Người Việt Nam ta hay cười, mau quên, không thích triết lý dài dòng, thích ăn đồ luộc, thích vàng son mật mỡ. Cái đó ai cũng biết. Phạm Thị Hoài đã đay nghiến tật say mê Mari Sến, không dám nói ra của người Việt. Tôi không phải là người quan tâm đến những vấn đề cao siêu. Nhưng có một nỗi phiền muộn phải nói ra, người Việt không thích nhắc đến kỷ niệm buồn. Đa nhân cách, các khúc quanh trong lịch sử thường bị xóa khỏi ký ức của người Việt một cách bất công, thậm chí là vô ơn.
Điển hình là chiến thắng Bô cô. Đây là một trận thắng lớn trong lịch sử. Quốc sử còn ghi việc Quốc công Đặng Tất phá quân của Mộc Thạch, chém tại trận hơn 10 vạn tên gồm có Đô đốc Lữ Nghị, Thượng Thư Binh Bộ Lưu Tuấn, Tham chính Lưu Dục. Nếu tính về quy mô tiêu diệt còn lớn hơn trận Đống Đa của Nguyễn Huệ, Austerlitz của Napoleon.
Năm 2009, kỷ niệm 600 năm trận Bô Cô, giới truyền thông báo chí không có một câu nhắc nhở. Chỉ duy nhất, có công ty VIEGRID ra sản phẩm Bocohan, nhắc tới trận Bô Cô trong một cuộc họp báo. Tôi đã gửi thư tới Hội Sử học Việt Nam nhắc nhở mà không có hồi âm. Ngày nay cũng không có mấy người biết có trận Bô Cô.
Sau đó có một cuộc tranh luận nhỏ giữa tôi và một nhà sử học về ngày xảy ra Trận Bô Cô. Theo Ngô Sĩ Liên thì trận Bô Cô xảy ra ngày 14 tháng Chạp tức là 29 tháng 12 năm 1408. Như vậy, công ty VIEGRID và tôi không được công lao gì mà còn mắc tội "kỷ niệm nhầm". Đáng chú ý là năm 2008, những người biết cách kỷ niệm đúng, cũng không một lời nhắc đến trận Bô Cô. Tuy nhiên, khi trận Bô Cô diễn ra, Ngô Sĩ Liên còn là một đứa trẻ. Nhà Hậu Trần là nhà nước kháng chiến, không thể có Sử Viện, nếu có thì cũng mất mát hết khi thất bại. Do đó, tư liệu lịch sử chỉ có thể dựa trên sách vở của người khác, đặc biệt là Minh Thực Lục, một bộ sử Trung Quốc, ghi chép hàng ngày theo lối thực lục. Tôi đã tìm thấy bản dịch tiếng Anh của bộ sử này trong một dự án lịch sử của Singapore nhằm tìm hiểu lịch sử Đông Nam Á. Trong đó có đoạn "thực lục" về ngày 24 tháng Chạp (tức 9 tháng 1 năm 1409): "Hôm nay quan Tổng-binh Giao-Chỉ Kiềm-Quốc-công Mộc Thạnh giao tranh với đầu đảng giặc Giao-Chỉ, Giản Định, tại sông Sinh-Quyết bị thua. Đô-đốc Thiêm-sự Lữ Nghị, Binh bộ Thượng-thư Lưu Tuấn, Tham-chính Giao-chỉ Bố-chánh ty Lưu Dục đều chết".
Rõ ràng nguồn sử liệu này đáng tin cậy hơn nhiều. Hơn nữa, rất có thể Ngô Sĩ Liên hoặc thợ khắc mộc bản đã chép sót một chữ "nhị" biến ngày 24 thành ngày 14. Nhà sử học tranh luận với tôi cũng đưa ra lý lẽ là lịch Việt Nam có thể khác lịch Trung Quốc và Minh sử lục cũng có thể sai. Tôi đã phải duyệt lại các sự kiện về sao chổi trước và sau sự kiện Bô Cô và đối chiếu với lịch thiên văn về ngày giờ xuất hiện các sao chổi để chứng minh không có sự sai khác về lịch trước và sau Bô Cô. Vì vậy khả năng lệch ngày do lịch khó xảy ra.
Như vậy có thể kết luận, trận Bô Cô xảy ra năm 1409. Không quan trọng là tại sao không phải là một nhà lịch sử tìm ra mà lại là một người làm khoa học công nghệ. Điều quan trọng và đáng nói là sự thờ ơ của dân tộc đối với võ công của tiền nhân. Phải chăng là vì nó gắn liền với những trang sử buồn. Người Hungary vẫn gìn giữ kỷ niệm về trận Mohács. Người Pháp vẫn không quên về chiến dịch nước Nga hay trận Waterloo. Có lẽ phải biết nhớ về cái bi trong cái hùng thì một dân tộc mới trở thành người lớn được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét