Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Văn hóa luộc

Hôm nay, tự nhiên nhớ con trai, và nhớ món phiếm luận trong bữa cơm tối gia đình này. Nhớ cả cái cười tủm tỉm của cậu Út mấy ngày sau đó khi nhắc về Văn hóa Luộc.

VĂN HÓA LUỘC

Ẩm thực chắc chắn là có ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa. Không ảnh hưởng sao được, ngày nào mà chẳng ăn. Các giác quan đều tác động đi tác động lại đến thần kinh. Chắc nói yêu nước, yêu dân tộc chẳng qua không bỏ được đồ ăn, môi trường sống quen thuộc mà thôi.

Không một nền ẩm thực nào nhiều đồ luộc như Việt Nam. Gà là món quen thuộc với hầu hết các dân tộc, nhưng ít dân tộc ăn luộc. Heo và các món thịt khác cũng luộc. Rau củ quả luộc. Khoai sắn luộc. Cơm cũng chính là gạo luộc. Các loại bánh, phở, bún cũng luộc tất. Có người giải thích đó là vì dân ta sống trên sông nước, sẵn nước thì luộc. Nghe thế biết vậy cũng là một lý luận dễ nhớ, nhưng không hiểu sao, dân Nam bộ nhiều sông nước hơn mà lại thích đồ nướng hơn.

Đặc trưng của các món luộc là nhạt. Có lẽ vì thế văn hóa Việt Nam cũng nhạt. Tính cách nhạt, sống nhạt, cười nhạt, chuyện trò nhạt, yêu đương nhạt, ghét nhau cũng nhàn nhạt. Tất nhiên, có ngoại lệ, nhưng hiếm và quý lắm, những nhân cách đậm đà. Trên nền nhạt có các món kho, mắm mặn đắng, chẳng qua tôi và bạn đều quen ăn từ bé, nhưng khó mà đãi Tây các món này. Trên cái nền nhạt chủ đạo, kho, mắm chẳng qua là kéo dài logic của văn hóa nhạt mà thôi.

Người quyết định mắm muối dầu mỡ trong nhà và phải chịu trách nhiệm về cái nhạt của văn hóa Việt có lẽ là phụ nữ. Vinh quang càng nhiều thì trách nhiệm càng nặng. Hình như có một phương ngôn hay danh ngôn nói là nhìn món ăn trên bàn thì biết tính cách người phụ nữ. Các cụ ta cũng xem mặt con dâu tương lai qua một số đồ ăn mà cô ta làm.

Nếu vậy thì đặc trưng của phụ nữ Việt Nam cũng ... nhạt. Đáng giật mình. Bắc kỳ luộc nhiều hơn Trung và càng vào Nam càng ít luộc và càng bớt nhạt. Phụ nữ Bắc cái gì cũng phải đạo, theo chủ nghĩa trung bình, nhàn nhạt, yêu ghét không mạnh mẽ như phụ nữ Trung Nam. Không biết điều mà logic cướp quyền nói của tôi này nó đúng thế nào. Nhưng đồ ăn Tàu nhiều đồ xào, dầu mỡ, đường, phụ nữ của họ cũng sền sệt, ngòn ngọt và có vẻ ngây ngấy như thế. Đồ xào thường làm nhanh, lửa lớn bốc cả vào chảo, không biết thế nào. Nhưng đúng là cái gì nhanh cũng mau ngấy. Đồ Ấn Độ, nấu rất lâu, gia vị kỹ càng, nồng nàn, quện chặt, hương vị cứ vương vấn mãi, len lỏi vào cả tóc quần áo. Đặc biệt là bốc nên tay anh nào cũng vàng khè bột nghệ từ bé rửa không sạch. Chắc phụ nữ Ấn bám đâu dính đó. Đồ ăn Mexico thì cay, đặc biệt súp hải sản thì bỏ cả vỏ sò lẫn với đủ thứ tôm cua cá. Chắc phụ nữ mạnh mẽ và cũng hay ... kết hợp lẫn lộn. Đồ ăn Ý thì ai cũng thấy vừa miệng, không cần làm quen dài dòng. Đồ ăn Pháp thì ngon nhưng khá mất thời gian tìm hiểu mới đánh giá được hết cái ngon. Cứ thử điểm lại mấy nền ẩm thực quen biết thì có vẻ như logic về văn hóa luộc không phải không có lý.

1 nhận xét:

  1. Chào Anh Ái Việt,
    Tôi vừa đọc bài “ Văn hoá luộc” rất thú vị trên trang cá nhân của anh. Đúng là bài viết của con nhà Toán, có những liên tưởng suy diễn rất độc đáo. Nhớ ra mai là ngày 8/3, ngày của chị em, tôi xin biện hộ một chút cho chị em để đỡ mang tiếng là ..nhạt.
    Theo tôi, ẩm thực Việt nam không nổi tiếng như ẩm thực Tầu, Nhật, Hàn quốc..nhưng nó có vẻ đẹp tiềm ẩn. Chẳng thế mà cách đây vài năm một nhà thuyết trình nổi tiếng đến Việt nam, thưởng thức ẩm thực Việt nam đã khuyên chúng ta chọn slogan: “Việt nam – nhà bếp của thế giới”. Tôi chưa được ăn những món ăn cung đình Huế (chắc học theo Tầu), nhưng tôi thấy những món ăn hàng ngày, dân dã rất giản dị nhưng cũng không kém phần tinh tế, mùa nào thức nấy, món nào gia vị nấy. Chẳng thế mà từ hồi bé chúng mình đã thuộc làu câu thơ :” Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Lại nhớ hồi tôi sang Hàn quốc, bạn rủ đi ăn thịt chó, không ăn nổi vì nhạt nhẽo. Với người Việt, không có riềng mẻ thì không thể có các món thịt chó.
    Quay lại món luộc của người Việt, theo tôi món luộc của ta không phải chỉ là thực phẩm luộc chin mà phải bổ sung một thành phần rất quan trọng là nước chấm và các gia vị, rau cỏ đi kèm để tạo ra chỉnh thể món luộc. Gà luộc thường chấm muối ớt là chanh, thịt lợn luộc thì chấm mắm tôm chanh hoặc nước mắm cốt.. Miền Trung, Miền Nam có món bánh tráng cuốn rau tươi, thịt ba chỉ hoặc chân giò luộc chấm mắm nêm..rất thú vị. Không biết vì có món luộc nên người Việt đã sáng chế ra nước mắm hay ngược lại. Rõ ràng là món luộc nếu hiểu theo nghĩa bao gồm nước chấm, gia vị đi kèm thì đây thực sự là một món ăn rất ngon, bổ , rẻ trên mâm cơm gia đình.
    Một nội dung rất chi là hệ trọng nữa là từ ẩm thực ta nâng lên tầm văn hoá và tính cách người phụ nữ Việt nam, người đã lao động sáng tạo không thua kém gì cánh đàn ông chúng ta nhưng vẫn được chúng ta mặc định gán cho thiên chức toàn quyền bếp núc gia đình. Rõ ràng nếu món luộc thực chất rất tinh tế, ngon bổ rẻ như vậy thì tính cách của người phụ nữ Việt nam chắc cũng không nhạt đâu mà cũng tiềm ẩn rất nhiều vẻ đẹp đấy. Nhân dịp 8/3 chúc chị em luôn xinh tươi, hạnh phúc và tiếp tục thiên chức vĩ đại là giúp cho chúng tôi được thưởng thức một trong tứ khoái vĩnh cửu của con người.
    Anh Ái việt kính mến, trên đây là vài dòng phản biện của tôi. Quan điểm của tôi và anh trong vấn đề này có thể khác nhau. Tôi cho đây là việc bình thường vì chúng ta cùng nhìn một việc ở hai góc khác nhau. Như tấm hình Thầy Trần Văn Nhung chia sẻ trên FB, anh nhìn ra những đường cong tuyệt mỹ còn tôi chỉ thấy 2 con hổ dữ, còn chỗ anh thấy hấp dẫn nhất thì tôi chỉ thấy…. mấy chiếc răng mèo nhọn hoắt.
    Hì nhàn đàm một chút cho vui , chúc anh khoẻ và viết tiếp những bài thú vị cho anh em thưởng thức
    Trân trọng

    Trả lờiXóa