ có thể vin lấy mà cãi cho Phạm quân về sự làm thinh đó, là trong bài của họ Ngô chưa hề có một lần nào nói đến tên tuổi Phạm quân. Theo phép, khi người ta nói đến mình một cách không chánh thức, thì mình có quyền làm thinh được.
Song le, có lẽ khác mạnh hơn để đánh đổ lẽ ấy đi. Trong bài của họ Ngô tuy không nói đến tên Phạm quân, song toàn nói những công việc của Phạm quân đã chủ trương, hoặc đã thi hành, mà công việc ấy lại không có thể lộn với của người khác. Huống chi, công việc lại là công việc làm ra giữa xã hội, chẳng phải riêng của một người, ai cũng có quyền can thiệp đến, ai cũng có quyền bàn bạc đến. Chỉ có một điều nên hỏi, là lời người ta bàn bạc đó phải hay quấy mà thôi. Nếu là phải, thì mình nên viết ra mà nhận lỗi và tỏ ý phục thiện của mình; bằng quấy, thì mình cũng nên viết ra mà cãi lại để binh vực cho chơn lý. Đàng nào cũng phải trả lời hết, không phép làm thinh. Làm thinh thì tỏ ra hai dấu: một là bí, hết đường nói lại; hai là khinh người. Bí mà làm thinh, không nhận lỗi cách đường đường chánh chánh, thì thành ra mình không có can đảm, không biết phục thiện. Còn khinh người thì lại vô lý lắm, mình khinh người, người lại chẳng biết khinh mình sao? Huống chi, phải biết rằng khinh người bằng một cách như vậy, thì trong khi mình khinh người đó, chính mình tự khinh lấy mình rồi, vì mình đã đối với mình, với người, cũng đều không ngay thật.
Hai cái lỗi đó, thế nào Phạm tiên sanh cũng phải vấp một, vì tiên sanh đã làm thinh trong khi ấy. Nhưng nói tiên sanh vấp cái lỗi trước thì thà nói tiên sanh vấp cái lỗi sau. Bởi chưng, sau khi nín không trả lời, Phạm tiên sanh có viết một bài trong Nam phong nhớ chừng như đầu đề là Xử thế châm ngôn thì phải; trong đó có những câu, nhớ chừng như “Một thanh bảo kiếm…” chi chi đó thì phải. Đại ý nói ta là thanh gươm bách luyện đây, tha hồ mà công kích, có sờn đâu được ta? Thiệt nó in hệt như cái giọng Tử Cống xưa kia binh vực cho thầy mình mà nói rằng: “Nhân tuy dục tự tuyệt, kỳ hà thương ư nhựt nguyệt hồ?” một thứ!
Về câu chuyện trên nầy ta lại nên chia ra hai mặt mà bàn. Cái kiểu làm thinh ấy, nói về mặt học vấn là dở; chớ nói về mặt làm báo thì lại là hay. Vong hồn ông Tập Xuyên, sống thì khôn thác thì thiêng, ông chứng giám cho lời tôi đây! Thật hồi đó Ngô tiên sanh hằm hằm chực Phạm quân trả lời thì kéo luôn cả đại đội ra mà công kích; song cái kế Tư Mã Trọng Đạt diệu thay, làm cho cái phương lược “lục xuất kỳ sơn” kia mới vừa có “nhứt xuất” thì đã quay đầu ngựa trở về! Tôi nói: về mặt làm báo là hay, cái hay ở đó.
Song le, cái nghề làm báo, gặp thì làm, chớ có phải cái đất mà chúng ta toan đặt cái đời mình trên đó đâu. Chúng ta – các ông đã đành, mà cũng xin cho tôi xen vào với – nên đặt cái đời mình trên cái đất học vấn. Trong sự học vấn mà không ngay thật, ngay thật đối mình, đối với người, đối với nhứt thiết, thì thật là nguy hiểm lắm, nguy hiểm đến cái đời của mình nữa!
Có một điều nên lượng thứ cho Phạm tiên sanh, là lúc bấy giờ tiên sanh còn đương vào cái tuổi thanh niên, cái tuổi ấy thường làm cho người ta phụ khí và hiếu thắng. Song ngày nay, tiên sanh niên càng cao, đức càng mậu, có lẽ những điều ký vãng ấy, tiên sanh đã rất lấy làm hối hận mà không nói ra chăng.
Thánh nhân có nói rằng: “Quân tử tấn đức tu nghiệp, dục cập thời dã.”[1] Chữ “đức” khỏi cắt nghĩa; còn chữ “nghiệp” đó tức là sự học vấn của mình. Hai cái đó có quan hệ lẫn nhau, tới thì cùng tới, lui thì cùng lui, với nhau. Muốn cho sự học vấn của mình một ngày một tới, phải hư tâm, phải khắc kỷ, phải biết phục thiện, thì mới tới được; mà sự học vấn đã tới, thì cái đức của mình cũng ngày càng đầy đủ thêm. Cập thời là thời nào? Theo ý tôi thì vào lúc ngoài ba mươi cho đến bốn năm mươi, xoang[2] cỡ tuổi chúng ta ngày nay, là cái thời mà những sự phụ khí hiếu thắng đã lần lần xa ra khỏi mình.
Sự tấn đức tu nghiệp mà thánh nhân nói đó, ở đời xưa thiệt rất khó; khó vì chẳng biết noi theo một cái phương pháp nào. Song đương đời ta đây thì đỡ được sự khó ấy một chút; sẵn có phương pháp khoa học đó, ta nên lợi dụng lấy để mà tấn đức.
Đã có người đứng sau lưng tôi mà cười tôi rồi! Họ cười họ lại còn nói: Cái đời anh nhà nho đặc sệt mà mỗi chút mỗi khoa học, khéo làm rầy tai! - Nếu có phải vậy thì tôi kiếu ông ấy đi, mà chỉ nói với những người nào không ra ý khinh tôi. Thật vậy, sự nầy lại là một cái vấn đề nên nói rõ ở nơi khác nữa. Đây tôi chỉ nói rằng: Cái phương pháp khoa học cũng vậy, hay là đích thân khoa học cũng vậy, thật là cái tiện cho học giả lợi dụng để mà tấn đức. Vì theo phương pháp khoa học thì mỗi một sự gì cũng phải luật lịnh, cậy chứng nghiệm để tìm cho thấy chơn lý, mà trong khi ấy lại phải bỏ hết cả những điều tư tâm, thành kiến và sự kiêu căng của mình đi; chẳng phải là trong lúc cầu tri thức đó, cũng luôn thể làm ích lợi cho tánh nết của mình sao? Tôi chối dài, tôi không phải nhà khoa học; song thật như ông Trần Trọng Kim nói, tôi có cái khuynh hướng về khoa học. Câu chuyện vừa rồi là tôi lấy ở sự kinh nghiệm của chính mình tôi mà nói ra, có ích cho ai thì có, không thì thôi, không có hại.
