Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Hiệu ứng Mpemba

Cho dù đã đọc thiên kinh vạn quyển, biết nhiều thứ hiện đại, nhưng đừng có nghĩ mọi vấn đề đơn giản, cổ điển là dễ. Cũng đừng tin ở trực giác của mình. Cũng đừng tin ở khả năng vận dụng lý thuyết của mình hoặc bất cứ nhà bác học nào dù vĩ đại đến mấy. Cũng đừng quá tin ở lý thuyết dù chặt chẽ đến mấy.

Cổ nhân nói "Học mà tin ở sách, chẳng thà đừng đọc sách".Tất nhiên có kẻ tiểu nhân sẽ cắt nghĩa thành không nên đọc sách. Cổ nhân cũng nói "Nghi ngờ là thầy của ta" (Kẻ tiểu nhân sẽ cắt nghĩa thành niềm tin không có giá trị bằng tiền bạc. Cái gì cũng có thể cắt nghĩa theo hai cách đối lập, một theo chính, khuyến khích hành động, tiến lên, một theo tà, thủ tiêu hành động, ung thối. Về mặt luận lý, nhiều khi thấy đằng nào nói cũng phải, đành phải trông cậy vào kinh nghiệm mà thôi.

Điều đó cũng như y lý Á Đông. Có kẻ suy thận, thầy thuốc bốc những vị mát ngọt, bổ thận, ích thủy. Bệnh khỏi. Thầy thuốc mở sách giảng: Thận chủ về âm, là nguồn của Thủy, nay âm suy, thủy kiệt là khi phải khai thông nguồn nước, mở âm. Cũng có kẻ suy thận dùng bài thuốc đó bệnh càng nặng, tìm thầy khác. Thẩy cho bài thuốc bổ dương. Rồi cũng mở sách giảng: Thủy khô kiệt thì hỏa thịnh. Hỏa diệm sơn cháy rừng rực đem đổ nước vào, lửa càng cháy to, nguy lắm thay.
         1. Cho một cái bình cổ hẹp, để ngang. Nếu đốt một ngọn nến ở miệng bình, thì áp suất trong bình sẽ tăng hay giảm. Theo lẽ thường, không khí nóng sẽ nở ra, áp suất tăng. Theo nguyên tắc cân bằng sẽ làm áp suất trong bình tăng. Nhưng thực tế áp suất trong bình giảm. Dựa trên nguyên lý này người ta làm ra một loại bơm chân không.
        2.  Một người bị tai nạn, nếu không có ai, sẽ không có trợ giúp. Nếu xung quanh có người, anh ta sẽ được trợ giúp. Nếu càng nhiều người, xác suất được trợ giúp ngày càng cao, tỷ lệ với xác suất có người hảo tâm trong đám đông. Sự thực, với một đám đông, nhiều người qua lại như tại bến tàu điện ngầm, xác suất này sẽ tỷ lệ nghịch với số người chứng kiến. (Định luật này gọi là  định luật Aronson).
       3. Một nhà toán học nọ, sau nhiều năm chứng minh được một định lý topo, suy ra một số N hữu hạn cách lát nền nhà khả dĩ. Phát minh này được tán thưởng đến nỗi nó được trình bày lại trong một tạp chí phổ biến. Rất nhanh sau đó, một bà nội trợ tìm thêm vài cách khác với các cách do nhà toán học nọ đã tìm ra bằng đủ các lý thuyết.
    Tuy nhiên, hiệu ứng Mpemba mới là ví dụ điển hình nhất mà tôi mới biết hôm qua, do trò chuyện với một anh bạn trẻ.
    Anh bạn trẻ đặt ra cho tôi câu hỏi "Tại sao cùng một cốc nước, nếu đun nóng lên đặt vào tủ lạnh sẽ đóng đá nhanh hơn là cốc nước nguội".
     Té ra nhân loại đã biết vấn đề này từ thời Aristotles và đã có các học giả như Francis Bacon và René Descartes đề cập tới. Tuy nhiên do vấn đề này quá dễ hiểu và hiển nhiên, người ta dùng một loại "trực giác lý thuyết" để bác bỏ và không cần bận tâm thực nghiệm thử xem. Họ thường cho vấn đề này là của các nhà lý thuyết lạc hậu, họ có thể vin vào các nhà bác học hiện đại hơn, danh tiếng cũng chẳng kém gì để dán cho vấn đề này một cái mác kinh viện, tưởng tượng, lý thuyết suông. Nếu ai có nói là đã quan sát được, họ sẽ nói "chắc có một sai lầm thực nghiệm nào đó".
     Sự thực thì cho đến nay vấn đề này vẫn chưa có một lý thuyết này giải thích được và được công nhận. Sở dĩ đây gọi là hiệu ứng Mpemba là theo tên của một học sinh trung học ở châu Phi đã phát hiện ra hiện tượng này năm 1963, khi làm kem.
     Gần đây có một nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã công bố một cách giải thích hiện tượng này bằng cách sử dụng cấu trúc của phân tử nước H2O. Tuy nhiên vẫn còn sớm để nói đây là câu trả lời, bởi lẽ còn cần nhiều thực nghiệm khác để chứng minh từng luận điểm trong lý thuyết trên. Nếu không, vật lý hiện đại vẫn chẳng hơn gì y học Á Đông trong hiệu ứng Mpemba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét