Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Học giả học thật: "tựu chung" hay "tựu trung"

Nếu dùng Google có thể thấy tội nhân của nạn loạn chữ nghĩa ở Việt Nam là các sĩ phu biết chút chữ nghĩa chứ không phải là dân lành.

Vụ "thủy tạ"-"thủy tọa" đã buồn cười kinh hoàng với mấy bác hay chữ lỏng. Các bác dạy rằng "tọa" là "ngồi", "thủy tọa" là "ngồi trên nước" vì vậy nhà Thủy Tạ phải đọc là nhà Thủy Tọa mới đúng. Các bác còn giải thích từ Thủy Tạ (sai) sinh ra là do người Hà Nội lười uốn môi, đọc ngọng mà ra. Có thể thấy khá nhiều trang web, báo điện tử đứng đắn có ý kiến chỉnh người khác phải đọc là "thủy tọa". Tôi phải làm một research nhỏ bằng Google và tìm được từ Thủy Tạ là "căn phòng trên nước".  Trừ phi, ông Hà Văn Thùy đúng, Thủy Tọa vốn là từ Việt, bọn Tàu học lóm của ta mà thành Thủy Tạ. Cho dù như thế, nói ngọng là bọn Tàu quyết không phải người Hà Nội.

Hôm nay, tôi lại thử chữ "tựu trung"-"tựu chung", những tưởng là có một đánh giá về từ viết sai chính tả. Nhưng hỡi ôi, thất vọng toàn tập. Lại có một lô học giả khác quả quyết "tựu trung" là chữ  就中 (Tựu là đến, tề tựu => tất cả. Trung là ở giữa, trong đó. Vì vậy, tựu trung có nghĩa như : Tóm lại. Từ điển của soha, website của nhà báo Việt Nam,... Đầu tiên, tôi thực sự hoảng sợ vì thân mang tiếng là người đi sửa lỗi chính tả cho người khác mà từ nhỏ đến lớn vẫn viết "tựu chung".

Cũng tương tự như "thủy tọa", tôi rất nghi ngờ ở cách thành lập từ của "tựu trung". "Tựu chung" là "tới cùng" (eventually) là một bổ ngữ. "Tựu trung" có vẻ là một giới từ "ở trong". Muốn chứng minh điều đó, chỉ cần gọi bác Google hỏi. Trước tiên, tôi tra từ điển Thiều Chửu để có từ "tựu chung" là 就終.  Sau đó Google trong ngoặc kép "就終" và "就中". Sau đó lấy các câu tìm được bỏ vào Google Translate (đối với những người chữ Hán bập bõm như tôi như thế là tiện nhất). Có thể thấy ngay các câu có "tựu chung" đều có ý "finally", "eventually", "to the end". Các câu có "tựu trung" đều chỉ có in "on the", "in the",...

Cố nhiên, cách tra cứu như thế chỉ có nghĩa khi các từ Hán-Việt tồn tại và có gốc Hán. Nếu theo lý thuyết không có từ Hán-Việt, thì không thể phân định được.

Cuối cùng chỉ nói thêm một ý: Bọn đọc sách bày ra thì bọn đọc sách khác phải dọn cũng là thường tình, chẳng có công cán gì cả.

1 nhận xét:

  1. Có lẽ từ gốc Hán sẽ bị đào thải bớt (dù không hết) vì dần chẳng ai hiểu nghĩa nữa... Chỉ có những tay sính chữ mà lại dốt thì mới dùng.

    Trả lờiXóa