Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI, - Nguyễn Ái Việt (3b)

Phần 3a: http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-3a.html

Phần 3b:

 
Bất biến thang độ và tương tác mạnh

     Với Viện sĩ N.N.Bogoliubov, giám đốc Viện Dubna, Nguyễn Văn Hiệu, nghiên cứu mô hình các hạt sơ cấp, các tính chất nhân quả của biên độ tán xạ. Các nghiên cứu đó, sau này có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu các quá trình tương tác mạnh của các hạt sơ cấp, là một lĩnh vực khác với vật lý neutrino. Ông nhanh chóng có những đóng góp quan trọng vào những kết quả nổi tiếng thế giới về hệ thức tán sắc, tái chuẩn hóa của Bogoliubov. Viện sĩ N.N.Bogoliubov từng là một trong những thần đồng khoa học của Liên Xô, bắt đầu nổi tiếng với các công trình khoa học từ khi 15 tuổi. Có lẽ đó là điểm đồng cảm giữa Bogoliubov và Nguyễn Văn Hiệu. Chính Bogoliubov đánh giá rất cao tài năng của Nguyễn Văn Hiệu. Ông viết “Nhà vật lý tài giỏi và năng động Nguyễn Văn Hiệu đã trở thành một nhà vật lý lý thuyết có đẳng cấp cao. Anh nhanh chóng bước vào các lĩnh vực vật lý lý thuyết mới, nắm vững kỹ thuật nghiên cứu mới. Trong bất kỳ lĩnh vực nào anh làm việc, anh luôn đạt được những kết quả mới và quan trọng. Trong nhóm của Bogoliubov lúc đó có một nhà vật lý xuất sắc là A.A.Logunov. Ông bảo vệ TSKH năm 1959, khi đó đã là phó phòng Vật lý lý thuyết và là học trò cưng của Bogoliubov và là tấm gương để Nguyễn Văn Hiệu noi theo. Logunov cũng bỏ rất nhiều thời gian với Nguyễn Văn Hiệu và nhanh chóng có những kết quả tốt. Nhờ các kết quả này, Nguyễn Văn Hiệu đã bảo vệ thành công luận án TSKH về “Bất biến thang độ của tiết diện tán xạ tạo thành nhiều hạt” năm 1964, chỉ một năm sau khi bảo vệ luận án TS. Trong việc Nguyễn Văn Hiệu sớm bảo vệ thành công và xuất sắc luận án TSKH, Logunov là người có công lớn. Logunov rất cởi mở, luôn nói rằng Nguyễn Văn Hiệu là cộng sự của mình. Vì vậy, trong một thời gian dài, có nhiều người cho rằng Nguyễn Văn Hiệu là học trò của Bogoliubov cũng như Logunov. Sau này, Nguyễn Văn Hiệu đã cải chính điều này, nói rằng ông coi Logunov như thầy.

      Nhiều người đã đặt câu hỏi làm thế nào trong một năm Nguyễn Văn Hiệu có thể làm luận án về một đề tài mới, có những kết quả đỉnh cao để có thể bảo vệ luận án TSKH. Có người cho rằng đó là một may mắn, khi Nguyễn Văn Hiệu được làm việc trong một nhóm nghiên cứu đang “đào trúng mỏ vàng” như cách nói của M.A.Markov. Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng Nguyễn Văn Hiệu đã thực hiện công việc một cách tuần tự và chỉ bắt đầu nghiên cứu về đề tài này sau khi hoàn thành luận án TS. Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu này đều biết rõ rằng, trong một năm, chỉ để hiểu về một vấn đề trong lĩnh vực này cũng không thể đủ thời gian. Trong khoa học có những bước đi thần tốc, nhưng cũng cần những thời gian ấp ủ để ý tưởng sáng tạo chín muồi và nảy mầm. Bất biến thang độ là đặc trưng của tương tác mạnh giữa các hạt cơ bản, thể hiện bằng việc trong các quá trình tán xạ ở năng lượng cao, các hạt hadron thể hiện tính chất như là các hạt điểm, không có cấu trúc.

      Nguyễn Văn Hiệu sử dụng rất thành thạo các công cụ rất nổi tiếng mang tên “tái chuẩn hóa BPHZ” của nhóm Bogoliubov để mô tả tường minh bất biến thang độ. Nhưng đặt vấn đề nghiên cứu bất biến thang độ là một ý tưởng vật lý đi trước thời đại, chứ không phải chỉ là kỹ thuật tính toán. Sau này, đến năm 1966, nhà vật lý nổi tiếng người Mỹ J.Bjorken mới phát hiện ra thang độ Bjorken trong các tán xạ bao gồm hadron. Năm 1973, một nhà vật lý Mỹ khác S.Brodsky mới phát biểu tường minh ý tưởng áp dụng bất biến thang độ trong các quá trình tương tác mạnh sử dụng sắc động học lượng tử. Dựa trên các ý tưởng này, nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Nobel 1964, R.Feynmann đã phát triển mô hình parton, làm cơ sở cho những quá trình thực nghiệm khẳng định sự tồn tại của quark. Trong thập kỷ 1980, nhóm nghiên cứu của GS. Trần Hữu Phát ở Viện 481 có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về mô hình parton và các hiệu ứng EMC tính đến vi phạm bất biến thang độ.  

      Ở hướng nghiên cứu này, chúng ta thấy ảnh hưởng của Bogoliubov đối với Nguyễn Văn Hiệu rất lớn. Nhiều cộng sự với Nguyễn Văn Hiệu sau này đã kể lại, việc ông đã đọc đi đọc lại bộ sách “Nhập môn lý thuyết trường lượng tử” của Bogoliubov và Shirkov, tính toán rất chi tiết đến từng bước suy diễn đơn giản nhất. Ông đã bắt đầu đọc bộ sách này ngay từ khi vừa mới tốt nghiệp đại học, làm việc ở Khoa Vật lý. GS. Nguyễn Hoàng Phương, chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi làm việc tại Dubna đã mang bộ sách này về và giới thiệu bộ sách này với các nhà vật lý trẻ trong khoa, tại semina khoa học về Vật lý lượng tử do ông tổ chức. Semina này đã đào tạo ra một thế hệ vật lý xuất sắc và sau này sẽ thành danh như Trần Hữu Phát, Đào Vọng Đức, Cao Chi, Nguyễn Ngọc Giao, Lương Duyên Bình, Phạm Công Dũng,… Người tiếp cận nhanh nhất được với kiến thức mới là Nguyễn Văn Hiệu. Ông đã được GS. Nguyễn Hoàng Phương giới thiệu với GS Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học “trẻ và giỏi một cách kỳ lạ.” Chính GS. Phương đã đề nghị Nguyễn Văn Hiệu thay mình đi làm cộng tác viên về vật lý lý thuyết tại Dubna. Trong khoa học, thành công phụ thuộc vào cố gắng và năng lực cá nhân, nhưng sự giúp đỡ ban đầu là một trong những may mắn quan trọng nhất. Phải rất nhân văn mới nhận thức được những điều quý giá mà sau này chỉ có vẻ rất nhỏ nhặt.



NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (3a)

Phần 2: http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-nguyen-ai-viet-2.html 

Phần 3a: 

Những năm thành công huyền thoại tại Dubna

    Lớp cán bộ trẻ của phòng Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý chúng tôi thời đó vẫn truyền tụng nhau về những thành công huyền thoại của GS Nguyễn Văn Hiệu tại Viện nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna. Chính Viện sĩ Viện trưởng N.N.Bogoliubov lừng danh đã đánh giá Nguyễn Văn Hiệu là một trong số nhà khoa học trẻ giỏi và thông minh nhất một thời tại Dubna, là nơi vốn quần tụ các anh tài vật lý một thời của Liên Xô và các nước Đông Âu. Nếu như đa số các nhà khoa học Việt Nam thời bấy giờ và sau này đều làm việc với một thầy, tập trung vào một đề tài để bảo vệ cho xong luận án TS, rồi tiếp tục làm TSKH, Nguyễn Văn Hiệu đã thể hiện một cách làm hoàn toàn khác. Ông không chỉ nhanh chóng hoàn thành nội dung luận án TS, mà còn đồng thời tham gia nghiên cứu với nhiều những nhóm nghiên cứu hàng đầu của Dubna và nhanh chóng có thành tựu vang dội và có tầm cỡ thực sự.

Tính chất tiệm cận biên độ tán xạ và vật lý neutrino

      Tại phòng thí nghiệm neutrino, Nguyễn Văn Hiệu làm việc với các Viện sĩ M.A.Markov và B.Pontercovo về tương tác yếu của các hạt neutrino bí ẩn, có khả năng đâm xuyên qua mọi vật cao nhất trong các hạt mà chúng ta biết. Lĩnh vực này đến nay vẫn là một trong những lĩnh vực sôi động và còn nhiều bí ẩn nhất trong vật lý. Chính Viện sĩ Markov là người đề xuất ý tưởng kính viễn vọng neutrino ngầm dưới đáy biển. Viện sĩ Pontecorvo là cha đẻ của ý tưởng dao động neutrino. Hiện tượng này chỉ được kiểm chứng thực nghiệm sau khi Pontecorvo mất 22 năm, đem lại giải thưởng Nobel năm 2015 cho nhà vật lý người Nhật T.Kajita và nhà vật lý người Canada A.B.McDonald.  Năm 1963, khi bảo vệ luận án TS nhan đề “Các hệ thức tiệm cận của biên độ tán xạ trong lý thuyết trường lượng tử tương đối tính” liên quan tới các tính chất của neutrino, Nguyễn Văn Hiệu đã công bố 12 công trình khoa học. Trả lời phỏng vấn báo chí, Viện sĩ Markov nói “Bạn và tôi đang tiếp xúc với một con người xuất chúng. Đôi khi người ta thực sự gặp may trong công việc nhờ tìm thấy một ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng, như phát hiện một mỏ vàng. Nguyễn Văn Hiệu đi theo một con đường khác. Như người ta thường nói, anh không ngồi chờ khoa học đến "bố thí"; anh đã đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn”. Tình cờ, tôi cũng có duyên nợ với con số 12 này, năm 1987, khi bảo vệ luận án TS Toán Lý trong nước, tại Viện Vật lý, tôi cũng đã có 12 bài báo được công bố. 

    Nguyễn Văn Hiệu đã có cơ hội hợp tác với Pontecorvo để đi đầu trong hướng nghiên cứu về dao động neutrino. Và nếu ông nhận thức được tầm quan trọng của neutrino, hoàn toàn  có thể giải thưởng 2015 đã phải nhắc đến tên ông. Tuy vậy, có vẻ như Nguyễn Văn Hiệu quan tâm nhiều tới sử dụng công cụ tính toán để có những thành công nhanh chóng hơn là những vấn đề vật lý cơ bản cần thời gian dài để chín muồi. Do đó, ông hướng sự chú ý tới hướng nghiên cứu thuộc một phòng thí nghiệm khác.



NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (2)

Phần 1:  
http://aivietnguyen.blogspot.com/2022/01/nguyen-van-hieu-va-toi-1.html
Phần 2:

Hai đặc trưng đáng yêu nhất của Nguyễn Văn Hiệu   

       Năm 1978, khi đang học năm thứ 4, ngành Vật lý, tại Đại học Debrecen, Hungary, tôi nhận được một bức thư với nét chữ lạ, rắn rỏi, vuông vức. Trên phong bì đề Nguyễn Văn Hiệu. Bức thư khá dài, đại khái ông được biết tôi đang học Vật lý lý thuyết, và rất mừng khi có người sẽ theo ngành của ông. Ông căn dặn tôi nghiên cứu về các hướng mô hình quark, sắc động học lượng tử và hiện tượng cầm tù quark. Quark là hạt do nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Nobel 1969, M.Gell Mann đề xuất là hạt thành phần cho các hạt cơ bản thuộc họ hadron. Dựa trên giả thiết về sự tồn tại của quark, người ta có thể giải thích được một lớp rất lớn các hạt cơ bản quan sát được trong các máy gia tốc năng lượng cao. Các hạt baryon được giải thích là trạng thái liên kết của ba hạt quark, các hạt meson được giải thích là trạng thái liên kết của một hạt quark và một hạt phản quark. Các quark tương tác với nhau thông qua một trường màu với lượng tử là các hạt gluon, tương tự như photon là lượng tử của trường điện từ. Sắc động học lượng tử là lý thuyết tương tác giữa các quark. Do quark không quan sát được trong thực tế, người ta giả thiết quark bị cầm tù trong những cái túi. Ngày nay, sự tồn tại của quark là một trong những cơ sở của Mô hình Chuẩn, là nền tảng cho hiểu biết của chúng ta về vật lý cơ bản ở vùng năng lượng cao mà các máy va chạm trên Trái Đất có thể đạt tới. Nhưng hồi đó, nhiều nhà vật lý vẫn chưa thực sự tin tưởng ở sự tồn tại của quark. Vì vậy, lá thư của GS. Nguyễn Văn Hiệu làm tôi vừa mừng vui vừa ngạc nhiên. Trước hết, tôi ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam đã có người quan tâm đến vấn đề mới như thế này. Ở Debrecen, nơi tôi học đại học, với phong cách khá thủ cựu, người ta hoàn toàn không nhắc đến quark. Điều đó làm các sinh viên trẻ như bị giam cầm vào các đề tài cũ kỹ. Thứ hai, việc GS. Nguyễn Văn Hiệu quan tâm viết cho tôi, một sinh viên trẻ, không có tiếng tăm gì, một lá thư dài và chi tiết như thế, không phải là một việc thường thấy ở các nhà quản lý Việt Nam. Sau này, tôi mới biết việc luôn luôn quan tâm tới những vấn đề vật lý thời sự nhất trên thế giới và tới các sinh viên trẻ là thói quen và phong cách suốt đời của Nguyễn Văn Hiệu. Tuy không có điều kiện làm việc trực tiếp nhiều với ông, tôi luôn kính trọng ông về điều đó.

      Rất may cho tôi, hồi bấy giờ Budapest đang là một trong những trung tâm nghiên cứu sôi động trên thế giới với mô hình túi quark Budapest do J.G.Kuti, sau này là GS ở Đại học San Diego (Mỹ) dẫn đầu. Các nhà vật lý nổi tiếng thế giới như P.Dirac, V.Gribov, H.Nielsen,…đều thường xuyên đến Budapest dự hội thảo, đọc bài giảng. Vì vậy, tôi dễ dàng tiếp cận về những vấn đề mà GS. Nguyễn Văn Hiệu đã “đặt hàng”. Nếu như GS. Nguyễn Hoàng Phương, định hướng cho tôi học Vật lý lý thuyết, thì GS. Nguyễn Văn Hiệu là người định hướng cho tôi nghiên cứu vật lý hạt cơ bản. Năm thứ 5 đại học, tôi chuyển về Budapest làm luận văn tốt nghiệp về “Mô men từ của baryon trong mô hình thế năng dao động điều hòa của quark” với Viện sĩ I.Lovas tại Viện Vật lý Trung tâm. Tôi được dự các bài giảng về Sắc động học lượng tử của J.G.Kuti và Hình học vi phân của G.Sos tại Đại học Tổng hợp Budapest. Năm đó tôi cũng được giải thưởng đặc biệt trong cuộc thi Ortway Rudolph dành cho các nhà vật lý trẻ, đồng thời có kết quả nghiên cứu tốt, tôi được Viện Hàn Lâm đề nghị chuyển tiếp sinh, với một vị trí nghiên cứu được thu xếp ngoài hiệp định giữa hai nước. Tuy vậy, tôi nóng lòng về nước gặp Nguyễn Văn Hiệu để kể cho ông nghe về những cái tôi đã làm được. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ quay lại Budapest dễ dàng trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu ở Việt Nam có công việc cần đến tôi, thì việc quay lại Budapest cũng không hoàn toàn quan trọng. Hồi đó chúng tôi đều nghĩ đơn giản và trong sáng, không hề màng tới bằng cấp, sở thích và lợi lộc cá nhân như thế.

      Về Việt Nam, tôi có hai lựa chọn là về Viện Hạt Nhân của GS.Nguyễn Đình Tứ hoặc về Viện Vật lý của GS.Nguyễn Văn Hiệu. GS. Nguyễn Đình Tứ, khi đó đang kiêm Bộ trưởng Bộ Đại học, là người có quyền quyết định về việc quay lại Budapest làm việc của tôi. Ông đã gặp tôi đề xuất tôi trở lại Budapest nghiên cứu về vật lý lò phản ứng. Ông giới thiệu cho tôi các anh Trần Thanh Minh, Phạm Duy Hiển từ Đà Lạt ra và nhóm lý thuyết của các anh Cao Chi, Đoàn Nhượng, tại trụ sở Nguyễn Du. Các anh đều rất dễ mến và cởi mở. Phải nói đề xuất của Nguyễn Đình Tứ khá hấp dẫn, tôi vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu về quark vừa học thêm các kiến thức để vận hành lò phản ứng ở Đà Lạt, là công việc đang rất cấp thiết. Nhưng cuối cùng tôi bị thu hút bởi phong cách của Nguyễn Văn Hiệu nhiều hơn. Ông tới nhà tôi nhiều lần, rồi chạy sang Bộ Đại Học, để xin cho tôi về Viện Vật lý. Lần nào ông cũng tất tả đến rồi đi như một cơn lốc, nhiều lần không ngồi, chỉ đứng nói và nói ầm ầm. Ông có một phong cách sôi nổi, lôi cuốn đối với bọn trẻ như tôi, trái với phong cách nhỏ nhẻ điềm đạm của Nguyễn Đình Tứ. Nguyễn Hoàng Phương cũng ủng hộ tôi về làm việc ở Viện Vật lý của  GS Hiệu. Sau này tôi mới biết GS Hiệu tốt nghiệp đại học khi mới 18 tuổi, năm 1958 và năm 22 tuổi đã được các thầy Nguyễn Hoàng Phương và Tạ Quang Bửu giới thiệu và cử đi nghiên cứu tại Dubna.



NGUYỄN VĂN HIỆU VÀ TÔI - Nguyễn Ái Việt (1)

 Người khổng lồ cô đơn

      Hơn nửa thế kỷ qua, cái bóng của Nguyễn Văn Hiệu vẫn sừng sững phủ lên nền khoa học, ngành Vật lý Việt Nam và các học trò của mình. Ông là người cuối cùng của thế hệ đã đặt nền móng cho nền khoa học đó. Là một nhà lãnh đạo khoa học lâu năm nhất, ông có nhiều người mang ơn, yêu quý, nhưng  cũng không thiếu  người không ưa, trách móc hay ghen tị. Nhưng thật công tâm mà nói, ai cũng phải thừa nhận tài năng khoa học và đóng góp của ông cho khoa học nước nhà.      

         Cá nhân tôi đánh giá Nguyễn Văn Hiệu là một tài năng lớn mà mỗi dân tộc không phải lúc nào cũng có thể sản sinh ra. Năng lực và nỗ lực cá nhân đặc biệt hội tụ với những cơ hội hiếm có đã chung đúc nên một Nguyễn Văn Hiệu xuất chúng như chúng ta biết. Sẽ phải còn rất lâu, dân tộc ta mới sẽ sản sinh được một tượng đài như thế.

      Dù vậy, tôi đã băn khoăn nhiều trước khi cầm bút viết bài này. Một mặt, tôi chưa từng là học trò hay đồng sự gần gũi của Nguyễn Văn Hiệu. Kỷ niệm của tôi với ông không có nhiều, thậm chí chỉ là một tấm ảnh chụp chung cũng không có, không đủ thuyết phục để viết về ông. Mặt khác, tôi không phải là một người có thể viết tốt một bài tổng kết, đánh giá để tôn vinh một người vừa nằm xuống. Về tư duy quản lý khoa học, tôi và Nguyễn Văn Hiệu thuộc về hai thời kỳ hoàn toàn khác nhau. Có thể giữa chúng tôi có một mối tương thông nào đó về tư tưởng, hoặc với tư cách là đồng nghiệp, tôi có thể diễn giải ý nghĩa  nhiều công trình khoa học của Nguyễn Văn Hiệu để mọi người có thể hiểu đúng những giá trị thực sự đẹp đẽ đằng sau vẻ chói lòa của chúng. Tôi có thể sẽ viết một cuốn sách đầy đủ về ông vào một dịp khác, khi không khí trang trọng nhớ tiếc đối với ông sẽ lắng xuống, nhường chỗ cho việc suy nghĩ duy lý và công bằng hơn. Cuối cùng, như một con người Nguyễn Văn Hiệu có những điểm yếu, những bi kịch cá nhân, bị giằng xé bởi nhiều mâu thuẫn. Sẽ là phiến diện, công thức một chiều hay sáo mòn, nếu không hiểu được những khía cạnh con người, cảm thấy được sức nặng mà ông đã phải gánh chịu để thấy hết được tầm cỡ  lớn lao của ông.

      Nhắc đến GS Nguyễn Văn Hiệu, tôi luôn nhớ tới hình ảnh của ông rất đẹp vào những năm 1980: mạnh mẽ, xốc vác, sẵn sàng xông vào bất cứ vấn đề khoa học nào, không ngán ngại bất cứ vấn đề quản lý nào. Ông như một người khổng lồ sẵn sàng vác cả ngành vật lý và cả nền khoa học Việt Nam trên vai mình. Vào một ngày nào đó, buổi sáng, GS Hiệu có thể đang say sưa nói về lý thuyết siêu hấp dẫn trong không gian 11 chiều, giảng về ứng dụng lý thuyết trường lượng tử trong vật lý bán dẫn, buổi chiều, ông đã tất tả bay vào Tây Nguyên, vật nài một ai đó để có hàng trăm mét khối gỗ xây dựng cho Viện Khoa học Việt Nam. Dưới những áp lực khủng khiếp của thời cuộc, của những định kiến lạc hậu và ngộ nhận duy ý chí của một thời, để tồn tại và được làm việc, ông đã phải thỏa hiệp, chịu đựng và thậm chí phải đánh đổi rất nhiều. Đằng sau vinh quang chói lọi là sự cô đơn mênh mông. Nhưng với một năng lượng tinh thần không bao giờ cạn, ông luôn miệt mài với công việc mới, không nề hà bất cứ công việc nào, dẫm lên nỗi buồn mà đi. Có lẽ với tâm thế như vậy, ông dần hình thành một dáng đi rất đặc biệt: bước chân nặng nề, đầu gối như phải chịu áp lực ngàn cân, tưởng chừng sẽ sụt xuống, nhưng rồi lại hết sức bật lên, không ngừng tiến tới, giống như một người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp đang vác cả bầu trời trên đôi vai vạm vỡ của mình.




Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Chỉ những nền văn hoá lớn mới nuôi được bọn gàn

Dân tộc nào, thời đại nào cũng có người gàn. Socrates đốt đuốc tìm chân lý ban ngày. Diogenes sống trong thùng gỗ. Bá Di Thúc Tề không ăn thóc nhà Chu đến nỗi chết đói Thú Dương. Nhạc Phi cùng con trai bị hãm chết ở Phong Ba Đình vẫn tin ở "thiên nhật chiêu chiêu" (mặt trời sáng tỏ). Bùi Giáng rách rưới, đói khát, ngủ ngoài đường mà tự cho mình là trích tiên.

Gàn tức là đi ngược lại tính toán khôn ngoan thường tình. Thường thì gàn không có công tích gì cụ thể, chẳng tạo lập được tài sản, ngu ngơ giữa đường đời, thiệt thân mình, khổ vợ con.
Vậy mà những dân tộc lớn lại trọng người gàn. Những dân tộc quá tỉnh táo, khinh rẻ người gàn thường lại là nhược tiểu, đói nghèo, lạc hậu, suốt ngày nói chuyện khởi nghiệp, đi tắt đón đầu, mơ chuyện ông Bành Tổ, chê bai kẻ gàn dở, khinh bạc kẻ cần kiệm, bạc đãi kẻ không biết xa hoa.
Quốc gia sáng suốt không phải là tập hợp của những kẻ quá tinh ranh. Kẻ tinh ranh thành thói quen tính lợi hại trước mắt. Tính lợi hại thì xoay chiều liên tục, như chiếu tam cúc, chuyển tiền từ túi này qua túi khác rồi lại trở về, khó sinh giá trị mới. Quốc gia sáng suốt phải dựa trên các giá trị ổn định. Không ai giữ giá trị ổn định đáng tin cậy bằng bọn gàn. Vì sao quỹ khoa học, quỹ đầu tư của các quốc gia, không phải lo quản lý đến từng xu mà chọn lựa vẫn công tâm, hiệu quả đầu tư cao? Vì bọn quản lý toàn những tay gàn, không hề quan tâm đến thiệt hơn. Đừng có tưởng bọn Tây là ngố ngốc dễ lừa. Không bọn con buôn nào ma lanh láu cá như bọn tư bản Tây. Nhưng hễ cần hỏi ý kiến là chúng mời ngay bọn gàn, được chăm bẵm để giữ bằng được bản tính gàn và để ra các quyết định thay cho xã hội.
Cố nhiên các quốc gia tinh ranh hơn không đời nào chịu nuôi bọn gàn, để mất thời gian nghe chúng bàn chuyện viển vông, nghiên cứu phát triển RD gì đó vớ vẩn. Vả lại có muốn nuôi cũng chẳng nuôi nổi vì các quốc gia này thường đói nghèo, lạc hậu, quốc khố rỗng tuếch có được đồng nào không bị bọn tinh ranh tham nhũng thì đã bị các quyết định đầu tư ngu xuẩn ăn hết sạch.
Vì thế mới có chuyện bà bán phở ở khu Kim Liên xem TV thấy giới thiệu về Giáo sư Trần Đức Thảo nổi tiếng thế giới bèn chép miệng mà rằng "Cũng là Trần Đức Thảo mà Trần Đức Thảo của người ta sao mà giỏi giang quý hoá thế. Trần Đức Thảo ở khu mình sống khác gì con chó".