Nãy giờ tôi nói dông dài những tấn đức tu nghiệp, khoa học khoa hiếc để cho lợt bớt câu chuyện đi, chớ rồi cũng không thể bỏ qua cái thói kiêu căng của mấy ông “học phiệt”. Họ làm vậy khác nào như ôm lấy cái độc quyền dư luận, trở ngại sự tấn bộ của học giới nước ta. Ai nói, họ không thèm nói với, tức là có ý để một mình họ nói thôi, thế chẳng phải ôm lấy độc quyền dư luận là gì? Mà đã không cãi cọ thì không nẩy ra chơn lý; không có ánh sáng của chơn lý thì học giới tối tăm; thiệt họ đã vô ý mà dứt ngang con đường tấn bộ của học giới đi, chớ chẳng những trở ngại mà thôi vậy.
Thật vậy, cái thói của họ đó đã tràn ngập cả xã hội mà thành ra như phong tục trong hơn mười năm nay. Ai nói trời nói đất chi thì nói, ngang ngạnh đến đâu cũng không có người cãi. Cái phong tục ấy nên đặt cho nó một cái danh từ là “nguội lạnh”.
Chính mình Phạm Quỳnh tiên sanh đã nhìn thấy chỗ đó. Tiên sanh có viết trong Nam phong số 148, hồi tháng Mars năm nay, về phần phụ trương tiếng Pháp, nơi bài “Hồi tưởng về Khổng Tử và Khổng giáo” (Réflexion sur Confucius et le Confucéisme), một đoạn như vầy:
“Ở nước Nam ta, cái phong trào bài kích Khổng giáo thà kêu là cái phong trào nguội lạnh… Mới có một nhà nho cũng học đòi bạn đồng đạo mình bên “thiếu niên Trung Quốc", ra tay phản đối Khổng Tử và Khổng giáo, mà chừng như độc giả chẳng mấy ai thiết đến, không ai cho là phải mà cũng không ai cho không, dầu rằng những bài phản đối ấy viết bằng lối văn chín chắn và tài liệu dồi dào, đáng khen thật, song tôi tưởng chắc độc giả của nó cũng không nhiều bằng của những cái tin ngắn chút xíu trên tờ báo nói về công trạng của hai tay vô địch nghề banh vợt, mà hết thảy các báo đã tôn cho là nhứt quốc chi hùng”.[3]
Xin độc giả thử nghĩ coi, có cái xã hội nào lại nguội lạnh đến nỗi nước nầy chăng? Mà việc đó, đố ai dám cả gan bảo là việc tầm thường. Chính trong đoạn đó chỗ để những cái chấm giây đó, Phạm tiên sanh nói rằng: “Kể ra thì đấng Thánh ở Khúc Phụ xa xuôi thật, xa cả về không gian và về thời gian, song lâu nay chính ngài vẫn đã chi phối những điều giáo huấn của ngài trong cả cuộc sanh hoạt xứ nầy, về tinh thần và luân lý”.[4] Ừ! nếu đã nhìn nhận cho Khổng giáo ở xã hội mình là quan hệ với sự sống của mọi người vậy thì sao trong khi có kẻ nhè nó phản đối, ai nấy lại nỡ làm lơ, không thèm quan thiết đến cho đành? Tôi xin trung cáo cùng người trong nước: đừng có lấy cái cớ nói ra không ai thèm nói lại, làm dịp tiện để nhạo cười cái anh nhà nho mà Phạm quân nói kia; song ai nấy hãy nhìn điều nầy là một điều sỉ nhục cho cả một dân tộc, vì trong việc đó tỏ ra rằng cái lương tâm của dân nầy hình như đã tê điếng rồi vậy!
Lẽ đáng trong khi thấy những bài phản đối Khổng giáo đó, hạng người thường có cho là không quan hệ mà bỏ qua đi nữa, thì những người bấy lâu đã có tông tín (conviction) về Khổng giáo chủ trương cái thuyết duy trì Khổng giáo, cũng phải vội vã đứng ra, một là binh vực cho sự tông tín của mình, hai là vệ dực cho thánh đạo, ba là phá sự cổ hoặc cho người đương thời, mới phải cho. Cái nầy từ hiền đến ngu rủ nhau làm thinh một loạt; sau khi đó rồi, có kẻ lại tỏ ý ra như tuồng mình làm vậy là đắc sách, thì tôi phải chịu, không hiểu cái lòng dạ người ta là thế nào! Nếu anh nhà nho công kích Khổng giáo đó mà công kích phải lẽ, thôi chẳng nói làm chi; ví bằng anh ta công kích bậy mà lại dùng lối văn chín chắn, tài liệu dồi dào, đến nỗi ông Phạm Quỳnh phải khen, thì tôi tưởng, chẳng nhiều thì ít, thế nào cũng có hại cho thế đạo nhân tâm chớ. Vậy mà cứ nguội lạnh là nguội lạnh làm sao?
Tôi thấy đám trẻ con chơi với nhau, đến lúc đổ quạu, một đứa đứng ra một phía, lấy lời vô lễ mà xỉ mắng mấy đứa kia. Mấy đứa nầy thiệt hành cái chủ nghĩa tiêu cực phản kháng, ra hiệu lịnh cho nhau rằng: “Nó nói gì kệ nó, mình cứ bịt lỗ tai, chẳng thèm nghe!” Chúng nó bảo nhau thế nào, làm y như thế. Đứa kia nói một chặp, mỏi miệng rồi thôi. Khi ấy mấy đứa làm thinh ban nãy đó mới rập nhau xỉ vào mặt đứa ấy mà nói rằng: “Lêu lêu mắc cỡ! Lêu lêu mắc cỡ!”
Quái làm sao! câu chuyện nói trên kia mà lại tình cờ giống với cái trò trẻ con nầy!
Trời ôi! nhà nho ấy chẳng phải ai đâu lạ, chính thị là tôi đây. Mà nếu còn có ai nữa thì tôi là một. Phạm quân nói nhà nho trổng mà không kêu tên, ấy là vì cái tên tôi không đáng làm dơ ngòi bút của Phạm quân hay là vì người sợ tôi “mắc cỡ” tội nghiệp mà dấu tên đi, thì tôi không biết.
Năm ngoái tôi có viết cả thảy 21 bài nói về ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, đăng trong báo Thần chung, từ ngày 3 octobre cho đến 18 novembre 1929. Sự độc giả nguội lạnh đối với những bài ấy có đến như Phạm tiên sanh nói chăng, thì tôi không được biết cho chắc; song trước sau vỏn vẹn chỉ có một bài gởi tới phản đối, cũng có đăng ở Thần chung[5], mà tôi đã thú thiệt, không hiểu tác giả ý muốn nói những gì. Vì vậy đương khi toàn văn của tôi chưa hết mà tôi cũng bắt chước đứa con nít nói trên đó, mỏi miệng rồi thôi.
Chẳng đợi đến bây giờ có Phạm tiên sanh nói, tôi mới biết; cái sự nguội lạnh ấy tôi đã đoán trước rồi. Trong bài thứ 21, là khi tôi đã ngã lòng toan gác bút, tôi có viết một đoạn rằng:
“Nước Tàu còn có năm ba bọn trung với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến, ra tay chống chỏi, hết phương nầy, tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà cũng còn tỏ cho thiên hạ biết trong Khổng giáo vẫn có người. Đến nước ta thì hết chỗ nói! Khổng giáo ở nước ta trong khi gặp văn minh Âu châu, hình như nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi; chánh phủ bỏ khoa cử thì cũng đau lòng mà khóc rên chút đỉnh; nhưng đến khi chánh phủ lập trường bắt học chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan. Rồi đến ngày nay đây, có kẻ ngỗ nghịch là tôi, dám ra đương trường chỉ trích Khổng giáo, – để rồi coi, giạc chừng như – cũng không ai thèm nóng mặt mà ra miệng hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử chớ nó có nói chi mình đâu, nó có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng! Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây bỗng dưng hai hàng nước mắt tôi trào ra trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn; nhưng tôi khóc, một là vì cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi; hai là vì ngó thấy cái tình đời bạc bẽo!”
Sự nguội lạnh đó, theo như tôi đã kể ra trong đoạn trước, thì quả là do mấy nhà “học phiệt” tạo ra. Nếu còn bởi các cớ khá nữa, thì cái cớ mấy nhà “học phiệt” chuyên chế dư luận cũng là một cớ lớn, họ phải chịu một phần trách nhiệm lớn trong sự đó.
Khi tôi viết bài bình phẩm cuốn sách Nho giáo, trong anh em đã có người e cho tôi lại “mắc cỡ” chuyến nữa, nhưng tôi cũng cứ đánh bạo mà làm. May quá! Trần tiên sanh khứng viết ra mà thương xác sự học vấn cùng tôi; cái tên tiên sanh tôi quý trọng bao nhiêu, thì cái bài ấy tôi cũng quý trọng bấy nhiêu; quả là “vàng”thật!
Về phương diện lý thuyết của cái bài tiên sanh trả lời cho tôi đó, tôi xin để rồi sẽ nói đến. Nay chính tôi và cũng xin đại biểu cho những anh em có học vấn ít nhiều mà cùng tôi đồng ý kiến, ngỏ lời cảm tạ Trần tiên sanh về sự người đã có ý tốt, mở cái đường thương xác về sự học cho chúng tôi và hết thảy mọi người trong nước Việt Nam sau nầy.
Nhơn đó tôi dám lấy tư cách một nhà học giả tầm thường, không có cái bằng cấp nào hết, chỉ có cái óc tự do độc lập, lấy chơn lý làm thầy, không thần phục dưới quyền đạo giáo nào hay là thánh hiền nào, viết một cách thiệt nghiêm cẩn ra ở đây mấy lời, để cảnh cáo các nhà “học phiệt” nước ta mà trong đó, tôi đã cử một Phạm Quỳnh tiên sanh ra làm đại biểu.
Học thuật của nước ta xưa nay chỉ có cái hư danh mà thôi, chớ coi đi coi lại, đem mà so sánh với các nước, thì thấy ra tầm thường quá. Nước Việt Nam nầy mà gọi được là có học thuật, hoạ từ nay về sau chăng. Sự đó, cái trách nhiệm ở chúng ta, là những kẻ có học mà ở vào cái thời đại văn hóa Đông Tây giao hội với nhau nầy.
Chúng tôi muốn rằng trong nước ta từ rày về sau, nên lần lần bỏ hẳn cái danh từ Nho hoc và Tây học mà lập ra một nền học thuật mới, kêu là nền học thuật Việt Nam; nó sẽ đứng với nước ta đời đời: nước còn có thì học thuật còn có; học thuật còn có thì nước còn có. Ấy là một cái khí giới chúng tôi định sắm ra để cầm giữ tổ quốc và đưa đồng bào lên đường tấn hóa, hầu theo kịp loài người trên thế giới trong cõi đại đồng ngày nay.
Trên đây nói “chúng tôi muốn, chúng tôi định”, chẳng qua là để tỏ ra cái ý kiến của một bọn người chúng tôi mà thôi. Bên các ông, những người mà chúng tôi kêu là “học phiệt”, chắc cũng có cái ý kiến như chúng tôi đó, vì thấy có người đã tỏ ra trong khi luận về sự học.
Vậy thì hai bên, cái ý kiến đại để đồng nhau; có khác nhau, chỉ là cái thái độ. Chúng tôi thì muốn, về sự học, phải cho ngôn luận được công khai. Còn các ông, theo như cái thái độ đã vẽ ra trên kia, thì hình như muốn chuyên chế.
Chúng tôi cho cái thái độ ấy ở trong việc gì thì hoặc giả còn được, chớ ở trong học giới thì nhứt định không có thể được. Cái lẽ tại sao mà không được, đã nói rõ trên kia rồi. Vậy bây giờ chúng tôi yêu cầu các ông phải bỏ hẳn cái thái độ ấy đi. Nghĩa là từ nay về sau, về sự học, khi có ai nghi ngờ những điều các ông chủ trương mà chất vấn hoặc công kích, thì các ông phải trả lời minh bạch, phải thì nói phải, quấy thì nói quấy.
Chúng tôi nhìn các ông là bậc túc học; nếu các ông chịu đem ý kiến mình trao đổi với mọi người, thì sự ích cho các ông chưa nói, mà phần chắc là có ích cho cả xã hội. Nếu các ông còn giữ thói cũ, thì xã hội đã không được ích, mà tập theo các ông, lại thành ra cái phong tục nguội lạnh nữa. Sự nguội lạnh ấy, tôi đã cho là cái lương tâm tê điếng; mà theo Trang Tử thì là cái lòng đã chết, chẳng có gì đáng buồn rầu hơn! (Ai mạc đại ư tâm tử).
Lần nầy là lần thứ nhứt mà tôi đem cái chánh nghĩa ra thưa cùng các ông như vậy; rồi mới tới dưới nầy là cái ý cảnh cáo.
Các ông đành là bậc túc học, cái công nghiệp của các ông ở trong học giới nước ta đành chẳng phải là nhỏ. Song cái thái độ ấy của các ông, hôm nay đã có nhiều người không phục, có ngày họ sẽ nổi lên mà phản đối.
Tôi biết trong ba kỳ mỗi nơi đã có ít nữa là một người học vấn rộng rãi, có đức, có tài, có thức, chẳng kém các ông là mấy. Những người ấy đều khuynh hướng về cái bình dân chủ nghĩa, họ muốn sự học vấn được phổ cập, nên thế nào họ cũng sẽ đứng dậy mà đánh đổ cái kiểu học phiệt của các ông. Sự ấy chưa xảy ra là vì họ đương nuôi cái thế lực bằng học thức của họ cho thật mạnh đã. Chẳng sớm thì chầy, trong nước Việt Nam nầy cũng sẽ có một cuộc chiến tranh về tư tưởng. Trước mặt các ông, tôi không nói dối.
Cái chỗ tôi đem mà cảnh cáo các ông là chỗ đó. Tùy các ông muốn làm như Diêm Tích Sơn, Trương Học Lương thì làm, hay là muốn làm như Ngô Bội Phu, Đoàn Kỳ Thụy thì làm.
Tôi đây, chưa phải là kẻ phản đối các ông đâu. Tôi chỉ là một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng đi trước dẹp đường, và luôn thể báo hiệu cho các ông mà thôi.


Nguồn: Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.62 (24.7.1930); Trung lập, Sài Gòn, s. 6206 (26.7.1930); s.6207(28.7) ; s.6208 (29.7) ; s.6209 (30.7.1930). Phiên bản điện tử: http://lainguyenan.free.fr/pk1930/index.html


[1]  Xin lỗi độc giả, chỗ nầy tôi dẫn sách mà không nói rõ sách nào, lời ai nói, là vì lâu nay tôi ít ôn nhuần nên tôi quên xuất xứ, mà trong tay cũng không sẵn sách để tra lại. Câu nầy tôi nhớ như ở kinh Dịch thì phải. Lại xin độc giả cũng biết cho rằng khi nào tôi dẫn sách như vậy là đã suy đi nghĩ lại câu sách ấy mà nhận cho như là một cái công lệ rồi, tôi mới dẫn vào; chớ không phải hễ tôi thấy lời ông thánh thì tin là phải mà dẫn vào đâu.
[2]  xoang: H.T. Paulus Của giải là: “đụng nhằm, tuông phải”; vậy “xoang cỡ tuổi…” có thể được hiểu là: vào trạc tuổi, vào lứa tuổi.
[3] Nguyên văn: En Annam, la vague de défaveur est plutôt une vague d’indifférence… Et si dernièrement un lettré Annamite, emboitant le pas à ses confrères de la “jeune Chine” a essayé de faire le procès de Confucius et du Confucéisme, il ne semble pas qu’il a beaucoup intéressé ses lecteurs: personne ne l’a ni approuvé ni contredit et je doute fort que ses articles, ecrits pourtant avec un louable souci de style et de documentation, aient eu autant de lecteurs que le moindre petit entrefilet relatif aux exploits de deux champions de tennis promus par toute la presse progressiste au rang de héros nationnaux (nguyên chú của Phan Khôi).
[4] Nguyên văn: Le sage de Khu-fou parait loin, bien loin dans l’espacc et le temps, lui qui naguère encore animait de ses enseignements et de ses préceptes toute la vie morale et spirituelle de ce pays (nguyên chú của Phan Khôi).
[5]  Đó là bài của Hoành Sơn: Đôi lời về Khổng giáo bàn cùng Phan Khôi tiên sinh đăng 9 kỳ báo Thần chung từ 6.1.1930 đến 12.2.1930.

Suy nghĩ của tiền nhân: (1) Luận về chánh học cùng tà thuyết - Ngô Đức Kế

Lời phi lộ của Lệnh Lỗi Dương
         Nhiều vấn đề chúng ta suy nghĩ ngày hôm nay, tiền nhân đã từng nghĩ tới. Thậm chí, đọc lại các suy nghĩ này chúng ta thấy như mới viết ngày hôm qua để nói chuyện ngày hôm nay. Điều đó, bộc lộ hai điểm yếu cố hữu của dân tộc Việt Nam: Suy nghĩ không sâu và Chậm lớn về tầm vóc. Về điểm thứ nhất, có thể thấy người Việt hưởng ứng nhanh, dễ chấp nhận cái mới, nhưng không nghĩ sâu, nên tiếp thu cái gì cũng hời hợt, méo mó. Bàn về học thuật với người Việt, có cảm giác như triết lý trong quán bia, rất dễ đồng ý, nhưng đưa ra làm đứng đắn thực sự thế nào cũng bị đàm tiếu, phản đối. Người Việt phản biện hay ủng hộ đều không đúng chỗ. Khi cần trao đổi, tranh luận cọ xát thì không có ý kiến, im thin thít,... Đến khi thành quyết định, bắt đầu làm mới hay bàn về những vẫn đề nguyên tắc. Tất cả đều do suy nghĩ không sâu. Có giáo sư nước ngoài nhận xét: Nếu giảng một vấn đề mới và khó, người Việt hiểu ngay 60%, trong khi đa số người nước khác, thậm chỉ cả Nhật, Mỹ còn chưa hiểu. Nhưng giảng nhiều lần cho đến khi mọi người hiểu hết, người Việt vẫn chưa hiểu tới 80%. Nhiều vấn đề xã hội giản đơn, được xã hội tán dương, từ gần một thế kỷ, vẫn còn đó, cứ quay đi quay lại, cản đường đi lên của dân tộc. Đó là hiện tượng Chậm lớn về tầm vóc. Các vấn đề đó không được giải quyết lại bị quy là văn hóa, tính cách dân tộc, trở thành thâm căn cố đế, giống như bệnh còi xương. Suy nghĩ theo bầy đàn, đổ trách nhiệm cho tập thể là hiện tượng phổ biến cho mọi dân tộc. Ở Âu châu, sau Bừng sáng và Phục hưng, tầm vóc suy nghĩ của một cá thể đã được đề cao. Các dân tộc Á Đông cũng đã vượt qua được ải này. Thậm chí anh bạn phương Bắc với lối suy nghĩ truyền thống hũ nút như lọ tương thối, cũng đã biết đề cao suy nghĩ độc lập với đám đông. Thế nhưng, sĩ phu người Việt vẫn giữ nguyên thái độ khinh rẻ đối với những con cừu đen.
         Lời vàng ý ngọc của tiền nhân thì nhiều. Chúng tôi đã giới thiệu những ý tưởng của Ngô Tùng Phong về công cuộc cải cách ngôn ngữ và Âu hóa. Nhưng có lẽ trước hết nên đọc lại "Bàn về chánh học cùng tà thuyết" của cụ Nghè Ngô Đức Kế. Bài viết này có những điểm chưa thực sự công bằng với Thúy Kiều và Phạm Quỳnh. Nhưng văn phong của Ngô Đức Kế mạnh mẽ, luận điểm rõ ràng, minh bạch. Muốn bàn chuyện xã hội trước hết cần phân biệt được "chánh học" với "tà thuyết".
Cũng cần nói rõ thêm "chính học" không phải luôn luôn phải nói giống nhau, không tranh luận, cọ xát. "Tà thuyết" cũng còn bao gồm thói vin cành bẻ trộm ý, những kẻ chơi bài nói dối học thuật, pha trộn 5-7 phần sự thật cốt để trục lợi tại 1-2 điểm, dù vô tình, hay hữu ý. Chính học và tà thuyết khác nẻo là một đằng chống thói học phiệt, một đằng phải sống dựa vào nó.Nếu đọc bài này, chỉ nhìn thấy cái sai hay đúng của Phạm Quỳnh và Thúy Kiều, hay sự phẫn nộ của Ngô Tiên Sinh với hai người này, thì là thất bại của chính người đọc và  uổng cả tâm cơ của tiền nhân vậy. Sự thực Ngô và Phạm không hề có hiềm khích cá nhân. Ngô Tiên Sinh chỉ mượn chuyện Thúy Kiều để đả kích tà thuyết mà thôi, với mong muốn người Việt đọc một hiểu mười, nghĩ sâu và rộng hơn, để tìm lối ra cho dân tộc.

Luận về chánh học cùng tà thuyết


LUẬN VỀ CHÁNH HỌC CÙNG TÀ THUYẾT
NGÔ ĐỨC KẾ (1878-1929)

Vận nước thịnh hay suy, quan-hệ tại đâu? — Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? — Tại học-thuyết tà hay chính.
Rộng xét năm châu, trải xem lịch-sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính-học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà-thuyết lưu hành; chính-học sáng rệt thì thế-đạo nhân-tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà-thuyết lưu hành thì nhân-tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất.
Khi chính-học đang quang minh, thì tà thuyết không có chỗ nào xen vào được; tà-thuyết lưu-hành trong nước như gió lướt cỏ, như nước vỡ đê; không ai ngăn cản, thì thường vào lúc chính-học đã suy đồi, mà nhất là lúc việc đời biến cải, việc nước đổi thay, quốc thị mơ màng, nhân tâm bở-ngở, nền cũ đã đổ, nhà mới chưa thành bậc hiền nhân quân-tử, thì kín tiếng dấu tăm, nằm co ở nơi thảo dã, mà bọn bỉ-phu tục tử thì khua chuông gõ mõ, nhảy-nhót ở trên vũ đài; lúc ấy chính là lúc tà thuyết thừa cơ mà lấn lướt chính-học.
Thầy thuốc ta nói rằng: khi trong mình mà chính khí hư nhược, thì ngoại tà nhân dịp mà xâm vào, làm cho người phát bệnh, lần lần do biểu mà nhập lý, thì thành bệnh khó trị. Thầy phù thủy nói rằng, khi trong mình mà chính thần không bảo hộ, thì quỷ tà nhân dịp mà ám vào, cũng làm cho người phát bệnh, lần lần rồi người hóa ra ma. Tà thuyết cũng như thế: Vì chính học suy, cho nên tà thuyết thịnh, tà thuyết đã thịnh thì chính học phải đến tiêu vong, hai đàng ấy tiêu trưởng tồn vong dù đất nào thời nào cũng không sai một sợi tóc.
Vả lại cái tính loài người, theo điều phải thì khó khăn như trèo ngược núi, theo điều xằng thì dễ dàng như nước chảy xuôi. Vậy cho nên lúc vận nước đã suy, thì trăm nghìn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa; gớm ghê thay! cái tài thuyết làm sa đắm lòng người không biết đến đâu mà nói! Một người xướng, mười người họa, cho đến trăm, nghìn người họa, lần lần phong bành cả nước; lấy trái làm phải, lấy xầu làm đẹp, lấy thối làm thơm, mà thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú-kịch: nước không thành nước, người không thành người!... Thầy Mạnh Tử sinh ở đời Chiến-Quốc, vì lúc ấy cái học-thuyết họ Dương họ Mặc thịnh hành trong thiên hạ, mà thầy phải lo cự họ Dương họ Mặc, giáng minh cái học Chu, Khổng để chữa đổi lòng người. Đời sau khen ngợi cái công thầy Mạnh tịch-tà-thuyết, chính-nhân-tâm không thua gì công vua Vũ tháo nước lụt, đuổi muông dữ, để cho thiên hạ được an cư lạc-nghiệp. Vì sao mà nói thế? — Là vì cái hại tà thuyết mê đắm lòng người có kém cái hại nước lụt trôi người, muông dữ ăn người đâu, mà lại thậm hơn nữa.
Nước Việt-Nam ta vài nghìn năm nay, học chữ Hán, theo đạo Khổng, Hán-văn tức là Quốc-văn. Khổng học tức là Quốc học: tuy rằng giang sơn biến cải, triều đại đổi thay có mấy mươi lần, cơn hiểm nguy biến loạn đã nhiều, mà chính học một giòng vẫn không sa sút, nhân tâm, phong tục, đạo đức, chính trị, đều bởi đó mà ra: nước nhà, giống nòi, cũng nhờ đó mà vững được. Từ khi Âu trào tràn khắp thế giới nước ta có cuộc bảo hộ, mà cái lối học « chi, hồ, giả, dã » mới đổi sang « a, b, c, d ». Đem Âu học mà đổi Hán học, không phải là có hại, song thiên hạ việc gì cũng thế, phá cái cũ thì dễ mà chóng, lập cái mới thì khó mà lâu. Âu học chưa vin được ngọn ngành, mà Hán học đã dứt cả cội rễ; những người chân chính Âu-học có kiến-thức tư-tưởng, thì còn trông mong ao ước ở đâu chưa thấy, mà những chân nho chính-sĩ Hán-học thì đã quá nửa mòn-mỏi điêu linh.
Chính-phủ thì chỉ có thể chăm-lo tác-thành lớp nhân tài trong các học đường mà thôi, còn ngoài ra miễn là không phạm đến chính-trị thì tha hồ ngôn-luận: Nhà in đã sẵn, sở báo cũng nhiều; khi ấy bọn văn sĩ giả dối mới ứng thời xuất hiện. Những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng đáng là bao, mới lom-lem những học thuyết ông Mạnh (Montesquieu), ông Lư (Rousseau) bập bẹ những cách ngôn họ Trang, họ Liệt, thì đã nghiễm nhiên tự lập thành một đấng văn-hào, tự-xưng khai-hóa quốc dân, mà không ngó lại tự mình đã khai hóa hay chưa; thôi thì bài diễn văn chất đống, sách du ký đầy thùng, thôi thì tán xằn tán nhảm, nói bậy, nói càn, không còn có nghĩa lý chính đáng chi nữa.
Thương hại thay! trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều; học mà có kiến thức thì ít, học mà không có kiến thức thì nhiều: những văn chương nhảm nhí, ngôn-luận càn xiên ấy đã tràn khắp cả nước làm cho phải chăng điên đảo, đen trắng lẫn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh: đá vũ-phu mà cho là ngọc, nàng Vô-Diệm mà cho là sắc khuynh-thành; đạo đức càng ngày càng suy-đồi, nhân-tâm càng ngày càng theo về đường hư-ngụy. Cái xã-hội Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán này, há không phải bởi cái nhân-vật giả-dối Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán ấy, múa bút khua lưỡi mà gây nên ư? Tác giả có phải cố-ý bài bác người đời để mua hờn chác oán làm chi; thiệt là trông ra gai mắt, nghĩ đến đau lòng, muốn nói cũng chẳng nói hết đâu, hãy dẫn ra sau này một chuyện:
« Kim vân Kiều » là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay truyện ấy là sự tích cô Vương-thúy Kiều, mà tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là đốt vô cùng. Cái tên ấy, chắc là tự nhà khắn bản in đặt ra, chứ ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi. Nói đến sự tích, thì phàm chuyện tiểu-thuyết đều là lấy một chút sự thực trong lịch-sử, hoặc là tự ý nhà văn-sĩ bịa ra, chứ bất tất có chuyện thiệt. Chuyện « Thanh tâm tài nhân » (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì. Xem bộ « Tình sử » của Tàu, biết bao nhiêu chuyện li-kỳ hơn nữa. Và dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời.
Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vận, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi. Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện « Đoạn-Trường tân-thanh » ấy (tức là truyện Kiều) chỉ là mượn văn chương mà ngụ chút tâm sự mình; cho nên ông đã có câu: « Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh ». Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu.
Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem truyện Kiều: trong xã hội, ai hay đọc Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm. Ý các cụ nghĩ rằng: các gả thiếu niên chí khí chưa định, tình dục đang nồng, xem truyện thì mê, rồi sinh cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương, khêu hoa ghẹo nguyệt, say đắm trong trời tình bể ái, mà mềm nhũn cái gan lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa. Cái phép gia đình giáo dục của các cụ như thế, thiệt phải lắm. Vì cái tính trộm ngọc cắp hương, say hoa đắm nguyệt, người sinh ra không dạy cũng biết, vẫn cấm mà không được, huống chi lại thấy trong sách trong truyện, ngâm nga ngợi hát, thành ra một việc rất phong nhã rất hào hoa.
Thế mà ngày nay « đức » văn-sĩ giả dối ta biểu dương truyện Kiều lên, để khai hóa cho quốc dân, đem truyện Kiều làm sách « quốc văn giáo khoa » (sách dạy) làm sách « sư phạm giảng nghĩa » (sách thầy). Văn-sĩ thường nói rằng: « học Hán văn là học mượn, học Pháp văn là học mượn; học quốc văn mới là học nhà: truyện Kiều tức là sách nhà đó ».
Ôi! Học làm quốc văn thì học thế nào? — Bài này chưa có thể nói kỹ được: song có phải là học nghĩa-lý, danh từ, về các khoa học, luân lý, cách-trí, chính-trị, cùng là phép luân lý, phép ký-sự, để xem các sách về ngôn luận của ta cho hiểu, để đem tư tưởng sở đắc trong Pháp-học mà phát ra làm trước thuật ngôn luận của ta cho thông không? hay là học cái lỗi thơ phú ca ngâm, nắn một chữ cho hay, dùng những điển cho lạ, rung đùi lắc gối như lối học ngày xưa đã vì thế mà người ngu nước yếu nay lại đổi ra chữ nôm? hay là những cái danh từ tài tử giai nhân, ba sinh duyên nợ, gương thề quạt ước, liễu dựa hoa kề, rày ước mai ao, thầm yêu trộm nhớ, xưa nay không ai dạy mà không mấy ai không thuộc lòng thuộc lòng, trong các bức hoa tình không câu nào không Kiều, mà nay còn phải dạy nữa cho thêm hay thêm giỏi, thế là học quốc văn ư? Một anh giả dối lóp lép, đứng đầu sùng bái Kiều, mà một bọn u mê hờ hững gào hơi rán sức để họa theo, còn một lớp người chỉ nghe lóm nhìn mồm thì về tay tán thưởng, khiến người phải bịt tai bưng mũi, phải nhức đầu long óc vì những tiếng to « quốc văn.... Kim-Vân-Kiều... Nguyễn Du... »
Cứ như ý họ, thì nước ta ở thế kỷ này, mà muốn chế cái tể thuốc « thập hoàn đại bổ » cho dân cho nước, thì không chi bằng quyển sách « trăm năm trong cõi người ta ». Cứ như lời họ, thì từ lúc Gia-long lại nay, nước Nam ta có cái của rất quí báu, mà người mình ngu dại không biết là quí, nay nhờ đức văn-sĩ có cái đại-nhãn đại-thức mà phát-minh cái của báu ấy cho dân cho nước được nhờ: kể cái công phát kiến không kém gì ông Kha-Luân-Bố (Colomb) tìm được Mỹ-châu vậy!
Vậy cho nên, trong nước ngày nay, nào là bình phẩm văn chương Kiều, nào là phê-bình Kiều, nào là chú-thích Kiều, nào là thơ vịnh Kiều, cho đến hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp ảnh Kiều, trong nhà ngoài đường, trên trời dưới đất đâu đâu cũng Kiều. Cứ xem hiện trạng ấy, thì nước Việt-Nam ngày nay gọi tên là Kim-Vân-Kiều quốc, nòi giống Việt-Nam ta mà gọi là đại Kim-Vân-Kiều tộc cũng đúng lắm chứ không sai!
Xem trong bộ « Tùy viên thi ngoại » có nhà làm bài thơ vịnh Quan-công, dùng sự tích Vân-trường bỉnh chúc (là lúc Quan-công cầm đuốc suốt đêm đứng hầu Nhị Tẩu) mà ông tùy viên chê rằng đem sự tích tiểu thuyết mà làm vào thơ, là người vô học. Bộ « Tam quốc Chí » bộ tiểu thuyết nhất danh tiếng, sự tích Quan công ai chẳng tin thật mà kính thờ; thế mà người ta còn cười đem tích tiểu thuyết làm thơ. Truyện « Tham tâm tài nhân » là tiểu thuyết hèn mạt bên Tàu, mà nay nước Việt-Nam tôn phụng làm chính kinh chính sử: thiệt là rước lấy một cái đại sỉ nhục!
Thậm chí sùng bái truyện Kiều mà nói rằng: « truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc túy của Việt-Nam »: — Không biết có còn quốc gì không? — Xưng tụng ông Nguyễn Du mà nói rằng: Nguyễn Du đổ máu làm mực, làm vẻ vang cho giống nòi ». Ông Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia-long; thế thì từ Gia-long về trước, chưa có truyện Kiều, thì nước ta không quốc-hoa, không quốc-túy, không quốc-hồn; thế thì cái văn-trí vũ-công mấy trào Đinh, Lý, Trần, Lê, sáng chói rực rở đó, đều là ở đây đem đến cho bọn « học thuê viết mướn » ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huấn nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang-sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho nòi giống, không ai đáng kỷ niệm cả; mà chỉ ông văn-sĩ làm sách « trăm năm trong cõi » là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?!...
Thậm nữa lại nói rằng « truyện Kiều quan hệ văn hóa Việt-Nam, truyện Kiều quan hệ quốc-văn Việt-Nam nếu không có truyện Kiều thì tình trạng dân tộc Việt-Nam chưa biết đến thế nào »: thiệt là con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ, giồ dại điên cuồng, tà thuyết vu dân đến thế là cực! Mà có ai cho là tà-thuyết đâu; nay đã nhà treo một bức, cửa yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ rồi: « truyện Kiều là văn hóa Việt-Nam; truyện Kiều là sách học quốc-văn », in vào trong óc, thấm vào trong lồng, tỉ như ngoại tà đã nhập đến ngũ tạng, quỉ-tà đã ám mất linh hồn, thì dù lang-y hay giỏi đến đâu, pháp sư cao tay đến đâu, tưởng cũng không cứu được nữa.
Trịnh Khải ở đời Đường, vì tiếng hay thơ, mà làm quan Tể-tướng (cụ lớn); anh ta lấy làm ái ngại mà tự nói rằng: « Trịnh-Khải mà làm Tể-Tướng thì cuộc đời chẳng nói cũng biết rồi », Ôi! than ôi! Kim vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam, thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!...


Bài báo này đăng trong Hữu Thanh tạp chí số 21 ra ngày 1 tháng 9 năm 1924; đăng lại trên tạp chí Nam Phong số 86. Phiên bản điện tử: http://vi.wikisource.org



       

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

My Dear, Hanoi-Street Chapter 2 Nostalgia (5) Childhood. By Phan Vũ

The song by Phu Quang, Singer: Bang Kieu
Chapter 1.Prelude   
1. The scent of night
2. Dating place 
3.Empty road
4. Sad eyes 

Forewords:
     After the prelude, the nostalgia begins with the childhood. Hanoi was like a small town, with a lot of deep foxholes. Among those, there were holes dug in hurry for hiding places protecting the hanoians against the coming bombs. After the summer rain falls, those holes were full of water and the kids had put the paper boats on the water surface. The childhood passed by quickly and we even did not notice it.
      Hà Nội năm xưa như một thị trấn nhỏ. Trước nhà trên vỉa hè đầy những cái hố sâu. Cái thì là hầm trú ẩn đào vội để tránh bom, cái là gốc một cái cây đã đổ, cái dường như có từ thời xa xưa nào đó. Sau cơn mưa mùa hạ, những cái hố ngập đầy nước. Những đứa trẻ thả thuyền giấy, ngả nghiêng bập bềnh, trôi ra rãnh nước, đi về đâu.
     Những cánh cửa sắt thời chiến tranh quanh năm không thấy mở. Ai đã từng sống ở đó? Trí tưởng tượng thơ trẻ còn đọng lại, làm nhớ da diết tuổi học trò đã qua đi.

Chapter 2. Nostalgia*


5. Childhood*

My Dear!
Hanoi – Street!
I still retain you in the deep foxholes
In front of the house gate
Filled with water from the storming rain
Floating paper boats on the surface
Without a docking place …

I still retain you in the rolling ball
Lonely on the grass carpet
A young boy was dull
Letting his childhood pass across his life
In a hurry

I still retain you in the iron gate
Not opened for a long time
Remember who was living there?
The heart was moved when passing by
And missing painfully the school age…

Chapter 2 Nostalgia *

5. Tuổi thơ*
Em ơi!
Hà Nội - phố!
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi,
Vội vã...
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó bâng khuâng,
Nhớ tuổi học trò...

(Given by the interpreter)