Hôm trước nghe mấy đồng chí lãnh đạo nói tiếng Anh, gai hết cả người. Thực ra, mình cũng không phải là người phát âm các loại ngoại ngữ thật hay, thật chuẩn. Nhưng nghe hàng không Việt Nam, đài tiếng nói Việt Nam, nhân viên của mình phát âm ngoại ngữ, thì thấy men gan kịch phát. Mình cũng không tham vọng sửa đổi mọi lỗi phát âm, nhưng chỉ hy vọng có một khẩu quyết ngắn, để mọi người đều có thể dùng mà vá phần lớn các lỗi phát âm phổ biến nhất là may rồi. Kinh nghiệm cho thấy rằng, đa số lỗi phát âm đều ở chỗ người học cố gắng ánh xạ các âm tiếng nước ngoài thành một âm Việt. Do đó các lỗi tưởng như khó như "th" tiếng Anh hay "gy" tiếng Hung, "r" tiếng Pháp thực ra không bị vấn đề nhiều lắm. Và thực ra phát âm có vấn đề thì người nước ngoài vẫn hiểu được. Lỗi chiếm đa số lại là các âm tưởng như có sẵn trong tiếng Việt như "i", "a", "g", "k",... Vì vậy, khẩu quyết ngắn là "không phiên âm" hoặc "không ánh xạ 1-1 vào tiếng Việt" khi học phát âm bất cứ tiếng gì.
Trước hết, dễ và hiệu quả nhất là áp dụng khẩu quyết trên luyện phát âm những chữ dễ để đảm bảo phát âm đúng đa số đi đã. Nó sẽ hiệu quả hơn là đầu tư thời gian vào những chữ khó hiếm khi gặp. Lấy ví dụ chữ "city" tiếng Anh. Đa số người Việt nghĩ rằng phát âm chữ này không có vấn đề gì "xi ti " là xong. Thực tế, tôi đã chứng kiến nhiều người nói về thành phố mà người Anh Mỹ nghe không ra. Đầu tiên là âm "i", tưởng dễ vậy mà cũng có vấn đề. Đa số người Việt không phân biệt "i", "ee", "y", nhưng thực ra vẫn có chút khác biệt. Cứ nhìn khẩu hình cũng đủ thấy âm "i" tiếng Việt không giống các âm "i, ee, y" tiếng Anh. Người Việt nói âm này hơi kéo rộng mép ra hai bên, người Anh Mỹ chỉ hơi hé miệng, không phải tại vì mũi họ lõ. Sau đó, là trọng âm và cao độ phát âm. Âm bằng không của tiếng Việt phát âm "xi ti" nghe rất chối. Một số Việt Kiều ít học hay phát âm theo Hoa Kiều thành "xí đì", tuy buồn cười và có phần quá đáng, nhưng Mỹ nghe hiểu hơn "xi ti". Tinh tế hơn sẽ thấy phát âm chữ "t" thay đổi theo ngữ cảnh khá nhiều gần như giữa "t" và "d", chứ không phải rụt lưỡi đọc chữ "t" theo giọng London đọc đa số chữ "t".
Lấy thêm một ví dụ về cách đọc chữ "t" hãy đọc tên "Martin". Đa số người Việt Nam phiên âm ngay phần dễ "tin". Chữ "Mar" có khó hơn do phải uốn lưỡi chữ "r". Như vậy, đa số đọc "Ma ờ tin" là khá hơn "Mác tin". Thực ra vì "phiên âm" nên như thế vẫn không đúng. Phát âm đúng hơn phải là tách âm vị là "Mart" và "in". Chữ "mart" thì học từ cách đọc "cửa hàng tạp hóa" rồi. Như vậy "ma:d ưn" sẽ thấy giống người Anh Mỹ đọc hơn.
Tiếp tục chữ "k". Chữ này tưởng không có vấn đề vì người Việt đọc "c" và "k" giống nhau, "cờ" và "keo" cùng một phụ âm. Thực ra chữ "k" người Anh Mỹ bật từ cuống họng ra gần như khi ta đọc chữ "kh" nhưng bớt "h" đi nên cứng hơn một chút. Nếu đọc "key" là "ki" tiếng Việt, nghe sẽ không hay chút nào. Nếu bật ra như "(kh-k)i" sẽ khá hơn. Nếu luyện được đọc vậy "i" đúng, thì sẽ hoàn toàn.
Tiếp theo nữa là chữ "w". Tưởng giản đơn mà té ra không dễ. Người Việt hay đọc "w" tròn môi như chữ "u". Như William Shakespeare đọc là "Uy liêm Sếch pia". Chỉ riêng âm "wi", "we" đọc thành "uy" thực ra sai bét. Một số người Nam bộ phát âm thành "gh-uy" nghe có vẻ vô lý, nhưng thật ra không phải không có lý do. Chữ "w" thực sự gần như giữa "g" và "v" hơn là "u". Có thể đọc như "v" nhưng đừng cài môi dưới vào răng trên mà dùng vành môi, cao thủ nữa thì dùng chút gốc lưỡi nhưng đừng phun mạnh khí vào vòm họng như "g". Các bạn cứ luyện sẽ thấy nó không dễ, nhưng sẽ cải thiện sau một vài giờ luyện.
Rồi đến chữ "g". Ai cũng tưởng dễ " 3G, gà, gái gú". Nhưng "girl" phát âm là "gơn" như đa số người Việt hẳn có vấn đề. Chữ "g" của người Anh đọc cứng và bật từ cuống họng ra nên gần với chữ "k".
Hầu như bất cứ chữ gì cũng phải luyện lại theo khẩu quyết "không phiên âm". Rồi các ngoại ngữ khác như tiếng Hung quyết không có các chữ "uê", "uy". Các âm "si ơ" và "si a" tiếng Nga quyết không đơn giản là "sờ chim" tiếng Việt, "ts" không là "sờ bướm" hay "ư" quyết không phải âm Nga.
Các bạn cứ nắm chắc khẩu quyết này mà luyện vài tuần, chắc chắn sẽ thấy cải thiện rõ rệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét