Vấn đề chắc chắn không hạn chế ở môn lịch sử. Chưa nói những môn chưa nổi lên bề mặt như Giáo dục công dân, Công nghệ, Địa lý, Hóa học, Sinh Vật, Vật Lý ngay cả những môn "hot", bắt buộc như Toán, Văn, Ngoại ngữ,... nếu có cơ hội tỏ thái độ cũng sẽ bị học sinh phang cho tới số. Cách dạy của chúng ta có vấn đề. Không phải chỉ là vấn đề nhồi nhét, ở một số môn kiến thức ấu trĩ, lạc hậu về phương pháp, tụt hậu so với thế giới cả thế kỷ. Sách giáo khoa về một số môn, khó có thể nói là sách giáo khoa, mà có vẻ giống như một bộ phao kiến thức được in nhiều hơn.
Môn Lich sử là một trường hợp điển hình để đặt ra câu hỏi: Làm thế nào một môn học hay như vậy lại bị học sinh ghét. Cách đây một năm, câu trả lời của Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận về môn học Lịch sử và Công nghệ Thông tin là thẳng thắn, nhưng đã gây không ít bất mãn. Khoan hãy trách móc các thầy dạy Sử. Chúng ta hãy thử phỏng vấn các bậc làm cha mẹ, các nhà quản lý giáo dục về những lợi ích do học lịch sử đem lại. Chắc chắn, nhiều người sẽ trả lời chung chung "dân ta phải biết sử ta", "để giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc",... Nhận thức chung của xã hội thấp kém như thế, chẳng trách chương trình lạc hậu, các thầy dạy buồn chán. Thực ra, Lich Sử là một môn học rèn luyện tư duy phân tích không kém các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý,... ( Các môn Toán Lý của ta đã rèn luyện tư duy phân tích ra gì hay chưa lại là một vấn đề nhức nhối khác). Phân tích sự kiện, hiện tượng, liên hệ xâu chuỗi các sự kiện tưởng chừng không liên hệ với nhau, xử lý dữ liệu thông tin hiếm hoi để có bức tranh toàn cảnh,... đòi hỏi những bộ óc sáng suốt minh mẫn nhất. Lịch Sử còn dạy người ta về đạo đức, ứng xử, phân biệt các khái niệm, quan niệm, giúp người ta suy nghĩ một cách khách quan hơn về các giá trị, nắm được đâu là các giá trị vĩnh cửu của nhân loại,... Lịch Sử cũng là một nghệ thuật tranh luận để bảo vệ các quan điểm đối lập có giá trị như nhau, qua đó phát triển tư duy một cách tích cực. Học Sử buộc người ta phải đọc nhiều, quan sát thực tế nhiều, động não để hệ thống hóa, phải biết trình bày ý tưởng trong những luồng suy nghĩ khác nhau, rèn luyện các kỹ năng hùng biện, viết tiểu luận, kể chuyện, thuyết phục. Tư duy về xã hội, triết học chỉ có thể hình thành trên nền tảng vững chắc về Lịch Sử. Toàn bộ những điều đó không được dạy trong môn Lịch Sử hôm nay hoặc rất mơ hồ. Lịch sử bị biến thành môn bộ môn cô lập, liệt kê các ngày tháng một cách nhàm chán, phải học thuộc lòng các kết luận đóng nẹp cứng nhắc như quan tài với dăm ba công thức sáo rỗng không cần học cũng biết khiến học sinh cảm thấy ngán đến mang tai. Văn học Sử, Lich sử Nghệ thuật, Lịch sử Khoa học, Lich sử Triết học, Lịch sử Văn minh... dường như không có bóng dáng trong môn Lịch sử vì một lý do khó hiểu nào đó, khiến học sinh nghĩ đó là các khoa học nào đó khác. Tại sao không thể làm được một việc tối thiểu, động não hơn cho cả thày và trò là dạy học sinh viết các bài luận phân tích về Lịch Sử và đặt ra các vấn đề để khuyến khích tranh luận, làm cho người Việt có được văn hóa biết tôn trọng nhau, tự trọng và các quan điểm đối lập trong tranh luận.
Chuyện đã đến nước như vậy rồi, vấn đề là phải làm gì. Cũng không nên hy vọng nhiều ở các cơ quan quản lý, nếu các bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức được vấn đề. Người ta sẽ chỉ hạn chế vào một số bung xung, sọt rác, hoặc cùng lắm thì kiếm mấy con dê để tế thần, ầm ĩ lên một dạo rồi cho chìm xuồng, hoặc nói đổng vài câu mà ai cũng nghĩ không phải lỗi của mình. Chúng ta thử tưởng tượng, nếu có một kết luận là phải đẩy mạnh dạy môn Lịch Sử, chẳng hạn lại có một chương trình mục tiêu quốc gia, có kinh phí đầy đủ, cơ chế đặc biệt như Viện Toán Cao cấp, sẽ phải làm gì. Viết lại sách giáo khoa ư? Theo hướng nào, ai viết, hội đồng là ai? Đào tạo lại các thầy cô ư, đào tạo thế nào, ai đào tạo? Quan trọng hơn là làm xong những việc đó hết bao nhiêu tiền và có hiệu quả hay không?
Toàn bộ những việc đó chắc chắn là vô bổ, trên một nền tảng về dạy khoa học nhân văn của ta, thậm chí về giáo dục của ta. Đối với môn Lịch sử thì rõ ràng, nhưng các môn khác cũng vậy, một cuốn sách giáo khoa có dày dặn như ở các nước phát triển cũng không bù lại được hàng ngàn cuốn sách đáng có mà không có trong thư viện và trên giá sách cá nhân của mỗi gia đình. Tập tạ hàng ngày cũng không thể làm tay khỏe hơn chân. Kiến thức là phải rèn luyện, dạy, học mà không đọc, không tư duy độc lập thì làm sao sửa đổi được.
Trước hết, có lẽ phải tập trung vào các kỹ năng mềm, đọc, viết, nói, tranh luận, trình bày, thuyết phục, lắng nghe và các phương pháp như phân tích, tổng hợp, lấy số liệu để dẫn chứng. Đồng thời phải có một thị trường sách lớn đa dạng, chứ không tập trung vào mấy mảng "làm giàu nhanh thế nào", "lập trình cho di động trong 7 ngày", "nghệ thuật dùng người", "làm thế nào để thăng tiến", "sếp nghĩ gì", "tri thức ăn liền"... như hiện nay. Sau đó mới đến việc giải phóng thị trường sách giáo khoa, tăng cường sử dụng sách tham khảo, thay đổi phương pháp dạy. Và không được quên, sách phải đến được tay mọi người bằng một chương trình tăng cường sử dụng sách số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét