Con
người Nguyễn Văn Hiệu
Nguyễn Văn Hiệu là một
nhà khoa học lớn, nhưng trước hết là một con người. Ở vị trí của mình, ông phải
chịu sức ép quá lớn từ hoàn cảnh, vốn không mấy thuận lợi cho việc phát triển
khoa học. Tôi nghĩ, ông thừa thông minh để hiểu, các nhà khoa học được tôn vinh
đôi khi chỉ để trang trí hoặc chỉ như một gia vị.
Nhiều người nói điểm mạnh và cũng là điểm
yếu của Nguyễn Văn Hiệu là tính độc đoán và định kiến. Trong nhiều hoàn cảnh,
tính quyết đoán của Nguyễn Văn Hiệu là ưu điểm vượt trội của ông trong một nền
hành chính thiếu quyết đoán, mù mờ, thủ tục nhiêu khê kéo dài, không ai dám quyết,
dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Dù
không phải lúc nào ông cũng đúng, nhưng sau này, có kinh nghiệm quản lý, tôi mới
thấy điều đó là cần thiết. Làm được 6-7 việc và sai 2-3, nếu không vi phạm luật
chắc chắn là hơn nhưng người chỉ làm 1-2 việc đúng. Tuy nhiên cũng có khi ông
khá độc đoán và định kiến kéo dài, không công bằng với một số người. Đó là điểm
yếu của ông, nhưng cũng là tất yếu có thể hiểu được.
Một
số người khác nói rằng điểm yếu của Nguyễn Văn Hiệu là khoa trương, nói nhiều
việc nhưng không thực hiện được. Sự thực thì Nguyễn Văn Hiệu rất nhiệt tình
truyền cảm hứng cho mọi người. Mỗi khi ông đi công tác nước ngoài về, có được
những ý tưởng mới, ông lại mời các cán bộ trong Viện lại và say sưa nói về viễn
cảnh phát triển. Có người đã nghe ông nói hàng chục lần, trải qua hàng chục
năm, nghe ông nói vẫn thấy nhiệt huyết sôi sục, muốn bắt tay vào việc. Đây
chính là biệt tài của ông, khiến ông có sức thu hút, có khả năng tập hợp người,
làm nhiều việc thành công. Tất nhiên, ông rất linh hoạt và luôn có ý tưởng mới,
vì vậy ông như một người rắc ý tưởng trên đường đi, không phải luôn luôn có thời
gian và nguồn lực để thực hiện. Nếu ai nắm bắt và sử dụng được, mọi ý tưởng của
ông đều hàm chứa những chân trời phát triển mới. Vì thế tôi cho đây là một tính
cách hồn hậu, nhiệt tình của Nguyễn Văn Hiệu.
Có
lẽ điểm yếu thực sự của ông là một tính cách tưởng chừng vô hại, và cũng là
tính cách chung của nhiều nhà khoa học Việt Nam là cảm tính và cả tin. Chẳng hạn,
tôi đã tận mắt thấy Nguyễn Hoàng Phương làm việc với “các nhà ngoại cảm”, ghi tất
cả những gì họ nói coi là nguồn thông tin tin cậy mà không kiểm tra. Ông ngây
thơ cho rằng ai cũng trong sáng, trọng danh dự và yêu chân lý như mình, không hề
nghĩ tới những động cơ xấu. Thành thử các nhà khoa học, đáng ra rất duy lý lại
dùng cảm tính để suy diễn và rất hay bị lừa phỉnh. Nguyễn Văn Hiệu cũng có những
niềm tin cảm tính như vậy. Là nhà quản lý, có danh vọng, nhiều người vây quanh
tâng bốc, lại bận rộn lọc thông tin không kỹ càng, rất dễ sai lầm. Bên cạnh đó,
nhà quản lý thường cô đơn, vì những nhà khoa học thực sự, có bản lãnh thường
không thích hòa mình vào đám đông xun xoe đang vây quanh ông. Tôi cảm nhận được
sự cô đơn của Nguyễn Văn Hiệu và nhiều khi thấy thương ông vô cùng.
GS Cao Long Vân, một nhà vật lý lý thuyết
xuất sắc tại Ba Lan, tỏ ý tiếc cho việc Nguyễn Văn Hiệu không phát huy được mặt
mạnh nhất của ông là lý thuyết trường và hạt cơ bản tại Việt Nam. Ông không có
truyền nhân trực tiếp nào có tầm cỡ như ông hoặc ít ra tương đương với các học
trò trong vật lý chất rắn. Trong những học trò đời cuối cùng của ông chỉ có Hà
Đại Phước còn làm về lý thuyết hạt cơ bản ở Mỹ, nhưng không phải theo hướng của
Nguyễn Văn Hiệu đã hướng dẫn. Tại Mỹ, Hà Đại Phước đã đi theo hướng nghiên cứu
của tôi làm thời sinh viên là tính mô ment từ của các hạt baryon và có những kết
quả xuất sắc. Nhà khoa học sẽ được sống mãi trong công việc tiếp nối của các học
trò, Nguyễn Văn Hiệu để những kiến thức về lý thuyết trường và hạt sơ cấp của
ông uổng phí là một điều đáng tiếc, không phải đối với riêng ông mà còn đối với
ngành Vật lý Việt Nam. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi vì sao khi các học trò xuất
sắc nhất của ông như Nguyễn Ái Việt A, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Bá Ân, đã trưởng
thành, nghĩa vụ của Nguyễn Văn Hiệu đối với vật lý chất rắn đã hoàn tất, ông
không truyền thụ nốt cho họ những “tuyệt chiêu” về lý thuyết trường và hạt cơ bản
của ông. Một người thầy lớn phải luôn luôn mong muốn có những học trò được như
mình, thậm chí hơn mình, như Nguyễn Hoàng Phương đã từng hết lòng với Nguyễn
Văn Hiệu.
Theo
tôi, tình yêu của Nguyễn Văn Hiệu đối với Vật lý luôn cháy bỏng, nhưng ông luôn
hướng tới những kết quả cụ thể, không để ý nhiều tới những vẻ đẹp mê hồn của
nó. Có một điều gì đó, tôi thấy thiếu ở Nguyễn Văn Hiệu là sự lãng mạn, tôn thờ
cái đẹp thủy chung trong Vật lý ở những người như Nguyễn Hoàng Phương, Cao Chi.
Có lẽ ông quá bận rộn không có thời gian để thưởng thức những vẻ đẹp mà đáng ra
ông có quyền được hưởng. Đôi khi ông bỏ qua những tài năng trẻ không theo những
hướng nghiên cứu mà ông đang quan tâm. Trường hợp mà tôi tiếc nhất là Trần Trí
Triết, là nghiên cứu viên của phòng Vật lý lý thuyết trong những năm 1979-1980.
Anh có những tư tưởng rất táo bạo, kiến thức rất sâu, nhưng không được động
viên và tạo điều kiện thích đáng, cuối cùng phải bỏ nghề.
Điều tôi tiếc nhất cho Nguyễn Văn Hiệu là
ông không giữ được quan hệ tốt đẹp với một số đồng nghiệp, trong đó có những
người thực sự xuất sắc. Nếu ông có thể kết hợp với họ, sử dụng được năng lực của
họ, với cả một tập thể lớn, nền vật lý của chúng ta có thể sẽ tiến xa hơn nữa.
Nước nổi, thuyền nổi, người cầm lái sẽ càng nổi. Người xưa có nói “dụng nhân
như dụng mộc”, dùng cây không chỉ dùng thân, sử dụng được cả lá, cành và rễ mới
là thợ cả giỏi. Đôi khi toàn bộ giá trị
của cây lại nằm trong phần rễ xấu xí ẩn sâu trong lòng đất.
Nhắc đến Nguyễn Văn Hiệu, không nhắc đến
Nguyễn Hoàng Phương là một thiếu sót lớn, không công bằng, có thể là thiếu
trung thực. Nếu Nguyễn Văn Hiệu không gặp được Logunov, Nguyễn Văn Hiệu có thể
không có bằng sáng chế về tán xạ phi đàn tính sâu, ông vẫn có thể có những công
trình khác với Pontercovo, Markov, Ogievetsky ở phòng thí nghiệm neutrino. Việt
Nam vẫn có thể có nhà quản lý Nguyễn Văn Hiệu, vì thời thế đã gọi tên ông. Thậm
chí ông có thể được nhắc tên nhiều hơn trên về khoa học. Nhưng nếu không có, sự
giúp đỡ chí tình, vô tư và tầm nhìn của một người thầy lớn, những hướng dẫn ban
đầu của Nguyễn Hoàng Phương, khó có thể có một Nguyễn Văn Hiệu như ngày nay
chúng ta biết.
Có thể nếu được làm việc dưới quyền của
Nguyễn Đình Tứ, tôi sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn về tư duy quản lý, cảm thấy
sự ấm áp hơn về tình người. Nếu được làm khoa học với Trần Hữu Phát, có thể tôi
sẽ có được nhiều giờ thảo luận sâu hơn về vật lý thực sự. Có thể nếu được sinh
ra sớm hơn, tôi có thể sẽ được làm việc với Nguyễn Hoàng Phương để tiếp thu những
ý tưởng bay bổng. Nhưng nếu được chọn lại từ đầu, có lẽ tôi vẫn sẽ chọn về Viện
Vật lý, cho dù chỉ được chiêm ngưỡng, học hỏi Nguyễn Văn Hiệu từ xa và cuối
cùng chỉ nhận được từ ông sự cảm thông muộn màng. Đối với con đường khoa học và
đến với những hoài bão tuổi trẻ, một lời tri kỷ từ một đồng nghiệp cũng đã là
may mắn đủ cho thiên thu không dễ dầu gì có được. Có lẽ tôi cũng cô đơn như
ông, mặc dù chưa bao giờ muốn làm một người khổng lồ, với đôi đầu gối mỏi mòn
dưới sức nặng ngàn cân, lê từng bước nặng nề hành hương về một phương trời vô định.